Việc chế ngự tội lỗi tình dục, đặc biệt là tội say mê phim ảnh khiêu dâm, cần nhiều thứ hơn chỉ là những bộ lọc trên mạng internet (giúp ngăn chặn truy cập vào các trang web không mong muốn) và các báo cáo giải trình. Những công cụ hay ho này thì rất đáng giá, thậm chí là không thể thiếu chúng được. Tuy nhiên, phần mềm giải trình được chứng minh là vô dụng trong cuộc chiến của riêng tôi. Chúng ta cần những công cụ tốt, cũng như người lính cần vũ khí tối tân. Nhưng chỉ công cụ và vũ khí thôi thì vẫn chưa đủ.
Chúng ta biết là chưa đủ bởi vì tội lỗi tình dục không chỉ là thứ gì đó ở trên Internet, nằm đâu đó chờ sẵn để chúng ta sa vào bẫy của nó. “Vì từ trong lòng,” Chúa Giê-xu nói, mà “nẩy sinh những ý tưởng xấu, giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và vu khống. Đó chính là những điều làm ô uế người” (Ma-thi-ơ 15:19-20). Phim ảnh khiêu dâm là điều ác cũng giống như giết người, nhưng đó không phải là nguyên nhân gây cho chúng ta phạm tội. Sự sai trật bên ngoài sống nhờ vào bản chất tội lỗi bên trong chúng ta. Toàn bộ ngành công nghiệp dơ bẩn ấy sẽ bị bóp chết nếu không có sự hợp tác của chúng ta.
Sự thật rõ ràng về phim ảnh khiêu dâm là tội lỗi không phải xuất hiện trước mắt chúng ta, mà là từ bên trong chúng ta. Những hình ảnh và video đã đánh thức và khơi dậy những ham muốn đã có sẵn ở đó. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể tải về bất cứ phần mềm nào, áp dụng bất kỳ bộ lọc nào, vứt đi bất kỳ thiết bị hoặc màn hình nào, mà vẫn không thể thoát ra được. Chúng ta cần thứ gì đó to lớn và quyền năng hơn là phần mềm.
Hơn bất cứ điều gì, chúng ta cần Đức Chúa Trời – quyền năng cứu rỗi của Ngài, qua thập tự giá, để tha thứ và xóa bỏ tội lỗi của chúng ta (Cô-lô-se 2:13-14), Thần Khí đổi mới của Ngài (II Cô-rinh-tô 5:17), ân điển và sự khôn ngoan (I Cô-rinh-tô 10:13), dân sự của Ngài khuyên bảo chúng ta hằng tuần, hằng ngày, hằng giờ nếu cần (Hê-bơ-rơ 3:13). Tuy nhiên, khi thừa nhận điều này, nhiều người trong chúng ta có thể đã bỏ lỡ một ngọn núi của sự giúp đỡ, một đại dương sức mạnh, một dòng sông dẫn dắt, một cánh đồng vui thỏa, một giếng nước trong bị lãng quên. Có thể chúng ta đã không đánh giá đúng một quyển sách cổ mà đã được chứng minh rằng sẽ đưa chúng ta đến với sự tự do.
Quyển sách bị mất
Chính Đức Chúa Trời mở quyển sách đó ra cho chúng ta khi Ngài đối diện với Gióp và dẫn ông đến sự ăn năn. Sự đau khổ mà Gióp trải qua không phải là sự đoán phạt dành cho tội lỗi của ông (Gióp 1:8), nhưng Gióp cũng có tội khi tranh cãi với Đức Chúa Trời (Gióp 31:25), tranh luận với Chúa về cách mà mình bị đối xử (Gióp 13:3). Mọi tỗi lội, đặc biệt là tội lỗi về mặt tình dục, được định nghĩa là hành động chống nghịch Đức Chúa Trời. Tội lỗi khác nhau có cách chống nghịch khác nhau, nhưng tất cả đều thách thức sự khôn ngoan, quyền năng, và giá trị của Đấng Toàn Năng. Chiều theo cám dỗ là chống lại Đức Chúa Trời, xem thường mạng lịnh của Ngài, thử xem Ngài có đoán phạt chúng ta không. Tội lỗi là nói rằng Đức Chúa Trời không thật sự có ý đó khi Ngài phán như vậy và Ngài sẽ không thực hiện những gì Ngài đã hứa.
