Home Chuyên Đề Tại Sao Đức Chúa Trời Để Con Người Chịu Khổ?

Tại Sao Đức Chúa Trời Để Con Người Chịu Khổ?

30 đọc

Kinh Thánh cho chúng ta biết trong Khải Huyền 21:4 rằng sẽ có một ngày mà tất cả những buồn thảm, nước mắt, đau đớn và cái chết sẽ không còn nữa. Sẽ có một ngày tuyệt vời khi Đức Chúa Trời sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi các con cái Ngài, và nỗi đau buồn của chúng ta sẽ chấm dứt mãi mãi. Thưa quý độc giả, tôi hy vọng bạn là Cơ Đốc nhân, để bạn cũng có thể công bố lời hứa được phước mà Đức Chúa Trời đã lập với những người biết Ngài qua Con yêu dấu của Ngài, là Chúa Giê-su Christ. Có một ngày tuyệt vời sẽ đến cho những người đã được cứu bởi ân điển qua đức tin trong Chúa Giê-su Christ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta phải đối diện với một thực tế không thể chối cãi đó là con người đang phải chịu khổ. Đó là thực tế của cuộc sống. Bạn có thể tìm thấy bệnh tật, buồn phiền, và đau khổ trong mọi bước đường của cuộc sống. Bạn thấy được ở khắp mọi nơi. Ngay lúc này, có thể bạn đang nghĩ đến một người nào đó rất gần gũi với bạn, người đang phải chịu khổ rất nhiều, thật không công bằng. Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép điều đó xảy ra? Liệu Đức Chúa Trời có quan tâm không? Nếu Chúa tốt lành và thánh, thì tại sao Ngài không chấm dứt mọi nỗi khốn khổ và đau đớn này? Hãy tiếp tục đọc, vì có một lý do.

Sự Khởi Đầu Của Đau Khổ Và Buồn Phiền

Đã có một thời gian mà trên đất này không hề tồn tại khổ đau và  bất hạnh. Khi Đức Chúa Trời dựng nên con người trên mặt đất, mọi sự đều trọn vẹn. Không có bệnh tật, không có đau đớn, không có buồn phiền dưới bất kỳ hình thức nào. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho con người là họ sẽ sống trong sự bình an và hoà thuận mà không bao giờ phải kinh nghiệm đau khổ. Theo chương ba của sách Sáng Thế ký, sự cực khổ đã bước vào trong thế gian khi con người lựa chọn con đường của Sa-tan thay vì con đường của Đức Chúa Trời. Con người phạm tội chống lại Đức Chúa Trời trong Sáng Thế ký 3:6-7, và Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho A-đam và Ê-va biết những hậu quả của tội lỗi trong Sáng Thế ký 3:16-19. Đức Chúa Trời nói với A-đam và Ê-va rằng giờ đây họ sẽ trải nghiệm SỰ CỰC KHỔSỰ CHẾT. Vì vậy sự cực khổ và buồn phiền mà bạn và tôi phải đối mặt hôm nay không phải bởi việc làm của Đức Chúa Trời bất công; đó là hậu quả của tội lỗi. Chúng ta đau khổ bởi vì chúng ta là tội nhân. Rô-ma 6:23 nói, “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.

Có lẽ bạn sẽ nói rằng, Tôi không có làm gì sai cả. Tại sao tôi lại là tội nhân? Tất cả chúng ta đều sinh ra với bản chất tội lỗi. Chúng ta thừa hưởng bản chất tội lỗi và sa ngã từ A-đam và Ê-va. Rô-ma 5:12 nói rằng, “Bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” Chúng ta đọc thấy trong Rô-ma 3:23 rằng MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐÃ PHẠM TỘI và thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Vậy tại sao chúng ta phải chịu đau khổ? Chúng ta chịu khổ bởi vì bản chất tội nhân của chúng ta.

