Home Chuyên Đề Sự Thờ Phượng Thật Là Gì?

Sự Thờ Phượng Thật Là Gì?

by Crosswalk.com
30 đọc

Sự thờ phượng có thể được định nghĩa là “lòng sùng kính hoặc tôn thờ mà một người thể hiện đối với một cái gì đó hoặc một người nào đó; đó cũng có thể là thái độ xem trọng; dành một vị trí quan trọng hoặc vinh dự cho một người hay một đối tượng”. Có hàng trăm câu Kinh Thánh nói về sự thờ phượng và cung cấp hướng dẫn về đối tượng được thờ phượng cũng như cách thờ phượng.

Chúng ta chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời và một mình Ngài mà thôi. Đó là một hành động được thiết kế không chỉ để mang lại vinh dự cho Đấng đáng được tôn vinh, mà còn mang lại cho những người thờ phượng một tinh thần vâng phục.

Nhưng tại sao chúng ta phải thờ phượng, chính xác thì thờ phượng là gì và mỗi ngày chúng ta thờ phượng như thế nào? Vì điều này rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời và cũng là lý do mà chúng ta được dựng nên, nên Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin về chủ đề này.

Thờ phượng là gì?

Từ thờ phượng bắt nguồn từ một từ tiếng Anh cổ “weorþscipe” hoặc “worth-ship” có nghĩa là “dâng cho ai đó điều mà họ xứng đáng nhận được.” Trong bối cảnh thế tục, từ này có thể được hiểu là “bày tỏ sự kính trọng với một đối tượng nào đó.” Trong bối cảnh Kinh Thánh, từ thờ phượng trong tiếng Do Thái là shachah, có nghĩa là hạ mình xuống, quỳ xuống hoặc phủ phục trước một vị thần. Đó là một hành động của lòng tôn kính, vinh dự và quý trọng đến nỗi mong muốn duy nhất của bạn là cúi đầu trước Đấng mà bạn đang thờ phượng. Đức Chúa Trời ra lệnh một cách cụ thể rằng trọng tâm của việc thờ phượng này là chúng ta phải hướng về Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi.

Trong bối cảnh đầu tiên, con người thờ phượng Đức Chúa Trời bằng một hành động hy sinh – giết một con vật và làm đổ huyết để chuộc tội. Đó là thời điểm trước khi Đấng Mê-si giáng sinh và trở thành của lễ tối thượng, ban cho chúng ta hình thức thờ phượng cao nhất trong sự vâng phục Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài đối với chúng ta bởi việc phó chính mình Ngài qua sự chết của Ngài.

Nhưng Phao-lô phủ nhận việc dùng của lễ hy sinh như một hành động thờ phượng trong Rô-ma 12:1, “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” Chúng ta không còn bị ràng buộc bởi luật pháp, với gánh nặng dùng huyết của động vật để chuộc tội và xem đó như một hình thức thờ phượng của mình nữa. Chúa Giê-xu đã phải trả giá bằng cái chết và đổ huyết Ngài ra như một của lễ hy sinh cho tội lỗi của chúng ta rồi. Hình thức thờ phượng mới của chúng ta, sau khi Chúa phục sinh, là đem thân thể và đời sống mình, làm của lễ sống cho Đức Chúa Trời. Điều này là thánh và đẹp lòng Ngài.

Trong cuốn My Utmost for His Highest (tạm dịch: Tôi Sẽ Làm Hết Sức Mình Để Ngài Được Tôn Cao),Chambers Oswald nói, “Sự thờ phượng là dâng lại cho Thượng Đế những gì tốt nhất mà Ngài đã ban cho bạn.” Chúng ta không có gì đáng để dâng lên Đức Chúa Trời ngoài chính con người mình. Đó là của lễ hy sinh cao nhất của chúng ta, trả lại cho Đức Chúa Trời sự sống mà Ngài đã ban cho chúng ta. Đó là mục đích và lý do chúng ta được dựng nên. 1 Phi-e-rơ 2:9 nói rằng chúng ta là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho [chúng ta] rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi [chúng ta] ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” Đó là lý do chúng ta tồn tại, để tôn thờ Đấng đã dựng nên mình.

