Home Dưỡng Linh Tôi Là Ai

Tôi Là Ai

by Ban Biên Tập
30 đọc

 

Trong tiếng Việt câu “Tôi là ai?” thường dùng để tự hỏi mình về con người của chính mình. Tìm cách trả lời câu hỏi này là tìm hiểu chính mình. Trong trường hợp đặt câu hỏi này với một người khác, câu nói tiếp theo sau đó là “…mà dám làm việc này hay việc kia?” Xin xem câu Môi-se đáp lời Đức Chúa Trời khi Ngài gọi ông trở lại Ai Cập để xin Pha-ra-ôn cho dân Do Thái ra đi (Xuất Ê-díp-tô 3:11). Hôm nay tôi muốn viết về đề tài “Tôi Là Ai?”. Nhưng trước tiên tôi xin giới thiệu “Ngài là ai?” vì nhân dạng của tôi có liên hệ với sự hiểu biết bản tính của Ngài.

“NGÀI LÀ AI” TRONG KINH THÁNH CỰU ƯỚC

Trong ký sự về sự sáng tạo Môi-se gọi Ngài là Elohim, được dịch ra tiếng Việt là Đức Chúa Trời. Danh xưng này được dùng nhiều nhất trong Cựu Ước, khoảng 200 lần trong sách Sáng Thế Ký. Trong những sách khác như Các Quan Xét và Thi Thiên thì Ngài được gọi là Adonay (Chúa của tôi).

“Khi Đức Chúa Trời gặp Môi-se tại núi Si-nai để sai ông đi giải thoát dân Do Thái; ông ý thức được sự khó khăn trong việc gây ấn tượng với dân chúng, xin Chúa cho biết ông dùng tên nào của Chúa để nói với họ. Chúa phán với ông: “TA LÀ…TA LÀ sai tôi đến với đồng bào” (Xuất 3:14). Bản dịch American Revised Version dịch: “TA SẼ LÀ ĐẤNG SẼ LÀ” (I WILL BE THAT I WILL BE). Ngài muốn nói Ngài hứa ở cùng và bảo vệ dân Do Thái trong những thời đại sắp đến.”

Khi Chúa phán: “EHAYEH” (TA LÀ) Ngài muốn nói:

  • Ta tự hữu, tự tồn tại, tự mình ta, và không tùy thuộc vào bất cứ sự gì khác.
  • Ta tự đủ, cho nên hoàn toàn đầy đủ.
  • Ta vĩnh viễn và không hề thay đổi. [1]
  • Ta là Đấng các ngươi cần.

Khi Áp-ra-ham sắp sửa giết người con trai độc sanh để dâng sinh tế cho Chúa, thiên sứ của Ngài từ trên trời gọi ông, “Đừng giết đứa trẻ, cũng đừng làm gì nó cả!.. Áp-ra-ham ngước mắt nhìn thấy một con chiên đực, sừng đang mắc vào bụi gai rậm phía sau mình. Ông liền bắt nó dâng tế lễ thiêu thay thế con trai mình. 14 Áp-ra-ham gọi địa điểm này là CHÚA cung ứng” [Giê-hô-va Di-rê] (Sáng 22:12-14—Bản dịch 2002).

Đây là một sự thật trường tồn. Trong quá khứ Ngài cung ứng sinh tế cho Áp-ra-ham, ngày nay Ngài vẫn còn cung ứng cho chúng ta.

“Từ khi còn trẻ, đến nay tôi đã già,
Tôi chưa từng thấy người công chính bị bỏ,
Và con cháu người phải đi ăn mày”

(Thi thiên 37:25—Bản dịch 2002)

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-Su dạy chúng ta không nên bận tâm về đồ ăn hay thức uống. Ngài phán, “Hãy xem loài chim trời, chúng chẳng gieo, chẳng gặt, cũng chẳng tồn kho tích trữ, nhưng Cha các con ở trên trời vẫn nuôi chúng. Các con không quý hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26).

