Sự sống lại về mặt thuộc thể của Đấng Christ và của chúng ta
Như đã đề cập ở phần đầu, người Do Thái trong Cựu Ước đã mong chờ sự sống lại của những kẻ chết. Tuy nhiên, Cơ-đốc nhân phải nhìn lại sự phục sinh của Đấng Christ trước khi mong chờ sự sống lại của chính mình. Lý do của sự thay đổi trong quan điểm này rất đơn giản nhưng sâu sắc: sự phục sinh của Đấng Christ được gắn kết chặt chẽ và có quan hệ hữu cơ với sự sống lại của chúng ta. Cụ thể hơn, sự sống lại về mặt thuộc thể trong tương lai của chúng ta được quyết định bởi sự sống lại về mặt thuộc linh ở hiện tại của chúng ta trong Đấng Christ.
Trong Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-xu phán: “Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai sống mà tin Ta thì sẽ không bao giờ chết” (Giăng 11:25-26). Lưu ý rằng Chúa Giê-xu gọi chính Ngài là “sự sống lại”, là điều mà người Do Thái rất háo hức mong chờ. Họ khá sốc khi Chúa Giê-xu tự giới thiệu Ngài là hiện thân đầy đủ cho niềm hy vọng được sống lại của Y-sơ-ra-ên. Nhưng Ngài không chỉ là sự sống lại, mà còn là sự sống, mà Sứ-đồ Giăng đã đề cập là sự sống đời đời (Giăng 5:24, 26).
Ngài là “sự sống lại và sự sống” chỉ cho những ai tin Ngài (Giăng 11:25). Và ai tin Ngài thì sẽ được sống, mặc dù họ đã chết. Họ sẽ sống lại từ cõi chết trong kỳ sau rốt (Giăng 5:28-29).
Vậy, đức tin nơi Đấng Christ đảm bảo cho sự sống lại về mặt thuộc thể của chúng ta – là điều chưa xảy đến, nhưng đức tin nơi Ngài cũng dẫn đến sự sống lại về mặt thuộc linh – là điều đã xảy ra. Hai điều này không thể tách rời nhau. Chúa Giê-xu giải thích, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, giờ đến, và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống.” (Giăng 5:24-25).
Khi chúng ta tin Chúa Giê-xu Christ là sự sống lại và sự sống, chúng ta được sống lại phần tâm linh (“vượt khỏi sự chết mà đến sự sống”) và có thể tự tin mà chờ đợi sự sống lại về mặt thuộc thể trong tương lai (“những kẻ nghe sẽ được sống”). Sau đó chúng ta sẽ bước vào sự sống đời đời bởi vì hiện tại chúng ta có sự sống ấy rồi. Sự dạn dĩ ấy bắt nguồn từ lẽ thật không thể chối bỏ về sự phục sinh trong thân xác của Đấng Christ.
Sứ-đồ Phao-lô liên hệ sự phục sinh của Đấng Christ với sự sống lại của chúng ta trong I Cô-rinh-tô 15. Sau khi tuyên bố rằng “Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại”, Phao-lô mô tả Đấng Christ phục sinh là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (I Cô-rinh-tô 15:20; Cô-lô-se 1:18). “Trái đầu mùa” là dấu hiệu bắt đầu cho mùa gặt – trong trường hợp này là “mùa gặt của sự sống lại” (21). Có một sự thống nhất chặt chẽ và mối quan hệ hữu cơ giữa sự sống lại của Đấng Christ và sự sống lại về mặt thuộc thể trong tương lai của chúng ta.
Bàn về mối quan hệ chặt chẽ này, Richard Gaffin nhấn mạnh “sự phục sinh của Đấng Christ không chỉ đơn giản là sự đảm bảo” cho sự sống lại về mặt thuộc thể của chúng ta, mà còn là “lời cam kết cho sự bắt đầu thực sự của sự kiện chung” (22). Khi Đấng Christ sống lại từ cõi chết, Ngài mở đầu cho sự kiện sau cùng tức là sự phục sinh, nhưng sự kiện này diễn ra trong hai giai đoạn đối với dân sự của Ngài: sống lại về mặt thuộc linh trong Đấng Christ trước, sau đó mới là sống lại về mặt thuộc thể (như chúng ta đã thấy trong Giăng 5). (23)
Phao-lô mô tả sự sống lại về mặt thuộc linh của chúng ta bằng từ ngữ sống động trong Ê-phê-sô 2:4-6: “Đức Chúa Trời… khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ… Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi với Ngài ở các nơi trên trời [trong Đấng Christ Giê-xu]”. Tất nhiên, thân thể vật lý này của chúng ta không thể cùng đi với Đấng Christ vào thời đại sắp tới của những tạo vật mới, nhưng tâm linh chúng ta đã được sống lại với Ngài vì chúng ta ở trong Ngài.
