Home Chuyên Đề Thiết Hại Vì Bị Phá Hoại

Thiết Hại Vì Bị Phá Hoại

by Sưu Tầm
30 đọc

Máy Vi Tính Bị Tấn Công

Có một lần cái máy vi tính xách tay của tôi bị tấn công. Thình lình một tin nhắn hiện lên, cho biết máy của tôi có nhiều phần mềm xấu cần phải tống ra khỏi máy. Nếu muốn cho máy chạy tốt tôi phải trả một số tiền để người này hay nhóm này giải quyết vấn đề trục trặc của máy. Tôi không bằng lòng vì biết đó là tin tặc hoặc bịa chuyện, hoặc gởi những virus đến phá rối phần cứng và phần mềm trong máy của tôi. Sau đó cứ mỗi lần mở máy là cái phần mềm quái gở này xuất hiện không cho tôi sử dụng máy.

Không cần phải thiêng liêng lắm cũng đủ biết là máy của tôi cần thầy trị bệnh. Trong Hội thánh địa phương có một anh hành nghề sửa chữa máy vi tính. Tôi gởi mail nhờ anh giúp. Anh đồng ý để định bệnh cho máy của tôi. Sau khi xét nghiệm anh cho biết máy của tôi bị những phần mềm xấu (malwares) xâm nhập phá hỏng máy, và anh không có phần mềm để chữa trị. Nhưng anh có một cách là xóa hết phần mềm cũ và cài đặt lại phần mềm mới. Tôi đồng ý cho anh thực hiện phương thức của anh, bằng không thì cái máy của tôi chỉ là một mảnh vụn không có giá trị gì.

Qua câu chuyện này chúng ta có thể rút ra vài bài học thuộc linh.

Ứng Dụng Cá Nhân

CPU là một bộ phận nồng cốt của máy vi tính, là nơi phần lớn những bài toán được giải đáp. Khi CPU bị nhiễm độc thì máy không còn hoạt động được. 

Máy của tôi bị tin tặc tấn cống có thể vì tôi để cho nó một cơ hội xâm nhập qua email, hay qua internet khi truy cập những thông tin trên mạng. Nếu muốn bảo vệ máy chung ta phải cẫn thận khi mở những emails lạ, hoặc xem những hình ảnh nóng.

Trong Kinh Thánh tiếng Việt từ “lòng” được dùng để dịch từ “trái tim.” Được hiểu theo nghĩa bóng và trong tư tưởng của người Do thái từ lòng có nghĩa là “toàn bộ con người với tất cả thuộc tính của người ấy, về thể chất, tâm lý và trí óc, và lòng được hiểu như là trung tâm quản lý tất cả những điều này” (Thánh kinh tự điển mới).

Lòng của chúng ta luôn luôn bị những luồng tư tưởng không lành mạnh tìm cách lẻn vào và đóng trại ở trong đó. Từ đó phát ra những gì ô uế (tham chiếu Mác 7:19-23). Cho nên vua Sa-lô-môn đã cảnh báo chúng ta khi ông viết:

Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết,
Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”
(Châm ngôn 14:23).

Khi tin tặc lẻn được vào CPU thì nó phá hủy chức năng của bộ phận này và máy bị tê liệt. Khi lòng chúng ta bị những luồng tư tưởng tiêu cực sâm nhập, lòng bị ô nhiễm của chúng ta sẽ phát ra những năng lượng tiêu cực khiến chúng ta đi lạc hướng. Làm thế nào để chúng ta giữ tấm lòng của chúng ta cho được lành mạnh để hưởng sự sống dư dật như Chúa Giê-xu hứa? Cách hay hơn hết là mời Ngài vào ngự vào lòng chúng ta, và làm chủ cuộc đời của chúng ta. Khi chúng ta thật sự tin Chúa chết vì tội lỗi của chúng ta và mời Ngài ngự vào lòng mình thì Ngài sẽ quét hết rác rến và dọn sạch lòng chúng ta trước khi ngự vào vì Chúa thánh khiết, Ngài không thể ngự vào một nơi ô uế. Nên nhớ rằng chúng ta không cần thanh tẩy trước khi mời Chúa ngự vào vì chỉ có huyết của Ngài mới có thể tẩy uế lòng chúng ta mà thôi. 

Sau khi tin nhận Ngài người tin vẫn có thể bị nhiễm độc khi người ấy không nghe lời dạy của Ngài, nhưng nghe lời dạy của thế gian. Sự khôn ngoan của thế gian giống như những phần mềm gian ác mà tin tặc dùng để tấn công CPU của máy vi tính. Kinh Thánh truyền cho chúng ta phải đầy dẫy Đức Thánh Linh, nghĩa là phải đầu phục Ngài. Nếu chúng ta không đầu phục Ngài thì ma quỉ sẽ lẻn vào lòng chúng ta qua những kẻ hở. Đầu phục Chúa Cứu Thế nghĩa là vâng giữ những điều răn và mệnh lệnh Ngài (Giăng 14:15).     

Trên đường tiến về Đất Hứa Chúa truyền cho dân Ngài không được kết ước với các dân ngoại hiện cư ngụ ở đó, vì họ sẽ xúi giục lòng dân phạm tội (Xuất 23:32; 34:12). Lịch sử của dân Do thái cho thấy nhiều lần dân Chúa vi phạm mệnh lệnh Ngài. Kết quả là họ bị lưu đày và tản lạc. Dân Chúa đã tạo một khe hở cho malwares (phần mềm xấu) chen vào và phá hoại liên hệ thiêng liêng giửa Chúa và dân Ngài.

