Home Dưỡng Linh ĐỨC TIN – Phần 2: Đức Tin Không Phải Là Tin Tưởng Một Cách Mù Quáng

ĐỨC TIN – Phần 2: Đức Tin Không Phải Là Tin Tưởng Một Cách Mù Quáng

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/IOlib8wJcT4

Nếu tôi thấy mình trật nhịp so với những người khác, thì đó là bởi vì tôi đang lắng nghe một nhịp trống khác. Đó là sự mô tả chính xác về đức tin: Cơ-đốc nhân bước đi như thể đang lắng nghe một nhịp trống khác.” – Henry David Thoreau

Đây là bước đi của đức tin; nó là điều làm cho Cơ-đốc nhân khác với những người không tin Chúa. Thật không may, bước đi của đức tin thường bị hiểu lầm rất nhiều ngay cả trong vòng các Cơ-đốc nhân.

Châm-ngôn 3:5-6 – “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng nương cậy nơi sự thông sáng của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối của con, chính Ngài sẽ san bằng các nẻo con đi.

Đức tin đích thực không phải là bỏ qua trí tuệ của chúng ta và sống như những kẻ không có đầu óc. Đức tin và trí tuệ không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhau. Trên thực tế, sách Châm-ngôn khuyên chúng ta không ngừng tìm kiếm sự khôn ngoan và hiểu biết:

Châm-ngôn 2:2-3 – “Lắng tai nghe điều khôn ngoan, hướng lòng con về sự thông sáng… và cất tiếng khẩn nài sự hiểu biết.”

Châm-ngôn 2:10-11 – “Vì sự khôn ngoan sẽ vào lòng con…Tính thận trọng sẽ canh giữ con, sự thông sáng sẽ luôn bảo vệ con.”

Châm-ngôn 3:13 – “Phước cho người nào tìm được sự khôn ngoan và nhận được sự thông sáng.”

Châm-ngôn 16:16 – “Được khôn ngoan, quý hơn vàng ròng biết mấy! Được thông sáng, đáng chuộng hơn bạc biết bao.”

Châm-ngôn 23:23 – “Hãy mua chân lý, sự khôn ngoan, lời khuyên dạy, và sự thông sáng, đừng bao giờ bán đi.”

Vậy thì tại sao chúng ta lại được bảo là chớ nương cậy nơi sự thông sáng của mình mà phải bước đi bằng đức tin?         

Điều đó có nghĩa là quyết định của chúng ta không nên lúc nào cũng dựa trên nhận thức và hiểu biết của bản thân chúng ta bởi vì sự hiểu biết của chúng ta là có giới hạn và thường không đầy đủ. Do đó, người tin cậy vào Chúa không phải là người không có lý trí, mà vấn đề là những người chỉ hoàn toàn dựa vào sự hiểu biết của chính mình mà thôi.

Khi thực hành đức tin, chúng ta không gạt trí tuệ của mình sang một bên, mà đúng hơn là chúng ta đang đặt trí tuệ của mình vào trí tuệ của Đức Chúa Trời, tin tưởng vào sự toàn tri và quyền tể trị của Ngài.

“Toàn tri” = Biết được tất cả mọi sự, có kiến thức vô hạn và không giới hạn. Ngài biết mọi thứ về mọi sự. Ngài biết mọi thứ có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngài là An-pha và Ô-mê-ga và do đó nhìn thấy sự cuối cùng ngay từ lúc ban đầu.

Ê-sai 46:9-10 – “…Vì Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác; Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta. Từ ban đầu, Ta đã báo trước việc cuối cùng, và đã nói từ thuở xưa những việc chưa thực hiện…”

Ngài là người viết kịch bản, nhà sản xuất và đạo diễn cho cuộc đời của chúng ta. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có sự khôn ngoan và hiểu biết hoàn hảo vì chỉ Ngài mới có sự thông sáng trọn vẹn. Trí tuệ của con người chúng ta có hạn và tệ hơn là đã bị tha hóa.

Trái cấm

Ban đầu, Ê-va bị Sa-tan lừa ăn trái cây biết điều thiện và điều ác để có được sự khôn ngoan (Sáng-thế 3:5-6). Tại sao Đức Chúa Trời cấm loài người biết điều thiện và điều ác? Phải chăng Chúa muốn chúng ta luôn sống trong sự ngây thơ và thiếu hiểu biết?

Đức Chúa Trời biết rằng một khi chúng ta ăn trái của cây tri thức, thì sẽ dẫn đến sự tự lập không lành mạnh và rời xa khỏi Ngài. Chúng ta sẽ ngày càng trở nên độc lập hơn thay vì phụ thuộc vào Chúa. Chúng ta sẽ bắt đầu sử dụng sự phán xét của chính mình để xác định đâu là thiện và đâu là ác mà điều này tự thân nó đã bị thoái hóa vì đó là kiến thức chưa hoàn chỉnh; kết quả là những gì thực sự xấu xa có thể trở thành ‘tốt đẹp’ trong mắt chúng ta.