“Nếu ai ở trong Đấng Christ”, Phao-lô nói, “ấy là tạo vật mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Lưu ý tôi không trích dẫn bản dịch Hiệu Đính, trong đó nói rằng “người ấy là tạo vật mới”. Bản Kinh Thánh gốc trong tiếng Hy Lạp chỉ nói, “tạo vật mới” (kainē ktisis). Những người tin Chúa được biến đổi cách cá nhân trở nên những tạo vật mới, họ cũng là một phần trong các tạo vật mới nhờ sự hiệp nhất với Đấng Christ. Họ bước vào một thế giới mới (24). J.C.Ryle viết thế này, “Có một nơi ở vinh hiển mà Chúa Giê-xu Christ hứa ban cho những người tin Ngài. Thế giới hiện tại không phải là nơi yên nghỉ của họ: họ chỉ là lữ khách và kẻ kiều ngụ trong thế gian này. Thiên đàng mới là quê hương của họ.” (25)
Sự sống lại về mặt thuộc linh của chúng ta là điều mà đã xảy ra rồi làm cho sự sống lại về thuộc thể của chúng ta trong tương lai trở nên chắc chắn. Như một người theo Thanh giáo đã cầu nguyện như thế này, “Tôi có niềm tin vào thiên đàng, chúng hứa hẹn về cái nhìn đời đời, và sự tôi được tái sanh là lời cam kết về sự sống không bao giờ kết thúc.” (26)
Nhưng câu hỏi là tại sao được như vậy? Vì Đấng Christ đã sống lại! Ngài là “suối nguồn của sự sống lại” (27), như Phao-lô viết “Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:21-23).
Tương lai của chúng ta là hoàn toàn chắc chắn vì Chúa Giê-xu phục sinh, niềm hy vọng của Y-sơ-ra-ên, cũng là niềm hy vọng của chúng ta.
Sự phục sinh của Đấng Christ và việc chúng ta được xưng công bình
Khi Đấng Christ từ cõi chết sống, Ngài được xưng là công bình bởi Đức Chúa Cha. Ngài không có tội lỗi chi hết (II Cô-rinh-tô 5:21), Ngài làm theo luật pháp cách trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:17) và mang lấy tội lỗi của dân Ngài trên cây thập tự (I Cô-rinh-tô 15:3; Ga-la-ti 3:13). Cho nên sự sống lại của Đấng Christ là sự xưng công bình của Ngài. Ngài được xưng là ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Theo Geerhardus Vos, “Sự phục sinh của Đấng Christ trên thực tế là lời tuyên bố của Đức Chúa Trời về sự công chính của Ngài. Sự sống lại của Ngài tự bản thân nó đã mang lời chứng về sự công bình của Ngài.” (28)
Tất nhiên, sự xưng công bình (hay ‘sự bào chữa’) của Chúa Giê-xu khác với sự xưng công bình của chúng ta: Ngài không hề phạm tội, không cần được tha thứ và không thiếu sự công bình. Thay vào đó, Ngài là đại diện hoàn hảo của chúng ta, là Đấng gánh tội, chịu lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, và xứng đáng với sự công bình mà đã ban cho chúng ta bởi đức tin.
Khi nói sự sống lại của Chúa Giê-xu là sự xưng công bình của Ngài, I Ti-mô-thê 3:16 là một chìa khóa: “Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, thì đã được Đức Thánh Linh xưng là công bình [edikaiōthē]” (xem Rô-ma 1:3-4). Dikaioō là một động từ trong tiếng Hy Lạp được Phao-lô sử dụng thường xuyên để nói về sự xưng công bình của chúng ta. Nhưng ở đây, ông áp dụng từ này cho Chúa Giê-xu, cùng với Đức Thánh Linh đóng vai trò quan trọng trong việc khiến cho Ngài sống lại từ kẻ chết (Rô-ma 8:11; I Cô-rinh-tô 15:45; Rô-ma 8:9; II Cô-rinh-tô 3:17-18).
