Năm 1883, học giả Kinh Thánh, Thomas Newberry, đã thiết kế một mô hình ba chiều của Đền-thờ Sa-lô-môn và trưng bày tại Triển-lãm Lịch-sử Do Thái, thu hút sự quan tâm của những người gốc Do Thái cũng như Cơ-đốc nhân dành cho ngôi đền Do Thái đầu tiên này. Câu chuyện về sự kết ước của Sa-lô-môn trong việc xây dựng một ngôi nhà kiên cố cho Đức Chúa Trời thu hút trí tưởng tượng của những người tin Chúa mộ đạo. Đền thờ thật trang nghiêm và đẹp đẽ theo quan điểm của con người nhưng ý tưởng này đã được hình thành trong tấm lòng của một vị vua khác, người yêu mến Đức Chúa Trời. Mong muốn hiểu thêm về bối cảnh của việc xây dựng đền thờ và những tranh cãi thời hiện đại xung quanh sự tồn tại của nơi này đã khiến các tín đồ quay trở lại Kinh Thánh để khám phá lý do tại sao ngôi đền này được xây dựng và tại sao Đức Chúa Trời lại chọn Sa-lô-môn để làm việc này.
Dưới đây là một số sự thật thú vị mà Cơ-đốc nhân nên biết về Đền-thờ của Sa-lô-môn:
Ai đã xây dựng Đền-thờ của Sa-lô-môn?
1. Sa-lô-môn được Chúa chọn để xây dựng Đền-thờ
Vua Đa-vít, cha của Sa-lô-môn, sống trong cung điện hoàng gia, nhưng ông lo ngại về việc các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời vẫn phải hầu việc Ngài trong Đền-tạm 400 năm tuổi, đã trải qua bao cuộc di dời từ nơi này đến nơi khác khi dân Y-sơ-ra ên còn lang thang trong đồng vắng. Đa-vít muốn xây một ngôi đền kiên cố cho Đức Chúa Trời và là một nơi an nghỉ cho Hòm Giao Ước (1 Sử-ký 28:2). Nhà tiên tri Na-than ban đầu chấp thuận cho Đa-vít khởi công xây dựng, nhưng Đức Chúa Trời đã phán với Na-than trong một giấc mơ. Đức Chúa Trời phán Đa-vít sẽ không phải là người xây nhà cho Ngài, mặc dù Đa-vít là người theo lòng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Đa-vít sẽ lên kế hoạch và tích lũy nguyên vật liệu cho việc xây dựng (1 Sử-ký 22: 2-4; 22: 14-17; 29: 2-9).
Đa-vít là một vị vua của chiến trận, một chiến binh vĩ đại, người đã thống nhất các bộ tộc Y-sơ-ra-ên, chiếm được Giê-ru-sa-lem và chọn Núi Mô-ri-a làm địa điểm xây dựng một ngôi đền trong tương lai. Nhưng Đức Chúa Trời phán: “Con không được xây cất đền thờ cho danh Ta, vì con là một chiến sĩ và đã làm đổ máu quá nhiều” (1 Sử-ký 28:3). Vinh dự và trách nhiệm xây dựng ngôi đền sẽ thuộc về con trai ông, Sa-lô-môn—tên người có nghĩa là “hòa bình”.
2. Đền thờ này là thành tựu lúc đăng cơ của Sa-lô-môn
Đền thờ không chỉ được thiết kế để làm nơi dâng tế lễ, mà còn thúc đẩy dân Y-sơ-ra-ên quay lưng lại với thần tượng của các quốc gia xung quanh cũng như những hủ tục xấu xa của dân Ca-na-an. Vua Sa-lô-môn có đủ tài chính và vật liệu để xây dựng đền thờ này. Ông được thừa kế vương quốc của cha mình cùng sự giàu có phi thường, và cá nhân ông cũng tích lũy được một gia tài khổng lồ. Nổi tiếng là một nhà xây dựng các công trình công cộng đầy tham vọng, thành tựu đỉnh cao của Sa-lô-môn là việc xây dựng Đền-thờ của Đức Giê-hô-va. Vị trí của đền thờ là tại Núi Mô-ri-a, nơi Đức Chúa Trời hiện ra với Đa-vít, và cũng là nơi Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ (2 Sử-ký 3, Sáng-thế 22).
