Home Chuyên Đề Ý Chúa

Ý Chúa

by Sưu Tầm
30 đọc

Có thể nào chúng ta biết ý Chúa không? Có người trả lời khẳng định, cũng có người trả lời phủ định, hay là “Tôi không biết “Tôi rất nghi ngờ những người nói rằng Chúa phán với họ thế này hay thế kia.

Trước khi loài người sa ngã có thể Đức Chúa Trời thường thăm viếng A-đam và Ê-va vì ông bà nghe tiếng Ngài đi trong vườn. Từ sự liên hệ giữa loài người với nhau chúng ta có thể suy ra được rằng Đức Chúa Trời phải nói điều gì vói loài người mỗi khi Ngài đến thăm họ. Thật khó tưởng tượng được Chúa đến viếng A-đam và Ê-va chỉ để hỏi thăm sức khỏe hay là để tư vấn về hôn nhân. Đức Chúa Trời tạo ra loài người theo hình và tượng Ngài thì chắc Ngài cũng trang bị cho họ một số năng khiếu để giải quyết những vấn đề của đời sống. Như vậy, Đức Chúa Trời phải có những điều quan trọng hơn để chỉ đạo cho tổ tiên loài người. Thí dụ, Ngài truyền cho họ, “Hãy sinh sản gia tăng đầy dẫy mặt đất và thống trị đất. Hãy quản trị loài cá biển, chim trời và tất cả các loài vật bò trên đất” (Sáng 1:28). Có thể Ngài dạy A-đam cách bảo toàn tạo vật của Ngài. Có thể Chúa biết ông bà sẽ bị cám dỗ, nên Ngài nhắc nhở họ đừng ăn trái của cây của sự biết điều thiện và điều ác vì Ngài không muốn phải xa họ.

Người chăn bầy cần phải cưu mang Hội thánh giống như tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với loài thọ tạo. Ngài yêu thương họ, tương giao với họ,  và dạy dỗ họ. Mục sư không làm mục sư vì muốn được cộng đồng kính nể, hay vì không biết làm việc gì khác. Người chăn bầy cần phải giữ mối liên hệ mật thiết với tín đồ, phải dạy họ giữ điều răn của Chúa.

Trở lại câu chuyện của tổ tiên loài người, chúng ta biết ý Chúa khi chúng ta có sự liên hệ mật thiết với Ngài. Trước khi sa ngã, dù Kinh thánh không nói rõ, nhưng chúng ta có thể giả định rằng loài người vui hưởng một đời sống có chất lượng cao và sau khi sa ngã thì họ mất hết những đặc quyền mà Chúa đã dành cho họ. Ngày nay nguyên tắc ấy vẫn còn có hiệu lực: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.” 

Năm 598 trước Công Nguyên (TCN) Nê-bu-cát-nết sa, vua Ba-by-lôn trở lại Giê-ru-sa-lem vì Giu-đa không chịu nộp triều cống, vây thành bắt Giê-hô-gia-kin và gia đình đày sang Ba-by-lôn. Kế đó Nê-bu-cát-nết-sa lập  Sê-đê-kia lên làm vua. Sê-đê-kia chống nghịch lại vua Ba-by-lôn, cho nên, vào năm 588 ông trở lại vây thành Giê-ru-sa-lem và hai năm sau phá sập vách thành, và đốt thành.

Việc này không xảy ra một cách tình cờ, nhưng đã được những người của Chúa tiên báo. Lý do thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá và dân Giu-đa bị bắt lưu đày là vì dân Chúa vi phạm giao ước với Ngài qua việc bỏ Ngài để thờ thần tượng (Giê-rê-mi 1:16). Tuy nhiên vì sự nhân từ của Chúa, trong khoảng thời gian từ 598 cho đến 586 TCN  Đức Chúa Trời dùng tiên tri Giê-rê-mi kêu gọi  dân chúng trở về cùng Ngài để được giải cứu.

