Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 97: Ẩn dụ về Nước Trời (2): Lúa mì và Cỏ lùng

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 97: Ẩn dụ về Nước Trời (2): Lúa mì và Cỏ lùng

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 13: 24-30
24 Đức Chúa Jêsus phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Nhưng đương khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. 26 Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra. 27 Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ,chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? 28 Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng? 29 Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. 30 Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: Trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.

Lời ngỏ: 
Chuyện kể rằng có một hội thánh kia đang thiếu Mục sư. Một Ủy ban tuyển lựa Mục sư được lập ra và họ đã rất vất vả để có thể chọn ra người xứng đáng. Theo nhiều hồ sơ gửi về thì vị nào cũng có khiếm khuyết. Đang trong lúc thất vọng, họ đã nhận được một lá thư với nội dung như sau:
“Thưa quý vị, tôi được tin quý hội thánh đang tìm một mục sư quản nhiệm. Tôi muốn nhận công việc đó. Tôi đã hơn 50 tuổi và chưa từng quản nhiệm ở đâu lâu hơn ba năm. Người ta nói tôi có nhiều khả năng. Tôi là một Mục sư được xem là thành công và cũng có thể gọi tôi là một văn sĩ vì tôi có viết nhiều lá thư được nhiều người mến chuộng. Có người còn nói thêm rằng tôi có tài tổ chức và có khả năng lãnh đạo. Có nhiều chỗ, khi tôi bỏ đi,  tôi để lại nhiều xáo trộn trong thành phố, có khi còn là bạo động nữa. Tôi cũng cần nói thêm rằng tôi đã đôi ba lần vào tù ra khám và bị đánh đập nhiều lần nhưng tất cả đều không do lỗi của tôi mà là lỗi của người khác. Sức khỏe của tôi không được tốt lắm nhưng tôi tin rằng tôi có thể đảm nhiệm công tác mục vụ  hoàn hảo. Tôi đã  đến giảng tại những nhà thờ nhỏ toạ lạc trong các thành phố lớn. Tôi không hòa thuận lắm với lãnh tụ các tôn giáo khác tại vùng tôi  đến. Ðến nỗi có người đe dọa tôi và có kẻ tấn công tôi. Tôi có trí nhớ kém, và tôi cũng không giữ hồ sơ của những người tôi đã làm Báp têm cho. Dù vậy tôi hứa là tôi sẽ phục vụ Chúa hết lòng nếu tôi được quý vị nhận làm quản nhiệm.”  Cuối bức thư ký tên: Mục sư Phao-lô. Khi đọc xong bức thư thì cả hội thánh đều cảm thấy thất vọng về vị mục sư này và không rõ ông là ai. Phải đến khi đọc lại nội dung bức thư thì họ mới biết mục sư này là ai. 
Có lẽ chúng ta đã biết mục sư Phao-lô này là ai rồi, phải không? Đó là sứ đồ Phao-lô, vị giáo sĩ được Chúa dùng để mang Tin Lành đến cho dân ngoại. Ðây là một câu chuyện vui được kể ra để cho chúng ta thấy rằng rất khó để có thể đánh giá về một con người khi chỉ xem xét lý lịch, trình độ, học vấn, thành tích, năng lực, tác phong, diện mạo v.v… của người đó. Trong Nước Trời cũng vậy, có những con người chúng ta cứ tưởng đó là những con cái thật của Chúa nhưng có lúc lại thấy họ trở nên những người chối bỏ đức tin cách tỏ tường. Và cũng có những con người chúng ta thấy khó chấp nhận được theo tiêu chuẩn đánh giá của chúng ta, nhưng trước mặt Chúa đó lại là những người Ngài đã ghi tên vào sách sự sống.

