Home Chuyên Đề Năm Câu Hỏi Quan Trọng Nhất Trong Kinh Thánh

Năm Câu Hỏi Quan Trọng Nhất Trong Kinh Thánh

by Sưu Tầm
30 đọc

Kinh Thánh đầy những câu trả lời. Nhưng trong đó cũng có những câu hỏi khá quan trọng. Dưới đây là 5 câu hỏi nổi bật đối với tôi. Chúng được hỏi bởi Ca-in, Phao-lô và chính Đức Chúa Trời. Tất cả những câu hỏi này, theo suy nghĩ của tôi, đều nói lên một số vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.

1. “Con ở đâu?” – Sáng-thế Ký 3:9

Một tiếng kêu xót xa của Đấng Tạo Hóa/Cha thiên thượng trước thảm kịch của sự sa ngã. “Chúng ta đã từng có mối quan hệ mật thiết,” Ngài như đang nói với A-đam, “sự tương giao của chúng ta từng rất sâu sắc. Giờ tại sao con lại né tránh Ta?” Thật đau xót khi nhìn sự việc này dưới góc nhìn của Chúa, và cá nhân tôi nghĩ đây là một trong những câu buồn nhất trong Kinh Thánh.

Câu hỏi này vẫn vang vọng cho đến ngày nay, vì Đức Chúa Trời sẽ hỏi nhiều người đã từng bước đi với Ngài, mà nay lại rời khỏi Ngài, “Con đang đi đâu? Tại sao con lại trốn tránh ta? Con ở đâu?”

2. “Đấng Christ đã bị chia cắt rồi sao?” – 1 Cô-rinh-tô 1:13

Phao-lô đã rất tức giận với hội thánh Cô-rinh-tô khi ông nghe về xu hướng phân rẽ của họ (“Tôi thuộc về Phao-lô;” hay “Tôi thuộc về Phi-e-rơ”1 Cô-rinh-tô 1:12). Ông không lòng vòng mà đi thẳng vào vấn đề với câu hỏi này, câu trả lời là hiển nhiên: Đấng Christ khó mà bị chia rẻ, vậy tại sao chúng ta lại như vậy?

Trong thời buổi có quá nhiều giáo lý tùy tiện và sự thiếu hiểu biết về Kinh Thánh, luôn có những tranh luận đúng đắn về những sai lầm nghiêm trọng, một cuộc tranh luận mà chính Phao-lô phải đích thân đứng ra. Nhưng cũng có những trò vạch lá tìm sâu ngớ ngẩn, nạn bè phái, và những bất hòa không cần thiết về những việc không quan trọng. Vậy nên mỗi khi tôi bắt đầu có ý xem thường một tín hữu, một hội thánh, hay một hệ phái khác biệt nào đó, tôi nghĩ tốt nhất là nên hỏi lại bản thân mình câu hỏi này, và khắc ghi câu trả lời trong lòng.

3. “Con là người giữ em con sao?” – Sáng-thế Ký 4:9

Tôi là một trong những “người già bảo thủ” mà nhiều người hay ghét, tôi ủng hộ các quyền hạn chế của cá nhân, chính quyền, và một thái độ lúc nào cũng “làm ơn để tôi yên đi”. Vậy nên tôi không phải là người thích xen vào việc của người khác. Nhưng cũng có những lúc chúng ta cần xen vào, cũng có những thời điểm chúng ta phải mở rộng bản thân và gánh vác một chút trách nhiệm vì lợi ích của những người xung quanh.

Câu hỏi của Ca-in phần lớn là do cảm giác tội lỗi – dù sao đi nữa thì ông cũng đã giết chết A-bên, và đang ngụy biện rằng việc Đức Chúa Trời tra hỏi ông về việc em ông đang ở đâu thì thật là vô lý. Nhưng khi tôi đặt ra tình huống tương tự (“Có phải tại tôi mà họ nghèo không?”, “Có phải tôi đã khiến họ trở thành người vô gia cư?” hay “Tôi có thể cứu được cả thế giới này sao?”) Thì câu hỏi này cũng có thể mang tính phòng thủ, thường là để che đậy sự thờ ơ vô cảm của mình đối với người khác. Nhắc nhở bản thân: Hãy cầu nguyện cho tình yêu “mặc dầu” (tình yêu Agape) để có thể quan tâm đến vấn đề của người khác như của chính mình.