Cùng với sự sống lại, sự xưng công bình của chúng ta gắn chặt với sự xưng công bình của Chúa Giê-xu. Chúng ta thấy điều này trong lời miêu tả của Phao lô về Chúa Giê-xu“Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự xưng công bình [dikaiōsin] của chúng ta” (Rô-ma 4:25).
Gaffin miêu tả mối liên hệ này cách sống động: “Một Đấng Christ chết là một Đấng Christ không được xưng công bình, và một Đấng Christ không được xưng công bình nghĩa là những kẻ tin theo Đấng ấy đều không được xưng công bình” (29). Ngược lại, một Đấng Christ đã sống lại là một Đấng Christ được xưng công bình, và một Đấng Christ được xưng công bình nghĩa là những kẻ tin Ngài đều được xưng công bình. Chúng ta được sống lại ở trong Ngài và được xưng công bình trong Ngài. Và bản án đó không thể bị lật lại. Nó cũng không có kỳ hạn. Đó là phán quyết dành cho Đấng Christ là mãi mãi thuộc về Ngài. Nhờ sự hiệp nhất của chúng ta với “Lương Nhân” của mình, điều gì của Ngài cũng là của chúng ta (Nhã-ca 2:16; I Cô-rinh-tô 1:30; Phi-líp 3:9; II Cô-rinh-tô 5:21; Hê-bơ-rơ 10:14)
Trên thực tế, phán quyết công bình mà chúng ta nhận được trong Đấng Christ thuộc về sự kiện trong thuyết mạt thế. Nó đến từ tương lai. Đó là bản án sẽ được đưa ra trong ngày sau rốt khi những kẻ chết được sống lại, và từ ngôi Ngài, Đức Chúa Trời sẽ phán xét người công bình cùng kẻ bất nghĩa. Do đó, Phao-lô có thể tuyên bố, “Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta” (Rô-ma 8:33-34; Rô-ma 3:21-26).
Thân vị và công việc của Đấng Christ được áp dụng ở hiện tại, đảm bảo cho sự cứu rỗi trong tương lai của chúng ta. “…nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!” (Rô-ma 5:9). Điều đó giải thích cho sự vui mừng của Phao-lô về niềm hy vọng chắc chắn rằng “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Rô-ma 8:1)
Tuy nhiên, bởi vì chúng ta đang ở trong khuôn khổ của những điều chưa xảy ra, nên ông cũng có thể nói rằng “Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình [dikaiosunēs]” (Ga-la-ti 5:5). Ở đây Phao-lô không phải là đang nói hai lời. Ông không nói rằng chúng ta đã đạt được địa vị công bình rồi, nhưng chúng ta nên hy vọng rằng mình sẽ giữ được địa vị công bình đó trong tương lai. Thay vào đó, Phao-lô hướng sự được xưng công bình của người tin Chúa vào khuôn khổ đã-rồi-nhưng-chưa. Bởi đức tin, sự công bình của Đấng Christ là của chúng ta (Phi-líp 3:9), nhưng chúng ta đang háo hức chờ đợi phán quyết đó được công khai vào ngày cuối cùng (Ga-la-ti 5:5)
Sự sống lại và sự phán xét của Cơ-đốc nhân
Tất cả những gì được nói cho đến nay đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của sự phán xét dành cho Cơ-đốc nhân. Kinh Thánh dạy rằng Cơ-đốc nhân sẽ đứng trước ngôi phán xét của Đức Chúa Trời để khai trình những việc mà chúng ta đã làm trong xác thịt (Rô-ma 14:10-12; II Cô-rinh-tô 5:10, I Cô-rinh-tô 3:12-15). Tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng sự phán xét (hay báo trả) dành cho Cơ-đốc nhân là tùy theo những công việc mà chúng ta đã làm chứ không dựa trên những việc công đức của chúng ta (Thi-thiên 62:12, Châm-ngôn 24:12, Gióp 3 4:11, Giê-rê-mi 17:10, 32:19; Ma-thi-ơ 16:27; Giăng 5:28-29; Khải-huyền 20:11-13, 22:12). Sự cứu rỗi của chúng ta không dựa trên bất cứ điều gì, nhưng chỉ bởi duy nhất thân vị và công tác của Chúa Giê-xu.