4 Mệnh Lệnh trong Kinh Thánh liên quan đến Sự Thờ Phượng

Kinh Thánh nói về sự thờ phượng từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền. Toàn bộ Kinh Thánh nhất quán và rõ ràng về kế hoạch của Đức Chúa Trời cho sự thờ phượng và vạch ra một cách rõ ràng mệnh lệnh, trọng tâm, lý do và cách thờ phượng. Kinh Thánh trình bày rõ ràng về sự thờ phượng của chúng ta theo những cách sau:

1. Chúng ta được lệnh phải thờ phượng Chúa

Mệnh lệnh này được đưa ra cho chúng ta vì Đức Chúa Trời đã tạo ra con người cho mục đích đó. Ê-sai 43: 7 cho chúng ta biết rằng chúng ta được tạo ra để thờ phượng Ngài: “tất cả những người được gọi bằng danh Ta, Ta đã dựng nên họ vì vinh quang Ta, Ta đã tạo thành và đã làm nên họ.”

Tác giả của Thi-thiên 95:6 nói với chúng ta rằng “Hãy đến cúi xuống mà thờ lạy Đức Giê-hô-va; Hãy quỳ gối xuống trước Đấng Tạo Hóa của chúng ta!” Đó là một mệnh lệnh, một cái gì đó mà Đấng Tạo Hóa mong đợi từ tạo vật của Ngài. Và nếu chúng ta không làm theo mệnh lệnh đó thì sao? Lu-ca 19:40 cho chúng ta biết rằng những viên đá sẽ cất tiếng mình lên để phượng Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng của chúng ta rất quan trọng đối với Chúa.

2. Trọng tâm của sự thờ phượng

Trọng tâm sự thờ phượng của chúng ta chắc chắn là chỉ có Đức Chúa Trời và chỉ Ngài mà thôi. Trong Lu-ca 4:8 Chúa Giê-xu trả lời [Sa-tan] thế này, “Có lời chép: ‘Ngươi phải thờ phượng Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi!’ ” Ngay cả trong thời kỳ mà sinh tế được dâng lên là động vật, trước khi Chúa phục sinh, thì dân sự của Đức Chúa Trời đã được nhắc nhở về việc Ngài là ai, những phép lạ lớn lao mà Ngài đã thay họ thực hiện và hình thức thờ phượng duy nhất một Đấng chân thần thông qua của lễ hy sinh đã được đưa ra như một mệnh lệnh mà dân sự phải tuân theo.

2 Các-vua 17:36 nói rằng “Đức Giê-hô-va, Đấng đã dùng quyền năng lớn lao và cánh tay giơ thẳng ra, đem các con ra khỏi Ai Cập, chính Ngài là Đấng mà các con phải kính sợ, thờ lạy, và dâng sinh tế.” Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thờ phượng Chúa.

3. Lý do chúng ta thờ phượng

Lý do chúng ta thờ phượng Chúa à? Vì chỉ một mình Ngài xứng đáng được thờ phượng. Còn ai hay điều gì khác xứng đáng hơn Đấng đã tạo ra cả trời và đất? Ngài nắm giữ thời gian trong tay Ngài và cai quản mọi tạo vật. Khải-huyền 4:11 cho chúng ta biết rằng, “Chúa đáng được vinh quang, tôn trọng và uy quyền, vì Chúa đã tạo dựng muôn vật, và do ý muốn của Chúa mà muôn vật hiện hữu và được tạo dựng.

Các tiên tri trong Cựu Ước cũng tuyên bố rằng theo Chúa là đáng lắm. Sau khi có được một đứa con trong tình trạng son sẻ của mình, An-ne trong 1 Sa-mu-ên 2:2, đã dâng lời cảm tạ lên cho Chúa , bà cầu nguyện thế này: “Chẳng ai thánh như Đức Giê-hô-va; Chẳng có Chúa nào khác ngoài Ngài! Không có tảng đá nào như Đức Chúa Trời của chúng ta.

4. Cách chúng ta thờ phượng

Sau khi Chúa phục sinh, Kinh Thánh không mô tả cụ thể các bước mà chúng ta nên sử dụng để thờ phượng Ngài, nhưng Giăng 4:23 cho chúng ta biết rằng “Giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.

Đức Chúa Trời là thần và 1 Cô-rinh-tô 6:19-20 cho chúng ta biết rằng chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh Ngài: “Anh em không biết rằng thân thể anh em là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, Đấng mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh em sao? Anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa, vì anh em đã được mua bằng giá rất cao. Vậy, hãy dùng thân thể anh em mà tôn vinh Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng được truyền lệnh phải thờ phượng Ngài dựa trên lẽ thật. Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng của chúng ta và sự tôn kính mà Ngài tìm kiếm phải xuất phát từ một tấm lòng trong sạch, một tấm lòng được thánh hóa nhờ được tha thứ, với một động cơ đúng đắn và với một mục đích duy nhất – là để tôn vinh Ngài.