4. “Thưa bạn, bạn là ai mà dám cãi lại Đức Chúa Trời?” – Rô-ma 9:20

Một trong những vấn đề lớn nhất có tính uốn nắn suy nghĩ đối với đức tin Cơ-đốc xảy ra khi sự hiểu biết hạn chế của chúng ta va chạm với quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Gióp nhận ra điều này khi ông phàn nàn trước mặt Chúa. (Và nếu ai đó có quyền than phiền với Chúa, thì đó là Gióp!) Nhưng ngay cả với người tôi tớ công chính đang chịu khổ nạn của mình, Chúa cũng quở trách cách rõ ràng khi ngài phán với ông trong Gióp 38-40, “Hãy tư vấn cho Ta nếu con đã thấy hết mọi điều Ta thấy và biết những gì Ta biết.”

Phao-lô nhắc lại suy nghĩ đó khi ông hỏi “bạn là ai mà dám cãi lại Đức Chúa Trời?”, và đó là một câu hỏi mà chúng ta nên cân nhắc kỹ càng khi bị cám dỗ và trở nên cay đắng với Đấng Tể Trị, vì Ngài đôi khi cho phép, hoặc làm những điều mà chúng ta không thể nào hiểu được. Một lẽ thật đẹp đẽ và khó hiểu là Ngài yêu chúng ta vô cùng vô tận. Nhưng có những việc Ngài không nói cho chúng ta biết lý do.

5. “Thưa Chúa, Ngài muốn con làm chi?” – Công-vụ 9:6

* Lưu ý: Kinh Thánh tiếng Việt bị thiếu câu này trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu và Phao-lô)

Người run rẩy và kinh ngạc nói, ‘thưa Chúa, Ngài muốn con làm chi?’ Và Chúa trả lời người rằng ‘Hãy đứng dậy và vào thành, sẽ có người bảo cho ngươi những gì ngươi phải làm.” (Công-vụ 9:6 dịch diễn ý từ Kinh Thánh tiếng Anh bản NKJV)

Mù lòa, té ngã và hoàn toàn bị hạ xuống, Sau-lơ bị cắt ngang giữa những sai lầm của mình và bị buộc phải xem xét lại mọi thứ. Không nghi ngờ gì khi con người đáng sợ này, nằm ở vị trí đó, sóng soài trên đất và bất lực, những điều này đã vượt quá giới hạn của ông, vì tất cả những gì ông tin tưởng và thực hiện giờ đây phải xem xét lại.

Đó là một trong những khoảnh khắc “khủng hoảng về lẽ thật” khi Đức Chúa Trời chặn một người lại và phán, “Ngươi sai rồi, Ta sẽ khiến ngươi trở lại đường đúng.” Tôi nghĩ Sau-lơ là một con người của những câu trả lời hơn là những câu hỏi; ông thường đưa ra lời khuyên và hướng dẫn, chứ không quen với việc đặt câu hỏi. Nhưng ở đây, ông đặt ra một câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải lập lại cách thường xuyên: “Thưa Chúa, Ngài muốn con làm chi?” Mỗi ngày cần phải bắt đâu với câu hỏi này, một lời thỉnh cầu khiêm nhu và đơn giản để có được sự dẫn dắt, và nhận ra rằng những ham muốn của chúng ta chỉ là thứ yếu. Bất kể tôi cực kỳ muốn thứ gì đi nữa, thì câu hỏi cuối cùng phải luôn là “Ngài muốn điều gì?”

Tôi không thể nghĩ ra câu hỏi nào khác quan trọng hơn, nhưng bằng lời lẽ của chính mình, câu hỏi của tôi sẽ thế này:

“Thưa Chúa, Ngài muốn con làm chi? Hãy cho con biết cách rõ ràng, xin ban cho con đức tin để tin rằng chính Ngài đã phán với con những điều này, và khiến con trở nên tôi tớ vâng phục có thể nói, như Ngài đã nói trong tấm gương tuyệt vời nhất về sự vâng phục được ghi chép lại, “Nguyện ý Cha được nên.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: Stream.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like