Home Chuyên Đề Giê-xu Hay Yeshua?

Giê-xu Hay Yeshua?

by Oneforisrael.org
30 đọc

Thiên sứ Gáp-ri-ên thông báo, “…và nàng [Ma-ri] sẽ… đặt tên con trai đó là… ‘Giê-xu’.” Không, thiên sứ không nói như vậy. Người nói là “Yeshua” (đọc là ‘yeh/shoo/ah’). Nhưng một lần nữa, Gáp-ri-ên cũng không thực sự được gọi là Gáp-ri-ên – trong tiếng Do Thái, nó phát âm hơi khác: “Gav-ree-el” (tạm phiên âm ra là ‘Ga-v/ri/eo-l’) – đấng quyền năng của Chúa. Nhưng ít nhất tên Gáp-ri-ên khi đọc lên cũng có MỘT CHÚT gì đó nghe giống với Gav-ree-el. Ít nhất thì phát âm của hai từ này cũng gần giống nhau! Vậy thì làm thế nào mà Yeshua, tên thực tế của Chúa và Đấng Mê-si của chúng ta trong tiếng Do Thái lại biến thành Giê-xu (có khi là Giê-su hay Jêsus)? Nghe có vẻ không giống Yeshua (yeh/shoo/ah) lắm đúng không nào! Và cách mà chúng ta gọi Ngài có thực sự quan trọng không?

Từ đâu mà chúng ta lại gọi Ngài là Giê-xu?

Cái tên “Giê-xu” (hay Jesus trong tiếng Anh) xuất phát từ cách viết tên Ngài trong tiếng Hy Lạp: từ Ἰησοῦς, được phát âm là “Yay-soos”. Mặc dù chúng ta có phiên bản tiếng Anh của tên tiếng Do Thái cho Gáp-ri-ên, nhưng dường như chúng ta đã kết thúc bằng việc sử dụng phiên bản tiếng Anh của tiếng Hy Lạp cho tên trong tiếng Do Thái của Đấng Mê-si, điều đó thậm chí làm cho danh Ngài khi đọc lên nghe khác xa bản gốc. Nó làm cho Ngài khó được nhận biết bởi các anh em Do Thái của mình. Danh Giê-xu nghe thật thân quen với… dân ngoại nhưng lại không thuận tai lắm đối với người Do Thái! Nhưng khi người Do Thái nghe thấy danh Ngài trong tiếng Do Thái, họ sẽ được khai sáng. À! ra là Yeshua! Tên Yeshua đã được biết đến và sử dụng trong lịch sử Do Thái – bạn có thể tìm thấy những người được gọi là Yeshua trong danh sách những người phục vụ đền thờ (1 Sử-ký 24:11, 2 Sử-ký 31:15, Ê-xơ-ra 2:2, 6, 36). Đó là một phiên bản khác của tên Giô-suê (Joshua) và nó có nghĩa là “sự cứu rỗi”. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều đối với người Do Thái.

Chúa Giê-xu được biết đến như thế nào và Ngài được gọi là gì ở Israel ?

Thật đáng buồn, suốt một thời gian dài giữa vòng những người Do Thái nói tiếng Do Thái, Yeshua được biết đến với cái tên là “Yeshu”, vốn là từ viết tắt của một lời rủa sả: “yimakh shemo ve zikhro” có nghĩa là “nguyền xin danh nó và những gì người ta biết về nó đều bị xóa sổ”. Người Do Thái đã phải chịu nhiều khổ nạn và bị bắt bớ vì danh Yeshua đến nỗi danh của Ngài đã trở thành một hòn đá gây vấp phạm, và giờ Ngài thường bị coi là một trong những kẻ thù của dân Do Thái. Từ “Yeshu” này được ghép từ ba chữ cái trong tiếng Do Thái – Y-Sh-U (ישו), nhưng nó thiếu mất chữ cái cuối cùng của tên Ngài – ấy là âm “Ah”. Chữ cái cuối cùng này là “Ayin” (ע), khá thú vị, nó có nghĩa là “con mắt”. Dường như nếu không có “ayin” thì họ không thể nhìn thấy được, nhưng khi thêm “ayin” vào, thì những kẻ mù sẽ được mở mắt để nhìn thấy Chúa mình.