Riêng bản thân tôi, dù cha mẹ nghèo, nhưng có bằng Đại học với nguồn cung ứng kỳ diệu của Chúa. Tại Mỹ, có năm chúng tôi có bốn cháu học Đại học. Chúa có cung ứng mọi nhu cần, nhu yếu của chúng ta.

Trở lại Kinh thánh Cựu Ước, khi bị người A-ma-léc tấn công trong đồng vắng, dân Chúa chiến thắng kẻ thù. Môi-Se dựng lên một bàn thờ kỷ niệm trên ngọn đồi, nơi ông đứng để chỉ huy trận chiến và gọi Chúa là Giê-Hô-Va Ni-Si (Chúa là cờ xí tôi).

Trong sách tin lành Giăng Chúa Giê-Su bảo đảm với chúng ta: “Ta bảo cho các con những điều này để các con được bình an trong Ta. Trong thế gian, các con sẽ gặp hoạn nạn; nhưng hãy an tâm! Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Trong thời hiện đại Chúa Giê-Su là cờ xí của chúng ta.

Quan xét Ghi-đê-ôn dựng một bàn thờ cho Chúa tại Ốp-Ra và đặt tên là “Chúa, Đấng ban bình an” (Giê-Hô-Va Sa-Lom).

Khoảng trên 700 năm trước Chúa Giáng sinh, Ê-Sai tiên báo sự đến của Đấng Mê-Si-A, Chúa Cứu Thế.

“Tên Ngài sẽ được xưng là
Cố Vấn Kỳ Diệu, Đức Chúa Trời Quyền Năng,
Cha Đời Đời, Hoàng Tử Bình An.”

(Ê-Sai 9:5)

Bảy trăm năm sau Chúa Giê-Su khẳng định Ngài là Đấng ban bình an cho ai tin nhận Ngài: “Ta để lại sự bình an cho các con. Sự bình an Ta ban cho các con không phải như của thế gian cho. Đừng sờn lòng nản chí và sợ hãi” (Giăng 14:27).

Các bạn có đang lo lắng về kinh tế khó khăn, về sự thất nghiệp, về thay đổi thời tiết hay bất cứ sự việc nào khác chăng? Hãy đến với Ngài, chắc chắn các bạn sẽ thư giãn.

Tác giả Thi Thiên tuyên xưng:

  • “Chính Ngài là thuẫn che chở tôi,
    Là vinh quang của tôi, Là đấng nâng đầu tôi ngước lên” (Thi Thiên 3:3)
  • “Nhưng Ngài là Đấng thánh,
    Ngự trị giữa sự khen ngợi của Y-sơ-ra-ên” (22:3)
  • “CHÚA là Đấng chăn giữ tôi,” (23:1)
  • “Ngài là Đức Chúa Trời của tôi” (25:5)
  • “Ngài là vầng đá và thành lũy của tôi” (33:3)
  • “Ngài là nơi trú ẩn kiên cố của tôi” (71:7).

Những danh xưng trong Thi thiên chứng minh Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta; Ngài là mọi sự trong mọi người. Cho nên Ngài không nói: “Ta là Đức Chúa Trời, hay Ta là Thượng Đế  hay Ta là God, Deus, Theos, Allah…

“NGÀI LÀ AI” TRONG KINH THÁNH TÂN ƯỚC

Sách tin lành Ma-thi-ơ ghi nhận sự ra đời của Chúa Giê-Su như sau: “”Ma-ri, mẹ Ngài, đã đính hôn cùng Giô-sép, nhưng trước khi hai người chung sống, thì Ma-ri đã thụ thai do quyền phép Nt: Bởi Đức Thánh Linh