Vậy, nếu là bạn của Gióp, và khi nghe ông tranh luận với Đức Chúa Trời như thế, thì bạn sẽ làm gì để dẫn ông đến chỗ xưng tội, ăn năn, và được đổi mới? Chúa đã làm một điều thật đáng kinh ngạc (điều này vẫn còn gây ngạc nhiên cho đến hàng nghìn năm sau đó). Đức Chúa Trời đối mặt với Gióp qua các tạo vật của Ngài, đồng đi với ông qua những kỳ quan mà Ngài đã dựng nên cách thông sáng, T. M. Moore viết,
Đức Chúa Trời đã dẫn Gióp đến sự khiêm nhường và ăn năn bằng một chuyến du hành qua các kiệt tác của sự sáng tạo… Sự oai nghi, vẻ đẹp, quyền năng và sự quan phòng của Chúa được bày tỏ qua những tạo vật mà Ngài dựng nên và duy trì mỗi ngày, đã khiến Gióp phải quỳ xuống và biến ông từ chỗ sa vào tội lỗi đến việc theo đuổi sự thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời. (Consider the Lilies, 74, 82).
Điều gì đã giữ cho Gióp không sa vào tội lỗi? Hãy bước ra ngoài và nhìn ngắm, ngắm thật kỹ, sự vinh hiển trong tạo vật của Đức Chúa Trời. Có thể cuốn sách thất truyền nói về sự trong sạch trong tình dục cho thời đại chúng ta là quyển sách mà Đức Chúa Trời đã viết từ buổi sáng thế, cuốn sách về các châu lục và những chòm sao, về gió và sóng biển, về sư tử, quạ và các loài bò sát – quyển sách về “quyền năng vĩnh cửu lẫn thần tính của Ngài” (Rô-ma 1:20). Chúng ta sẽ chiến thắng được cám dỗ tình dục nếu chúng ta khám phá ra quyền năng thanh tẩy trong sự sáng tạo.
Kỳ quan của tạo hóa
Một số người sẽ khuyên rằng bạn nên tránh xa màn hình khi bị cám dỗ tấn công – tắt máy tính, để điện thoại xa khỏi tầm ngắm, ra khỏi nhà, và đi dạo. Đó là ý kiến hay. Và sẽ tốt hơn khi chúng ta không chỉ trốn chạy khỏi tội lỗi, mà còn chạy đến một điều gì khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đi dạo và chú tâm tìm kiếm thứ gì đó, bất cứ thứ gì mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng? Đó là những gì Chúa đã làm cho Gióp.
Chúa mở đầu với câu hỏi, “Khi Ta đặt nền trái đất thì con ở đâu?” (Gióp 38:4). Ngay cả mặt đất dưới chân chúng ta cũng có thể nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Rồi Ngài dẫn ông dạo quanh các lối biển, hồi tưởng về những đường ranh giới mà Ngài đã dựng nên xung quanh chúng khi phán rằng, “Ngươi chỉ đến đây thôi, không đi xa hơn nữa, các đợt sóng ngạo nghễ của ngươi phải dừng tại nơi nầy!” (Gióp 38:11). Các bờ biển tồn tại không phải vì đại dương cạn nước, mà bởi vì Chúa đã sẽ một đường trên cát đặng làm ranh giới. Làm sao chúng ta có thể tranh cãi với một Đấng như thế?
Kế đến, Chúa mô tả nơi Ngài lưu trữ tuyết và mưa đá, mỗi bông tuyết và viên đá được cất giữ cho ngày mà Ngài đã định (Gióp 38:22-23). Sau đó Ngài lướt những ngón tay quyền phép của mình qua những con kênh mang đến những cơn mưa xuân (Gióp 38:25), và dừng lại để chiêm ngưỡng những đám mây mà Ngài đã rải rác trên bầu trời (Gióp 38:9), nhớ lại những tia chớp đáng sợ của Ngài (Gióp 38:25). Rồi Ngài lên đến những nơi cao hơn để buộc lại các chòm sao, sắp xếp chúng theo ý Ngài, kết nối từng đóm sáng rực rỡ đó lại với nhau (Gióp 38:31-33). Làm sao chúng ta có thể xem thường quyền năng và sự khôn ngoan lạ thường của một Đức Chúa Trời như vậy?
