Home Chuyên Đề Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 6: Quyền Năng của Ngôn Từ

Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 6: Quyền Năng của Ngôn Từ

by Sưu Tầm
30 đọc

Chẳng những lời phán ra từ miệng Chúa có hiệu quả, nhưng lời chúc phước hoặc nguyền rủa của người Chúa chọn cũng có hiệu lực.

Trong thời Nô-ê một trận lụt lớn xảy ra. Gia đình Nô-ê gồm có tám người sống sót.  Sau khi ổn định Kinh thánh kể lại: “Nô-ê là nhà nông, nên bắt đầu trồng một vườn nho. Ông uống rượu say và nằm trần truồng trong trại mình. Cham, cha của Ca-na-an, thấy cha mình trần truồng thì kể lại cho anh và em mình ở bên ngoài” (Sáng 20-22). Khi tỉnh rượu Nô-ê nói: “Nguyện Ca-na-an bị rủa sả! Nó sẽ làm nô lệ thấp hèn cho các anh em nó” (Sáng 9:25).

Con cháu của Cham trở thành dân Châu Phi và xứ Ca-na-an mà Chúa hứa ban cho Áp-ram. Trong khi Áp-ram thuộc dòng dõi của Sem, người được Nô-ê chúc lành: “Chúc tụng CHÚA, Đức Chúa Trời của Sem!

Nguyện Ca-na-an phải làm nô lệ cho Sem!” (9:26)

Hai người con  trai của I-sác, cháu nội của Áp-ra-ham, Ê-sau và Gia-cốp tranh giành nhau lời chúc phước của cha vì họ biết những lời  này có ảnh hưởng đến vận mệnh của họ. Gia-cốp giành được phước của cha và quyền tưởng nam của ông anh Gia-cốp.

Khi Chúa kêu gọi Áp-ram rời quê hương ông để đi đến xứ mà Chúa chỉ cho ông, lời hứa đầu tiên là: “Ta sẽ làm cho con thành một nước lớn” (Sáng 12:2).  Khoảng 600 năm sau, lời hứa mới ứng nghiệm. Gia đình Gia-cốp gồm bảy mươi người khi đến Ai-cập, có khoảng hai triệu dân khi rời Ai-cập, sáu trăm người đàn ông, chưa kể phụ nữ và con trẻ.  

Những nhà ngoại giao có thể dùng miệng lưỡi mình mà đàm phán cho hòa bình và cũng có thể dùng lời nói mà gây chiến tranh.

Nhiều năm trước các nhà thần kinh học khám phá ra trung tâm ngôn từ của óc là bộ chỉ huy của toàn thể hệ thần kinh. Tuy nhiên, gần hai ngàn năm trước sứ đồ Gia-cơ đã cho biết lưỡi là một bộ phận nhỏ của cơ thể, nhưng có khả năng lớn.

Trung tâm ngôn từ của óc có nhiều ảnh hưởng trên toàn cơ thể nên nó có thể dùng ngôn từ để sai khiến cơ thể thực hiện một điều gì. Thí dụ, một người cứ nói, “Tôi cảm thấy mỗi ngày mỗi yếu đi,” tức khắc hệ thần kinh nhận lấy lời ấy như một lệnh truyền, và vâng theo, “Tôi sẽ làm cho cơ thể suy yếu vì bộ chỉ huy ra lệnh như vậy.”

Bố vợ tôi khi được trên tám mươi năm tuổi;  ông đã qua hai lần phẩu thuật ruột kết. Có ngày ông cảm thấy hớn hở hơn ngày khác. Đôi khi ông cần đi đó, đi đây và không người con nào dành thì gian đưa ông đi, ông cảm thấy buồn lòng và cầu xin Chúa cất ông đi.

Điều mà vợ chồng chúng tôi có thể làm cho ông là có buổi nhóm thờ phượng gia đình hằng tuần, và dùng lời Chúa để khích lệ tinh thần ông. Điều này có kết quả. Sau buổi nhóm ông cảm thấy phấn khởi nhờ lời Chúa; ông cảm thấy muốn sống đến trăm tuổi.

Thống kê cho biết một người quen làm việc nặng nhọc, sức khỏe của người này sẽ sa sút nhanh sau khi nghỉ hưu. Chúng ta có thể giả định rằng tâm trí của ngưới ấy có quyết định nghỉ hưu trong cuộc sống nữa. Nhưng nếu người ấy chịu đi ra, tiếp cận với những người khác, tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng, tình nguyện làm công tác xã hội, nói cách khác nếu người ấy không nghỉ hưu khỏi cuộc sống, nảo bộ của ông sẽ truyền cho cơ thể tiếp tục hoạt động bình thường.