Đức Thánh Linh” (Ma-thi-ơ 1:18). Trong bối cảnh văn hóa thời bấy giờ, và trong một số quốc gia theo Hồi Giáo ngày nay, bà Ma-ri có thể bị ném đá vì tội tà dâm, nhưng Đức Chúa Trời đã can thiệp vào chương trình cứu chuộc. Một thiên sứ của Chúa mang đến Giô-sép, hôn phu của bà Ma-ri, một sứ điệp: “Này Giô-sép, con cháu Đa-vít, đừng ngại cưới Ma-ri làm vợ vì thai nàng đang mang là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ sinh một trai, hãy đặt tên là Giê-Su, vì Ngài sẽ cứu dân tộc mình thoát khỏi tội lỗi” (Ma-thi-ơ 1:20-21). Giê-Su dịch từ từ Hi bá lai Giê-su-a, có nghĩa là “Chúa là sự cứu chuộc.” Chúa Giê-Su là Chúa Cứu Thế, Hi bá lai Mê-si-a, và Hi văn Christo. Lu-ca khẳng định, “Không có sự cứu rỗi trong một ai Kể cả các thần linh hay giáo chủ

khác cả, vì dưới trời không có Danh nào khác được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ Danh ấy mà được cứu.”

Tại núi Hô-rếp Đức Chúa Trời xưng Ngài là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu (I AM WHO I AM). Khoảng 15 thế kỷ sau, tại đảo Bát-mô, trong thị tượng sứ đồ Giăng thấy có ai “giống như Con Người” phán cùng ông: “Con đừng sợ! Ta là Đầu Tiên và Cuối Cùng, là Đấng Hằng Sống; Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của Sự Chết và Âm Phủ” (Khải Huyền 1:17). Con Người là danh xưng ưa chuộng của Cứu Chúa Giê-Su. Ngài tự xưng là Đầu Tiên và Cuối Cùng, Đấng Hằng Sống, đồng nghĩa với Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu. Trước khi về trời Chúa Giê-Su từng tuyên bố, “Cha với Ta là một,” nghĩa là “Ta là Đức Chúa Trời”.

Sứ đồ Giăng ghi nhận bảy lần Chúa Giê-Su dùng danh xưng Tự Hữu, Hằng Hữu để chỉ chính Ngài khi trình bày lẽ thật.

  • “Chính Ta là (I Am) bánh hằng sống, ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói, còn ai tin Ta sẽ chẳng bao giờ khát”  (Giăng 6:35, 41, 48, 51).
  • “Chính Ta là (I Am) ánh sáng của thế giới, người nào theo Ta sẽ không còn đi trong tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống” (8:12).
  • “Trước khi có Áp-ra-ham, Ta hằng hữu (I Am)” (8:58).
  • “Chính Ta là (I Am) cửa ra vào: Ai qua Ta mà vào sẽ được cứu. Người ấy vào, ra và tìm được đồng cỏ” (10:9).
  • Ta là (I Am) người chăn nhân từ. Người chăn nhân từ hy sinh tính mạng vì đàn chiên” (10:11).
  • “Chính Ta là Sự Sống Lại và Sự Sống, người nào tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống. 26 Còn ai sống mà tin Ta sẽ chẳng bao giờ chết, con tin điều ấy không” (11:25-26).
  • Ta là (I Am) Con Đường, Chân Lý và Nguồn Sống, chẳng bởi Ta thì không ai đến cùng Cha được” (14:6).

Khi một người tự xưng mình là Đức Chúa Trời, người ấy hoặc là khùng, hoặc là Đức Chúa Trời. Những tiên tri về Ngài trong Cựu Ước và những bằng chứng về Ngài trong Tân Ước không nói Ngài là người mất trí. Chúng ta có hai lựa chọn, một là không tin, hai là tin Ngài là Chúa Cứu Thế. Khi tin nhận Ngài chúng ta được sự sống vĩnh cữu (Giâng 3:16).

Đã có nhiều người viết về đề tài này. Tôi chỉ tóm tắt. Bây giớ chúng ta đi qua đề tài chính của bài này: “Tôi Là Ai?”

TÔI LÀ AI?

