Home Dưỡng Linh Đức Chúa Trời Đầy Phước Hạnh Và Hay Ban Phước

Đức Chúa Trời Đầy Phước Hạnh Và Hay Ban Phước

by Desiringgod.org
30 đọc

Tri Nghiệm Nguồn Hạnh Phước Thiêng Liêng

Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là “Đấng hạnh phước ”: “… Đấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa” (I Ti-mô-thê 6:15). Tại sao Chúa lại được gọi là Đấng phước hạnh và điều đó có ý nghĩa gì? Những giải đáp cho câu hỏi này chính là sự yên ủi và nguồn hạnh phước lớn lao cho Cơ-đốc nhân.

Là một bản thể vô cùng hoàn hảo, Đức Chúa Trời tự trong Ngài đã có sẵn sự hài lòng và vui thỏa như Ngài vốn dĩ luôn là như vậy – và sự vui thỏa trong Ngài không hề thay đổi đến nỗi dưới góc nhìn của Chúa, chỉ một dấu hiệu nhỏ nhất của sự bất mãn cũng được xem là đáng nguyền rủa. Phước hạnh của Đức Chúa Trời – là niềm hạnh phước, vui thích và tự thỏa lòng trong chính mình Ngài – xuất phát từ sự hoàn hảo trong thần tánh Ngài. Nếu có bất kỳ sự gì không hoàn hảo, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đều làm giảm đi sự phước hạnh và sự thỏa lòng của một người. Chúng ta hiểu được điều này ngay cả ở mức độ con người khi có điều gì đó không ổn xảy ra với cơ thể của chúng ta (vi-rút chẳng hạn) và chúng ta cảm thấy khó chịu trong mình. Nhưng Chúa, vốn dĩ là toàn hảo, nên Ngài sẽ không bao giờ bất mãn với chính mình.

Phước hạnh trước sự sáng tạo

Trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã đầy phước hạnh vì Ngài là Đấng tự hữu (Xuất 3:14). Sau khi sáng tạo thế gian, Chúa vẫn là Đấng phước hạnh, không tăng cũng không giảm, bởi vì Ngài là vô tận và đời đời không bao giờ thay đổi (Gia-cơ 1:17). John Owen, nhà thần học Thanh giáo phát biểu,

“Thật khó để có thể diễn tả được điều này [bởi vì nó quá cao siêu]. Phước hạnh của Đức Chúa Trời nằm ở chỗ Ba Ngôi một thể cùng hỗ trợ lẫn nhau, với sự vận hành tương hỗ có mặt ở khắp mọi nơi giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con trong tình yêu đời đời và sự thỏa lòng của Chúa Thánh Linh… Ở đây Đức Chúa Trời hành động trong sự thông sáng hoàn hảo và tình yêu hoàn mỹ theo sự trọn vẹn của chính Ngài.” (Works of John Owen, 1:368)

Ba thân vị gắn kết đời đời trong sự hiệp thông đầy yêu thương được đánh dấu bởi sự trọn vẹn và niềm vui thỏa. Vì thế, Đức Chúa Con cũng đầy phước hạnh như Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh bởi vì, là một Đức Chúa Trời tự hữu, Ngài không hề thiếu bất kỳ thứ gì mà người khác có trong Ba Ngôi phước hạnh.

Đức Chúa Trời có sự vui thỏa tột đỉnh trong chính mình Ngài. (Tột đỉnh ở đây có nghĩa là đời đời, vô tận, không thể hiểu hết, không thể đổi dời). Đức Chúa Trời hiểu biết về bản thân Ngài cách hoàn hảo; Ngài hoàn toàn biết được sự hoàn hảo của Ngài. Chúng ta cũng thường tận hưởng “sự hoàn hảo” của riêng mình. Hãy nghĩ về một cô gái có giọng hát hay, cô ấy thích hát vì mỗi lần cất tiếng lên cô ấy nghe thật tuyệt, hay một vận động viên chuyên nghiệp yêu thích sự hoàn hảo của mình trong khả năng chạy bộ hoặc bắn đâu trúng đó. Tuy nhiên các sự này chỉ như những con bọ nhỏ xíu khi so với sự hoàn hảo của Đức Chúa Trời mà thôi. Chúa yêu sự hoàn hảo của Ngài bởi vì Ngài hiểu bản thân mình – ấy là, Ngài là Đấng trọn vẹn. Vì Ngài là Đấng hạnh phước đời đời nên Ngài không thể không yêu chính mình. Ngài hoàn toàn miễn nhiễm với mọi điều ác, sự đổi thay, tổn thương và thất vọng. Do đó, Ngài không chỉ yêu chính mình Ngài mà còn ưa thích việc Ngài sẽ luôn là như vậy.