Toàn bộ Kinh thánh được viết trong một khoảng thời gian 1500 năm. Quyển sách cuối cùng, Khải thị, được hoàn tất khoảng cuối thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (AD). Nhiều người cho rằng Kinh thánh lỗi thời, không còn thích hợp với thời kỳ hiện đại, và họ cho rằng ngày nay loài người cần có những ý thức hệ mới, hay thế giới quan mới. Nhưng chúng ta biết rằng Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời, là lẽ thật của mọi thời đại, là quyền năng để cứu con người ra khỏi những thói hư và tật xấu. Khi trung tâm nảo bộ chúng ta chứa đầy lời quyền năng của Chúa nó sẽ dùng tư duy của Ngài để điều khiển cơ thể hoạt động theo ý muốn của Ngài. 

Kinh thánh dạy rằng nếu chúng ta biết giữ lời nói mình chúng ta có thể hướng dẫn cơ thể chúng ta. Nếu điều này là đúng thì tại sao chúng ta không phát ngôn như thế nào để chúc phước thay vì rủa sả?

Người Việt Nam không có thói quen viết di chúc và xem đó là xui xẻo, hay lập chương trình cho tang lễ của chính mình, nhưng lại có thói quen dùng thành ngữ “muốn chết” để nhấn mạnh một ý tưởng. Thí dụ, “lạnh muốn chết,” “buồn muốn chết,” “mệt muốn chết” v.v….

Tôi làm theo gợi ý của một tác giả, người bênh vực cho chủ nghĩa “tích cực,” và mỗi lần có chi thể nào không được khỏe là tôi đặt tay lên và dùng quyền năng của lời nói để truyền cho nó lành mạnh, và tôi kinh nghiệm được hiệu quả của tư duy tích cực. 

Vài Mục sư khuyên đọc Kinh thánh, những câu liên quan đến vấn đề của chúng ta và căn cứ vào đó mà cầu nguyện. Ngày hôm nay, mười sáu tháng năm, 2020, nhà tôi bị chứng viêm khớp làm phiền. Bà nghe nhạc thánh ca nói về chữa lành và cầu nguyện, bà thấy đở hơn. 

Paul Yonggi Cho , Mục sư Chủ tọa Hội thánh có tám trăm ngàn tín hữu, nghe Chúa phán: “Con có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong buổi nhóm, nhưng không có dấu kỳ phép lạ xảy ra, chưa có linh hồn nào được cứu, không hôn nhân  đổ vỡ nào được phục hồi cho đến khi nào con công bố ra. Hãy cho ta cơ sở để làm dấu kỳ.” “Vâng, thưa Chúa,” Mục sư Cho đáp lời, “Xin Chúa tha thứ cho con vì con làm Ngài buồn lòng. Con sẽ công bố.” Tuy nhiên, ông vẫn chưa lấy làm thoải mái; ông không biết dân Chúa sẽ nghĩ gì về ông. Ông thưa với Chúa, “Lạy Chúa, con sợ, con sẽ không truyền cho người bại đứng dậy, hoặc ung thư tiêu tan. Con xin bắt đầu với chứng nhức đầu thôi.”

Sau đó, trong một buổi lễ thờ phượng, dù Mục sư  Cho thấy bằng mắt thuộc linh người què đi được, ung nhọt biến mất, nhưng ông phót lờ đi, và chỉ nói, “Có người bị nhức đầu được chữa lành.”  Tức thì có người được lành. Mục sư rúng động khi thấy sự việc xảy ra trước một lời nói.

Giăng kể chuyện Chúa chữa lành một người bị bại gần bên Cửa Chiên, gần một cái ao dưới vòm cung, tiếng Do Thái gọi là Bết-xa-tha. “Ở đó có một người mắc bệnh đã ba mươi tám năm.” Chúa hỏi: “Ngươi có muốn lành bệnh không?” Người bệnh không trả lời câu hỏi của Chúa, nhưng trình bày lý do tại sao vẫn bị bệnh. Chúa Giê-Xu bảo: “Ngươi hãy đứng dậy, vác cáng của ngươi và bước đi! Lập tức, người ấy được lành, vác cáng mà đi (Giăng 5:1-9). Lời Chúa có quyền năng chữa lành.

