Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 136: Tha Thứ Không Giới Hạn

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 136: Tha Thứ Không Giới Hạn

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/BdXLQP9KWqg

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 18: 21-35
21 Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? 22 Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy. 23 Vậy nên, nước thiên đàng giống như vua kia, muốn tính sổ với các đầy tớ mình. 24 Khi vua khởi soát sổ, thì có người đem nộp một tên kia mắc nợ vua một vạn ta-lâng. 25 Bởi vì người chẳng có gì mà trả,thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. 26 Kẻ đầy tớ nầy bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! 27 Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho. 28 Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê,(m) thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! 29 Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. 30 Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. 31 Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. 32 Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; 33 ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? 34 Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. 35 Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.

Lời ngỏ:
    Tha thứ là gì? Có lẽ mỗi người đều có một câu trả lời cho câu hỏi này. Xét về góc độ khoa học thì tha thứ là điều tốt cho sức khỏe. Khi ta không tha thứ, cơ thể sẽ tiết ra thêm những hoóc-môn gây ra căng thẳng. Ghim sâu thù hận vào tâm hồn sẽ làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị đột quỵ tim. Không biết tha thứ sẽ dễ gây ra bệnh tâm thần như trầm cảm, lo lắng, sợ hãi. Ngược lại khi tha thứ, những trung tâm của não bộ sẽ giúp cho sự phán đoán, giải quyết vấn đề, khả năng cảm nhận, và tình cảm vị tha phát triển hơn. Vì thế, có người đã nói “Tha thứ là hành động tôi làm cho chính bản thân mình chứ không phải người khác”. Biết tha thứ là tự giải thoát, tự cứu lấy mình. Khi biết tha thứ là giải thoát một người tù, mà người tù ấy chính là mình. Chúng ta không những là người tù tự giam lấy mình mà còn nằm trong ngục tù do người khác xây dựng ra từ những lỗi lầm của họ.
    Đối với niềm tin Cơ Đốc thì tha thứ là một mạng lệnh, là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin. Chính Chúa Giê-xu đã nhiều lần dạy về sự tha thứ khi Ngài rao giảng Tin Lành. Đoạn Kinh Thánh hôm nay là một ẩn dụ đặc biệt Chúa dạy về sự mầu nhiệm của Nước Trời trong khái niệm về sự tha thứ không giới hạn.