Có hai cái chết – chết về thể xác và chết về tâm linh. Trong Kinh Thánh, ý nghĩa thần học của từ “chết” là “phân rẽ”. Cái chết về thể xác là sự phân rẽ linh hồn và tâm linh ra khỏi thể xác. Sự chết thuộc linh là sự phân rẽ linh hồn và tâm linh của chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời. Đây là cái chết mà A-đam đã chịu, và trong A-đam chúng ta cũng chết. Hậu quả của cái chết này là chúng ta được sinh ra để bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời; tách khỏi sự khôn ngoan của Ngài.

Ngày nay, chúng ta vẫn sản sinh ra bông trái của “trái cây tri thức đó”. Định nghĩa của chúng ta về thiện và ác đã bị hư hoại do thiếu sự khôn ngoan và hiểu biết thực sự. Vì lẽ đó, nhiều người gọi ác là thiện.

Châm-ngôn 14:12 – “Có một con đường dường như chính đáng cho loài người, nhưng cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.”

Đây là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Có những điều tưởng như là đúng với sự hiểu biết của chúng ta, không có nghĩa là nó đúng thật. Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ rằng từ sự sa ngã của A-đam, nhân loại đã trở nên “xa lạ với sự sống của Đức Chúa Trời vì sự ngu muội ngự trị trong họ…” (Ê-phê-sô 4:18). Mặc dù tâm trí của chúng ta một lần nữa được soi sáng sau khi chúng ta tiếp nhận Đấng Christ, nhưng nó không còn hoạt động hết công suất như trước khi sa ngã. Trí óc và sự hiểu biết của chúng ta vẫn còn hữu hạn và có giới hạn, như Phao-lô đã nói một cách khéo léo trong 1 Cô-rinh-tô 13:9, “Chúng ta hiểu biết chỉ phần nào…”.

Vì lý do đó, chúng ta được kêu gọi là chớ nương cậy vào sự hiểu biết của mình mà phải nhận biết Chúa trong mọi đường lối của mình để Ngài dẫn dắt các nẻo của chúng ta. Trong khi hầu hết các bản dịch sử dụng từ “nhận biết”, thì bản NIV nói rằng “hãy phục tùng Ngài trong mọi đường lối mình”, trong khi bản NLT thì nói, “tìm kiếm ý muốn của Ngài trong tất cả những gì bạn làm” (hay bản BPT của Kinh Thánh tiếng Việt thì dịch là “Trong mọi việc làm hãy nhớ đến Chúa”). Do đó, bước đi bằng đức tin chỉ đơn giản là không đưa ra quyết định hoàn toàn dựa trên sự hiểu biết của bản thân, nhưng luôn luôn tìm kiếm ý muốn của Chúa và cân nhắc cẩn thận các quyết định của mình với sự hướng dẫn của Lời Ngài.

Tin cậy đường lối cao hơn của Đức Chúa Trời

Thi-thiên 147:5 – “Chúa chúng con thật vĩ đại, có quyền năng vô hạn;Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận.”

Ê-sai 55:8-9 – “Ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.

Châm-ngôn 21:30 – “Chẳng có sự khôn ngoan, thông sáng, hay là mưu kế nào có thể chống lại Đức Giê-hô-va được.”

Khi Kinh Thánh bảo chúng ta đừng dựa vào sự hiểu biết của mình, điều đó không khiến chúng ta trở nên mất lý trí mà trái lại, hãy sống một đời sống được hướng dẫn bởi Lời và tiếng Chúa, hãy giao phó sự hiểu biết của chúng ta cho sự hiểu biết vô hạn của Ngài, những ý tưởng cao hơn của Ngài được yên nghỉ trong sự khôn ngoan toàn hảo của Ngài, một sự khôn ngoan có thể giải quyết mọi việc vì lợi ích cuối cùng của chúng ta. Vì Ngài không chỉ là một Đức Chúa Trời của sự khôn ngoan và hiểu biết vô hạn, mà còn là một Đức Chúa Trời của Tình Yêu vô hạn và quyền năng vô hạn. Trong sự khôn ngoan, hiểu biết và quyền năng vô tận của Ngài, Ngài đã lên kế hoạch cho cả cõi đời đời, từ lúc ban đầu cho đến khi kết thúc. Kế hoạch của Ngài là hoàn hảo. Chúng cao hơn. Tốt hơn. Và vì vậy cũng vô cùng vô tận!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like