Ít nhất có một lần trong đời chúng ta tự hỏi, “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi có mặt trên đời này để làm gì?” Chúng ta chỉ có thể trả lời những câu hỏi đó khi chúng ta trả lời được câu “Ngài Là Ai?” Chúng ta đã trả lời câu này rồi thì trả lời những câu trên không khó.

Một hôm Môi-se đang chăn chiên cho ông gia mình trong đồng vắng Ma-đi-an gần Hô-rếp, núi của Đức Chúa Trời thì thiên sứ của CHÚA hiện ra với ông trong ngọn lửa giữa bụi gai đang cháy và gọi ông, “Môi-se! Môi-se!.. “Ta thật đã thấy hết nỗi khổ nhục của dân Ta tại xứ Ai-cập… Vậy, con hãy đi. Ta sai con đến với Pha-ra-ôn để đem dân Ta ra khỏi Ai-cập” (Xuất Ê-díp-tô 3:4, 7, 10).

Các học già Tin Lành đều tin rằng Môi-se là tác giả của Ngũ kinh, và Xuất Ê-díp viết về dân Do Thái và tiểu sử của Môi-se. Khi còn là bào thai trong bụng mẹ, ông đã bị Pha-ra-ôn kết án tử hình. Chúa gìn giữ mạng sống ông vì Ngài có chương trình lớn và tốt lành cho ông. Đúng thời điểm Chúa hiện ra cùng ông và sai phái ông trở về Ai cập để giải cứu dân Ngài.

Nhưng đối với Môi-se công tác này quá lớn. Sau bốn mươi năm chăn chiên trong đồng vắng, Môi-se đã quên mình là hoàng tử Ai cập, được huấn luyện trong cung vua để trở thành người lãnh đạo một đại cường thời bấy giờ. Ông thưa với Chúa, “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ôn để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập?” Đức Chúa Trời biết Ngài làm gì, biết Môi-se cần được khích lệ. Ngài nâng đở tinh thần Môi-se, “Ta sẽ ở với con.” Môi-se là người viết Ngũ Kinh, ông chắc phải hiểu sự hiện diện của Đấng Tự Hữu là sự bảo đảm tuyệt đối. Với sự hổ trợ của Ngài thì một người nhỏ nhất, kém tài nhất cũng có thể làm những việc phi thường. Trừ ra Đa-ni-ên, được huấn luyện trong cung điện,Giô-sép, Đa-vít là những nhà lãnh đạo trẻ bẩm sinh. Chúa Giê-Su tuyển mộ những người không có bằng Trung học, nhưng qua họ, ngày nay, hai tỉ người và mỗi ngày có thêm nhiều người tin nhận Ngài.

Bất cứ các bạn là ai, và có hay không có tài gì, Ngài đều có thể dùng các bạn để hầu việc Ngài. Các bạn có muốn không? Nếu muốn, các bạn chỉ cần thưa với Ngài, “Lạy Chúa, có con đây, xin dùng con.” Xong, các bạn chờ đợi và xem Ngài đại dụng các bạn trong công việc Ngài.

Bốn trăm năm trước Môi-se, Giô-sép  bị các anh ganh ghét và bán ông cho những con buôn người Ích-ma-ên. Giô-sép biết mình là ai, ông hầu việc chủ mình hết lòng và được Đức Chúa Trời ban phước; “CHÚA ở với chàng trong mọi việc chàng làm, khiến việc gì chàng chịu trách nhiệm cũng đều được thành công” (Sáng Thế Kí 39:3). Khi bị bà chủ tấn công, Giô-sép nói, “Trong nhà không có ai lớn hơn tôi, chủ không giữ lại bất luận điều gì ngoại trừ bà vì bà là vợ ông chủ. Lẽ nào tôi làm điều đại ác và phạm tội với Đức Chúa Trời sao” (Sáng Thế Kí 39:9). Nhờ sự liên hệ mật thiết với Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu, Giô-sép trở thành người có uy quyền nhất của Ai-cập, chỉ sau Pha-ra-ôn mà thôi.