Vì bây giờ chúng ta đã được xưng công bình trong Đấng Christ và được sống lại về mặt thuộc linh với Ngài, nên chúng ta sẽ đứng trước ngôi phán xét như những người công bình. Gaffin lập luận thế này, “Nếu những người tin Chúa xuất hiện trong kỳ phán xét cuối cùng với thân thể phục sinh, thì họ sẽ có mặt với tư cách là những người đã được xưng công bình.” (30) Chắc chắn, tất cả mọi người sẽ được sống lại về phần thuộc thể vào ngày cuối cùng. Sự khác biệt lớn ở đây chính là những người tin Chúa thì đã được sống lại về phần thuộc linh, và đã được xưng công bình bởi đức tin trước đó, thì sẽ một lần nữa được tuyên xưng là công bình cách công khai khi được sống lại từ cõi chết. Chúng ta sẽ được “thừa nhận và xóa tội cách công khai” vào ngày phán xét (31) bởi vì chúng ta đã được kể là công bình trong Đấng Christ rồi.
James Buchanan giải thích rõ điều này: “Sự xưng công bình được coi là sự tha thứ của tội nhân và việc người ấy được chấp nhận là công bình trước mặt Đức Chúa Trời bởi đức tin; nhưng sự phán xét là tùy vào việc làm; và không có sự xưng công bình thứ hai – nếu như có hai cái – thì một là bởi đức tin, một là bởi việc làm – nó là một và cùng một sự xưng công bình, được ban cho trong đời sống hiện tại, cũng như sẽ được tuyên xưng và ấn chứng với thẩm quyền tại ngôi-phán-xét”. (32)
Trong thời gian chờ đợi, chúng ta háo hức trông mong với niềm hy vọng chắc chắn về sự công bình, và có thể mạnh dạn ca hát về sự cuối cùng với bài thánh ca nổi tiếng “Hồn tôi chỉ quyết neo trong huyết Giê-xu”:
Kìa khi Chúa đến với tiếng loa vang,
Tôi sẽ đứng với Chúa trong hào quang;
Mình tôi khoác áo trắng Chúa ban cho,
Đứng trước Đấng Thánh tôi không sợ lo. (33)
Vào ngày ấy, chúng ta sẽ trở nên tinh sạch trong Đấng không có tội lỗi chi hết, Đấng đã yêu và phó chính mình Ngài cho chúng ta, và Ngài đã sống lại vì sự công bình của chúng ta – để chúng ta không bao giờ chết nữa (Rô-ma 6:9).
Sự sống lại và sự thánh hóa
Mặc dù tương lai của chúng ta được đảm bảo, nhưng để nên thánh thì có thể vẫn còn nhiều thách thức. Sự nên thánh là một cuộc chiến kéo dài. Có lúc chúng ta thắng; có lúc chúng ta thua. Chúng ta liên tục ở trong cục diện thay đổi không ngừng. Chúng ta kinh nghiệm đỉnh cao chiến thắng trước khi bị đánh bại trong trũng tối tăm. Chúng ta tiến ba bước rồi nhanh chóng lùi lại hai (hoặc có khi là bốn) bước. Giữa trận chiến đầy gian khổ này, thì việc nhìn nhận sự thánh hóa của một người qua lăng kính của những việc đã-xảy-ra-rồi-nhưng-vẫn-chưa-hoàn-tất sẽ giữ cho tâm linh bạn không bị dao động và có cảm giác bất lực. Ý tôi ở đây là gì?
