Home Chuyên Đề 10 Điều Chúng Ta Có Thể Học Từ Câu Chuyện Về Người Đàn Bà Phạm Tội Ngoại Tình

10 Điều Chúng Ta Có Thể Học Từ Câu Chuyện Về Người Đàn Bà Phạm Tội Ngoại Tình

by Crosswalk.com
30 đọc

Bất kể chúng ta đã phạm tội gì hoặc chưa từng làm chuyện gì xấu xa đi nữa, thì câu chuyện về người đàn bà ngoại tình mà Kinh Thánh không nói tên cũng nhắc nhở chúng ta về những phần ẩn giấu sâu thẳm nhất của bản thân mình. Câu chuyện cho thấy nhu cầu cấp thiết của chúng ta để được tha tội và thực tế không lay chuyển của ân điển. Mặc dù có bằng chứng cho rằng câu chuyện này không có trong Kinh Thánh gốc, nhưng sự thật ở đây là câu chuyện tiết lộ những khía cạnh cốt lõi trong tấm lòng của Đức Chúa Trời, mong muốn của Ngài đối với chúng ta và cách mà chúng ta có thể làm để được hòa giải trong Ngài.

Những bài học này được giấu kín trong mười một câu Kinh Thánh (Giăng 8:1-11), người ta tìm thấy những thành phần cốt lõi của Phúc Âm và sự tự do sẵn có trong Đấng Christ. .

1. Tất cả chúng ta đều phạm tội.

Câu chuyện này bắt đầu với việc Chúa Giê-xu ngồi trong sân đền thờ. Đám đông nhanh chóng nhóm lại xung quanh Ngài, và Ngài đã tận dụng cơ hội để giảng dạy cho họ. Nhưng ngay sau đó, giới chức tôn giáo vào thời của Ngài đã ngắt lời Ngài và xô ngã một người phụ nữ, mà có lẽ trang phục của người này không được chỉnh tề và tóc tai thì rối bù, trước mặt Ngài và đám đông.

Người phụ nữ này bị bắt quả tang khi đang ngoại tình, một hành vi, mà theo luật pháp Cựu Ước, là đáng chết (Lê-vi Ký 20:10 và Phục-truyền 22:22). Mọi người đều muốn biết Chúa Giê-xu, Đấng giàu lòng thương xót đã chạm vào người phung, chữa lành người mù và ăn uống với tội nhân, sẽ phản ứng như thế nào.

Ngài đã làm cho tất cả mọi người phải ngạc nhiên khi lật lại những lời cáo buộc của họ, nói rằng, “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném vào chị ấy trước đi.” Luật pháp Cựu Ước yêu cầu một người đóng vai trò là nhân chứng chống lại người khác phải ném viên đá đầu tiên. Có lẽ điều này nhắc nhở những kẻ tố cáo người phụ nữ rằng, khi họ đưa cô ấy, một “kẻ phạm pháp”, đến cho Chúa Giê-xu ném đá, thì chính họ cũng đã vi phạm luật pháp rồi.

Tuy nhiên có một thông điệp rộng hơn dành cho tất cả chúng ta, được truyền đạt trong Rô-ma 3:23Gia-cơ 2:10, trong đó nói rằng: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”, và “người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.

2. Tội lỗi của chúng ta rồi sẽ bị vạch trần.

Xem xét hậu quả của việc ngoại tình, người phụ nữ bị kéo đến trước mặt Chúa Giê-xu có lẽ đã nghĩ rằng không ai phát hiện ra chị ta đang ngủ với người khác ngoài chồng của mình. Trong suốt lịch sử, có vô số người cũng đã đưa ra giả thiết tương tự. Nhà hoạt động dân quyền “cho người da đen” được phát hiện là người da trắng, Chủ-tịch Ủy-ban Olympic Hoa Kỳ, người đã trưng dẫn bằng tiến sĩ mà mình chưa bao giờ học hành để có được, và người đàn ông ở Ocean City đã biển thủ 6,5 triệu đô la từ công ty mà anh ta đang làm việc có lẽ cũng đã nghĩ rằng họ có thể giữ cho sự vi phạm của mình được che giấu.

Nhưng Kinh Thánh hứa rằng tội lỗi của chúng ta sẽ đổ lại trên chúng ta (Dân-số Ký 32:23). Như Môi-se đã nói trong Thi-thiên 90:8, ông nói với Đức Chúa Trời, “Chúa đã đặt gian ác chúng con trước mặt Chúa, để những tội lỗi kín đáo chúng con trong ánh sáng mặt Ngài.”  Mặc dù chúng ta có thể che giấu hành vi phạm tội của mình với người khác, chí ít cũng được một thời gian, nhưng Đấng Christ biết mọi tư tưởng không tin kính có trong chúng ta, những lời dối trá mà chúng ta nói ra và hành vi mánh khóe mà chúng ta tham dự vào. Ngài nhìn thấy và biết tất cả. Không có điều gì chúng ta làm mà có thể qua được mắt Ngài.