Việc xây dựng đền thờ bắt đầu sau khi Đa-vít qua đời. Nếu Sa-lô-môn trị vì từ năm 970-930 TCN thì việc xây dựng đền thờ bắt đầu từ năm 966 TCN. Các ghi chép chi tiết về đền thờ được tìm thấy trong sách 1 Các-vua 5-8 và 2 Sử-ký 2-4. Bản ký thuật trong 1 Các-vua 6 mô tả các kích thước, những cửa sổ “có khung và chấn song”, các phòng ốc chung quanh, những khối đá đã được đục sẵn, một cầu thang hình xoắn ốc nối ba tầng, tường và sàn được lát ván bằng gỗ bá hương, chạm khắc tinh xảo, toàn bộ nội thất và bàn thờ trong Nơi Chí Thánh đều được dát vàng ròng, hai chê-ru-bim bằng gỗ ô-liu và đều được dát vàng, các cửa làm bằng gỗ ô-liu và gỗ tùng. Ngôi đền được xây dựng cẩn thận từng chi tiết và theo đúng các thông số kỹ thuật đã được đưa ra trong khoảng thời gian bảy năm.
Sa-lô-môn đã chi bao nhiêu tiền cho việc xây dựng Đền-thờ?
3. Sa-lô-môn đã không tiếc thứ gì
Vua Hi-ram của Ty-rơ— bạn Vua Đa-vít—đã cung cấp gỗ và đá quý cho Sa-lô-môn để xây cất đền thờ (1 Các-vua 5:1-18). Gỗ được kết thành bè vận chuyển đến Gia-phô bằng đường biển, rồi sau đó được chở bằng đường bộ lên Giê-ru-sa-lem (2 Sử-ký 2). Một sự thật khó tin liên quan đến Đền-thờ của Sa-lô-môn là sự yên tĩnh trong lúc xây dựng. Đá khai thác đã được đục đẽo trước tại hầm đá rồi mới vận chuyển đến địa điểm xây dựng. Nên trong lúc xây cất không ai nghe tiếng búa, đục hay bất cứ dụng cụ bằng sắt nào (1 Các-vua 6:7).
Thước đo tiêu chuẩn được sử dụng để đo đền thờ là cubit (tiếng Việt dịch là ‘thước’)—đền thờ dài sáu mươi cubit, rộng hai mươi cubit, và cao 30 cubit. Hành lang ở phía trước chính điện có chiều dài 20 cubit nằm theo chiều ngang của đền thờ, cao 20 cubit, và rộng 10 cubit nối theo chiều dài của đền thờ (2 Sử-ký 3, 1 Các-vua 6). Nếu tính theo thước đo ngày nay thì chúng ta sẽ có số liệu như sau: “Ngôi đền rộng khoảng 823 mét vuông…với một mái hiên hay tiền đình tương ứng, cao 4,7 mét và rộng khoảng 9 mét; Nơi Thánh, có chiều dài hơn 18 mét và rộng khoảng 9 mét; và Nơi Chí Thánh—là một phòng vuông vức—dài 9 mét, rộng 9 mét và cao 9 mét. Chiều cao bên trong phần còn lại của ngôi đền là gần 14 mét.”
Sa-lô-môn không tiếc chi phí xây dựng đền thờ. Ngôi đền được trang hoàng bằng đá quý và vàng từ Phạt-va-im ở Ả Rập (2 Sử-ký 3). Theo Biblecharts.org, chi phí xây dựng ngôi đền ngày nay được ước tính lên tới sáu tỷ đô la. Sa-lô-môn phải chi trả tất cả những chi phí này cho Vua Hi-ram bằng cách trao cho ông hai mươi thành trong miền Ga-li-lê (1 Các-vua 9:11). Sa-lô-môn đã tuyển dụng hàng ngàn lao động từ khắp Y-sơ-ra-ên làm việc luân phiên (một tháng tại Li-ban và hai tháng nơi nhà mình), cộng với 3.300 quản đốc để quản lý việc xây dựng (1 Các-vua 5:13-18).
Sau khi Đền-thờ này được xây dựng xong, Đền-tạm đã được tháo dỡ. Theo Lambert Dolphin tại TempleMount.org, một số giáo sĩ Do Thái và chính quyền ở Jerusalem tin rằng ban đầu Đền-tạm được cất giữ trong một căn phòng dưới Núi Đền.
4. Ngôi đền đẹp đẽ được làm lễ cung hiến và tổ chức khánh thành
Sau khi hoàn thành, Sa-lô-môn đã cho cử hành một lễ khánh thành trọng thể để cung hiến đền thờ vào năm 953 TCN. Buổi lễ bắt đầu bằng một bài phát biểu và sau đó là việc dâng các của tế lễ bao gồm 22.000 con bò và 120.000 con chiên. Sau đó Sa-lô-môn tuyên bố cử hành một thánh lễ lớn kéo dài 14 ngày (2 Sử-ký 6, 1 Các-vua 8).
Lời cầu nguyện cung hiến đền thờ của ông là sự kết hợp của những lời ngợi khen, tôn cao Đức Chúa Trời và khích lệ dân chúng. Sa-lô-môn ca ngợi sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với dân mà Ngài đã lập giao ước. Ông khích lệ dân sự về một tương lai tốt đẹp, nói với họ rằng khi họ hướng về đền thờ này và cầu nguyện thì Đức Chúa Trời sẽ lắng nghe họ. Đó sẽ là nơi nương tựa cho họ, và thậm chí là nơi để những người từ nhiều quốc gia khác đến và cầu nguyện.