Đọc tín thư Ga-la-ti chúng ta thấy Hội thánh ở đây đã “hối hả từ bỏ Đấng đã kêu gọi họ bởi ân sủng Chúa Cứu Thế để theo một phúc âm khác.” Hội thánh đã mở toang cứa nhà để giáo sư giả len vào, để phá hoại Hôi thánh với giáo lý sai lạc.”

Khi sử dụng máy vi tính chúng ta cần phải cảnh giác đề phòng tin tặc rình mò để tìm khe hở mà chui vào phá hoại CPU.

Phi-e-rơ cảnh báo chúng ta: “Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ như sư tử rống, đang rình rập chung quanh để tìm xem người nào nó có thể ăn nuốt được” (1 Phi-e-rơ 5:8).

Muốn bảo vệ CPU người sử dụng máy cày đặt một phần mềm chống vi rút, hoặc một bức tường lửa. Muốn bảo vệ lòng mình chúng ta cần phải:

1. Đầy dẫy Đức Thành Linh. Thánh Linh giống như cái khiên che chở những tác nhân phá hoại đức tin. Khi được trang bị bằng cái khiên này chúng ta hết lòng tin cậy nơi quyền năng Đức Chúa Trời. Thánh Linh ngự trong lòng chúng ta là bức tường lửa và là hệ phòng thủ chống vi rút và malwares.

2. Sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Thiếu nhi có khuynh hướng tò mò, thí nghiệm và làm hỏng những vật cần dùng của người lớn. Cho nên các bé cần có người lớn để mắt trông chừng và nhắc nhở điều nào các em được phép làm và điều nào không được phép làm. Con cái Chúa cũng giống như vậy; hầu như nhiều người cần được nhắc nhở thường xuyên. Chúng ta không thể xác định ai là người lúc nào cũng đúng. Mọi người đều có thể vấp ngã một cách đau đớn. Vua Đa vít yêu mến Chúa nhiều hơn hàng triệu Cơ đốc nhân, nhưng vẫn bị sa ngã.

Mỗi quí chúng tôi vào dạy Kinh Thánh trong trại giam địa phương. Những con cái Chúa bị bắt giam vì nhiều lý do khác nhau. Vấn đề của họ là không sống trong sự hiện diện của Chúa. Họ không đi nhóm, không học Kinh thánh, khi nghe giảng thì chỉ lấy nghe làm đủ. Đức tin của họ là đức tin không có việc làm. Chắc là họ cũng không cầu nguyện.    

3.  Tự kiểm tra. Khi một người tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa mình thì Ngài cho Đức Thánh Linh ngự vào lòng để hướng dẫn người ấy sống thánh khiết. Thánh Linh của Chúa là Đấng thánh khiết; Ngài không ngự nơi ô uế. Khi phạm tôi con cái Chúa cần thanh tẩy lòng mình qua sự ăn năn theo lời dạy dỗ của sứ đồ Giăng: “Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài là Đấng thành tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.”   

Người thợ sửa máy vi tính cho biết phương pháp chữa trị của anh là hủy bỏ hết những phần mềm cũ trong máy và cày đặt những phần mềm mới vô máy. Khi chúng ta ăn năn, tội lỗi bị xóa hết và lòng chúng ta được sạch, thích hợp làm nơi ngự của Chúa Thánh Linh. Con cái Chúa không thể nào sống đẹp lòng Ngài khi xa Ngài.

NHU CẦU CỐ VẤN

Một Tổng thống giỏi không hẵn là người giỏi, nhưng là người biết sử dụng những nhà chuyên môn. Chung quanh ông lúc nào cũng có nhiều chuyên viên về mọi vấn đề, để ông xin ý kiến trước khi quyết định. Ngay như một ông Tổng thống, một nguyên thủ quốc gia mà còn cần cố vấn, huống hồ gì người dân với trí óc tầm thường. Khi laptop của tôi bị trở ngại, tôi cầu cứu người bạn chuyên môn về vi tính.

Mỗi con dân Chúa đều cần có một người tư vấn, một người khôn ngoan hơn mình, sâu nhiệm lời Chúa hơn mình để tham khảo ý kiến cho những vấn đề quan trọng. Những ông vua tin kính người Do thái thường cầu vấn tiên tri của Chúa. Thí dụ, khi vua A-háp của Y-sơ-ra-ên thuyết phục vua Giê-hô-sa-phát đi đánh Ra-mốt Ga-la-át, vua muốn cầu vấn Đức Chúa Trời trước. Vua A-háp hỏi ý kiến 400 tiên trị giả; họ thấy không có gì trở ngại. Nhưng vua Giê-hô-sa-phát chưa tin và hỏi, “Ở đây không còn một tiên tri nào khác của CHÚA để chúng ta hỏi người sao?” (2 Vua 18:6) Tiên tri Mai-ca được thỉnh đến và can ngăn hai vua. A-háp không tin nên bị thiệt mạng.

Đi nhóm thờ phượng, học Kinh thánh là những cơ hội để học khôn ngoan của những anh chị em trong Chúa, để sống dư dật.

Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết,
Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”
(Châm ngôn 14:23).

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Trích từ sách “Sống đạo hay có đạo”

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like