Home Chuyên Đề Theo Gương Giê-hô-sa-phát Khi Đối Mặt Với Tai Ương

Theo Gương Giê-hô-sa-phát Khi Đối Mặt Với Tai Ương

by Oneforisrael.org
30 đọc

Rắc rối nghiêm trọng đã xảy ra với Y-sơ-ra-ên trước đây và sẽ còn lặp lại nữa. Nhưng thật tuyệt vời, chúng ta có một cuốn sách hướng dẫn để sống sót qua thảm họa. Cuốn sách tuyệt vời này đưa ra nhiều lời khuyên đáng tin cậy về cách tồn tại và thậm chí trở nên thịnh vượng trước mọi khó khăn. Sự khôn ngoan được thử luyện và kiểm tra, và có nhiều nguyên tắc mà chúng ta có thể học được ngày nay, ở Y-sơ-ra-ên và cả trên toàn thế giới! Chỉ nhìn vào một câu chuyện, chúng ta có thể thấy một tấm gương tuyệt vời giúp chúng ta đối mặt với mọi loại rắc rối, bất kể nó nghiêm trọng đến mức nào.

Những câu chuyện về Vua Giê-hô-sa-phát (có bản dịch là ‘Giô-sa-phát’) trong 2 Sử-ký 20 có thể đã hàng nghìn năm tuổi, nhưng câu chuyện này đặc biệt có vẻ phù hợp với ngày nay! Hãy nhìn vào cách mà Giê-hô-sa-phát phản ứng với sự diệt vong sắp xảy ra và để xem chúng ta có thể học được gì từ tấm gương tuyệt vời của ông…

“Thật chúng con không đủ sức đối phó với đạo quân đông đảo nầy. Bây giờ chúng con không biết phải làm gì ngoài việc ngước mắt ngưỡng vọng nơi Ngài.” (2 Sử-ký 20:12, BD2011)

Con Đang Ở Trong Một Tình Huống Tiến Thoái Lưỡng Nan!

Đoạn này mở ra bằng một mô tả về tình huống đáng sợ mà Vua Giu-đa phải đối mặt:

“…quân Mô-áp, quân Am-môn, và các đồng minh của quân Am-môn kéo nhau đến tấn công Giê-hô-sa-phát. Lúc ấy một số người đến báo cáo với Giê-hô-sa-phát rằng, ‘Một đại quân đông đúc từ hướng Ê-đôm, phía bên kia Biển Chết, đang tiến qua đánh ngài. Hiện giờ chúng đang hạ trại tại Ha-xa-xôn Ta-ma, tức Ên Ghê-đi.’” (câu 1-2)

Không phải một mà là ba đạo quân đang tập hợp chung quanh và tiến đánh Giu-đa – một binh đoàn rất đông đang áp sát dần. Câu 3 cho chúng ta biết rằng Giê-hô-sa-phát ‘lấy làm sợ hãi’. Đây cũng là một phần của vấn đề, nhưng không có gì là không thể giải quyết.

Trước tiên, chúng ta sẽ xem những gì ông đã làm, sau đó chúng ta sẽ xem qua lời cầu nguyện của ông đã được ghi lại trong Kinh Thánh cho chúng ta một cách chi tiết, bởi vì có rất nhiều điều để học hỏi từ đó! Chúng ta sẽ xem cách mà Chúa đáp lời, và làm thế nào chúng ta có thể áp dụng những điều này cho đời sống và đất nước của chúng ta ngày nay.

Kế hoạch hành động của Giê-hô-sa-phát:

  1. Trước hết, Giê-hô-sa-phát “quyết tâm tìm kiếm Chúa”. Bạn có thể sợ hãi và suy sụp trong một mớ hỗn độn, HOẶC bạn có thể trở nên nghiêm túc trong quyết tâm tìm kiếm Chúa. Giê-hô-sa-phát đã có một lựa chọn có chủ ý để chuyển từ sợ hãi sang đức tin, và “để lòng tìm kiếm Chúa” (NVB). Đây là biểu hiện của việc lựa chọn hướng đi và thái độ của ông. Ông đưa ra quyết định là nhìn vào Chúa, chứ không nhìn vào nan đề của mình.
  2. Ông truyền lịnh cho cả nước Giu-đa phải kiêng ăn cầu nguyện – ông kêu gọi mọi người tham gia và sát cánh cùng mình. Chúng ta biết rằng kiêng ăn là một hành động tuyệt vời để bắt đầu tìm kiếm Chúa, và kêu gọi những người khác tham gia cùng mình là một ý kiến hay.
  3. Sau đó, chúng ta được cho biết rằng “toàn dân Giu-đa đều họp lại với nhau để tìm kiếm Chúa. Thật vậy, dân chúng trong tất cả các thành của Giu-đa cùng nhau kéo về để tìm kiếm Chúa” (câu 4), sau này, chúng ta đọc thấy “toàn dân Giu-đa, cùng với vợ của họ, các con lớn của họ, và các con thơ của họ đều đứng trước mặt Chúa” (câu 13). Có một sức mạnh to lớn khi các tín hữu hiệp nhất với nhau trong sự cầu nguyện. Phấn hưng thường xảy ra khi sự cầu nguyện và sự hiệp nhất được thiết lập trước tiên giữa vòng những người tin Chúa.

Bây Giờ Hãy Nhìn Vào Lời Cầu Nguyện Của Ông:

“Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng con! Ngài chẳng phải là Chúa ở trên các tầng trời sao? Chẳng phải Ngài là Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? Tay Chúa đầy quyền thế và năng lực, không ai chống cự nổi.” (câu 6, Bản Hiệu Đính)

Về cơ bản, Giê-hô-sa-phát đang nói với Chúa rằng, “Con biết Ngài là Đấng quyền năng, và con biết Ngài có thể làm được điều này.” Đức Chúa Trời YÊU THÍCH việc chúng ta kêu cầu và nhắc lại Ngài là Đấng như thế nào – quyền năng lớn lao của Ngài, sự thật rằng Ngài ở trên các tầng trời và là Chúa của mọi tạo vật. Điều này cũng gây dựng đức tin của chúng ta.

“Lạy Đức Chúa Trời chúng con! Chẳng phải Ngài đã đuổi dân xứ nầy khỏi dân Y-sơ-ra-ên của Ngài mà ban xứ ấy cho dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ngài, làm sản nghiệp đời đời sao?” (câu 7)

Ông đang nói rằng, “Con nhớ là Ngài đã làm điều này trước đây trong quá khứ và con cũng muốn nhắc Ngài về các giao ước và tình bạn của Ngài.” Đức Chúa Trời chắc chắn là bạn hữu của Áp-ra-ham – ngài yêu con người này. Nhiều lần chúng ta đọc thấy Đức Chúa Trời hành động vì những lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, Đa-vít, v.v. Chúa là một người bạn thành tín. Một khi Ngài đã hứa thì Ngài KHÔNG BAO GIỜ phá vỡ lời hứa đó. Ngài sẽ không bao giờ để bạn của Ngài thất vọng.

“Họ đã ở đó và đã xây cất cho danh Ngài một đền thánh, và nói rằng: ‘Nếu tai họa giáng trên chúng con, hoặc gươm giáo, hoặc sự trừng phạt, hoặc dịch bệnh, hoặc nạn đói, thì chúng con sẽ đứng trước đền thờ nầy và trước mặt Chúa (vì danh Ngài ở trong đền thờ nầy), mà kêu cầu Ngài trong cảnh khốn cùng của chúng con, Ngài sẽ lắng nghe và giải cứu chúng con.’” (câu 8-9)

Giê-hô-sa-phát nhắc Chúa thế này, “Chúa ơi, NGÀI ĐÃ NÓI như vầy…, Chúa, NGÀI ĐÃ HỨA…” Nhắc lại với Chúa về tất cả những gì Ngài đã làm và đã phán trong quá khứ cũng là một chìa khóa thực sự quan trọng trong một lời cầu nguyện mạnh mẽ. Không phải vì Ngài đã quên đâu, nhưng chúng ta cần phải nhớ, và khi làm như vậy, niềm tin của chúng ta càng tăng lên. “Này này, Chúa ơi – Ngài hoàn toàn có thể làm được điều này! Con biết chắc là Ngài có thể! Hãy nhớ lại lần đó khi mà… ” Việc kể lại những lời Ngài đã nói và những gì Ngài đã hứa cũng là điều cần thiết. Cầu nguyện bằng cách sử dụng Kinh Thánh là một ý tưởng tuyệt vời! “Chúa ơi, hãy nhìn này, Ngài đã nói ở đây rằng…” và mong đợi Ngài thực hiện lời hứa của Ngài. Điều này làm đẹp lòng Chúa.