Một Số Người Chịu Khổ Vì Những Linh Hồn Hư Mất

Có lẽ bạn đang nghĩ, “Vậy, vấn đề ở đây là gì? Đức Chúa Trời được gì khi cho phép chúng ta chịu khổ?” Ngài đang muôn nói cho chúng ta một điều gì đó. Bằng cách để cho con người chịu đau khổ, Đức Chúa Trời đang chỉ cho chúng ta thấy CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ KHÔNG ỔN. Nếu mọi thứ đều ổn thỏa giữa con người và Đức Chúa Trời, thì sẽ không có đau buồn và sự chết, bởi vì ban đầu không có những sự đó. Mỗi một ngày trong cuộc sống của bạn, Đức Chúa Trời đang bày tỏ cho bạn thấy một cách rõ ràng rằng con người đã BỊ PHÂN CÁCH khỏi Ngài vì tội lỗi, và con người đã được định sẵn sẽ ở đời đời trong Lửa Địa Ngục trừ khi người đó chịu đến với Chúa để được giúp đỡ. Việc Đức Chúa Trời cho phép sự đau đớn và khổ sở xảy đến cho con người ngày hôm nay chứng tỏ rằng Ngài cũng sẽ cho phép nó xảy ra ở cõi đời đời.

Chúa không VUI khi nhìn thấy bất cứ ai phải chịu đau khổ, nhưng Ngài CHO PHÉP con người chịu khổ vì nhiều lý do. Nếu bạn chưa từng tiếp nhận Chúa Giê-su Christ làm Cứu Chúa của bạn, thì Đức Chúa Trời muốn bạn nhìn thấy nhu cầu của mình để làm điều đó ngay. Đôi khi Đức Chúa Trời phải cho phép bi kịch bước vào đời sống để một ai đó chịu nhìn đến Ngài để có Sự Cứu Rỗi. Như có người đã nói, “Một số người sẽ không nhìn lên Đức Chúa Trời cho đến khi Ngài để cho họ vấp ngã.” Thật đáng buồn, nhưng đó lại là sự thật. Có rất nhiều người vẫn còn lầm lạc trong tội lỗi nếu Đức Chúa Trời không đem đến một số tai họa cho cuộc đời họ để thu hút sự chú ý của họ.

Bạn có nghĩ rằng người phung trong Ma-thi-ơ 8:2 sẽ chịu đến với Chúa Giê-su nếu ông ta ở trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo không? Còn người mù trong Lu-ca 18:35 thì sao? Sách II Các Vua chương năm kể về một người tên Na-a-man, quan tổng binh của vua Sy-ri, bị bệnh phung. Nếu người này không mắc bệnh phung, thì ông ta sẽ không bao giờ quay về với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chứa đầy những trường hợp Đức Chúa Trời đến với con người qua sự khổ nạn mà họ chịu.

Đôi khi, Ngài thậm chí còn sử dụng bi kịch của một người để mang NHỮNG NGƯỜI KHÁC đến với Đấng Christ. Chẳng hạn như trong trường hợp của La-xa-rơ trong sách Giăng chương mười một. La-xa-rơ bị bệnh rất nặng, nhưng trước khi người chết, Chúa Giê-su phán rằng bệnh tật của Người là “vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Giăng 11:2-4). Sau đó trong Giăng 11:45, chúng ta đọc thấy, “…Có nhiều người Giu-đa đã đến cùng Ma-ri và thấy sự Đức Chúa Giê-su làm bèn tin Ngài.” Chúng ta cũng đọc trong Giăng 12:11 rằng có nhiều người VÌ CỚ LA-XA-RƠ mà tin theo Đức Chúa Giê-su Christ. Nếu La-xa-rơ không chịu khổ vì bệnh tật và chết đi, những người này có lẽ không bao giờ nhận biết Chúa Giê-su Christ. Bạn thấy đấy, Đức Chúa Trời hoàn toàn nắm quyền kiểm soát . Chúa Giê-su ĐÃ BIẾT rằng La-xa-rơ đang đau nặng, nhưng Ngài đã chọn không đi đến để chữa lành cho người ngay (Giăng 11: 6). Ngài có LÝ DO khi để cho nỗi đau buồn và sự chết xảy đến với gia đình La-xa-rơ. Không ai phải chịu đau khổ một cách vô ích. Đức Chúa Trời luôn luôn có lý do, và đôi khi Ngài đang cố gắng cho một ai đó thấy được sự cần thiết của việc tiếp nhận Chúa Giê-su Christ. Điều này có thực sự đúng trong đời sống của bạn không? Hãy suy nghĩ về điều đó nhé. Liệu Đức Chúa Trời có thể làm cho bạn nhận thức được sự thật rằng bạn là một tội nhân, và bạn cần phải được cứu?