Người ta gọi Ngài là Yeshu thay vì Yeshua ở Israel, nhưng có một số học giả gọi Ngài là Yeshua. Ở Israel, Ngài thường bị coi là dân ngoại, người đứng đầu của một nhóm gọi là Cơ-đốc nhân hay bất kỳ một tên nào khác. Nhưng Chúa Giê-xu không phải là một Cơ-đốc nhân – Ngài không phải là một người theo Đấng Christ – mà chính Ngài là Đấng Christ! Đấng Mê-si của người Do Thái! Chúa Giê-xu không phải là Cơ-đốc nhân, Ma-ri không phải là người Công-giáo và Giăng cũng không phải là người theo phái Báp-tít: Tất cả họ đều là người Do Thái! Christ là từ tiếng Hy Lạp để chỉ Đấng Mê-si, vì vậy Chúa Giê-xu Christ thực sự có nghĩa là Yeshua là Đấng Mê-si.

Tôi nhớ có lần tôi tham gia một lớp học về Tân Ước tại một trường đại học ở Israel, được dạy bởi một người không tin Chúa – nên cô ấy chỉ đơn giản là coi Kinh Thánh như một cuốn sách quan trọng đã định hình nền văn minh phương Tây mà thôi. Khi các sinh viên hỏi “Christ” có nghĩa là gì (đó có phải là họ của Ngài không?), vị giáo sư này giải thích rằng đó là từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là Đấng Mê-si. Trước sự vui mừng của tôi, cô ấy đã viết lên bảng (bằng tiếng Do Thái, cho một lớp học toàn học sinh Israel):

Giê-xu  =  Yeshua =  Christ  =  Đấng Mê-si

Những người Israel ở đây không hiểu rõ điều này, nhưng dần dần, ánh sáng cũng lộ ra và soi sáng khi ngày càng có nhiều người hiểu rằng Chúa Giê-xu Christ không phải là một nhân vật ngoại lai của một tôn giáo ngoại bang, mà là Yeshua, sự cứu rỗi, là Đấng Mê-si của người Do Thái đến từ Na-xa-rét ở Y-sơ-ra-ên, Đấng đã được nói tiên tri trong Kinh Thánh của người Do Thái. “Nàng sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Yeshua, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21).

Thế rốt cuộc chúng ta nên gọi Ngài là gì?

Vậy, bây giờ là câu hỏi, khi đã biết tên thật của Ngài trong tiếng Do Thái là Yeshua – liệu chúng ta có nên gọi Ngài là Chúa Giê-xu nữa hay không?

Đúng là mẹ và bạn bè của Ngài khi ấy đã gọi Ngài là Yeshua chứ không phải Giê-xu, nhưng nếu từ trước đến giờ bạn chỉ biết Ngài là Chúa Giê-xu, thì Ngài có phiền vì điều đó không? Gọi Ngài là Chúa Giê-xu là sai sao? Một số người sẽ cố gân cổ lên mà tranh luận rằng chúng ta phải gọi Ngài là Yeshua chứ không phải Giê-xu, Giê-su hay Jêsus; vì điều này rất là quan trọng. Nhưng thiết nghĩ, sự đến của Yeshua cũng là lúc mà Đức Chúa Trời mang ơn cứu rỗi đến cho dân ngoại. Tôi tin rằng không phải ngẫu nhiên mà danh của Ngài đã trở nên phổ biến trong ngôn ngữ quốc tế thời bấy giờ là tiếng Hy Lạp, để nó có thể đi được xa và lan truyền rộng rãi đến mọi quốc gia trên thế giới cho đến ngày nay. Nói cách khác dù bạn có gọi Ngài là Giê-xu hay Jêsus thì Ngài cũng không phiền đâu. Ngài vẫn là Ngài, Cứu Chúa của bạn; và dù bạn có không phát âm đúng tên Ngài trong tiếng Do Thái thì tấm lòng bạn vẫn biết rõ Đấng mà mình đang kêu cầu đó là ai.

Đức Chúa Trời đang mở đường cho tất cả các dân trên đất đến với Ngài. Nếu bạn đã quen gọi Ngài là Chúa Giê-xu, thì không cần phải thay đổi thành Yeshua (vì không thật cần thiết). Ngài biết chiên của Ngài, và Chiên của Ngài nhận ra tiếng Ngài. Danh Chúa đã lan ra khắp các quốc gia với nhiều phiên bản khác nhau, nhưng giờ đây, trở lại nơi mà Ngài đã giáng sinh, Y-sơ-ra-ên – Israel thời hiện đại, mọi người mới chỉ đang bắt đầu khám phá ra lẽ thật rằng Yeshua chính là Đấng Mê-si người Do Thái của họ.