“Lúc dân Y-sơ-ra-ên rời Ai Cập, Chúa không cho họ đi vào xứ các dân Am-môn, Mô-áp và dân vùng núi Sê-i-rơ nên dân Y-sơ-ra-ên quay khỏi chúng và không tiêu diệt chúng. Kìa, nay chúng báo trả chúng con bằng cách đến đuổi chúng con khỏi sản nghiệp mà Chúa đã ban cho chúng con.” (câu 10-11)

Giê-hô-sa-phát nói, “Đây là vấn đề của con, và bọn họ đang hăm he lấy đi thứ mà Ngài đã ban cho chúng con.” Chúng ta có thể trút hết lòng mình ra với Chúa, giải thích cặn kẽ tình hình cho Ngài. Không phải là Ngài không biết, nhưng một lần nữa, điều đó giúp chúng ta cảm thấy giải tỏa khi giao hết nan đề, sợ hãi và lo lắng cho Ngài cũng như đặt chúng dưới bệ chân Ngài, để Ngài giải quyết. Có phải kẻ thù đang cố gắng lấy đi thứ gì đó đáng lý ra phải là của bạn với tư cách là đứa con được chính Chúa mua lại bằng huyết? Hãy báo cho Cha thiên thượng của bạn và gọi Ngài đến giúp đỡ bạn!

“Lạy Đức Chúa Trời chúng con! Ngài sẽ không trừng phạt chúng sao? Vì chúng con không đủ sức để đối địch cùng đám quân đông đảo đang đến tấn công chúng con. Chúng con không biết phải làm sao, nhưng mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.” (câu 12)

Ông đang nói, “Chúng con không thể làm gì trong tình huống này, chúng con sẽ thua mất nếu không có Ngài, chúng con chỉ biết trông cậy vào Ngài mà thôi.” Thái độ hoàn toàn phụ thuộc này rất đẹp lòng Chúa.  Đôi khi chúng ta sống trong ảo tưởng rằng chúng ta đang kiểm soát mọi thứ, nhưng thực tế lại trở nên rõ ràng hơn nhiều trong những thời khắc khó khăn. “Chúa ơi, không có Ngài, chúng con sẽ chết mất!” Vâng, chúng ta sẽ chết chắc nếu không có Chúa. Chúa biết điều này. Một lần nữa, điều này làm đẹp lòng Đức Chúa Trời khi chúng ta liên kết bản thân với Ngài và lẽ thật của Ngài, nhớ lại Ngài là ai, chúng ta là ai và thực hành đức tin của chúng ta nơi lời nói và bản tính của Ngài.

Đức Chúa Trời Đáp Lời

Chúa yêu thích rất nhiều điều mà Giê-hô-sa-phát bày tỏ ở đây. Không có gì lạ khi ngay sau lời cầu nguyện này, Chúa đã nhanh chóng đáp lời để khích lệ ông. Và đó không chỉ là một sự khích lệ thông thường – Thần của Đức Chúa Trời đầy dẫy trên tiên tri Gia-ha-xi-ên để ông rao ra một sứ điệp phi thường:

“Đừng sợ, đừng khiếp đảm trước đám quân đông đảo nầy, vì trận chiến nầy chẳng phải của các con đâu nhưng là của Đức Chúa Trời…các con khỏi phải chiến đấu. Hãy giữ vững vị trí và đứng yên mà xem sự giải cứu của Đức Giê-hô-va, Đấng ở với các con. Hỡi Giu-đa và Giê-ru-sa-lem! Đừng sợ, đừng khiếp đảm! Ngày mai hãy đi ra đón chúng, vì Đức Giê-hô-va ở cùng các con.” (câu 15b-17)

CHÀ CHÀ.
Họ thậm chí không cần phải chiến đấu! Vâng, đây là một tin tuyệt vời!

Vậy giờ thì sao?

“Giê-hô-sa-phát bèn cúi đầu và sấp mặt xuống đất; toàn dân Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem đều phủ phục xuống trước mặt Chúa và thờ lạy Chúa.” (câu 18)

Họ sấp mặt xuống trong sự kính sợ và tôn thờ. Bấy giờ, những người Lê-vi đứng lên để lớn tiếng ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên! Có lúc để yên lặng suy ngẫm trong sự kính sợ Đức Chúa Trời và cũng có lúc để lớn tiếng ca ngợi Ngài!