Ngay sau lời cầu nguyện của Sa-lô-môn, lửa từ trời giáng xuống đốt của lễ thiêu và các sinh tế trên bàn thờ, và vinh quang của Đức Chúa Trời đầy dẫy Đền-thờ, khiến các thầy tế lễ không thể vào bên trong, còn dân chúng thì sấp mặt thờ lạy và cảm tạ Đức Chúa Trời (2 Sử-ký 7 :1-6). Sa-lô-môn nói rõ rằng đền thờ này không không thể “chứa” được Đức Chúa Trời (1 Các-vua 8:27). Trong Tân Ước, vị thánh tử đạo Ê-tiên đã xác nhận điều này. Ê-tiên nói, “Vua Sa-lô-môn xây cho Chúa một ngôi nhà. Nhưng Đấng Chí Cao chẳng ở trong nhà bởi tay người ta làm ra…” (Công-vụ 7:48).
Trong Đền-thờ của Sa-lô-môn người ta chỉ dâng lời ngợi khen một mình Đức Chúa Trời. Không có thần tượng nào trong Đền-thờ, điều này tượng trưng cho việc con người đang cố gắng làm hài lòng Đức Chúa Trời. Thay vào đó, đền thờ có chứa Hòm Giao Ước cùng với Nắp Thi Ân, điều này nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về nhu cầu của họ là được cứu rỗi trong Đức Chúa Trời.
Đền-thờ Sa-lô-môn đã bị phá hủy khi nào?
5. Đền-thờ của Sa-lô-môn đã bị phá hủy rồi được xây dựng lại
Về sau, tấm lòng của Sa-lô-môn đã lạc lối và rời xa Đức Chúa Trời. Khi ông qua đời, quốc gia—vốn đã suy tàn—nay bị chia thành hai nước riêng rẽ với hai nơi thờ tự thay thế ở Bê-tên và Đan; và việc thờ lạy hình tượng lại trở thành một phần trong văn hóa tâm linh của dân Y-sơ-ra-ên (1 Các-vua 12: 25-31).
Đền thờ này đã giảm đi sự giàu có và tầm quan trọng trong 367 năm. Giê-rê-mi 25 cảnh báo rằng Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy và dân chúng sẽ bị bắt đi làm phu tù. Đền thờ trên Núi Mô-ri-a—ngày nay được gọi là Núi Đền—đã bị cướp phá và thiêu hủy bởi người Ba-by-lôn dưới thời Vua Nê-bu-cát-nết-sa II vào khoảng năm 587 TCN. Một đền thờ thứ hai sau đó đã được dựng lên trên cùng một địa điểm—được mô tả trong sách Ê-xơ-ra. Sau đó, vào thế kỷ thứ nhất SCN, Hê-rốt—người đứng đầu được bổ nhiệm của xứ Giu-đê—đã cho tu bổ và mở rộng ngôi đền thứ hai cùng các khu vực xung quanh.
Ngôi đền được xây dựng lại này bao gồm một mái hiên được phục hồi—gọi là hiên cửa Sa-lô-môn trong Công-vụ 5:12. Sử gia người Do Thái Josephus đã mô tả điều đó trong cuốn Cổ-vật Do Thái: “Có một mái hiên nhưng không có đền thờ, nhìn ra một trũng sâu, được chống đỡ bởi những bức tường dài bốn trăm cu-đê, được làm bằng bốn khối đá vuông, rất trắng; chiều dài của mỗi viên đá là hai mươi cu-đê, và chiều rộng là sáu; đây là công việc của Vua Sa-lô-môn, người đầu tiên cho xây cất toàn bộ ngôi đền.”
Chúa Giê-xu nói với các môn đồ của Ngài rằng Đền-thờ của Hê-rốt rồi sẽ bị phá hủy (Lu-ca 21:5-6); và thực sự, người La Mã dưới thời Hoàng-đế Vespasian đã phá hủy đền thờ trong cuộc bao vây Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SCN. Chỉ còn lại một phần nhỏ của bức tường chắn—cái mà ngày nay được gọi là “Bức Tường Than Khóc”. Chúa Giê-xu cho biết địa điểm đền thờ sẽ tiếp tục bị “dân ngoại giày đạp…cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn” (Lu-ca 21:24).
Ngày nay, những người Do Thái theo truyền thống và biết quan sát tình hình đang cầu nguyện ba lần một ngày cho sự phục hồi của Đền-thờ. Kinh Thánh cho biết một ngôi đền mới sẽ được người Do Thái xây dựng tại Jerusalem trước khi Chúa Giê-xu tái lâm—một đền thờ mà sẽ bị Kẻ chống Chúa (An-ti Christ) mạo phạm.