Những người có tâm linh dễ bị dao động là những phiên bản Cơ-đốc nhân trong tiểu thuyết Bác-sĩ Jekyll và Ông Hyde, những tín hữu này cứ mãi loay hoay giữa con người cũ và con người mới. Trong suy nghĩ của họ, họ đang sống trong con người mới khi họ chống cự cám dỗ để không phạm tội. Nhưng khi phạm tội, họ lại quay trở về con người cũ. Hai con người và hai bản chất khác nhau đang tranh chiến bên trong họ, và họ cảm thấy tâm linh mình bị dao động khi liên tục biến đổi từ con người này sang con người kia. Khi điều đó xảy ra, một số người thậm chì còn nghĩ rằng mình đang gặp rắc rối với sự cứu rỗi.
Lối suy nghĩ phi Kinh Thánh này rất nguy hiểm cho đời sống thuộc linh. Đó là trường hợp tiêu biểu về thần học sai trật, phá vỡ lối sống tốt của Cơ-đốc nhân. Bạn không được phép xem thường sự cứu rỗi cũng như bị dao động giữa con người cũ và con người mới.
Chúng ta cần nhắc lại những chỉ dẫn từ Kinh Thánh – những tuyên bố đúng đắn dành cho người tin Chúa trong khuôn khổ của những việc đã xảy ra rồi. Bạn được thánh hóa hoàn toàn nhờ sự hiệp nhất với Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 1:30). Bạn “đã thoát khỏi tội lỗi” (Rô-ma 6:7). “Tội lỗi không cai trị trên [bạn] đâu” (Rô-ma 6:14) “[bạn] đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:3). Danh sách này vẫn còn nữa. Những điều này là thật đối với bạn trong hiện tại, nhưng chúng vẫn chưa được trải nghiệm cách trọn vẹn.
Thực tế về sự nên thánh này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực chất nó được xem là một nghịch lý thần học. Phao-lô có thể nói,“[anh em] đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới…” (Cô-lô-se 3:9-10), rồi lại có thể nói, “Hãy làm chết…các chi thể của anh em ở nơi hạ giới (những dục vọng trần tục)” (Cô-lô-se 3:5), và “Hãy có lòng thương xót, hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục…” (Cô-lô-se 3:12).
Tại sao chúng ta lại cần phải lột bỏ thứ mà chúng ta đã lột bỏ và mặc lấy thứ mà chúng ta đã mặc lấy? Đây là nghịch lý của đời sống trong khuôn khổ đã-rồi-nhưng-chưa. Chúng ta là những tạo vật mới trong Đấng Christ, nhưng tội lỗi vẫn còn ẩn chứa đâu đó bên trong chúng ta. Đây không phải là trận chiến mà cuối cùng bản ngã ấy sẽ đánh bại chúng ta và quyết định số phận trong cõi đời đời của chúng ta. Chúng ta hoặc là ở trong A-đam hoặc là ở trong Đấng Christ (Rô-ma 5:12-21). Nếu bạn ở trong Đấng Christ, thì bạn đã được sống lại và đồng ngồi với Ngài ở các nơi trên trời. Và nếu bạn đã được sống lại với Đấng Christ, thì tâm linh bạn không thể dao động hay bất lực.
Nếu chúng ta muốn sống cho phù hợp với Kinh Thánh ở giữa các thời đại, thì chúng ta phải tin vào những chỉ dẫn và tuân theo các mệnh lệnh. Những chỉ dẫn Kinh Thánh là một cách diễn đạt khác về những điều đã xảy ra: “Anh em là thánh”, các mệnh lệnh thì diễn đạt điều chưa hoàn tất: “Hãy nên thánh!” Chỉ tin tưởng vào các chỉ dẫn sẽ dẫn đến chủ nghĩa chống đối (từ bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời vì cho rằng mình đã được cứu rồi). Còn việc chỉ vâng theo các mệnh lệnh sẽ dẫn đến chủ nghĩa luật pháp (dựa vào luật pháp của Đức Chúa Trời để được cứu). Ân điển trong Phúc Âm chống lại cả hai chủ nghĩa này.
Phao-lô tuyên bố rằng Cơ-đốc nhân sống “dưới ân điển” (Rô-ma 6:14). Nghĩa là chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa (chỉ dẫn, Rô-ma 6:6). Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không để tội lỗi cai trị trong thân thể hay chết này của chúng ta (mệnh lệnh; Rô-ma 6:12). Vậy bằng cách nào chúng ta làm được điều đó? Hãy để những chỉ dẫn làm động cơ thúc đẩy cho sự vâng lời Chúa. Nhớ lại những lẽ thật đã xảy ra rồi để vâng phục trong những điều chưa hoàn tất.