Tất cả đều dậy sớm để đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã bảo họ đến, và Giê-hô-sa-phát kêu lên,

“Hỡi người Giu-đa và dân cư thành Giê-ru-sa-lem, hãy nghe ta! Hãy tin cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi thì các ngươi sẽ được vững vàng; hãy tin các nhà tiên tri của Ngài thì các ngươi sẽ được thành công.”

Bạn có nghe thấy không? HÃY TIN CẬY Đức Chúa Trời chúng ta thì chúng ta sẽ được vững vàng; hãy TIN các nhà tiên tri của Ngài thì chúng ta sẽ được thành công. Kế đó, sau khi tham khảo ý kiến của mọi người, họ quyết định xem ai sẽ được thêm vào ca đoàn để vừa đi vừa HÁT NGỢI KHEN CHÚA. Bởi vì điều này sẽ mang lại chiến thắng – một đoàn dân lớn HÁT VANG CA NGỢI CHÚA.

[Vua Giê-hô-sa-phát ] lập những người ca hát để tôn ngợi Đức Giê-hô-va. Họ mặc áo lễ thánh vừa đi trước đoàn quân vừa ca ngợi Chúa rằng: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì sự nhân từ Ngài còn đến đời đời. Khi họ bắt đầu hát vang ca ngợi thì Đức Giê-hô-va cho quân mai phục tấn công đám quân đang tiến đánh Giu-đa gồm quân Am-môn, Mô-áp và người ở núi Sê-i-rơ, và khiến đám quân ấy bị thảm bại.” (câu 21-22, Bản Hiệu Đính)

KHI HỌ BẮT ĐẦU hát vang ca ngợi , thì Chúa … cũng bắt đầu làm việc; điều này khiến tôi nhớ đến chuyện thiên sứ Mi-ca-ên (có bản dịch là Mi-chên) nói với Đa-ni-ên rằng người cũng bắt đầu hành động ngay khi Đa-ni-ên bắt đầu cầu nguyện. Ngay khi những người này bắt đầu hát, Chúa bắt đầu chiến trận và giành chiến thắng cho họ. Bạn có biết từ “chỉ huy dàn hợp xướng” trong tiếng Do Thái có cùng gốc với từ “chiến thắng” không?

Khi chúng ta hát xướng ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta đang thúc đẩy vương quốc  Đức Chúa Trời. Chúng ta phải biết rằng chính quyền năng của Ngài, chiến thắng và sức mạnh của Ngài đã mang lại thành công cho cả ngày hôm nay của chúng ta, và chúng ta cần phải tin vào điều đó. Thật khó để cất tiếng hát nếu bạn không tràn đầy đức tin, nhưng ngược lại, thật khó để tiếp tục ở trong sự nghi ngờ khi bạn bắt mình hát. Ngài ngự giữa những lời ca ngợi của dân Ngài và Ngài thích hành động thay mặt cho chúng ta khi chúng ta vui vẻ bày tỏ đức tin của mình với Ngài trong giờ phút nguy cấp.

Tóm lại, đây là những điều mà chúng ta có thể học được từ tấm gương của Giê-hô-sa-phát:

  1. Để lòng tìm kiếm Chúa
  2. Kiêng ăn cầu nguyện cùng với những người khác
  3. Hãy nhớ Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào – và bạn đang nói chuyện với ai
  4. Ghi nhớ những điều Ngài đã làm trong quá khứ
  5. Nhớ những gì Ngài phán, những lời hứa của Ngài
  6. Hãy nhắc lại với Chúa về tất cả những điều này
  7. Hãy nói cho Ngài biết nan đề của bạn
  8. Hãy nói rằng bạn sẽ chết mất nếu không có Ngài
  9. HÃY TIN CẬY Ngài và các tiên tri của Ngài
  10. Hãy hạ mình xuống thờ phượng trong sự kính sợ Chúa
  11. Hãy lớn tiếng hát ngợi khen sự nhân từ của Ngài
  12. Hãy đứng xem Chúa hành động thay cho bạn

Mắt chúng con ngưỡng trông Ngài, Chúa ôi!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org B

ài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like