Giê-rê-mi 42 cho biết dân Do thái định chạy sang Ai cập lánh nạn vì họ sợ dân Ba-by-lôn tấn công sau khi tổng trấn bị ám sát. Trước khi đi “tất cả các sĩ quan chỉ huy, kể cả Giô-ha-nan, con Ca-rê-át, và Giê-xa-nia, con Hô-sa-gia, và toàn thể dân chúng, thượng lưu hay thấp hèn” đến yêu cầu Giê-rê-mi cầu vấn Đức Chúa Trời. Mười ngày sau Chúa trả lời, “Nếu các ngươi bằng lòng sống trong đất nước này, Ta sẽ không phá đổ, nhưng Ta sẽ xây dựng các ngươi; Ta sẽ không bứng gốc, nhưng Ta sẽ vun trồng các ngươi. Ta đau lòng vì tai họa Ta đã giáng xuống các ngươi. Đừng sợ vua Ba-by-lôn mà các ngươi hiện đang sợ. Đừng sợ nữa.” CHÚA phán: “Vì Ta ở với các ngươi. Ta sẽ cứu giúp các ngươi, Ta sẽ giải cứu các ngươi ra khỏi tay vua.  Ta sẽ thương xót các ngươi, khiến cho vua cũng thương xót các ngươi và cho các ngươi ở lại trong đất nước mình” (Giê-rê-mi 42:10). Dân Chúa muốn biết ý Ngài, nhưng khi nghe lời Ngài họ không nghe và hậu quả là họ sẽ chết vì gươm đao, đói kém, và bệnh dịch tại chính nơi mà họ ước ao đi đến để trú ngụ (câu 22).  

Tôi xin dừng lại đây một phút để nghĩ về nước Hoa kỳ. Chúng tôi đang ở trong bang Washington, giáp giới với Canada. Lần sau cùng khi đi thăm Vancouver B.C. 1 US $ đổi  ra được 1,20 $  Canada. Ngày 10 tháng Giêng 2008 chúng tôi đổi tiền để đi Canada thì được biết tiền Canada hơn tiền Hoa kỳ 7 xu. Trong năm 2007, thị trường nhà cửa của Hoa kỳ bị khủng hoảng vì những người chủ nhà không có tiền trả tiền họ vay nhà băng để mua nhà. Thị trường bất động sản trì trệ, những công nhân xây dựng không có việc làm. Ngoài ra cán cân chi phó bị mất thăng bằng vì nhập nhiều và xuất ít. Những mặt hàng phần lớn là nhập từ Trung quốc. Về phương diện ngân sàch quốc gia thì ngân sách bị thâm thủng. Hoa kỳ có vấn đề tài chính và khi không có tiền thì địa vị lãnh đạo sẽ mất vào tay nước giàu.

Nước Mỹ nghĩ mình giàu có, nhưng họ nghèo hay sẽ nghèo. Điều không may là họ vẫn nghĩ mình giàu. Nguyên do không phải vì giới lãnh đạo Mỹ không biết quản lý tài chính hay cai trị dân. Nguyên do chính là dân Mỹ không còn tin cậy Đức Chúa Trời như những người lập quốc. Trên đồng đô la người ta đọc câu: “In God we trust” (Chúng tôi tin cậy Đức Chúa Trời), nhưng kỳ thật người dân bây giờ tin cậy vào sức mạnh của đồng tiền hơn là quyền năng của Đức Chúa Trời. 

Khi những người Việt Nam đầu tiên đến tị nạn tại Mỹ vào năm 1975 tôi không thấy có những nhóm người ra đường công khai tuyên bố họ đồng tính. Kể từ năm ấy đến nay, nhóm người này càng ngày càng công khai quảng bá lối sống không tự nhiên của họ.

Người dân Mỹ và hội thánh Mỹ cần làm gì? Chắc quí vị cũng đồng ý với tôi là Kinh thánh cung cấp giải pháp cho những vấn đề của nước Mỹ. Giải pháp đó là ăn năn và trở lại cùng Chúa như những người thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ ngày xưa.

Chúa Giê-xu dạy, “Chiên ta nghe tiếng ta.” Nếu một người thật tình tin nhận Ngài và luôn luôn vểnh tai nghe Ngài thì sẽ nghe tiếng Ngài:

Con hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời con. Ta sẽ tỏ cho con những việc con chưa từng biết, những việc lớn lao và cao siêu, không ai đạt thấu.” (Giê-rê-mi 33:3)

Chúa bày tỏ cho ai tìm cầu Ngài bằng nhiều cách. Muốn nghe tiếng Chúa chúng ta cần tỉnh thức và lắng nghe.

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại cuộc đời của vua Đa-vít, người theo Chúa hết lòng để rút ra bài học về ý Chúa cho chúng ta.