Một Số Cơ Đốc nhân Chịu Khổ Vì Sự Trừng Phạt Của Đức Chúa Trời

Là một Cơ Đốc nhân, bổn phận của tôi là sống một cuộc đời tôn vinh và vâng phục Đấng Christ trước Đức Chúa Trời. Nếu tôi không vâng lời, Kinh Thánh nói rằng Cha Thiên Thượng sẽ khiển trách và sửa phạt tôi. Hê-bơ-rơ 12:6-8 nói, “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật.” Cũng giống như bất kỳ người cha có trách nhiệm sẽ kỷ luật con cái của mình khi chúng không vâng lời, Đức Chúa Trời cũng kỷ luật con cái của Ngài. Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô 11:31-32 rằng chúng ta thường có thể tránh được sự trừng phạt của Đức Chúa Trời bằng cách TỰ XÉT ĐOÁN LẤY MÌNH thay vì lờ đi những tội lỗi của chúng ta là việc sẽ buộc Đức Chúa Trời phải xét đoán chúng ta. Nhắm đến các Cơ Đốc nhân, Giăng nói với chúng ta rằng, “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (I Giăng 1:9) Trách nhiệm của Cơ Đốc nhân là làm hết sức mình để sống một cuộc đời vô tội, nhưng khi tôi phạm tội, tôi phải ăn năn và XƯNG NHẬN tội lỗi của tôi với Chúa. Nếu tôi chọn không làm như vậy, thì tôi là một đứa con không vâng lời, và Cha Thiên Thượng sẽ khiển trách và uốn nắn tôi. Thật buồn vì ngày nay có nhiều Cơ Đốc nhân đang phải trải qua bi kịch bởi vì họ từ chối không xưng nhận tội lỗi của họ với Chúa và ăn năn hối cải.

Một Số Cơ Đốc nhân Chịu Khổ Vì Cớ Chúa Giê-su Christ

II Ti-mô-thê 3:12 nói rằng, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ.” Sau đó, II Ti-mô-thê 2:12 nói, “Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị…” Chúa Giê-su nói, “Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23) Khi một Cơ Đốc nhân chọn từ bỏ chính mình và theo Chúa Giê-su, người đó chọn chịu khổ vì Chúa. Thế gian luôn tìm ra cách để bức hại con dân Chúa, và chúng ta không nên ngạc nhiên khi sự bắt bớ xảy đến. Chúa Giê-su đã chịu khổ vì chúng ta, và chúng ta phải coi đó là một vinh dự khi chịu khổ nạn vì cớ Ngài. Trong Công Vụ 5:41, các sứ đồ HỚN HỞ vì mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giê-su Christ! Chúa Giê-su phán rằng chúng ta NÊN mừng rỡ khi chúng ta chịu khổ vì cớ Ngài, vì phần thưởng của chúng ta ở trên trời sẽ LỚN LẮM (Ma-thi-ơ 5:12). I Phi-e-rơ 2:19-21 cho chúng ta biết trách nhiệm của chúng ta là làm theo tấm gương của Chúa chúng ta trong sự chịu khổ, và I Phi-e-rơ 4:12-16 khuyên chúng ta hãy vui mừng khi được dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ, và đừng hổ thẹn. Một số người ngày nay đang trải qua thời kỳ khó khăn, bởi vì, giống như Môi-se, họ đã CHỌN bị ngược đãi cùng với dân sự của Chúa, thay vì thụ hưởng những thú vui tạm thời của tội lỗi (Hê-bơ-rơ 11:25). Những người như vậy dường như đã nhận được một sự đối xử không công bằng từ Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh nói rằng họ thật sự được phước, vì họ có rất nhiều của cải được dành sẵn cho họ trên thiên đàng (Ma-thi-ơ 6:19-21; 1 Cô-rinh-tô 3:11-15). Rô-ma 8:18 nói rằng, “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.” Bạn có sẵn sàng vác thập tự giá của mình cho Chúa Giê-su Christ không? Bạn có đang chứa của cải ở trên trời không?