Sứ đồ Gia-cơ dạy, “Cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy “ (Gia-cơ 2:5, 6).   

Sau đây là bảy câu Kinh thánh nói về quyền năng của ngôn từ:

  • Cái chết và sự sống nằm trong sức mạnh của lưỡi: và những người yêu thích nó sẽ ăn trái của chúng. (Châm ngôn 18:21)
  • Bất cứ điều gì là đúng, bất cứ điều gì là cao quý,, bất cứ điều gì là thuần khiết, bất cứ điều gì đáng yêu, bất cứ điều gì là báo cáo tốt, nếu có bất kỳ đức tính nào và nếu có bất cứ điều gì đáng khen ngợi hãy suy nghĩ về những điều này .. (Phi-líp 4: 8)
  • Và bất cứ điều gì bạn yêu cầu trong lời cầu nguyện, bạn sẽ nhận được, nếu bạn có đức tin. (Ma-thi-ơ 21, 22)
  • Thật, Ta nói cùng các con, ai bảo ngọn núi này: Hãy cất lên và ném xuống biển mà lòng không chút nghi ngờ, nhưng tin những gì mình nói sẽ xảy ra thì sẽ đạt được. “ (Mác 11:23)
  • Ai yêu sự sống

Và muốn thấy những ngày lành phải giữ lưỡi mình khỏi điều ác và môi mình khỏi lời giả dối. “ (1 Phi-e-rơ 3:10) [1]

Lời là Năng Lượng

“Lời là năng lượng và năng lượng ảnh hưởng đến vật chất. Năng lượng trong máy hâm nóng chuyển động những phân tử nước và hâm nóng nước. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng năng lượng ảnh hưởng đến vật chất. Lời nói là năng lượng và ảnh hưởng đến vật chất” (Annette Capps—Quantum Faith). Như vậy lời phán của Đức Chúa Trời phát ra năng lượng sáng tạo mọi vật Ngài muốn tạo ra.    

Hai mẩu chuyện sau đây chứng minh nguyên lý trên.

1. Lời của Nô-Ê: “Ca-na-an đáng rủa sả! Nó sẽ làm mọi cho các tôi tớ của anh em nó” làm cho người dân Châu Phi gặp nhiều khó khăn. (Sáng thế ký 9:20-17)

2. Tiên tri của Gia-cốp (Sáng 49) trên các con trai của ông đã được ứng nghiệm, đặc biệt là Chúa Cứu Thế đến từ chi phái Giu đa.

“Điều đáng chú ý là những nhà khoa học khám phá ra được hạt điện tử xoay chung quanh những hạt nhân không phải lúc nào cũng tồn tại dưới dạng hạt li ti. Nhưng nó tồn tại dưới dạng làn sóng cho đến khi có người nhìn nó. Ngay khi một nhà khoa học quan sát nó thì nó xuất hiện thành một chấm. Rõ ràng là nó đáp ứng lại hành động của nhà quan sát.

Một trong những khó khăn của môn vật lý lượng tử là hạt li ti cư xử cách khác nhau đối với mỗi nhà quan sát.”[2]

Chúa Giê-Xu khẳng định, “Nếu các ngươi có đức tin lớn bằng hột cải, các ngươi khiến cây dâu nầy rằng: Hãy nhổ đi mà trồng dưới biển, thì nó sẽ vâng lời” (Lu-ca 17:6).

Lời Ngài dạy có nghĩa là vật chất phản hồi đức tin và lời nói. Thế giới của chúng ta được tạo thành bằng vật chất, và lời nói ảnh hưởng đến vật chất. Những vật được cấu tạo bởi những nguyên tử. Những nguyên tử biết bạn tin gì, nghe bạn nói gì và đáp ứng theo.”  

 Để minh họa, tôi xin kể một câu chuyện. Có một bà bị tai biến mạch máu não, mất chức năng truyền đạt, thân thể bị tê liệt. Một người bạn đến thăm và tuyên bố rằng bà phải nằm liệt giường cho đến chết. Bà tin lời người đó và không chịu cố gắng tập nói và tập cử động cho đến khi qua đời.

Lời và Lời Hằng Sống

Hai từ Hi văn logos rhema được chuyển qua tiếngViệt là lời lời hằng sống.

Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời phánvà sự việc liền có. Ngài tạo dựng vũ trụ bằng logos của Ngài. Khi chúng ta đọc Kinh thánh từ Sáng thế ký cho đến Khải thị chúng ta đọc logos của Ngài. Phao-Lô nói, “Vậy, có đức tin là do nghe, và nghe là khi Lời Chúa Cứu Thế được truyền giảng” (Rô-ma 10:17). ‘Lời’ trong nguyên bản Hi văn là rhema, không phải là logos.

Mục sư Hàn quốc Cho định nghĩa rhema là “một lời đặc biệt cho một người đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt.” Để minh họa Mục sư Cho kể chuyện ba thiếu nữ Hàn quốc bị chết chìm khi tìm cách đi trên mặt nước băng qua sông trong khi nước sông chảy xiết. Mục sư Cho cho rằng ba thiếu nữ ấy thực hành đức tin căn cứ trên logos của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Chúa không có lý do nào để ủng hộ đức tin của họ. Sự khác biệt giữa Phi-e-rơ và ba thiếu nữ kia là Phi-e-rơ nghe lời rhema của Chúa Giê-xu, “Đến!” trong khi ba thiếu nữ hành động theo logos.

“Nhiều người nghĩ là họ tin lời Chúa,” Mục sư Cho nói, “nhưng họ không phân biệt giữa lời cho biết về Đức Chúa Trời và lời chuyển tải đức tin trong một hoàn cảnh đặc biệt. Loại đức tin này mới tạo ra phép lạ.”

Cả hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca đều kể lại chuyện ‘Chúa Giê-xu chịu cảm dỗ.” Ê-va và Chúa Giê-xu đều chịu ma quỉ cám dỗ. Trong khi Ê-va dùng logos của Đức Chúa Trời để đáp lại con rắn, còn Chúa Giê-xu dùng rhema để đối phó với Sa tan.

Khi chúng ta đọc Kinh thánh chúng ta đọc logos hay là những lời của những trước giả . Những lời này thông thường không có ảnh hưởng nhiều trên tấm lòng của con người cho đến khi nào chúng ta gặp Đức Chúa Trời qua lời rhema của Ngài. Lúc ấy rhema mới có quyền năng thay đổi lòng người.

Chúng tôi có dịp thăm nhiều tín đồ của Chúa từ Bắc đến Nam. Rất nhiều người thay đổi từ xấu sang tốt, có nhiều người được chữa lành khi họ nghe tin lành hay lời dạy của Chúa.

Qua tiên tri Ô-sê Đức Chúa Trời cho dân Ngài biết lý do tại sao họ hư mất: “Dân Ta bị hủy diệt vì thiếu hiểu biết. Vì ngươi từ chối, không chịu hiểu biết Ta, Nên Ta cũng chối bỏ, không nhận ngươi làm thầy tế lễ cho Ta. Vì ngươi quên Kinh Luật của Đức Chúa Trời ngươi, nên Ta cũng sẽ quên các con ngươi” (Ô-sê 4:6).

Nhiều người chỉ biết logos—sự hiểu biết của cái đầu—nhưng không nghe rhema của Chúa—sự hiểu biết của tấm lòng. Chúng ta không thể biết ý Chúa nếu chỉ nghe logos mà không quan tâm đến rhema—lời Chúa phán trực tiếp với chúng ta.

Cách nay ba năm chúng tôi có dịp gặp một người mà chúng tôi chưa tùng gặp. Chúng tôi nghe một người quen cho biết ông gặp vấn đề sức khỏe, nên muốn đến an ủi và chia sẻ Tin lành với ông. Tôi gợi ý là ông nên gia nhập một cộng đồng đức tin như một Hội thánh Tin lành. Ông cho chúng tôi biết là ông nhận lễ báp tem ở một nhà thờ Mọt-môn, và đã từng học Kinh thánh. Ông tin rằng Mọt-môn là một tôn giáo tốt và tín đồ là những người tử tế.

Tuy nhiên, sau sự cố xảy ra ở Hoa kỳ ngày 11 tháng Chín 2001, ông mất niềm tin nơi Đức Chúa Trời và Kinh thánh. Chúng ta có thể hiểu vì sao ông mất đức tin; ấylà vì ông biết logos mà không hiểu rhema.

Căn cứ vào lời dạy của Phao-Lô trong tín thư Ê-phê-sô, vấn đề của người này là Chúa Cứu Thế chưa ngự vào lòng của ông, và ông chưa từng mọc rễ trong tình yêu thương. Khi một người không liên hệ mật thiết với Chúa Cứu Thế, người ấy rất dễ mất đức tin.