Được phước cùng với Đức Chúa Trời trong vinh hiển

Nếu chúng ta mong muốn một thuộc tính nào đó của Đức Chúa Trời được truyền lại cho chúng ta, thì có lẽ chọn sự phước hạnh là một ý không tồi. Tại sao? Bởi vì một người càng được ban phước, thì càng có nhiều điều tốt đẹp hoàn hảo được tập trung trong người đó. Phước hạnh đời đời của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta được biến đổi từ thân thể thấp hèn này trở nên thân thể vinh hiển qua sự phục sinh, cho phép chúng ta nhận lãnh mọi điều tốt đẹp khi chúng ta được dự phần trong trong bản chất thiêng liêng của Đức Chúa Trời (Phi-líp 3:20-21; II Phi-e-rơ 1:4).

Chúng ta sẽ không ngã lòng vì chúng ta sẽ được ban phước. Phước hạnh của chúng ta trên thiên đàng (nghĩa là sự kết hợp của tất cả những điều tốt đẹp bên trong con người chúng ta) thì mâu thuẫn với sự ngã lòng hay buồn rầu bởi vì chúng ta sẽ luôn có thể làm những gì mình muốn. Mong muốn của chúng ta sẽ không bao giờ tách rời khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời. Do đó, ngay cả khi đang còn ở trên đất, tùy thuộc vào mức độ mà chúng ta mong muốn những gì Đức Chúa Trời mong muốn, chúng ta sẽ kinh nghiệm phước hạnh của chính chúng ta. Nhưng trên thiên đàng chúng ta sẽ hoàn toàn thỏa lòng với việc chúng ta là ai, và đó là lý do tại sao chúng ta được ban phước từ Chúa.

Chúa toàn quyền hành động và không thiếu bất cứ điều gì  mà Ngài mong muốn, bởi vì tất cả các thuộc tính của Ngài đều hài hòa với nhau một cách đầy vinh hiển. Đời sống của Ngài là một đời sống thật sự hạnh phúc ; Ngài không cần gì và sở hữu mọi thứ; Ngài không chỉ tự do khỏi điều ác mà còn sở hữu mọi điều lành. Không gì có thể làm cho Chúa thèm muốn hay đố kỵ; không gì có thể khiến Ngài trở nên tốt hơn bản chất hiện tại của Ngài. Bởi vì, trong đời này, chúng ta thiếu đi sự hiệp nhất của mọi việc lành, chúng ta dễ bị đố kỵ và ghen tỵ; chúng ta dễ cảm thấy bất mãn; dễ bị buồn bã và trầm cảm; chúng ta thiên về những điều trái với phước hạnh bởi vì chúng ta không chỉ là con người, mà còn là con người với tội lỗi bên trong. Vì thế, trong đời này, phước hạnh của chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ của những gì mà một ngày nào đó chúng ta sẽ được kinh nghiệm. Nhưng niềm hy vọng của Cơ-đốc giáo là (vui mừng) chiêm nghiệm sự tốt lành sẽ lấp đầy chúng ta trong vinh quang, đó mới là phước hạnh thật sự.

