Home Chuyên Đề Nằm Ngoài Ngữ Cảnh – 5 Câu Kinh Thánh Thường Bị Sử Dụng Sai Ngữ Cảnh

Nằm Ngoài Ngữ Cảnh – 5 Câu Kinh Thánh Thường Bị Sử Dụng Sai Ngữ Cảnh

by ChristianToday
30 đọc

Kinh Thánh thật tuyệt vời. Đầy những điều khôn ngoan lạ thường, và hơn thế nữa, là một quyển sách dạy cách sống; là một phương tiện giúp con người nghe từ Chúa cách rõ ràng nhất. Về tổng thể, Kinh Thánh truyền đạt tấm lòng, tính cách và bản chất của Đức Chúa Trời, đồng thời cho chúng ta hiểu về mối quan hệ giữa Ngài và loài người. Nhờ một vị Tổng Giám-mục ở Canterbury vào thế kỉ 13, Kinh Thánh được chia thành từng chương và câu mà chúng ta ngày nay thường trích dẫn và lấy tham chiếu một cách dễ dàng – tuy nhiên đó cũng là nơi rắc rối bắt đầu…

Trong khi các chương và câu được chia ra thì hữu ích trong việc dò tìm Kinh Thánh, chúng cũng khiến chúng ta dễ dàng rút các câu ngắn ra khỏi ngữ cảnh – khi đó, chúng ta sẽ dễ hiểu sai nghĩa của các câu ấy hoặc thường diễn giải chúng theo ý riêng của chúng ta. Đôi khi nó được dịch ra theo nghĩa gốc; những lúc khác, nó lại bị sai lạc một chút (đây là một trong những lý do chính mà những người vô thần thường nói rằng Kinh Thánh mâu thuẫn với chính nó) – và đôi khi nó thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận về sự khôn ngoan theo Kinh Thánh – và thậm chí cả tính cách của Đức Chúa Trời. Dưới đây chỉ là vài ví dụ về những câu Kinh Thánh phổ biến nhất – và có thể nói là hay bị dùng sai ngữ cảnh nhất – cùng với một vài gợi ý về ý nghĩa thực sự của chúng trong ngữ cảnh.

1. “Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán” – Ma-thi-ơ 7:1

Sai ngữ cảnh: trong một nền văn hóa đa nguyên nơi mà “tội lỗi” lớn nhất là không biết khoan dung, điều này trông có vẻ như Chúa Giê-xu đang nói chúng ta đừng chỉ trích hay tìm lỗi sai trong lối sống của nhau.

Đúng ngữ cảnh: Trong các câu 3-5, Chúa Giê-xu nói chúng ta trước tiên hãy giải quyết các vấn đề trong đời sống mình (“cây đà trong mắt mình”) trước khi chú ý tới vấn đề của người khác. NHƯNG, câu 5 chỉ ra rằng một khi chúng ta đã sắp xếp nhà mình cho trật tự, thì chúng ta có khả năng giúp đỡ người khác giải quyết các vấn đề của họ. Vì vậy dù chúng ta nên cẩn trọng không cư xử cách xét đoán, nhưng chúng ta cũng nên tham dự vào với sự khiêm tốn và thông qua cộng đồng trong việc giúp đỡ người khác giải quyết các vấn đề của họ.

2. “Quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước” – Phi-líp 3:14

Sai ngữ cảnh: Điều này nghe có vẻ vụn vặt, nhưng câu này được đưa vào bởi vì gần đây nó đã trở thành một câu nói yêu thích của các lãnh đạo Cơ-đốc, những người đã từng sa ngã về mặt đạo đức một cách nghiêm trọng nhưng được phục hồi cách nhanh chóng. Những lời này của Phao-lô có vẻ như đang khuyên rằng chúng ta không nên nhìn lại những sai lầm của mình tất cả những gì chúng ta cần quan tâm là ‘tấn tới’.

Đúng ngữ cảnh: Trong phân đoạn này, Phao-lô không phải đang suy ngẫm về những lỗi lầm của mình hay những điều tồi tệ mà ông đã từng làm khi còn là một người bắt bớ Cơ-đốc nhân – mà ông đang kể đến nhiều thành tựu và tuyên bố về sự công bình của mình. Câu này nói về việc Phao-lô dẹp bỏ niềm kiêu hãnh của mình, đồng thời cũng không che đậy những lỗi lầm của mình.

3. “Vì nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta họp nhau lại thì Ta sẽ ở giữa họ” – Ma-thi-ơ 18:20

Sai ngữ cảnh: Câu này có vẻ như muốn nói rằng để tăng cường đời sống cầu nguyện hay kinh nghiệm của chúng ta về Đức Chúa Trời, chúng ta phải lập ra các nhóm nhỏ. Câu này thường được dùng như một lời kêu gọi nhóm hiệp mọi người lại với nhau để cầu nguyện hay thờ phượng.