Đức Chúa Trời Dạy Chúng Ta Những Bài Học Quý Giá Qua Sự Chịu Khổ

Không phải người nào đang chịu khổ nạn cũng là Cơ Đốc nhân không vâng lời. Có nhiều Cơ Đốc nhân rất đáng quý, phải chịu đau đớn mỗi ngày, nhưng họ là những thánh đồ tốt đẹp nhất và có đời sống kính sợ Đức Chúa Trời nhất mà bạn từng gặp. Tại sao Đức Chúa Trời lại để họ chịu đau khổ? Có nhiều lý do.

Một trong những lý do là để rèn luyện sự khiêm nhường. Nếu chúng ta tin tưởng vào một số “Người Chữa Bệnh Bằng Đức Tin” phổ biến ở thời đại chúng ta, chúng ta tin rằng con người chịu đau khổ vì họ thiếu đức tin nơi Thiên Chúa, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Sứ đồ Phao-lô đã không sống trong tội lỗi và ông cũng không thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng ông cũng ĐÃ phải chịu khổ. Tại sao? Ông nói cho chúng ta biết tại sao trong II Cô-rinh-tô 12:7, “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo.” Bất kể cái giằm đâm vào xác thịt là gì, các câu tám và chín cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời KHÔNG có ý định cất nó khỏi Phao-lô. Thay vào đó Ngài chọn ban cho Phao-lô ÂN ĐIỂN của Ngài để ông có thể mang lấy gánh nặng này. Đức Chúa Trời đã sử dụng nan đề này trong cuộc đời của Phao-lô để dạy ông sống khiêm nhường, để giúp giữ cho ông khỏi tính kiêu ngạo.

Có những lúc, Đức Chúa Trời thấy cần phải cho chúng ta trải qua một số biến cố nhằm mục đích làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Phao-lô nói với chúng ta trong 2 Ti-mô-thê 2:3, “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Giê-su Christ.” Bạn biết đấy, trong các đợt huấn luyện, vị sĩ quan quân đội sẽ nhiều lần giao cho một người lính những nhiệm vụ khó khăn để rèn cho anh ta trở nên cứng rắn, để xem anh ta có sẵn sàng làm hết sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không – hay anh ta có cống hiến hết mình cho tổ chức không. Có vẻ như không có lý do nào hợp lý cho những rắc rối mà chúng ta thường phải đối mặt, nhưng Đức Chúa Trời luôn có lý do. Đôi khi Ngài chỉ là đang cố gắng làm cho chúng ta cứng rắn hơn để có khả năng chịu đựng thử thách. Theo Ga-la-ti 5:22, một Cơ Đốc nhân đầy dẫy Thánh Linh thì phải NHỊN NHỤC. Bạn có đang nhịn nhục không? Bạn có sẵn sàng chịu đựng khó khăn nghịch cảnh vì cớ Chúa?