Khi ấy quân Do thái đang chiến đấu chống lại quân Phi-li-tin. Y sai, người Ép-ra-ta ở thành Bết-lê-hem thuộc xứ Giu-đa, là một trưởng lão có tiếng. Ông có ba con trai theo vua ra trận. Ông sai người con trai út là Đa-vít đem hạt, bánh và phó mát tiếp tế cho các anh. Công việc này không phải là một sứ mệnh quan trọng vì nó được phó thác cho một đứa trẻ, chỉ có thể giúp gia đình chăn bầy chiên. Kinh thánh cũng không ghi nhận lời Đức Chúa Trời phán với  Đa vít và sai ông giải cứu Giu đa khỏi tay người Phi-li-tin  như Ngài đã  phán với Môi-se từ bụi gai cháy trong đồng vắng xứ Ma-đi-an.

Đa-vít đến nơi nhằm lúc quân Y-sơ-ra-ên và Phi-li-tin đang dàn trận. Khi Đa-vít “đang nói chuyện với các anh thì thấy tên đấu thủ Gô-li-át, người Phi-li-tin từ thành Gát, tiến ra khỏi hàng ngũ Nt: hang động

quân Phi-li-tin, và lên giọng thách thức như những lần trước. Đa-vít nghe hết. Toàn quân Y-sơ-ra-ên thấy Gô-li-át đều khiếp đảm bỏ chạy” (1 Sa-mu-ên 17:22, 23). Lúc ấy Đa-vít muốn biết thêm thông tin về phần thưởng dành cho ai giết được Gô-li-át. Điều này cho biết là Đa-vít đã có kế hoạch chiến thắng người không lồ dù ông chỉ là một thanh niên chưa có kinh nghiệm chiến trường.  Sách I Sa-mu-ên đoạn 17 kể câu chuyện một thanh niên vị thành niên giết chết một chiến sỉ vô địch, câu chuyện nhiều người biết dù không đọc Kinh thánh.

Kinh thánh không cho chúng ta biết Đức Chúa Trời kêu gọi Đa-vít như thế nào. Nhưng căn cứ vào lời Đa-vít tuyên bố với Gô-li-át: “Người cầm gươm, giáo, và lao đến với ta. Nhưng ta đến với ngươi trong danh CHÚA Toàn Năng, là Đức Chúa Trời của đạo quân Y-sơ-ra-ên mà ngươi sỉ nhục. Chính ngày nay CHÚA sẽ nộp ngươi vào tay ta, ta sẽ đánh hạ ngươi và chặt đầu ngươi “ (17:45, 46). Chúng ta có thể xem đó là một lời tiên tri vì nó được úng nghiệm ngay trong ngày hôm ấy. Nếu là lời tiên tri thì đó là lời của Đức Chúa Trời cậy Đa-vít mà kết án tử hình Gô-li-át vì tội “dám sỉ nhục đạo quân của Đức Chúa Trời Hằng Sống.” Và nếu đó là lời tiên tri thì Chúa đã sai phái Đa-vít tranh chiến chống lại Gô-li-át và giải cứu dân Chúa.

Trong trường hợp này Kinh thánh không cho thấy Đa-vít cầu vấn Đức Chúa Trời, nhưng nhiều lần ghi nhận việc ông cầu vấn Ngài. Những câu đầu của I Sa-mu-ên 23 ghi nhận việc Đa-vít “cầu vấn” Chúa trước khi quyết định đưổi theo quân Phi-li-tin.

Những thí dụ trên cho thấy nhiều khi chúng ta cần phải tìm cầu ý Chúa trước khi quyết định những việc quan trọng như chọn vợ, chọn chồng, li dị, nhận một công việc làm v.v…Chúa cũng có thể truyền đạt ý Ngài qua Kinh thánh, hay qua một con cái Chúa. Nhưng chúng ta phải cẩn thận khi một người truyền đạt ý Chúa cho chúng ta vì phần nhiều họ chỉ nói ý họ. Tốt hơn hết là phải xin Chúa xác nhận như Ghi-đê-ôn xin Chúa cho ông một dấu lạ (Quan xét 6:17, 19).

Có nhiều trường hợp chúng ta chỉ cần sử dụng cái “phần mềm” mà Chúa đã cài vào trong tâm trí chúng ta từ khi mới được thụ thai. Cái phần mềm đó gọi là “lý trí.” Đức Chúa Trời đã khôn ngoan ban cho con người khả năng quyết định có lợi cho con người. Thí dụ, trước khi băng qua đường chúng ta phải nhìn phải và nhìn trái hay muốn khỏe mạnh người ta phải ăn sạch, tập thể dục, cử uống rượu, hút thuốc. Tôi xin được minh họa việc sử dụng lý trí bằng câu chuyện có thật sau đây.

