Home Chuyên Đề Corrie Ten Boom Và Sự Cất Lên

Corrie Ten Boom Và Sự Cất Lên

by Sưu Tầm
30 đọc

(Bà đã viết bức thư này từ Trung Quốc gửi cho các mục sư ở Mỹ vào năm 1974)

“Chị Betsy của tôi, và tôi đã bị đưa đến trại tập trung của Đức Quốc-xã ở Ravensbruck vì chúng tôi phạm tội yêu và giúp đỡ người Do Thái. Bảy trăm người trong số chúng tôi từ Hà Lan, Pháp, Nga, Ba Lan và Bỉ được dồn vào một căn phòng vốn chỉ dành cho hai trăm người. Theo những gì tôi biết, thì Betsy và tôi là hai người tin Chúa duy nhất trong căn phòng đó.

Chúng tôi có thể là đại diện duy nhất của Chúa ở nơi đầy thù hận đó, nhưng cũng bởi sự hiện diện của chúng tôi tại đó, mà mọi thứ đã thay đổi. Chúa Giê-xu phán: “Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi.” Chúng ta cũng vậy, phải trở thành những người chiến thắng – mang ánh sáng của Chúa Giê-xu vào một thế giới tối tăm và đầy thù hận.

Có một số người trong chúng ta dạy rằng sẽ không có đại nạn, rằng các Cơ-đốc nhân sẽ có thể thoát khỏi tất cả những điều này. Đây là những giáo sư giả mà Chúa Giê-xu đã cảnh báo chúng ta rằng sẽ xuất hiện rất nhiều vào những ngày sau rốt. Hầu hết họ đều có ít kiến thức về những gì đã và đang diễn ra trên khắp thế giới. Tôi đã ở những quốc gia nơi mà những người thánh của Chúa đang bị bức hại khủng khiếp.

Ở Trung Quốc, những người tin Chúa được dạy rằng, “Đừng lo lắng, trước khi hoạn nạn đến, anh em sẽ được Chúa cất lên.” Sau đó là một cuộc bắt bớ khủng khiếp. Hàng triệu Cơ-đốc nhân đã bị tra tấn đến chết. Sau đó, tôi nghe một Giám-mục ở Trung Quốc buồn bã nói, “Chúng tôi đã thất bại. Lẽ ra chúng tôi phải làm cho dân sự mạnh mẽ để chống lại sự bắt bớ, chứ không phải nói với họ rằng Chúa Giê-xu sẽ đến trước khi sự bắt bớ xảy ra. Hãy nói cho dân sự cách làm thế nào để trở nên mạnh mẽ trong thời kỳ bắt bớ, làm thế nào để đứng vững khi hoạn nạn đến, – phải đứng vững chứ đừng gục ngã.

Tôi cảm thấy mình có một nhiệm vụ thiêng liêng là đi ra và nói cho mọi người trên thế giới này biết  rằng họ có thể mạnh mẽ trong Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta đang luyện tập cho đại nạn, nhưng hơn sáu mươi phần trăm thân thể của Đấng Christ trên khắp thế giới đã bước vào cơn đại nạn. Không có cách nào để thoát khỏi điều đó. Chúng ta sẽ là những người tiếp theo.

Vì tôi đã phải vào tù vì Chúa Giê-xu, và vì tôi đã gặp vị Giám-mục ở Trung Quốc, nên giờ mỗi khi tôi đọc một đoạn Kinh Thánh hay, tôi lại nghĩ: ‘Chà, mình có thể dùng câu này trong thời kỳ đại nạn.’ Sau đó tôi viết câu Kinh Thánh đó ra và học thuộc lòng.

Khi tôi ở trong trại tập trung, một nơi mà chỉ có hai mươi phần trăm phụ nữ sống sót, chúng tôi cố gắng cổ vũ nhau bằng cách nói, “Không điều gì có thể tồi tệ hơn ngày hôm nay.” Nhưng chúng tôi thường thấy ngày hôm sau thậm chí còn tồi tệ hơn. Trong thời gian này, một câu Kinh Thánh mà tôi học thuộc lòng đã mang lại cho tôi niềm hy vọng và niềm vui lớn lao.

Nếu anh em bị sỉ nhục vì danh Đấng Christ thì anh em có phước, vì Thánh Linh vinh quang của Đức Chúa Trời ngự trên anh em [về phần họ tội ác của họ bị phơi bày, còn về phần anh em, Ngài được tôn vinh].” (I Phi-e-rơ 4:14)

Tôi thấy mình như đang nói, “Ha-lê-lu-gia! Vì tôi đang chịu khổ, nên Chúa Giê-xu được tôn vinh!”