Đúng ngữ cảnh: Đây là phần cuối của một phân đoạn nói về cách giải quyết những bất đồng, và vạch ra một con đường cho sự hiệp nhất trong Hội-thánh. Chúa Giê-xu ĐANG nói rằng có cái gì đó đẹp đẽ và thiêng liêng khi cùng nhau xử lý các mâu thuẫn theo cách tốt đẹp – nhưng Ngài không gợi ý rằng việc nhóm lại hai ba người thì lời cầu nguyện sẽ có quyền năng mạnh mẽ hơn là chỉ có một cá nhân dành thời gian tĩnh nguyện riêng tư với Chúa.

4. “Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con…” – Giê-rê-mi 29:11

Sai ngữ cảnh: Nhiều người trích dẫn câu này như một câu Kinh Thánh yêu thích cá nhân, có lẽ vì nó cho họ một cảm giác đảm bảo rằng cuối cùng thì cuộc sống của họ sẽ ổn thôi, và rằng đích đến cuối cùng mà chúng ta đang hướng đến là sự thịnh vượng. Vấn đề là nếu đức tin của chúng ta dựa trên một ý nghĩ như vậy, và nếu có điều gì đó thật sự tồi tệ xảy ra với chúng ta, thì chúng ta sẽ hỏi – “Tại sao Chúa lại làm vậy? Tại sao Ngài lại không giữ lời hứa của Ngài như thế?”

Đúng ngữ cảnh: Những lời này không dành cho một cá nhân, mà là cho một dân tộc – những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời đang hứa rằng Ngài không từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, và mặc dù trước mắt mọi thứ có vẻ như vô vọng, họ vẫn có một tương lai chắc chắn. Xem xét bối cảnh ở các câu 1-3 chúng ta thấy rõ ràng rằng đây là một bức thư gởi cho những người đang sống lưu vong – nhưng khi chúng ta đặt riêng câu này ra một bên, thì nó trở thành một lời hứa về sự thịnh vượng trên đất cho một cá nhân mà Đức Chúa Trời đơn giản là không có hứa như vậy. Nguyên tắc rằng Chúa tốt với chúng ta và ban cho chúng ta một tương lai tươi sáng LÀ hoàn toàn đúng – nhưng câu Kinh Thánh này không phải là nguồn trích dẫn tốt nhất cho điều này, và nó cũng có vẻ như đang gợi ý rằng chúng ta sẽ sống cuộc đời này mà không gặp bất kỳ khó khăn trở ngại nào, vì đáng buồn là điều này không phải là trải nghiệm của nhiều Cơ-đốc nhân trung tín.

5. “Lẽ thật sẽ giải phóng các ngươi” – Giăng 8:32

Sai ngữ cảnh: Có thể nói đây là một trong những thành ngữ phổ biến được lấy từ Kinh Thánh, câu này có vẻ như là một lời khẳng định rằng việc nói lên sự thật nghĩa là đi ngược lại với việc sống một cuộc đời giả dối là con đường dẫn đến sự ‘tự do’ cá nhân. Tất nhiên ở một mức độ nào đó, thì điều này là hoàn toàn chính xác; vấn đề duy nhất là việc tách câu Kinh Thánh này ra như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự, và tính phi thường của nó….

Đúng ngữ cảnh: Ở đây, Chúa Giê-xu đang nói với những người Do Thái đã tin vào sứ điệp của Ngài, nhưng đối với họ, sứ điệp của Ngài về sự giải phóng rất phức tạp với “giao ước cũ” mà họ đang có, họ không chắc vì sao họ lại cần một giao ước mới. Vì vậy Chúa Giê-xu giải thích rằng họ là “nô lệ của tội lỗi” và Ngài đã đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ đó. Khi nói như vậy, Ngài tự gọi mình là “Chân Lý” hay “Lẽ Thật” (như trong Giăng 14:6). Chìa khóa là ở câu trước (Giăng 8:31) biết chân lý nghĩa là vâng giữ những lời dạy của Chúa Giê-xu. Vì vậy câu này thực chất nói về việc Chúa Giê-xu có quyền năng để mở ra con đường giữa con người và Đức Chúa Trời, và con đường dẫn đến điều đó là đi theo Ngài.

Bài học ở đây rất đơn giản nếu bạn bị thu hút bởi một câu Kinh Thánh, hãy đảm bảo rằng bạn đọc nó trong bối cảnh của cả phân đoạn, hoặc thậm chí tốt hơn là trong cả sách. Chúa có rất nhiều điều để nói với chúng ta ngày nay qua Lời của Ngài, nhưng nếu chúng ta cứ lấy và chọn những câu đơn lẻ rồi hiểu chúng theo cách mà chúng ta muốn, thì chúng ta sẽ làm giảm sự thánh khiết, sống động của Lời Ngài, và biến nó thành một cuốn sổ tay cá nhân của mình. Như câu nói nổi tiếng của Inigo Montoya trong The Princess Bride:

“Bạn cứ nói đi nói lại từ đó. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó có nghĩa như những gì bạn nghĩ.”

Dịch: Richard

Nguồn: Christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like