Đức Chúa Trời cũng sẽ dùng sự khổ nạn để dạy chúng ta tính nhẫn nại. Rô-ma 5:3 cho chúng ta biết rằng, “…hoạn nạn sanh sự nhịn nhục.” Bạn có nhớ đến trường hợp của Gióp không? Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan cất đi những bò, lừa, chiên, lạc đà, đầy tớ, con cái của Gióp, và thậm chí cả sức khoẻ của ông. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói, “…Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình” (Gióp 2:10). Cuối cùng, Đức Chúa Trời phục hồi Gióp và ban cho Gióp GẤP ĐÔI những gì ông đã có trước kia (Gióp 42:10). Bạn có sẵn lòng tin cậy Đức Chúa Trời và kiên nhẫn chờ đợi sự giải cứu của Ngài khi rắc rối ập đến với bạn không?

Một số người chịu khổ để rồi họ sẽ được trang bị tốt hơn để có thể an ủi những người khác trong mọi cơn hoạn nạn mà họ gặp (II Cô-rinh-tô 1:3-4). Sẽ luôn là một phước hạnh khi biết được có ai đó đã trải qua những rắc rối tương tự mà bạn đang trải qua, vì họ thường có những lời hữu ích đầy an ủi và khôn ngoan. Bạn có đang trải qua những thời điểm khó khăn không? Có lẽ Chúa đang cho bạn những kinh nghiệm để giúp ai đó sau này.

Bạn ơi, như bạn đã thấy, có một số lý do tại sao Chúa cho phép con người chịu đau khổ. Đa-vít nói, “Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa” (Thi Thiên 119: 71). Sứ đồ Phao-lô, người đã chịu rất nhiều nỗi khổ nạn, đã nói những lời này trong Rô-ma 8:28, “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” Ông cũng nói, “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). (cái này trong bản gốc không có dấu chấm ở đó nhưng mình làm theo đúng nguyên tắc)

Chúa Giê-su Christ đã chịu khổ vì tất cả chúng ta, để chúng ta có thể có được sự sống đời đời. Lời nguyền của sự đau khổ và sự chết đã bước vào thế gian này bởi cớ tội lỗi, nhưng chúng ta có thể thoát được sự rủa sả đó thông qua Chúa Giê-su Christ. Chúa Giê-su phán rằng: “…Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Giăng 14:6) Sẽ có một ngày khi mà mọi đau khổ sẽ chấm dứt cho những ai biết Chúa Giê-su Christ và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình. Khải Huyền 21:4 nói, “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi.

Bạn đã tiếp nhận Chúa Giê-su Christ làm Cứu Chúa của bạn chưa? Kinh Thánh nói rằng bạn có thể tiếp nhận Đấng Christ bằng cách TIN danh Ngài (Giăng 1:2). Ngài đã trả giá cho tội lỗi của bạn, và bằng cách TUYÊN BỐ Ngài là Cứu Chúa của bạn – yên nghỉ trong Dòng Huyết Chuộc Tội đã trọn của Ngài vì tội lỗi của bạn – bạn có thể được cứu! Rô-ma 4:5 nói, “Còn kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình.” Ê-phê-sô 2:8-9 nói rằng bạn được cứu NHỜ ÂN ĐIỂN BỞI ĐỨC TIN, chứ không phải bởi việc làm của bạn. Đức Chúa Trời không muốn bạn làm việc công đức để được lên Thiên Đàng, vì chẳng có ai làm điều phải, chẳng có một người công bình nào hết (Rô-ma 3:10). “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Bạn không cần Đức Chúa Trời đánh giá những việc làm tốt xấu của bạn; bạn cần một ĐẤNG CỨU CHUỘC để cứu bạn khỏi những tội lỗi của bạn. Chúa Giê-su Christ chính là Đấng Cứu Chuộc. Nếu bạn kêu cầu Ngài và cầu xin Sự Cứu Rỗi, tin cậy chỉ mình Ngài có thể cứu bạn, Ngài sẽ giải cứu bạn và ban cho bạn sự sống đời đời. Sứ điệp rất đơn giản. “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10:9). Rô-ma 10:13 nói rằng, “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.” Vậy tại sao không kêu cầu Ngài ngay bây giờ? Ngày mai có thể sẽ quá trễ.

Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like