Thờ phượng chỉ là hát?

Các buổi nhóm trong hội thánh của chúng ta ngày nay thường dành ra một khoảng thời gian để ngợi khen và thờ phượng. Trên thực tế, Kinh Thánh đặt một tầm quan trọng rất lớn vào việc thể hiện đức tin, tình yêu và sự tôn thờ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời bằng âm nhạc. Thi-thiên 105:2 nói với chúng ta rằng “Hãy hát cho Ngài, hãy ca ngợi Ngài! Hãy suy ngẫm tất cả các việc kỳ diệu của Ngài” và Chúa yêu thích sự ngợi khen của chúng ta qua những ca từ và giai điệu đó. Thông thường, thời gian ngợi khen của một buổi nhóm thường là phần nhịp nhàng, sôi động còn buổi thờ phượng vốn là khoảng thời gian suy ngẫm, êm dịu và tĩnh lặng hơn. Và có một lý do cho điều đó.

Sự khác biệt giữa ngợi khen và thờ phượng là ở trọng tâm của nó. Ngợi khen là cảm tạ Chúa về những điều Ngài đã làm cho chúng ta. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn của chúng ta ra bên ngoài vì chúng ta muốn tỏ điều đó ra cùng Chúa. Chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời qua âm nhạc và ca hát vì “các việc diệu kỳ” mà Ngài đã làm cho chúng ta.

Nhưng mặt khác, thờ phượng là thời gian để bày tỏ lòng kính trọng, thờ lạy, tôn vinh và tỏ lòng tôn kính đối với Đức Chúa Trời, không phải vì những gì Ngài đã làm mà vì Ngài là ai. Ngài là Đức Giê-hô-va, Đấng tự hữu hằng hữu (Xuất 3:14); Ngài là Ên Sa-đai, Đấng toàn năng (Sáng-thế 17:1); Ngài là Đấng Tối Cao, Đấng siêu việt vượt cao trên toàn cõi vũ trụ (Thi-thiên 113:4-5); Ngài là An-pha và Ô-mê-ga, khởi đầu và kết thúc (Khải-huyền 1:8). Ngài là Đức Chúa Trời duy nhất, và ngoài Ngài ra không có Đấng nào khác (Ê-sai 45:5). Ngài xứng đáng với sự thờ phượng của chúng ta.

Nhưng hành động thờ phượng không chỉ đơn thuần là ca hát. Kinh Thánh mô tả một số cách tiếp cận khác nhau cho việc thờ phượng. Tác giả thi thiên nói với chúng ta trong Thi-thiên 95:6 rằng hãy cúi mình và quỳ gối trước mặt Chúa; Gióp 1:20-21 mô tả Gióp đã xé áo mình, cạo đầu, và sấp mình xuống đất mà thờ lạy.  Đôi khi, chúng ta dâng của lễ như một phương pháp để thờ phượng như trong 1 Sử-ký 16:29. Chúng ta cũng thờ phượng Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện bằng giọng nói, sự tĩnh lặng, suy nghĩ, động cơ và tâm linh của mình.

Mặc dù Kinh Thánh không nêu ra những phương pháp cụ thể mà chúng ta phải sử dụng khi thờ phượng, nhưng có những động cơ và thái độ thờ phượng không đúng. Hành động xuất phát từ tấm lòng và phản ánh tình trạng của tấm lòng chúng ta. Giăng 4:24 cho chúng ta biết rằng chúng ta “phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” Khi đến trước Chúa, chúng ta phải được thánh hóa và được chấp nhận với tấm lòng trong sạch không có động cơ ô uế, đó là “sự thờ phượng thiêng liêng” của chúng ta vậy (Rô-ma 12:1). Chúng ta phải đến trước Chúa, với lòng tôn kính thực sự và không kiêu ngạo vì chỉ có Ngài mới xứng đáng được tôn thờ (Thi-thiên 96:9). Chúng ta đến với sự nghiêm trang và kính sợ. Đây là sự thờ phượng được Chúa đẹp lòng như có nói trong Hê-bơ-rơ 12:28: “Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài.

Tại sao Kinh Thánh chống lại việc thờ phượng sai đối tượng?

Kinh Thánh có một số cảnh báo trực tiếp về trọng tâm của sự thờ phượng của chúng ta. Trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký, Môi-se đã cung cấp cho con cái Y-sơ-ra-ên điều răn đầu tiên, và nó đề cập đến việc ai sẽ là Đấng mà chúng ta nên thờ phượng. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:14 cho chúng ta biết rằng chúng ta không được “thờ lạy một thần nào khác vì Đức Giê-hô-va, danh Ngài là Đấng kỵ tà; Ngài thật là một Đức Chúa Trời kỵ tà.”