Sau đó, Chúa bắt tay vào một cuộc thám hiểm nơi hoang dã, liệt kê những sinh vật sống trên đất, bay lượn trên bầu trời và lặn xuống vùng nước sâu nhất. Ngài nói về sự dũng mãnh của sư tử, nhắc nhở Gióp về Đấng chu cấp cho từng loài động vật trong chuỗi thức ăn từ trên xuống dưới (Gióp 39:1-2). Ngài bay cùng bầy quạ, leo núi với dê rừng (Gióp 39:3-7). Ngài ngự trên loài đà điểu (và trên mọi tạo vật!), mọi tập tính kỳ lạ của chúng đều là bởi ý muốn của Ngài (Gióp 39:16-21). Ngài cưỡi ngựa ra trận, săn diều hâu và đại bàng (Gióp 39:22-33). Rồi Ngài đi đến nơi mà ít người dám đặt chân đến, đi bộ đường dài để tìm những kẻ săn mồi khổng lồ và nguy hiểm nhất trong khu rừng (Gióp 40:10) và lặn giữa những sinh vật biển đáng sợ nhất (Gióp 40:20). Làm sao chúng ta có thể phạm tội chống nghịch với một Đức Chúa Trời như thế?
Trên đường đi, Chúa nhắc nhở Gióp về một trong những vũ khí không thể bỏ qua trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ:
“Hãy nhìn con Bê-hê-mốt mà Ta đã dựng nên như dựng nên con; Nó ăn cỏ như bò.” (Gióp 40:10)
Để chúng ta không bị lạc lối giữa bề rộng, bề dài, bề cao và bề sâu của mọi tạo vật, Đức Chúa Trời nhắc nhở chúng ta về một cửa sổ gần nhất để bước vào sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài: cách Ngài dựng nên chúng ta. Ngay cả khi bạn không thể hiểu hết được đại dương hay rừng rậm, sư tử hoặc các chòm sao, thì bạn vẫn có thể cảm thấy quen thuộc với chính bản thân mình.
Ngài đã tạo nên chúng ta cách đáng sợ và lạ lùng, trong nơi kín đáo (Thi-thiên 139:13-14). Các đặc điểm của cúng ta không cố định như một dây chuyền lắp ráp, mà được đan kết với nhau bằng sự chăm chút tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật (Thi-thiên 139:15). Những sự việc xảy đến cho chúng ta không phải là ngẫu nhiên, nhưng từng ngày đều đã được biết trước, định đoạt, và viết ra trước khi chúng ta chào đời (Thi-thiên 139:16). Làm sao chúng ta, những con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, lại có thể đổi Ngài để lấy những hình ảnh đồi trụy trên màn ảnh?
Phản ứng của Gióp và của chúng ta
Vậy, Gióp đã nói gì sau chuyến thám hiểm dài cùng với Đức Chúa Trời? Ông có ăn năn và từ bỏ tội lỗi không? “Gióp thưa lại với Đức Giê-hô-va: ‘Con vốn chẳng ra gì; con biết lấy lời nào để thưa với Chúa? Con chỉ biết đưa tay che miệng.’” (Gióp 39:36-37). Sự kinh ngạc đã nhường chỗ cho sự khiêm nhường. Sự oai nghi làm tắt những lời tranh luận. Vũ trụ xua tan sự lôi kéo của tội lỗi. Tạo vật khiến chúng ta phải hạ mình bằng cách nhắc nhở rằng chúng ta thật nhỏ bé, mong manh và bất lực làm sao (“con vốn chẳng ra gì”), nhưng nó cũng cho chúng ta biết Đức Chúa Trời của chúng ta thật vĩ đại và quyền năng đến mức nào. Gióp nói tiếp:
“Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, không ai ngăn cản được ý định của Ngài….