Trong quyển sách “Ưu Tiên của Việc Biết Ý Chúa” Peter V. Dieson kể chuyện một người thuộc xã hội đen Ấn độ, tên Ramad. Một hôm anh đột nhập vào một căn hộ, và thấy một quyển sách bìa đen, giấy trắng nằm trên bàn. Anh thấy giấy của quyển sách mỏng, dùng làm giấy vấn thuốc lá rất tốt; anh lấy quyển sách. Khi về nhà, trước khi xé một trang giấy vấn thuốc, anh đọc những câu trên trang giấy.

Một đêm, sau khi đọc hết một trang, lời Chúa đụng đến lòng anh; anh quì xuống, ăn năn tội lỗi và cầu xin Chúa Giê-Xu cứu anh. Sau đó anh đến sở công an để nộp mình. Anh bị phạt tù, nhưng lời Chúa đã biến đổi anh hoàn toàn, như lời phát ngôn của Peter V. Dieson: “Tôn giáo có thể cải cách nhưng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể biến đổi.”

Có một lần, khi còn là tín hữu, tôi được chia sẻ lời Chúa trong một buổi nhóm thờ phượng; tôi nói về đề tài “Dứt khoát’ với thí dụ một người ném cái mũ qua một bức tường khi anh muốn trèo qua bức tường.đó để lấy lại cái mũ. Có thể không ai trong buổi nhóm nghe tiếng Chúa, trừ ra một tín đồ đang nhận trợ cấp của chính quyền vì chưa có việc làm. Anh nghe tiếng Chúa phán và quyết định tìm việc làm và không nhận tiền trợ cấp. Năm sau, anh xin việc làm với một Công ty đánh cá ở Bang Alaska, Hoa kỳ. Một năm sau, anh trở về thành phố Olympia, mua một căn hộ nhỏ. Vài năm sau, vợ chồng bán căn nha này và mua một căn nhà lớn hơn. Hai mươi năm sau, anh làm chủ một công ty nhỏ với năm nhân viên, chưa kể nhiều năm trước vợ chồng anh đều có công việc làm với mức thu nhập cao. Ước gì con cái Chúa nghe tiếng Chúa phán và lấy đức tin mà thực hiện. Người nghe lời Chúa mà không thực hành giống như người bệnh biết bệnh trạng của mình, tin lời của bác sỉ và tin sự công hiệu của viên thưốc, nhưng không bỏ viên thuốc vô miệng và nuốt vào bụng.    

Ngày 26 tháng 5, 2020, trên mạng Our Daily Brear.or g có thông tin sau đây:

“Sau khi tháo trái tim của bệnh nhân để sửa chữa nó, bác sĩ phẫu thuật đã đưa nó trở lại lồng ngực và bắt đầu xoa bóp nhẹ nhàng để giúp cho tim đập trở lại. Nhưng trái tim không khởi động lại. Các biện pháp mạnh mẽ hơn tiếp theo, nhưng trái tim vẫn không đập. Bác sĩ phẫu thuật quỳ xuống bên cạnh bệnh nhân bất tỉnh và nói với cô ấy: ‘Này Cô Johnson, đây là bác sĩ phẫu thuật của Cô. Ca phẫu thuật đã diễn ra hoàn hảo. Trái tim của Cô được phục hồi, Cô hãy bảo nọ đập lại đi nào. Và tim của Cô bắt đầu đập.”

ỨNG DỤNG

Khi bị bệnh, chúng ta không nên nghĩ “tôi sẽ mang bệnh suốt đời,” nhưng nên công bố sự chữa lành trên thân thể chúng ta.

Khi Hội thánh gặp hoạn nạn, chúng ta không nên nghĩ rằng Hội thánh sẽ tan lạc, nhưng công bố sự chiến thắng.

Khi bị khó khăn về tài chính, chúng ta không nên nghĩ rằng số mình phải nghèo khổ trọn đời, nhưng công bố no đủ sẽ đến trong nay mai. Khi gặp khó khăn trong liên hệ với người chung quanh, không nên chấp nhận tan vở, nhưng công bố sự giảng hòa.

Trong chương tiếp theo chúng ta nói về quyền trong huyết.


[1] Bernettastyle.com/scriptures-about-speaking-things-into-existence

[2] Annette Capps, Quantum Faith

(Còn tiếp)

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like