Định nghĩa của một thần tượng là “bất cứ thứ gì được ngưỡng mộ, yêu thích hoặc tôn thờ.” Thần tượng có thể là một sinh vật sống, hoặc nó có thể là một đồ vật. Trong thế giới hiện đại của chúng ta, nó có thể xuất hiện như một sở thích, một hoạt động, tiền bạc hoặc thậm chí là một cái nhìn tự luyến về bản thân, đặt những mong muốn và nhu cầu của mình lên trước Chúa.

Trong Ô-sê đoạn 4, nhà tiên tri mô tả việc thờ thần tượng cũng giống như sự ngoại tình thuộc linh trong mắt Đức Chúa Trời vậy. Việc thờ lạy một vật gì đó không phải là Đức Chúa Trời được coi là một hành động bất trung mà sẽ mang đến cơn thịnh nộ và sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Trong Lê-vi Ký 26:1, Chúa ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên “không được làm những hình tượng hoặc dựng tượng chạm hay trụ đá; cũng không được dựng lên trong xứ một hòn đá có hình dạng rồi sấp mình thờ lạy, vì Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các con.” Ngay cả trong Tân Ước, 1 Cô-rinh-tô 10:22 cũng nói về việc chớ làm cho Chúa phải ghen tương bởi việc thờ lạy hình tượng cũng như dự phần vào việc thờ cúng của người ngoại.

Mặc dù Đức Chúa Trời không nói cụ thể về phương pháp mà chúng ta nên dùng để thờ phượng Ngài hay ban cho chúng ta sự tự do cần thiết để bày tỏ sự tôn kính của mình, nhưng Ngài rất thẳng thắng trong việc nói cho chúng ta biết chúng ta không được thờ phượng những đối tượng nào.

Làm thế nào để chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời trong suốt cả tuần?

Thờ phượng không phải là một hành động lâu lâu thực hiện một lần tại một địa điểm tôn giáo nhất định vào một ngày được chỉ định. Đó là vấn đề của tấm lòng. Là một lối sống. Charles Spurgeon đã nói rất hay rằng, “Bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành nơi thờ phượng của một Cơ-đốc nhân. Dù ở đâu, người cũng phải ở trong tâm thế thờ phượng Đức Chúa Trời mình.

Chúng ta thờ phượng Chúa cả ngày vì chúng ta biết Ngài là Đấng như thế nào, ghi nhớ sự thánh thiện toàn năng và toàn tri của Ngài. Chúng ta có đức tin nơi sự khôn ngoan, sức mạnh tối thượng, quyền năng và tình yêu thương của Ngài. Chúng ta bày tỏ sự thờ phượng của mình bằng suy nghĩ, lời nói và hành động.

Mỗi buổi sáng, chúng ta thức dậy suy nghĩ về sự tốt lành của Đức Chúa Trời vì Ngài ban cho chúng ta thêm một ngày nữa để sống, mang lại vinh hiển cho Ngài. Chúng ta quỳ gối cầu nguyện, dâng cả ngày và bản thân mình lên cho Ngài để làm đẹp ý Ngài. Chúng ta nhanh chóng hướng về Ngài bởi vì chúng ta đang đồng đi với Ngài trong mọi việc chúng ta làm và cầu nguyện không thôi.

Chúng ta dâng lên cho Chúa điều duy nhất mà Ngài muốn: chính bản thân chúng ta.

Đặc ân được thờ phượng Chúa

A.W. Tozer nói, “Một tấm lòng biết Chúa có thể tìm thấy Chúa ở bất cứ đâu … một người đầy dẫy Thánh Linh của Chúa, một người đã gặp gỡ Chúa cách sống động, mới có thể biết được niềm vui khi thờ phượng Ngài, dù là trong những lúc bình yên hay giông tố của cuộc đời.

Sự thờ phượng của chúng ta mang lại vinh hiển cho danh Ngài, nhưng đối với người thờ phượng, thì nó mang lại niềm vui qua sự vâng phục tuyệt đối dành cho Đấng mà họ thờ phượng. Đó không chỉ là một nhiệm vụ hay kỳ vọng mà còn là một vinh dự và đặc ân khi biết rằng Đức Chúa Trời toàn năng không muốn gì hơn là sự tôn thờ của chúng ta.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like