Mặt trời sáng chói, biển cả tràn đầy

Chúng ta có thể chắc chắn về phước hạnh đời đời của mình vì Đức Chúa Trời là nguồn phước hạnh vô tận. Như Stephen Charnock (1628–1680) viết,

“Nếu Ngài không phải là Đấng trước hết đã được ban phước cách vô cùng vô tận, và đầy trọn trong chính mình Ngài, thì Ngài sẽ không có sự tốt lành vô hạn để lan tỏa cho chúng ta; Nếu Ngài không có sự dư dật vô hạn trong chính bản chất của mình, thì Ngài cũng không thể đổ xuống cho tạo vật của mình, mặt trời sẽ không đủ ánh sáng, và nước sẽ không tràn ngập trong đại dương, cái này không thể làm cho đất màu mỡ bằng những tia sáng của nó, và cái kia cũng không thể lắp đầy mọi nhánh sông bằng những dòng nước của mình”. (Works of Stephen Charnock, 2:288)

Chúa ban cho chúng ta sự phước hạnh của Ngài cũng giống như nước đại dương làm đầy những hố sâu.

Nếu Đức Chúa Trời là suối nguồn của sự phước hạnh chúng ta, thì niềm hạnh phước của chúng ta trong đời này hoàn toàn phụ thuộc vào chân lý rằng Đức Chúa Trời không chỉ là Chúa của chúng ta, mà Ngài còn là một Đức Chúa Trời phó chính mình cho các tạo vật của Ngài. Do đó, chúng ta chỉ vui vẻ hay buồn rầu theo như vị thần mà chúng ta phục vụ. Không điều gì mang lại hạnh phúc hơn điều được sở hữu cách chính đáng. Đức Chúa Trời là Đấng chủ tể hạnh phước và Ngài trước nhất ban cho Con Ngài sự vui mừng cũng như sự thỏa lòng trổi hơn những người khác, và nhờ vào sự hiệp nhất của chúng ta với Ngài và Thánh Linh Ngài đang ngự trong chúng ta, những điều này sau đó cũng được ban cho chúng ta.

Món quà cao trọng nhất của Đức Chúa Trời

Trước khi Đức Chúa Trời có thể cung ứng phước hạnh của Ngài cho chúng ta, một điều gì đó phải xảy ra. Cha chúng ta, Đấng sở hữu phước lành không pha tạp, đã ban Con của Ngài, là Đấng cũng có phước lành ấy, vào trong thế gian, để Ngài từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm (Ê-sai 53:3). Chúa Con sở hữu tất cả những điều tốt lành trong chính mình Ngài, Ngài không cần gì vì Ngài có tất cả, nhưng sẵn sàng lựa chọn trở nên một người không có gì” để Ngài có thể ban cho chúng ta mọi điều Ngài có (Phi-líp 2:6-8).

Món quà cao trọng và to lớn nhất mà Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta không phải là sự giàu sang, thanh thế, sự sống, hay thậm chí là chính sự cứu rỗi. Không, món quà lớn nhất đó là chính Ngài, không có món quà nào lớn hơn tồn tại. Đức Chúa Trời Ba Ngôi phước hạnh là của chúng ta vì Ngài đã phó chính Ngài cho chúng ta: “Ta là người chăn hiền lành. Người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10: 11) 

Thật vậy, chúng ta có thể nói như tác giả thi thiên, khi chúng ta suy ngẫm về những món quà tốt lành mà Chúa ban từ phước hạnh dư dật của Ngài,

“Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi. Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; Phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ.” (Thi-thiên 16:5-6)

Phước hạnh là đây: biết Đức Chúa Trời là của chúng ta và chúng ta sẽ sở hữu sự sống thật dư dật. Khi chúng ta vác thập tự giá trong đời này, chúng ta không chỉ trông chờ vào những gì đã được hứa, mà chúng ta còn nhớ đến Chúa Giê-xu. Chúng ta nhớ đến phước lành của Ngài, và công bố rằng phước lành đó thuộc về chúng ta: vì ở trong Ngài và bởi Đức Thánh Linh, phước hạnh của Ngài thật sự trở thành của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì được làm con của Chúa, là Đấng quyền năng, là nguồn của mọi phước hạnh trên đất và thiên đàng. Đức Chúa Trời tể trị mọi sự, Chúa Giê-xu từ bỏ mạng sống vì chúng con, và bởi sự an ủi, khích lệ của Chúa Thánh Linh để chúng con tận hưởng phước hạnh của Ngài ngay trên đất thấp và hy vọng về nơi trời cao. Xin nhắc nhở để chúng con không vì lợi ích trước mắt mà từ bỏ nguồn của mọi ơn phước nơi Ngài. Amen!

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like