Home Chuyên Đề Dòng Sông Có Cây Cầu Của Trời Bắt Ngang Qua

Dòng Sông Có Cây Cầu Của Trời Bắt Ngang Qua

by Sưu Tầm
30 đọc

Dòng Sông (Giang)

Mấy năm gần đây những nhà khoa học Mỹ tìm cách chứng minh có sự sống trên mặt trăng và hỏa tinh. Họ cố tìm dấu vết nước trên những hành tinh và vệ tinh này, vì nếu không có nước thì không thể có sự sống.

Đấng Sáng Tạo biết rất rõ điều này. Cho nên, sau khi làm ra ánh sáng thì Ngài tạo ra “khoảng không phân cách nước với nước.” Khi lập ra vườn Ê-đen thì cũng có “Một dòng sông chảy ra từ Ê-đen để tưới vườn và từ đó chia làm bốn nhánh.”

Mặt dù nhiều người không quan tâm, nhưng nếu các dân, các nước không có sông rạch thì người dân không thể sinh sản và làm đầy dẫy mặt đất như ngày nay. Cây cối không thể mọc trong sa mạc là nơi ít mưa. Cây mọc gần dòng nước mới có thể sanh bông trái theo thì tiết; trái nó cũng chẳng tàn héo. Ngay như ở trên thiên đàng cũng có “sông nước hằng sống trong như pha lê chảy ra từ ngai Đức Chúa Trời và ngai Chiên Con, chảy giữa đại lộ của thành phố. Hai bên bờ sông trồng cây hằng sống ra trái mười hai mùa, mỗi tháng một lần kết quả, lá cây dùng để chữa bệnh cho các dân tộc” (Khải Huyền 22:1, 2).

Tuy nhiên, dòng sông làm trở ngại cho giao thông. Muốn vượt qua sông phải có ghe thuyền hay cầu kỳ. Thần thoại Việt Nam có chuyện Ngưu lang và Chức nữ. Hai người, vì không trung tín trong công việc được phó thác, cho nên bị phạt, chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần. Hai người bị chia cách bởi con sông Ngân.

Cây Cầu (Kiều)

Theo truyền thuyết được ghi trong sách Di Văn Lục, thì vào đời Khai nguyên, đạo sỉ La công Viễn có phép thần thông, dùng giải lụa trắng làm thành một chiếc cầu vòng đưa vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng.

Dỉ nhiên là ngày nay không ai tin sự cố này. Chúng ta có hể nghĩ đến một chiếc cầu vô hình, nó có thể đưa chúng ta lên thiên đàng.

Sách Sáng thế ký có kể câu chuyện ông Gia cốp chạy trốn người anh song sinh. Tối đến, ông dừng lại một nơi để nghỉ qua đêm. Khi ngủ Gia-cốp nằm mộng thấy một chiếc thang bắc từ đất lên trời và thấy các thiên sứ lên xuống trên thang ấy. Thang là biểu tượng của sự thông công thật và không bị gián đoạn giữa Đức Chúa Trời và loài người qua các thiên sứ.

Tân Ước giải thích ý nghĩa của chiếc thang rõ hơn khi Chúa Jesus tuyên bố, “Các anh sẽ thấy bầu trời mở ra và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Người!” Qua Đức Thánh Linh, ngày nay chúng ta hiểu được Chúa Jesus là sự chiếc thang giữa Đức Chúa Trời và loài người, “chẳng bởi Ta thì không ai đến cùng Cha được.” 

Trong câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ, họ không thể vượt qua sông Ngân, họ nhờ những con quạ chấp cánh làm thành một chiếc cầu để họ qua sông.

Ngưu Lang và Chức Nữ, vì phạm tội, nên không thể gặp nhau. Tội lỗi của loài người chia cách họ với Đấng Tạo Hóa. Giữa họ và Đức Chúa Trời có một khoảng cách không thể nào vượt qua. Tội nhân chỉ có thể đến gần Đức Chúa Trời qua một Đấng Trung Bảo. Chúa Jesus là Đấng ấy. Ngài là chiếc cầu của Đức Chúa Trời (Thiên Kiều).

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Trích từ sách “Sống đạo hay có đạo”

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like