Ở Mỹ, các nhà thờ hát, ‘Hãy để hội thánh thoát khỏi hoạn nạn’, nhưng ở Trung Quốc và Châu Phi, đại nạn đã ập đến. Chỉ riêng năm ngoái (1973), hơn hai trăm ngàn Cơ-đốc nhân đã tử vì đạo ở Châu Phi. Bây giờ những điều như thế không bao giờ được đưa lên mặt báo vì chúng gây ảnh hưởng xấu đến chính trị. Nhưng tôi biết. Tôi đã ở đấy. Chúng ta cần nghĩ về điều đó khi chúng ta ngồi trong ngôi nhà đẹp đẽ với những bộ quần áo đẹp để ăn bữa tối thịnh soạn của mình. Nhiều, rất nhiều chi thể của thân thể Đấng Christ đang bị tra tấn cho đến chết ngay tại thời điểm này, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục như thể tất cả chúng ta sẽ thoát khỏi cơn đại nạn.

Nhiều năm trước, tôi đã đến Châu Phi và ở lại một quốc gia nơi có chính phủ mới lên nắm quyền. Đêm đầu tiên tôi ở đó, một số tín hữu Cơ-đốc đã được lệnh phải đến đồn cảnh sát để đăng ký. Khi đến nơi, họ bị bắt và cùng đêm đó họ bị hành quyết. Ngày hôm sau, điều tương tự cũng xảy ra với những Cơ-đốc nhân khác. Ngày thứ ba cũng vậy. Tất cả những người tin Chúa trong huyện đều bị sát hại một cách có hệ thống.

Ngày thứ tư, tôi đến chia sẻ trong một hội thánh nhỏ. Mọi người đến, nhưng họ đầy sợ hãi và căng thẳng. Trong suốt buổi nhóm, họ nhìn nhau, ánh mắt như muốn hỏi: “Liệu người tôi đang ngồi bên cạnh có phải là người tiếp theo bị giết không? Liệu tôi có phải là người tiếp theo không?”

Căn phòng nóng nực và ngột ngạt với những con côn trùng chui qua cửa sổ không có lưới che và vây quanh những bóng đèn trần trụi trên những chiếc ghế dài bằng gỗ trần. Tôi đã kể cho họ nghe một câu chuyện thời thơ ấu của tôi.

“Khi tôi còn là một cô bé,” tôi nói, “Tôi đã đến gặp cha tôi và nói thế này, ‘Cha ơi, con sợ rằng con sẽ không bao giờ đủ mạnh mẽ để làm một người tử vì đạo cho Chúa Giê-xu Christ.’ Cha tôi nói, ‘Hãy nói cho cha biết, khi con đi tàu đến Amsterdam, cha sẽ đưa tiền vé cho con khi nào? Ba tuần trước khi con đi?

Không, cha ơi, cha sẽ cho con tiền mua vé ngay trước khi chúng ta lên tàu.’

Đúng rồi,’ cha tôi nói, ‘và do đó sức mạnh của Đức Chúa Trời cũng như vậy. Cha Thiên Thượng của chúng ta biết khi nào con cần sức mạnh để trở thành một người tử vì đạo cho Chúa Giê-xu Christ. Ngài sẽ cung cấp tất cả những gì con cần – vào đúng thời điểm…’

Những người bạn châu Phi của tôi gật đầu và mỉm cười. Đột nhiên, thần linh của sự vui mừng giáng xuống hội thánh đó và mọi người bắt đầu hát, “Trong chốn ấy rất êm dịu, bên bờ đẹp nơi chúng ta mong gặp nhau” (bài thánh ca “Miền Vinh Hiển”). Cuối tuần đó, một nửa hội thánh đã bị hành quyết. Sau đó, tôi nghe nói rằng những người còn lại cũng đã bị giết cách đây vài tháng.

Nhưng tôi phải nói với bạn một điều. Tôi rất vui vì Chúa đã dùng tôi để khích lệ những người này, vì không giống như nhiều người lãnh đạo của họ, tôi có lời Chúa. Tôi đã xem Kinh Thánh và khám phá ra rằng Chúa Giê-xu không chỉ nói Ngài đã chiến thắng thế gian, mà đối với tất cả những ai trung tín cho đến cuối cùng, Ngài cũng hứa là sẽ ban cho họ mão triều thiên của sự sống.