Bốn trăm năm sau Môi-se, dân Chúa đã chiếm hữu Đất hứa. Chế độ chính trị đã thay đổi, từ chế độ thần quyền qua thế quyền. Sau-lơ là vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng vì Sau-lơ thiếu tin cậy nơi Chúa, nên bị truất phế, dù cho ông vẫn còn làm vua.

Lúc ấy người Phi-li-tin đang đe dọa dân Y-sơ-ra-ên. Trước mắt họ là thua trận vì kẻ thù có người khổng lồ Gô-li-át. Bên Y-sơ-ra-ên không có người có thể đối địch lại người này.

Đa-vít, lúc ấy đã được Sa-mu-ên xức dầu để kế vị Sau-lơ, được cha sai ra mặt trân để thăm các anh, nhằm lúc Gô-li-át khiêu khích đạo quân của Sau-lơ. Đa-vít bất mãn trước thái độ kiêu căng của người khổng lồ, ông hỏi, “Vua sẽ thưởng gì cho người nào giết được tên Phi-li-tin này và rửa nhục cho dân Y-sơ-ra-ên? Còn tên Phi-li-tin không cắt bì kia là ai mà dám sỉ nhục đạo quân của Đức Chúa Trời Hằng Sống” (1 Sa-mu-ên 17:26)?

Và Đa-vít đến xin vua được tranh chiến cùng kẻ thù: “Tâu bệ hạ, xin đừng ai ngã lòng LXX: xin bệ hạ đừng

vì tên Phi-li-tin đó. Tôi tớ của bệ hạ sẽ đi ra chiến đấu với nó” (17:32).

Từ cuộc đối thoại giữa Đức Chúa Trời và Môi-se, và từ những lời miệng Đa-vít thốt ra, chúng ta nhận xét thấy Đa-vít rất tự tin nơi chiến thắng của mình. Có lẽ

Đa-vít ý thức được vị trí của ông—người được xức dầu, người của Đức Chúa Trời—trong khi Gô-li-át đứng về phía đối nghịch với Đức Chúa Trời. Cho nên tầm cờ của Gô-li-át không đáng sợ đối với Đa-vít, vì “Nếu Đức Chúa Trời đứng với chúng ta thì còn ai chống nghịch được chúng ta” (Rô-ma 8:31)?

Sách Công vụ kể chuyện Sau-lơ. Sau khi Chúa Giê-Su thăng thiên, ông nghĩ rằng hầu việc Đức Chúa Trời đồng nghĩa với bách hại những người theo Chúa Giê-Su cho đến khi ông gặp và biết Ngài cũng là Đấng Tự Hữu, Hằng hữu (I AM). Kể từ lúc ấy Sau-lơ thay đổi 100% và tận hiến cuộc đời mình cho Ngài.

Một Mục sư gặp một người lạ trong nhà hàng. Mục sư hỏi người ấy, “Xin anh cho biết mục đích của đời sống của anh là gì?”.

– Người kia trả lời, “Tôi đi làm việc.”

– Mục sư hỏi tiếp, “Rồi gì nữa?”

– “Tôi lo cho hai đứa con học xong Đại học.”

– “Rồi gì nữa?”

– “Rồi tôi làm thêm vài năm và sau đó sẽ nghỉ hưu.”

– “Rồi gì nữa?”.

Câu trả lời cuối cùng là: “Tôi sẽ qua đời và không biềt mình sẽ về đâu.”

Tôi được 24 năm tuổi khi tốt nghiệp Đại học sư phạm và đi dạy học. Có tay nghề, có thu nhập, không cao nhưng cũng không ít. Tương lai tôi không sáng sủa nhưng không đến nổi tối tăm. Nhưng tôi không cảm thấy thỏa lòng, không có mục đích cho đời sống. Mỗi sáng thức dậy, đi dạy, rồi đi ăn ở chổ nấu cơm tháng, rồi đi giải trí, rồi về nhà, rồi ngủ. Ngày này qua ngày khác, cuộc sống trôi qua êm đềm nơi tỉnh lẻ, không buồn, cũng chẵng có gì vui. Nhưng tôi chẳng thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống, và không thấy sự sống là sung mãn.