Giả sử một ngày nào đó bạn cảm thấy tinh thần uể oải. Sau khi nhìn thấy hay suy nghĩ về một điều gì đó có tính chất cám dỗ, bạn cảm thấy tội lỗi đang trỗi dậy trong thân thể hay chết này của mình, và bạn muốn thỏa mãn những nhu cầu của nó. Tội lỗi muốn bạn thỏa mãn những khao khát của mình bằng những trò rẻ tiền thấp kém và chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn tức thời. Và lúc này, bạn lại cho rằng đó là một ý kiến hay.
Bạn sẽ làm gì trong cơn cám dỗ? Hãy nhắc nhờ bản thân rằng mình là ai trong Đấng Christ. Dùng lời Chúa để cầu nguyện khi linh hồn bạn bị tội lỗi tấn công. Hãy nói rằng “Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết… cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong [tôi] mà khiến thân thể hay chết của [tôi] lại sống!” (Rô-ma 8:11; Ê-phê-sô 1:19-20).
Hãy dành ra một chút thời gian để suy nghĩ về thực tế này. Bạn có sức mạnh thiên thượng ở trong mình. Bạn được thêm sức để có thể chiến đấu như một người lính. Đức Chúa Trời không bao giờ để cho bạn tự sinh tự diệt. Ngài trang bị cho bạn để chiến đấu (Phi-líp 2:12-13). Thánh Linh đã khiến Chúa Giê-xu của chúng ta sống lại từ cõi chết cũng cho phép chúng ta “làm cho chết các việc của thân thể” (Rô-ma 8:13). Và vì vậy chúng ta chiến đấu.
Chúng ta không đòi hỏi một chiến thắng hoàn hảo, nhưng chúng ta cũng sẽ không tuyên bố một thất bại hoàn toàn. Sống giữa các thời đại, chúng ta yên nghỉ trên lẽ thật về việc chúng ta là ai trong Đấng Christ, và chiến đấu cho đến ngày đức tin trở thành hiện thực, cũng như mọi điều tốt đẹp trong khuôn khổ của những việc chưa hoàn tất đều thuộc về chúng ta.
Tương lai ở trong hiện tại
Sự phục sinh của Đấng Christ là trọng tâm của Cơ-đốc giáo (I Cô-rinh-tô 15:12-19). Mọi thứ sẽ trở nên vô vọng nếu không có sự sống lại của Ngài. Sự sống lại của Chúa cũng là trọng tâm cho đời sống Cơ-đốc nhân trong những ngày sau rốt. Đó là một sự kiện thay đổi thời gian nhằm tái lập lại nơi chốn và cách thức mà chúng ta đang sống. Chúng ta sống “trong Đấng Christ” và chúng ta sống cho Đấng Christ trong sự chồng chéo của các thời đại. Việc Ngài đắc thắng sự chết đã mở ra một thời đại mới, giúp chúng ta có những cái nhìn thoáng qua về tương lai – nếm biết trước thiên đàng, nơi mà chúng ta gọi là quê hương (Hê-bơ-rơ 6:5).
Ngài đã sống lại. Và điều đó có nghĩa là chúng ta có thể chắc chắn về sự sống lại trong thân xác của mình. Chúng ta có thể tin chắc về vị thế công bình của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể bình tĩnh đối diện với ngày phán xét cuối cùng. Và chúng ta có thể can đảm trong cuộc chiến chống lại tội lỗi.
Sống giữa các thời đại nghĩa là phải đối diện với sự căng thẳng về mặt thần học và thực tiễn. Nhưng việc chấp nhận tư duy đã-xảy-ra-nhưng-chưa-hoàn-tất này sẽ trang bị cho các thánh đồ một cái nhìn tốt hơn để đọc Lời Chúa cách trung tín và sống theo Phúc Âm cách mạnh mẽ, đồng thời tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng đã làm cho Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết và mang tương lai vào trong hiện tại.
Dịch: Hữu Đức Bùi
Nguồn: Desiringgod.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com