 Bối cảnh của ẩn dụ này bắt đầu từ việc sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Chúa rằng“Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” (câu 21). Luật Do Thái giáo thường nói đến con số 4 là con số tối đa. Phi-e-rơ nâng lên tới 7, là con số trọn vẹn, tưởng đã hợp ý Chúa. Thế nhưng Chúa Giê-xu đáp “đến bảy mươi lần bảy”. Câu này không phải Chúa Giê-xu chỉ có ý nói tha thứ bốn trăm chín mươi lần, nhưng Ngài muốn nói rằng sự tha thứ không có giới hạn. Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời được mô tả theo từ ngữ Hy lạp “agape” tức là tình yêu không giới hạn. Và tình yêu này được bày tỏ qua sự tha thứ không giới hạn.  n điển của Chúa không có bất cứ giới hạn nào. Vì vậy, nếu chúng ta tính toán theo giới hạn là chúng ta đang đánh mất ân điển của Đức Chúa Trời.
    Phần đầu của ẩn dụ (18:23-27) là câu chuyện về một vị vua và các đầy tớ của ông. Vua ở đây chính là Đức Chúa Trời và những người đầy tớ chính là con người. Nhà vua muốn “tính sổ” với các đầy tớ mình, tức là nói đến sự phán xét sau cùng. Có một đầy tớ mắc nợ nhà vua “một vạn ta-lâng”.  Cụm từ “một vạn” bắt nguồn từ chữ “murias”, là chữ số cao nhất trong tiếng Hy lạp, một con số vô hạn, không đếm được. Đây là một món nợ không tính được và cũng không thể trả hết. Nó giống như món nợ tội của từng người. Nếu vị vua nhất định đòi lại nợ, tức là yêu cầu tôn trọng sự công bình, thì dù người đầy tớ lấy hết tất cả những gì mình có cũng không đủ trả nợ. Bản án chung nhất, ấy là người đó bị “bán” như một nô lệ cùng với “vợ con người”. Chính bản thân, gia đình và gia sản của người này sẽ mất hết, người này rơi vào tình cảnh khốn quẫn thê thảm và tuyệt vọng. Điều này tiêu biểu cho địa ngục, tức là án phạt đời đời. Người đầy tớ “sấp mình xuống” rồi kêu van: “Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết!” Vua vốn biết rõ tên đầy tớ sẽ không thể trả nổi món nợ nên “động lòng thương xót thả người về” rồi “tha nợ cho”. Cũng như vậy, khi chúng ta xưng tội mình và cầu xin sự tha thứ, Đức Chúa Trời “là Đấng giàu lòng thương xót” Ngài tha thứ mọi tội lỗi chúng ta.
    Phần thứ hai (18: 28-30), con nợ vừa được ân xá gặp một người đầy tớ là bạn mình. Người bạn này chỉ nợ anh ta một món nhỏ, một trăm đơ-ni-ê, “thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta”. Người bạn phản ứng y như cách anh ta đã làm trước mặt vua “Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh”. Thật ra trả món nợ này là việc hoàn toàn có thể làm. Nhưng tên đầy tớ này không thèm nghe lời thỉnh cầu của người bạn, mà “bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ”. Qua hai câu chuyện này, Chúa Giê-xu cho thấy sự tương quan giữa món nợ của chúng ta với Đức Chúa Trời và món nợ của người thân cận với chúng ta. Chúa Giê-xu đã trả món nợ tội của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt một giới hạn cho sự tha thứ tức là chúng ta đang từ chối ban ra ân điển một cách liên tục. Nếu Đức Chúa Trời trong ân điển của Ngài đã tha thứ cho chúng ta cả một đời tội lỗi. Vậy là chúng ta là ai mà lại không tha thứ cho những người chỉ mắc sai phạm nhỏ với mình. Nếu không tha thứ tức là chúng ta đang sống giống như tên đầy tớ gian ác kia.
    Phần thứ ba (18: 31-34), các đầy tớ khác thấy vậy, vừa buồn phiền, vừa tức giận nên đã đi tường trình mọi sự với vua. Nghe chuyện xong vua nổi cơn thịnh nộ: “Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?”. Rồi vua sai người bỏ tên đầy tớ gian ác vào ngục “cho đến khi nào trả xong hết nợ”.
    Trong lời kết luận của Chúa Giê-xu “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (câu 35). Đây là nguyên tắc của sự tha thứ. Vì Đức Chúa Trời bởi lòng thương xót rất lớn của Ngài đối với chúng ta mà chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi lớn đã phạm trước mặt Ngài. Do đó, chúng ta không nên để bụng những lầm lỗi của người khác mà không chịu tha thứ cho họ. Nhận thức được việc Đức Chúa Trời đã tha thứ hoàn toàn cho chúng ta sẽ khiến chúng ta có thể tự nguyện tha thứ cho người khác. Khi chúng ta không chịu tha thứ cho người khác là chúng ta đã tự giữ lại tội lỗi của mình và không nhận được sự tha thứ từ Đức Chúa Trời.

Bài học áp dụng:
    Các bạn thân mến, Đức Chúa Trời đã tha món nợ tội lỗi cho chúng ta, bởi  vì chúng ta xin Ngài. Món nợ chúng ta mắc với Ngài quá lớn, vượt mọi giới hạn loài người, nên chắc chắn chúng ta không thể thanh toán hết. Nhưng Đức Chúa Trời tha hết, bởi vì lòng thương xót không giới hạn của Ngài. Từ nguyên tắc này mà chúng ta cư xử với người khác, đó là chúng ta phải tha thứ cho người phạm lỗi với chúng ta. Nếu Chúa cũng như chúng ta thì không một ai trong chúng ta có thể được tha thứ. Nhưng sau khi chúng ta đã trở nên con cái của Chúa, bởi vì chúng ta đãn được tha thứ nên chúng ta phải tha thứ, như lời Chúa trong Ê-phê-sô 4.32: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”.
    Các bạn đã kinh nghiệm được sự tha thứ chưa? Sự tha thứ từ nơi Chúa hay sự tha thứ nơi người xung quanh. Nếu các bạn kinh nghiệm được sự tha thứ thì xin hãy tha thứ anh em mình khi họ phạm lỗi với chúng ta. Khi  chúng ta biết tha thứ cho nhau thì người tha thứ sẽ được phước hạnh và người được tha thứ cũng thấy nhẹ nhàng. Sự tha thứ này không chỉ áp dụng cho cá nhân mà cần thực hành trong phạm vi gia đình, cộng đồng, và cả dân tộc. Dân tộc Việt Nam của chúng ta đã trải qua bao nhiêu thù hận chồng chất, xin Chúa cho chúng ta thực hành sự tha thứ này thì Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ và giải cứu dân tộc chúng ta.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa!
Bài học về sự tha thứ là điều chúng con luôn phải học trong bước đường theo Chúa. Xin cho con nhận biết tình yêu dư dật của Ngài và sự tha thứ không giới hạn đối với con để con có thể áp dụng sự tha thứ như thế đối với người khác và cả trên phương diện cộng đồng, dân tộc nữa. Con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like