3. Chúng ta không thể qua mặt Đức Chúa Trời.

Giăng 8:6 nói rằng giới chức tôn giáo đã đưa người phụ nữ ngoại tình đến gặp Chúa Giê-xu để “thử” Ngài (nhằm có cớ tố cáo Ngài). Rõ ràng, họ không biết (hoặc không muốn tin) rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời nhập thể và do đó miễn nhiễm với các mưu chước của họ. Họ nghĩ rằng họ có thể gài bẫy Con Đức Chúa Trời nhưng kế hoạch của họ đã phản tác dụng. Phản ứng bình tĩnh của Chúa Giê-xu không chỉ làm thất vọng ý định của họ, mà Ngài còn dùng tình huống này để vạch trần một điều gì đó mà các thầy thông giáo và những người Pha-ri-si đã dùng cả đời để phủ nhận — rằng họ là tội nhân, cũng giống như những người khác.

Có thể chúng ta chưa bao giờ cố gắng gài bẫy Đức Chúa Trời, như các nhà lãnh đạo tôn giáo thường làm với Chúa Giê-xu, nhưng nhiều người trong chúng ta đã cố gắng lừa dối Ngài bằng cách hạ thấp tội lỗi của mình hoặc cố gán những động cơ chính đáng hoặc vô hại cho hành động của mình. Đức Chúa Trời sẽ không bị lừa bởi những lời cầu nguyện ngoan đạo hoặc những hành vi phô trương nhưng hời hợt. Ngài nhìn thấy — và muốn — tấm lòng của chúng ta, cởi mở, trung thực và để trần trước mặt Ngài.

4. Rất dễ để tự lừa dối bản thân.

Khi chúng ta đọc phân đoạn này, rõ ràng là các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã cùng nhau âm mưu chống lại Chúa Giê-xu. Tôi ước gì Kinh Thánh cho phép chúng ta biết được cuộc đối thoại của họ trước khi họ bước vào sân đền thờ — khi một người trong số họ nảy ra ý tưởng mà ban đầu nghe có vẻ rất tuyệt này. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ cảm thấy hành động của mình là hoàn toàn chính đáng và tin chắc rằng mình là công bình.

Mặc dù họ là những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người nghiên cứu và biết luật pháp cũng như có trách nhiệm giải thích lại cho những người khác. Nhưng họ cũng chẳng khác gì người phụ nữ tai tiếng và tội lỗi đang nằm trong nanh vuốt của họ — người mà theo luật pháp Cựu Ước, là đáng bị ném đá.

Tuy nhiên, chỉ với một tuyên bố, Chúa Giê-xu đã vạch trần sự tự lừa dối của các nhà lãnh đạo tôn giáo: “Ai trong các ngươi là người không có tội,…” (câu 7). Hãy lưu ý, Ngài không nói rằng, “Ai trong các ngươi là người không phạm tội ngoại tình giống như người đàn bà này…,” như thể nâng tội ngoại tình lên trên tất cả các tội khác mà một người có thể phạm phải đối với Đức Chúa Trời. Không, Ngài nói chỉ có người nào không hề phạm tội, giống như Chúa Giê-xu và chỉ một mình Chúa Giê-xu, mới được quyền đứng ra lên án người phụ nữ này.

5. Tội lỗi đòi hỏi công lý.

Trong nền văn hóa ngày nay, chúng ta có thể bị cám dỗ để bào chữa cho tội lỗi. Chúng ta muốn biết lý do đằng sau việc làm sai trái đó, phải có lý do nào đó để biện minh cho một hành vi sai trái. Phải chăng người phụ nữ này đã lấy nhằm một gã khờ và chị rất cần tình cảm? Có khi lỗi là do người đàn ông đã quyến rũ chị ta thì sao? Có lẽ cô ấy quá cô đơn, buồn bã hoặc vì lý do nào đó mà tình cảm bị tổn thương và do đó không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, hoặc ít nhất, không đáng bị trừng phạt nghiêm khắc như vậy; nói vậy liệu có đúng không?

Nhưng Chúa Giê-xu không bao giờ bác bỏ luật pháp Môi-se cũng như hình phạt ném đá. Thay vào đó, Ngài mở rộng phạm vi của nó, ngụ ý rằng họ và người phụ nữ này đều có tội như nhau. Khi Ngài thách thức người nào nghĩ mình vô tội thì hãy ném viên đá đầu tiên đi, liệu có ai trong số họ nhớ lại lời tuyên bố của Ngài, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5, nơi Ngài đánh đồng ý nghĩ dâm dục với hành động ngoại tình không?