Trước đây tai con có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt con đã thấy Ngài; Vì vậy, con ghê tởm chính mình, và ăn năn trong tro bụi.” (Gióp 42:2, 5-6)
Nếu Chúa có thể trải đất ra như trải tấm thảm trong phòng khách của chúng ta, thì có điều gì mà Ngài không thể làm? Nếu Chúa có thể khắc ra Thái Bình Dương, định cho nước phải lên xuống và dừng lại ở mức nào, liệu chúng ta có còn nghi ngờ gì về sự thông sáng và quyền năng của Ngài nữa không? Nếu Chúa có thể nuôi và bảo tồn loài sư tử, cá voi, gấu và mực, diều hâu và thậm chí cả đà điểu, thì Ngài lại không thể đáp ứng cho linh hồn của chúng ta được sao? Nếu Chúa có thể đếm và đặt tên cho tất cả các vì sao trong toàn cõi vũ trụ, vậy Ngài không lưu tâm đến những lần chúng ta phạm tội cách kín giấu sao? Và nếu Ngài là Đấng dựng nên, duy trì và cai trị vạn vật trong sự thánh khiết và trong sạch hoàn hảo, liệu Ngài có bỏ qua mà không phán xét, với cơn thịnh nộ cùng công lý toàn năng, đối với những ai chống nghịch cùng Ngài sao?
Trong ánh sáng của tất cả những bằng chứng về sự sáng tạo, tất cả những bằng chứng đang sống, đang thở, đang bay lượn, đang lớn dần lên, chạy nhảy, sinh sôi nảy nở, bơi lội, sấm chớp đều hướng về Chúa, làm sao chúng ta có thể, lần nữa, lại lao vào những con hẻm tối của phim ảnh khiêu dâm?
Kẻ thù của sắc dục
Vào mùa hè năm 1990, Mục-sư John Piper đã giảng một loạt bài về mục vụ thường bị bỏ quên này của Đức Chúa Trời, “Bạn có thấy niềm vui của Chúa trong ánh mặt trời không?” Khi chia sẻ về sứ điệp thứ hai trong Thi-thiên 19, ông thu hẹp trong chủ đề sắc dục.
“Các bạn có biết vì sao các hiệu sách dành cho người lớn thường không có cửa sổ không?” ông hỏi, “hay có ai thắc mắc vì sao không có cửa sổ ở các hộp đêm trong thành phố? Tôi nghĩ câu trả lời của các bạn có thể là ‘Bởi vì họ không muốn người ngoài nhìn vào và được xem miễn phí.’ Đó không phải là lý do duy nhất. Bạn biết tại sao không? Là vì họ không muốn người ta nhìn ra bầu trời. Tại sao? Bầu trời là kẻ thù của sắc dục. Tôi muốn các bạn nghĩ về những tranh chiến của mình. Bầu trời có một sức mạnh to lớn chống lại dục vọng. Những điều trong sáng, đáng yêu chuộng, lành mạnh, mạnh mẽ, rộng lượng không thể chấp nhận một linh hồn đầy dẫy những tư tưởng về nhục dục.”
Mục-sư Piper nói tiếp, “Tôi đã phát triển những chiến lược trong những năm qua và chúng tỏ ra khá hiệu quả. Và cách chiến đấu đơn giản là ra khỏi những nơi tối – ra khỏi phòng. Ra khỏi những nơi kín đáo riêng tư. Ra khỏi những nơi mà chỉ có mình tôi, tâm trí của tôi và trí tưởng tượng của tôi, tôi có thể làm gì với nó – đến một nơi sáng sủa để có thể được bao bọc bởi những sự đẹp đẽ, to lớn và đáng yêu… Những sự to lớn, đẹp đẽ này giúp chiến đấu chống lại việc sử dụng tâm trí của chúng ta một cách ngu xuẩn, thiển cận và thô tục để tơ tưởng về những thứ liên quan đến tình dục.”
Tìm kiếm niềm vui theo cách này thì hoàn toàn đối lập với việc xem phim khiêu dâm, một việc làm thụ động, lười biếng, không có tính sáng tạo, tự hủy hoại bản thân. Thay vì để Sa-tan kéo bạn đến sự thấp kém, hãy chiến đấu cám dỗ bằng sự to lớn, bằng cách bước đi và chạy khỏi chỗ đó, với một kế hoạch lâu dài và những tài liệu về thiên nhiên, bằng bầu trời, cánh đồng, và công viên, với ngày càng nhiều cái nhìn về Chúa hơn.
Dịch: Hữu Đức
Nguồn: Desiringgod.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com