    Trong bài học hôm nay, chúng ta sẽ học biết về ẩn dụ thứ hai Chúa đã dùng để dạy về ý nghĩa của Nước Trời. Trước tiên Chúa Giê-xu nói đến một nông dân “gieo giống tốt trong ruộng mình”. Cũng giống như ẩn dụ thứ nhất, hạt giống được gieo ra không có vấn đề gì cả, đó là hạt giống tốt.  Tuy nhiên, có một chi tiết cần lưu ý là “Trong lúc mọi người ngủ” thì kẻ thù đã đột nhập vào ruộng rồi “gieo cỏ lùng vào trong lúa mì”. Một vài tuần sau, khi lúa mì lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lòi ra. Khi người đầy tớ phát hiện ra thì thắc mắc với chủ về việc chủ đã gieo giống không tốt vào ruộng nên lẫn vào đó những cây cỏ lùng. Người chủ biết được đó là công việc của kẻ thù nhưng cũng không cho phép các đầy tớ nhổ những cây cỏ lùng kia, nhưng bảo họ chờ đến khi mùa gặt sẽ làm việc đó cũng không muộn. Ẩn dụ này đã được Chúa Giê-xu giải thích cặn kẽ ở phần sau nhưng dựa vào những thông tin ở đây chúng ta có thể học biết một số điều.

1. Tại sao kẻ thù gieo cỏ lùng vào trong ruộng?
    Vì cỏ lùng là một thứ cỏ rất giống với cây mạ non. Cỏ lùng trong tiếng Hy lạp gọi là zi-za-ni-on, còn tiếng Do Thái gọi là zu-nim. Từ “zu-nim” có liên quan đến từ za-na, có nghĩa là dâm dục. Theo một số sách cổ của Do Thái, trong thời Nô ê, tất cả mọi loài đều phạm tội, trong đó có cả con người, các loài súc vật, các loài cây cỏ đều sa đọa và loạn dâm nên sinh ra những dòng giống trái nghịch với thiên nhiên. Cỏ lùng là hậu quả của một thế giới sa đọa. Khi còn non, cọng cỏ lùng giống như cọng lúa mì nên rất khó phân biệt. Những người dân xứ Do Thái cũng cho biết, ngay cả người nông dân là những người thường nhổ cỏ trong ruộng cũng khó phân biệt được cây cỏ lùng với cây lúa mì. Vì thế người Do Thái gọi cỏ lùng là cây lúa mì hoang. Và người làm nông phải nhổ bỏ cỏ lùng khỏi ruộng lúa mì vì hạt cỏ lùng rất độc. Hạt cỏ lùng rất đắng và gây khó chịu khi ăn. Nếu ăn phải hạt cỏ lùng, con người sẽ bị chóng mặt, đau đớn và nặng hơn nữa là hôn mê.
    Cỏ lùng tai hại như thế mà gieo cỏ lùng vào trong ruộng thì có nghĩa là người gieo muốn chống lại chủ ruộng đó. Điều này đã trở thành tập quán trong xã hội cổ đại. Tội gieo cỏ lùng được ghi vào bộ luật thành văn của đế quốc La mã và người ta vẫn thường dọa người khác với câu nói “tao sẽ gieo hạt cỏ lùng vào ruộng mày”. Thế nhưng, kẻ thù chỉ có thể gieo cỏ lùng vào ruộng “trong lúc mọi người ngủ”,  tức là trong lúc nghỉ ngơi, lúc không canh phòng, lúc chểnh mảng thì kẻ thù mới có cơ hội làm việc đó.  Nghĩa là cuộc sống của chúng ta luôn luôn có kẻ thù rình rập để phá hại dưới nhiều hình thức khác nhau. Kẻ thù là kẻ chống lại người chủ gieo giống. Người chủ này luôn gieo giống tốt vào ruộng của mình nhưng kẻ thù thì muốn phá hoại điều tốt đẹp mà người chủ  đang cố gắng thực hiện.