Rô-ma 6:23 làm im lặng mọi nỗ lực tẩy trắng tội lỗi khi nói rằng, “Vì tiền công (hay cái giá phải trả) của tội lỗi là sự chết.”

Chúng ta hiểu khái niệm công lý khi xem xét các phiên tòa và pháp luật hiện đại của chúng ta, nhưng liệu chúng ta có rút ra được mối liên hệ tương tự nào giữa những điều này với Đấng hành pháp tối thượng — tức là Đức Chúa Trời không?  Có lẽ khi luật pháp được áp dụng cho những người khác, chẳng hạn như kẻ giết người và phường trộm cướp thì chúng ta thấy hợp lý, nhưng đối với chúng ta, giống như các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những người được biệt riêng thì sao?

Đó là lúc chúng ta khao khát lòng thương xót, và Đức Chúa Trời ban cho chúng ta điều đó qua Đấng Christ, nhưng để nhận được món quà ân điển của Ngài, trước hết chúng ta phải nhận ra chiều sâu tội lỗi của mình và những hậu quả mà chúng ta phải chịu. Sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng của Hê-bơ-rơ 9:22 nơi nói rằng không đổ huyết thì không có sự tha thứ.

6. Chúa Giê-xu đến để cứu tội nhân chứ không phải để lên án họ.

Ngay sau Giăng 3:16 mà có lẽ là câu được trích dẫn nhiều nhất trong Kinh Thánh, Chúa Giê-xu nói, “Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu” (Giăng 3:17). Trong điều này, chúng ta thấy được tấm lòng của Cha chúng ta khi sai Con Ngài đến thế gian và tấm lòng của Chúa Giê-xu khi chịu thay hình phạt của chúng ta trên chính mình Ngài.

Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã truyền đạt một cách nhất quán và kiên trì mong muốn — hòa giải chúng ta, một đám người cứng đầu và nổi loạn, với chính Ngài. Chúng ta thấy điều này trong con vật được hy sinh để đền tội cho A-đam và Ê-va sau khi họ nổi loạn và ăn trái cấm (Sáng-thế 3:21). Chúng ta thấy điều đó trong sự giải phóng của Đức Chúa Trời dành cho một dân tộc mới nổi lên của người Do Thái khỏi xứ Ai Cập rồi thì tội lỗi của dân này cứ tái diễn qua những cái vòng luẩn quẩn, theo sau là lòng thương xót của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua thời kỳ các Quan-xét. Có lẽ tuyệt vời nhất là, chúng ta được thấy điều đó trong phản ứng của Chúa Giê-xu đối với người phụ nữ phạm tội ngoại tình trong Giăng chương 8. Khi đối mặt với sự lựa chọn kết án hay cứu chuộc, Chúa Giê-xu nói với người phụ nữ: “Ta cũng không kết án chị đâu; hãy đi, đừng phạm tội nữa.

7. Nhờ Chúa Giê-xu, chúng ta có thể nhận được sự thương xót.

Khi Chúa Giê-xu trò chuyện với người phụ nữ ngoại tình, nhân loại vẫn sống theo “luật pháp” — một tập hợp các mệnh lệnh và yêu cầu do Đức Chúa Trời đặt ra. Mặc dù luật này có vẻ khắc nghiệt với lối suy nghĩ hiện đại của chúng ta, nhưng luật pháp phục vụ cho ba mục đích cần thiết: bày tỏ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, tội lỗi của con người và việc chúng ta không có khả năng làm theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, như Phao-lô đã chỉ ra trong suốt sách Rô-ma, luật pháp làm nền cho Phúc Âm. Ngoài Chúa Giê-xu Christ, chúng ta tuyệt vọng và bất lực, bị bắt làm nô lệ cho tội lỗi của mình và chết về thuộc linh. Không có lời cầu nguyện hay của lễ hy sinh nào có thể bù đắp cho tất cả những gì chúng ta đã làm và khiến chúng ta trở nên đúng đắn trước mặt Chúa.

Chúng ta cần một Đấng cứu chuộc — ai đó có thể trả hình phạt mà chúng ta đáng phải nhận, một khoản tiền chuộc, bạn có thể nói như vậy, để giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ của mình. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Đấng đó, ấy là Chúa Giê-xu. Khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá, Ngài đã trả giá cho mọi tội lỗi trong quá khứ và hiện tại, và chính huyết của Ngài đã ban cho chúng ta món quà quý giá cũng như những gì mà Ngài đã làm cho người phụ nữ này — lòng thương xót. Để nhận được một sự sống mà chúng ta không xứng đáng có được đó là bởi vì Đấng Christ đã thế chỗ cho chúng ta.