Bây giờ tôi có Chúa, vũ trụ quan của tôi khác, tôi biết tôi là ai. Ước gì tôi biết Chúa sớm hơn, cuộc sống tôi chắc vui hơn.

Mổi ba tháng chúng tôi có cơ hội vào trại giam của quận để dạy đạo cho con cái Chúa. Chắc các bạn ngạc nhiên là tại sao con cái Chúa lại bị giam giữ. Họ bị bắt ví nhiều lý do. Có người bị tố cáo xâm phạm tình dục, có người hành hung vợ con, hay ghiền rượu, dùng cần sa ma túy. Họ chỉ bị tình nghi là phạm tội cho đến khi nào tòa tuyên án họ. Nếu họ phạm tội, đó là vì họ không biết mình là ai trong Chúa Cứu Thế. Nếu họ thật sự biết họ là “Con Vua” thì lối sống của sẽ khác nhiều. Công tác của người hầu việc Chúa trong tù là giúp họ ý thức được họ là ai—Who I am—trong Chúa Giê-Su. Khi họ biết họ là ai—Who I am—trong Chúa, họ sẽ thành công trong cuộc đời.

Một hệ truyền hình Mỹ có chiếu chuyện một bà cụ giúp cho một thanh niên biết nhân dạng của anh. Sau khi đi chợ, bà cụ mở cửa xe thì thấy một thanh niên ngồi trên ghế hành khách. Anh đe dọa sẽ giết bà nếu bà không đưa ví tiền cho anh. Bà bình tĩnh nói với anh, “Nếu cháu giết tôi thì tôi sẽ lên thiên đàng, còn cháu sẽ xuống địa ngục.” Có lẽ Thánh linh đụng chạm đến lòng anh, nên anh bật khóc và trút đổ tấm lòng của anh ra. Bà cụ tiếp tục giảng đạo cho anh, và cho tiền anh.

Để kết thúc bài viết này tôi xin cùng các bạn suy gẫm lời dạy trong sách Truyền Đạo. Có lẽ tên Sa-lô-môn được nhiều người biết đến hơn bất cứ một nhân vật danh tiếng nào trong lịch sử loài người. Kinh Thánh cho chúng ta biết ông là người giàu có nhất thời bấy giờ, học rộng và khôn ngoan. Khi về già ông viết về vũ trụ quan của ông. Ông bắt đầu: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không. Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời, thì được ích lợi chi” (Truyền Đạo 1:2-3)? Từ hư không xuất hiện 37 lần trong sách Truyền Đạo. Khi đọc hết và suy gẫm mục đích của tác giả chúng ta thấy sách không muốn dạy cho chúng ta tư duy tiêu cực, nhưng tác giả muốn chỉ cho chúng ta thấy sự trống vắng (hư không) của mọi sự gì xa cách với Đức Chúa Trời. Từ sự hư không cuộc sống Sa-lô-môn muốn chúng ta hiểu sự thật này: Nếu chúng ta tôn kính Đức Chúa Trời và vâng giữ điều răn Ngài thì chúng ta có thể vui hưởng mọi sự tốt lành trong cuộc sống với lương tâm yên ổn, và nhìn về thời điểm khi mọi sự khác—bệnh tật và sai trật—sẽ được chỉnh sửa (3:17; 8:5-12; 12:14). [2]

Cho nên trách nhiệm của chúng ta là: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi” (Truyền Đạo 12:13).

Chúng ta không biết mình là ai (Who I am) khi không biêt Ngài là ai. Sự hiểu biết Ngài là ai quyết định tư duy và lối sống của chúng ta.


 

MS Huỳnh Ngọc Ẩn – 23/10/2010

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like