2. Nhưng tại sao người chủ lại không cho phép đầy tớ nhổ cây cỏ lùng ra khỏi ruộng lúa mì của mình? 
    Sau khi người đầy tớ biết được kẻ thù đã gieo hạt cỏ lùng vào trong ruộng chủ của mình, thì đề nghị chủ cho phép họ nhổ những cây cỏ lùng đó ra khỏi ruộng.  Ðây là phản ứng tự nhiên và hợp lý vì thông thường ai cũng nghĩ nhổ bỏ cỏ lùng là điều nên làm. Vì cả hai loại cùng lớn lên trong một đồng ruộng thì cỏ lùng sẽ lấy bớt chất dinh dưỡng của cây lúa mì. Nhưng người chủ trong ẩn dụ này là một người  rất khôn ngoan. Ông đáp “Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng”. Ông vốn biết rõ việc nhổ bỏ cỏ lùng cũng sẽ làm trốc rễ cây lúa mì vì rễ của chúng đã đan quyện vào nhau. Chủ ruộng e rằng lúa tốt sẽ bị lầm là cỏ lùng, và sẽ bị nhổ đi mất. Nếu vậy thì còn thiệt hại hơn. Chính vì thế, chủ nói tiếp: “Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt”.             Chúng ta cũng vậy, không phân biệt được cây nào là cỏ lùng, cọng nào là lúa mì. Chúng ta thật sự không có khả năng phân biệt. Đôi khi chúng ta tưởng đó là cỏ lùng và nhổ bỏ nhưng thật ra biết đâu đó lại là lúa mì. Và đôi khi chúng ta tưởng mình đã để lại những cọng lúa mì nhưng thật ra đó lại là cỏ lùng.

3. Cần chờ đến mùa gặt thì mới rõ “thật giả, trắng đen” 
    Đến mùa gặt hái, chủ sẽ đưa con gặt đến, họ vốn biết rõ phải làm gì khi thu hoạch hơn là “các tôi tớ”. Vì khi đó “các con gặt trước hết hãy nhổ cỏ lùng” rồi “bó lại từng bó mà đốt đi”. Sau đó mới “thâu trữ lúa mì vào kho ta”.
    Câu chuyện dừng tại đây và chưa được Chúa giải thích, nhưng qua những tình tiết này chúng ta có thể hiểu được phần nào điều Chúa Giê-xu muốn dạy chúng ta về Nước Trời ở trong thế gian này.

Kết luận:
Thực tế cho thấy chúng ta rất khó phân biệt thật giả, trắng đen. Cỏ dại mọc lên trong đồng ruộng là chuyện thường tình, cây cỏ lùng trông rất giống cây lúa, người bình thường không thể phân biệt được. Vì vậy, trong cuộc sống chúng ta không nên vội xét đoán điều gì cả. Qua ẩn dụ này chúng ta thấy nguyên tắc của Chúa là yên lặng chờ đợi đến ngày thu hoạch, tức lúc Chúa là Đấng công bình sẽ xử đoán. Lúc ấy, Đức Chúa Trời sẽ dùng tiêu chuẩn của Ngài để xét xử. Tiêu chuẩn của Chúa như lời Chúa dạy “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được” (Ma-thi-ơ 7:20). Đó là kết quả của việc làm. Kết quả của cỏ dại là nó cũng kết hột, nhưng là hột cỏ. Hột cỏ chẳng những không đem lại bổ dưỡng cho thân thể mà có khi còn mang chất độc giết hại nữa. Nhưng kết quả của cây lúa là hạt lúa đem lại ích lợi, là thức ăn nuôi sống con người. Hai kết quả đó khác nhau hoàn toàn, một là sự sống và một là sự chết. 
Vậy, điều chúng ta cần xem xét chính là đời sống của mình. Những công việc chúng ta đang làm có xuất phát từ “nguồn lực” chân chính, tốt lành hay là từ nguồn lực xấu xa, đen tối? Và kết quả của đời sống chúng ta mang lại là hữu ích hay là tai hại cho người khác? 

Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Con cảm ơn Ngài về chân lý mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa khải tỏ cho con hôm nay. Đây cũng là sự cảnh cáo đối với chúng con cần có một tấm lòng chân thật để Chúa sử dụng, nếu không thì ma quỷ sẽ dùng chúng con ở trong nhà Chúa mà lại không có đức tin nơi Ngài. Lời Chúa cũng mang đến sự an ủi cho con khi sống công chính trước mặt Chúa dù bao người xung quanh có thể chưa hiểu. Xin dùng cuộc đời con luôn đem lại những kết quả tốt đẹp, lợi ích cho Ngài. Và thêm sức cũng như lòng biết kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi sự công bình của Đức Chúa Trời được hiển lộ. Con cầu nguyện. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like