Chúng ta nhận được sự thương xót đó ngay khi chúng ta tin cậy nơi Chúa Giê-xu để được cứu.

8. Chúa Giê-xu ban cho chúng ta sự sống mới.

Sự tha thứ chỉ ngọt ngào khi đi kèm với tự do — không chỉ tự do khỏi hậu quả của tội lỗi, mà còn khỏi sức hút tàn phá của nó đối với tấm lòng của chúng ta. Sự sống bày tỏ lẽ thật trong lời của Chúa Giê-xu, được nói ra ngay sau cuộc gặp gỡ của Ngài với người phụ nữ ngoại tình: “Ai phạm tội cũng đều là nô lệ cho tội lỗi.”

Phao-lô mở rộng ý tưởng này hơn nữa trong Rô-ma 7:15-18 khi ông nói, “…Vì tôi không làm điều mình muốn mà lại làm điều mình ghét… Bấy giờ không phải tôi làm điều đó nữa, nhưng chính tội lỗi ở trong tôi… Tôi có ý muốn làm điều thiện, nhưng tôi không có khả năng để làm.” Mặc dù các học giả tranh luận về việc Phao-lô đang đề cập đến đời sống của mình trước hay sau khi tin Chúa Giê-xu Christ, thông điệp ở đây vẫn rất rõ ràng — tội lỗi biến con người thành nô lệ.

Chỉ có Chúa Giê-xu mới có thể giải phóng chúng ta, và đó chính xác là những gì Ngài làm. Khi chúng ta hướng về Ngài để được cứu rỗi, Ngài phá vỡ sự giam cầm của tội lỗi trên chúng ta và ban cho chúng ta quyền năng để sống đời sống không bị kiểm soát bởi sự giận dữ, hận thù và sự chết mà thay vào đó là tình yêu thương, niềm vui, sự công bình, và sự sống (Ga-la-ti 5:22- 23).

9. Ân điển của Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thay đổi đời sống.

Đấng Christ không chỉ cho phép chúng ta có đời sống được biến đổi, mà ân điển của Ngài còn đòi hỏi điều này. Có thể trước đây tính vị kỷ, đặc trưng bởi sự nổi loạn, đã thúc đẩy chúng ta, nhưng bây giờ khi chúng ta được sống dưới ân điển, tình yêu của Ngài thúc đẩy chúng ta sống theo cách làm đẹp lòng Ngài.

Vợ chồng tôi thật phước hạnh có được một cô con gái có trách nhiệm và ngoan ngoãn, và mặc dù thỉnh thoảng chúng tôi có phạt con bé, nhưng điều đó cuối cùng không phải là động lực thúc đẩy hành vi của con bé. Trong nhiều cuộc trò chuyện, con bé đã nói đi nói lại với chúng tôi thế này “Con không muốn làm ba mẹ thất vọng” hoặc “Con muốn ba mẹ tự hào về con”.

Nói cách khác, tình yêu của con bé dành cho chúng tôi và tình yêu của chúng tôi dành cho con bé đã thúc đẩy hành vi của con bé. Điều này cũng đúng với chúng ta và Chúa. Chúa Giê-xu nói thế này, “Nếu các con yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ các điều răn Ta” (Giăng 14:15). Hành động của chúng ta cho thấy chiều sâu của tình yêu thương chúng ta dành cho Đức Chúa Trời và lòng biết ơn đối với ân điển được Ngài ban cho.

10. Khi Chúa Giê-xu phán, những người tố cáo chúng ta bỏ đi.

Hãy tưởng tượng tội lỗi tồi tệ nhất của bạn bị đưa ra bêu rếu trước một hội chúng đông đúc. Hãy tưởng tượng việc bạn đứng đó, bị lên án bởi một cơ quan tôn giáo tối cao. Buổi sáng hôm đó khi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đẩy người phụ nữ ngoại tình đến trước mặt Chúa Giê-xu và đám đông, cô ấy đã phải trải nghiệm cả hai điều đó.

Nhưng có một Con Người còn vĩ đại hơn cả các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đang đứng đó với cô — Người ấy là Chúa Giê-xu. Không điều gì mà các nhà lãnh đạo tôn giáo nói ra có thể vượt qua thẩm quyền của Ngài, và khi Ngài nói, thì những người tố cáo cô bỏ đi. Khi Ngài phán những lời thương xót trên chúng ta, nhờ huyết của Ngài, kẻ tố cáo chúng ta, là Sa-tan ma quỷ, cũng sẽ bỏ chạy.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like