Chúng ta phải làm gì để có thể sẵn sàng cho cuộc bức hại?

Trước tiên, chúng ta cần ăn nuốt Lời Chúa, tiêu hóa Lời Chúa, biến Lời Chúa thành một phần của con người chúng ta. Điều này có nghĩa là học Kinh Thánh có kỷ luật mỗi ngày vì chúng ta không chỉ học thuộc lòng những phân đoạn Kinh Thánh dài mà còn đưa ra các nguyên tắc để áp dụng vào đời sống của mình.

Tiếp theo, chúng ta cần phát triển mối quan hệ cá nhân với Chúa Giê-xu Christ. Không chỉ là Chúa Giê-xu của ngày hôm qua, Chúa Giê-xu trong lịch sử, mà là Chúa Giê-xu thay đổi đời sống của ngày hôm nay, Đấng hiện đang sống và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.

Chúng ta phải được đầy dẫy Thánh Linh. Đây không phải là mệnh lệnh bắt buộc của Kinh Thánh, nhưng điều này hoàn toàn cần thiết. Những môn đồ trên đất đó không bao giờ có thể đứng lên dưới sự bắt bớ của người Do Thái và người La Mã nếu họ không đợi đến Lễ Ngũ Tuần. Mỗi người chúng ta cần được kinh nghiệm Lễ Ngũ Tuần của riêng mình, lễ báp têm của Chúa Thánh Linh. CHÚNG TA SẼ KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ ĐỨNG VỮNG TRONG KỲ ĐẠI NẠN MÀ KHÔNG CÓ THÁNH LINH NGỰ TRONG MÌNH.

Trong cuộc bức hại sắp tới, chúng ta phải sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và khích lệ nhau. Nhưng chúng ta không được đợi đến khi hoạn nạn đến rồi mới bắt đầu chuẩn bị. Bông trái của Thánh Linh phải là sức mạnh chi phối đời sống của mỗi Cơ-đốc nhân.

Nhiều người sợ hãi về cơn đại nạn sắp tới, họ muốn chạy trốn. Tôi cũng hơi lo sợ khi nghĩ rằng sau tám mươi năm sống trên đất này của mình, bao gồm cả thời gian ở trong trại tập trung khủng khiếp của Đức Quốc xã, tôi lại phải trải qua đại nạn. Nhưng sau khi tôi đọc Kinh Thánh tôi thấy rất vui. 

Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ’, Kinh Thánh nói như vậy. Chị Betsy và tôi là tù nhân của Chúa, chúng tôi rất yếu đuối, nhưng chúng tôi có quyền năng vì Đức Thánh Linh ở trên chúng tôi. Chính sức mạnh bên trong của Đức Thánh Linh đã giúp chúng tôi vượt qua. Không, bạn sẽ không tự mình mạnh mẽ được khi hoạn nạn ập đến. Đúng hơn là, bạn sẽ được làm cho mạnh mẽ  trong quyền năng của Đấng mà sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Trong bảy mươi sáu năm tôi đã biết Chúa Giê-xu và chưa một lần nào Ngài bỏ tôi, hay làm tôi thất vọng.

Dù Chúa giết tôi, tôi vẫn tin cậy Ngài”, (Gióp 13:15) vì tôi biết rằng đối với tất cả những ai là người chiến thắng, Ngài sẽ ban cho mão triều thiên của sự sống. Ha-lê-lu-gia!”

– Corrie Ten Boom – 1974

Vài điều về tác giả: Corrie ten Boom (1892-1983) là một tín hữu Tin Lành người Hà Lan. Vào Thế-chiến II, khi Đức chiếm Hà Lan, Corrie ten Boom và gia đình đã che giấu rất nhiều người Do Thái, cứu họ khỏi bị Đức Quốc-xã giết hại. Một thời gian sau, việc này bị bại lộ. Corrie ten Boom và tất cả người thân trong gia đình đã bị bắt giam. Betsie ten Boom và Willem ten Boom (chị và anh trai của Corrie ten Boom) đã chết trong trại tập trung. Sau khi Thế-chiến II kết thúc, Corrie ten Boom đã thành lập những trung tâm định cư tại Hà Lan giúp những người sống sót từ các trại tập trung tái lập lại cuộc sống. Bà đã đi đến nhiều quốc gia để trình bày về thảm họa của chiến tranh và vận động giúp đỡ những người là nạn nhân của chiến tranh.

Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Sưu tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like