Một buổi sáng, trong một buổi học Kinh thánh, một con cái Chúa kể một kinh nghiệm của anh. Ba hôm trước, một buổi tối thứ Sáu, mọi người trong xóm đã an giấc trong khi một căn hộ gần nhà anh vẫn còn vui chơi, chè chén. Những người tham dự–phần đông là giới trẻ–chạy xe phóng nhanh, gây ra tiếng động đánh thức anh và gia đình anh. Anh báo cảnh sát thì họ cho anh biết là đã có người gọi rồi. Anh nhìn ra vườn thì thấy những lon bia vất bừa bãi ngoài đường và sau vườn của anh. Lúc ấy anh quyết định sang nói chuyện với người hàng xóm. Anh không la lối, cãi vã với người láng giềng, nhưng trình bày cách ăn ở hợp lý cho vừa lòng nhau. Người hàng xóm không xin lỗi, nhưng cũng hiểu hành động của mình là sai.

Điểm mà tôi muốn nêu ra là người bạn của tôi không cần cầu nguyện trước khi gặp người hàng xóm. Lý trí hay Thánh linh dùng lý trí của anh để hướng dẫn anh làm điều phải làm để anh và gia đình anh được bình an và đồng thời nhắc nhở người hàng xóm cách cư sử đúng theo lý trí.

Trong thời Tân Ước, sách Công vụ đoạn 16 kể ghi nhận việc Thánh linh ngăn Phao-Lô và phái đoàn không cho truyền giáo tại Tiểu Á. Nhưng, “ban đêm, Phao-lô thấy khải tượng một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt nài nỉ: “Xin ông vào xứ Ma-xê-đoan cứu giúp chúng tôi “ (16:9). 

Kinh thánh không cho chúng ta biết Thánh linh ngăn cản phái đoàn như thế nào. Có thể có nhửng cố sự hay trở ngại nào đó khiến họ không thể truyền giảng Đạo Chúa tại Tiểu Á. Nhưng Thánh linh hướng dẫn họ qua khải tượng.

Sách Ê-xơ-tê giới thiệu với chúng ta một người đàn bà phi thường. Trong khi người Á đông tin rằng “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen,” Ê-xơ tê được ban cho nhiều phẩm tính trong đó có lòng can đảm, khôn ngoan, cộng thêm sắc đẹp. Có thể Đức Chúa Trời ban cho bà mọi đức tính cần cho sứ mệnh giải cứu dân Do thái. Có thể Đức Chúa Trời ban những phẩm tính cho ai tin cậy nơi Ngài.

Sách Ê-xơ-tê kể lại một trang sử khó khăn của dân Chúa tại nước họ bị lưu đày. Trong khi bà là hoàng hậu, quan tể tướng Ha-man âm mưu tiêu diệt dân Do thái vì Mạc-đô -chê không chịu quì lạy trước mặt ông. Khi nghe tin dữ, việc làm đầu tiên của hoàng hậu Ê-xơ-tê là kiêng ăn và cầu nguyện. Có lẽ bà không biết phải hành động ra sao, nên cần phải cầu vấn Đức Chúa Trời, Đấng có câu trả lời.

Kinh thánh không cho biết Chúa phán gì với hoàng hậu Ê-xơ-tê. Nhưng kế hoạch của bà hoàn toàn được sự hướng dẫn thiêng thượng vì một người dàn bà trẻ như Ê-xơ-tê không thể tự mình nghĩ ra được một kế hoạch hoàn hảo như vậy. Chúa ban cho bà sự can đảm khi đi vào ra mắt vua, vì bà có thể mất mạng khi vào chầu vua mà không có lệnh vua. Không những bà can đảm mà còn khôn ngoan; bà không tố cáo Ha-man ngay trong buổi tiệc thứ nhất, nhưng kiên nhẫn chờ đến bửa tiệc thứ hai mới tâu lên vua âm mưu ác độc của vị tể tướng gian ác. Với lòng tin kính, Ê-xơ-tê biết quản lý những phẩm tính Đức Chúa Trời ban cho bà để giải cứu dân Do thái. Ngày nay, sau gần 2500 năm sau, người Do thái còn ăn mừng sự giải cứu. Bao giờ họ còn kỷ niệm lễ Purim thì tên Ê-xơ-tê còn được dân Do thái biết ơn.   Tóm lại Đức Chúa Trời bày tỏ ý chỉ Ngài cho người hết lòng tìm cầu Ngài, giữ sự liên hệ mật thiết cùng Ngài và nhạy cảm với những cách truyền đạt của Ngài.

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Trích từ sách “Sống đạo hay có đạo”

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like