6. Đã có sự can thiệp của khảo cổ học vào lịch sử của Đền-thờ
Một vấn đề trong việc tìm kiếm bằng chứng về Đền-thờ Sa-lô-môn ngày nay là sự can thiệp của người Hồi giáo vào các cuộc khai quật khảo cổ của người Do Thái trên Núi Đền. Ví dụ, vào giữa những năm 1990, tổ chức Tài trợ tôn giáo Hồi giáo (Waqf) đã sử dụng thiết bị hạng nặng để san ủi các cấu trúc cổ và mang các tài liệu khảo cổ phong phú đến một bãi rác, nơi chúng bị làm cho lẫn lộn với rác thải hiện đại. Sau đó, các nhà khảo cổ học Israel đã được phép sàng lọc lại những vật liệu bị vứt bỏ, và họ tìm thấy “vô số hiện vật đắc giá” — tuy nhiên không ai dám chắc tất cả những thứ này là từ Đền-thờ của Sa-lô-môn.
Theo một bài báo trên Tạp-chí Smithsonian, vào năm 1929, nhà sử học Hồi giáo Aref al Aref tuyên bố rằng “địa điểm Ngọn Núi nơi tọa lạc của Đền-thờ Sa-lô-môn là không thể tranh cãi”. Nhưng trong những thập kỷ gần đây—cùng với việc gia tăng của các cuộc chiến tranh giành chủ quyền tại các khu vực thuộc Jerusalem, bao gồm cả Núi Đền—người Palestine đã trở mặt. Năm 2000, nhà lãnh đạo Palestine Yasir Arafat gợi ý với Tổng-thống Bill Clinton rằng Núi Đền có thể nằm ở thị trấn Nablus ở Bờ Tây—thành cổ Shechem và là một trong những thành phố lớn nhất của Palestine ngày nay—thay vì Jerusalem.
7. Một số phát hiện khảo cổ gây tranh cãi
Một số học giả hiện đại nghi ngờ sự tồn tại của Đền-thờ Sa-lô-môn, bởi vì, họ nói, đền thờ này không được đề cập trong các câu chuyện ngoài Kinh Thánh. Nhưng sự thật là có những ghi chép ngoài Kinh Thánh về ngôi đền này. Ví dụ, Josephus đã viết trong cuốn Cổ-vật Do Thái: “… ngôi đền đã bị cháy bốn trăm bảy mươi năm, sáu tháng và mười ngày sau khi nó được xây dựng.” Các học giả Do Thái và các nhà khảo cổ học người Do Thái kiên quyết về sự tồn tại của Đền-thờ Sa-lô-môn. Giáo-sư Israel Finkelstein, một chuyên gia về khảo cổ học Jerusalem, cho biết, “Không có trường phái tư tưởng học thuật nào nghi ngờ sự tồn tại của Ngôi-đền đầu tiên này”.
Tạp-chí Discover chỉ ra rằng những người hoài nghi không chỉ đặt câu hỏi về việc liệu Đền-thờ của Sa-lô-môn có có thật hay không, mà họ còn tìm kiếm bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của Đa-vít và chính Sa-lô-môn! Nhưng vào năm 1993, khi đang khai quật tại Tel Dan ở miền bắc Israel, một nhà khảo cổ học đã tìm thấy một phiến đá lớn có chữ viết tiếng A-ram—được gọi là tấm bia Tel Dan. Tấm bia ghi lại cuộc xung đột với các vị vua của Y-sơ-ra-ên và tuyên bố chiến thắng trên “nhà Đa-vít”. Mặc dù tấm bia có thể có niên đại hơn một thế kỷ sau khi Sa-lô-môn băng hà, nhưng nó cung cấp bằng chứng cho những người hoài nghi rằng Đa-vít là một nhân vật có thật.
Trong những năm gần đây, một số hiện vật nhỏ đã được khai quật trên Núi Đền mà các nhà khảo cổ học Israel cho rằng có niên đại chính xác vào thời của Đền-thờ đầu tiên. Xác định niên đại của các hiện vật cho thấy chúng có từ giữa triều đại của Sa-lô-môn. Bất chấp những khám phá mới và những tranh cãi vẫn tiếp diễn, các Cơ-đốc nhân tin theo Kinh Thánh vẫn tiếp tục hướng về chính Kinh Thánh, chọn tin Lời Chúa hơn là những tuyên bố của những người hoài nghi.
Còn bạn thì sao? Bạn có tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và các sự kiện được ghi trong đó là đáng tin cậy hay bạn cần nhiều bằng chứng khoa học hơn nữa thì mới có thể quyết định tin vào Lời của Ngài?
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com