Yeshua sẽ được anh em Ngài công nhận một lần nữa

Giống như việc các anh em của Giô-sép không thể nhận ra người trong trang phục Ai Cập và vì người nói một thứ tiếng lạ khi họ đến cầu xin sự giúp đỡ, thì Chúa Yeshua cũng đã ở giữa các dân ngoại, mang lại sự cứu rỗi, và bây giờ dường như bị che lấp bởi các thuật ngữ và văn hóa ngoại lai. Các anh chị em người Do Thái của Ngài đã khó nhận ra Ngài là người của họ.

Hãy nhớ lại những gì đã xảy ra với Giô-sép và các anh em người trong Sáng-thế Ký 45:1-5:

“… Giô-sép tỏ thật với các anh em mình. Ông bật khóc lớn đến nỗi những người Ai Cập và cả hoàng gia Pha-ra-ôn đều nghe. Giô-sép nói với các anh em: “Tôi là Giô-sép đây! Cha tôi còn sống không?” Nhưng trước mặt ông, các anh em đều sợ hãi, không thốt nên lời. Giô-sép nói: “Xin anh em hãy đến gần tôi.” Họ lại gần. Ông nói: “Tôi là Giô-sép, đứa em mà các anh đã bán sang Ai Cập đây. Nhưng bây giờ, các anh đừng đau buồn và cũng đừng tự trách mình vì đã bán tôi sang đây. Vì để bảo tồn sự sống mà Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh.”

Giô-sép là một hình bóng báo trước về Đấng Mê-si – bị bán với giá 20 miếng bạc còn khi Yeshua bị phản bội là vì 30 đồng bạc, chịu khổ dưới tay anh em mình và chết thế cho họ, nhưng vẫn mang lại sự cứu rỗi cho cả nhà mình và nhiều dân khác xung quanh. Chúng ta biết rằng đến một lúc nào đó sự mặc khải này cũng sẽ đến với dân Do Thái, như Đức Chúa Trời hứa trong Xa-cha-ri 12:10,

“Ta sẽ đổ thần ân điển và nài xin trên nhà Đa-vít và trên cư dân Giê-ru-sa-lem. Chúng sẽ nhìn xem Ta là Đấng chúng đã đâm, rồi chúng sẽ than khóc Ngài như người ta than khóc đứa con một, và sẽ thương tiếc Ngài như người ta thương tiếc con đầu lòng.”

Hay như trong Xa-cha-ri 13:6, “Nếu có ai hỏi: ‘Những vết thương giữa hai cánh tay anh là vì sao?’ Người ấy sẽ đáp: ‘Đó là những vết thương tôi đã bị trong nhà bạn tôi.’

Điều này vẫn chưa xảy ra, nhưng khi nó xảy ra, sẽ có rất nhiều người vừa khóc vừa kinh hãi (chúng ta đã làm gì thế này?) vừa vui mừng, như những gì đã từng xảy ra với Giô-sép và các anh em mình. Họ sẽ ôm lấy người anh em Do Thái của họ, Yeshua, Đấng Mê-si trong lời hứa. Rồi niềm vui chung của sự hòa giải và đoàn tụ gia đình sẽ thuộc về cả người Do Thái và dân ngoại, vì Đức Chúa Trời đã tận dụng tất cả những năm tháng mà Ngài bị chính dân mình khước từ vì lợi ích và sự cứu rỗi của toàn thế giới.

“Thưa anh em, tôi muốn anh em hiểu sự mầu nhiệm nầy để anh em không tự cho mình là khôn ngoan, đó là: Một phần dân Y-sơ-ra-ên cứ cứng lòng cho đến khi số dân ngoại gia nhập đầy đủ. Như vậy cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu…Như anh em trước kia không vâng phục Đức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót nhờ sự không vâng phục của họ, thì cũng vậy, bây giờ họ đã không vâng phục để nhờ sự thương xót tỏ ra cho anh em, họ cũng được thương xót. Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong chỗ không vâng phục, để thương xót mọi người. Ôi! Sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời thật sâu nhiệm biết bao! Sự phán xét của Ngài làm sao biết được, đường lối Ngài làm sao hiểu được!” (Rô-ma 11:25-33)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like