Home Dưỡng Linh Sẵn Sàng Để Gặp Chúa – Phần 8: Hội thánh không dành cho cơn thạnh nộ của Chúa

Sẵn Sàng Để Gặp Chúa – Phần 8: Hội thánh không dành cho cơn thạnh nộ của Chúa

by AdrianChua
30 đọc

Một số Cơ Đốc nhân xem việc Đức Chúa Trời bảo vệ các thánh đồ của Ngài khỏi cơn thạnh nộ vào những kỳ cuối cùng như là “Thần học mật ngọt rót tai”. Họ đã nhấn mạnh rằng kể từ sự kiện của A-bên và trải qua hàng thế kỷ đã được ghi chép lại trong lịch sử, chúng ta có thể tìm thấy nhiều hình ảnh trong Kinh Thánh và hình ảnh ngày nay về các Cơ Đốc nhân trải qua sự bắt bớ và khổ nạn. Thực chất chính Chúa Giê-xu đã nói rằng chúng ta phải trải qua nhiều khổ nạn để vào nước Đức Chúa Trời. Công vụ 14:22 – “22 giục các môn đồ vững lòng, khuyên phải bền đỗ trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời”. Do đó, làm thế nào mà chúng ta vẫn có thể tin rằng Hội Thánh không phải được định cho sự bắt bớ và đau khổ?

Hoạn Nạn Thông Thường So Với Cơn Đại Nạn

Khải Huyền 3:10 đã chép:

“10 Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất.” 

Có rất nhiều thử thách và hoạn nạn trong cuộc sống trên đất và kể cả con cái của Đức Chúa Trời cũng không rơi vào trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta được đảm bảo như trong Kinh Thánh rằng chúng ta sẽ được giữ khỏi “Giờ thử thách”. Lưu ý rằng câu Kinh Thánh đề cập đến “Giờ”, ám chỉ một khoảng thời gian cụ thể và đặc biệt, không đơn thuần là “thử thách” trong lịch sử Hội Thánh. Bối cảnh dường như hướng tới “Thời kỳ của cơn thạnh nộ” hay còn được biết tới là “Cơn đại nạn” được ghi chép trong Khải huyền từ đoạn 6 tới đoạn 19. Đây là thời kỳ của sự hỗn loạn không tưởng.

Cơn Thạnh Nộ Của Chúa Trong Thời Kỳ Cuối Cùng

I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9-10 chép rằng:

“9 Vả, mọi người đều thuật lại thế nào anh em đã tiếp-đãi chúng tôi, và thế nào đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, bỏ hình-tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân-thật, 10 đặng chờ-đợi Con Ngài từ trên trời, là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã khiến từ kẻ chết sống lại, tức là Đấng giải-cứu chúng ta khỏi cơn thạnh-nộ ngày sau.”

Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời được kể tới là ở tương lai, chính vì vậy mà ngữ cảnh trên không phải đang nhắc đến cơn thạnh nộ thường thấy của Chúa với tội lỗi trong thời điểm hiện tại. Trong tiếng Hy Lạp, từ “giải cứu” có nghĩa là “kéo lại gần một ai” và từ “khỏi” từ biểu thị sự tách biệt giữa thời gian và không gian. Điều đó có nghĩa là Chúa sẽ kéo chúng ta đến với Ngài, xa khỏi thời gian và địa điểm cơn thịnh nộ sẽ xảy ra, là thời điểm mà loài người sẽ phải chịu đựng sự buồn đau và khổ nạn cùng cực bởi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng xuống thế gian.

Khải Huyền 6:15-17 đã chép như vậy:

 “15 các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi,16 chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! 17 Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?”

Khãi Huyền 14:9-10 “9 Lại một vị thiên sứ khác, là vị thứ ba, theo sau, nói lớn tiếng mà rằng: Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, 10 thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thạnh nộ Ngài; và sẽ chịu đau đớn trong lửa và diêm ở trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con.”

Khãi Huyền 16:1 “1 Bấy giờ, tôi nghe một tiếng lớn từ trong đền thờ ra, phán với bảy vị thiên sứ rằng: Hãy đi, trút bảy bát thạnh nộ của Đức Chúa Trời xuống đất.”

Vậy cơn thạnh nộ mà Hội Thánh được giải cứu khỏi là cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong Ngày Đại Nạn.

 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9

 “9 Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta”

Một lần nữa xin lưu ý rằng sự giải cứu được nói đến ở đây là ở trong tương lai, được biết trong Thuyết mạt thế,  đề cập đến sự cứu chuộc sẽ xảy ra trong lúc Sự Cất Lên diễn ra.

Cũng hãy xem trong sách Lu-ca 21:7-36, sau khi dạy họ về các dấu hiệu của kỳ Chúa trở lại, Chúa Giê-xu kết luận bằng cách nói rằng: “36 Vậy, hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người”.

Tất cả các câu trên dường như suy luận rằng Hội Thánh chẳng phải được định cho Ngày đại nạn, hay được biết đến là phán xét của Chúa dành cho những người vô tín trong Cơn đại nạn.

Rô-ma 2:5 đã chép rằng:  

“5 Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chất chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời”.

Còn ở Ê-sai 13:9-10 đã chép:

“9 Nầy, ngày Đức Giê-hô-va đến, là ngày hung dữ, có sự thạnh nộ và nóng giận để làm đất nầy nên hoang vu, và diệt những kẻ có tội khỏi đó. 10 Vì các ngôi sao và các đám sao trên trời sẽ chẳng chiếu sáng nữa; mặt trời mọc lên thì mờ tối, mặt trăng không soi sáng đâu.”

Chỉ hãy nhớ rằng: cô dâu là một phần của thân thể, nhưng không phải cả thân thể là cô dâu. Chỉ những người chuẩn bị sẵn sàng mới được ghi nhận là cô dâu (Ma-thi-ơ 25:10: “10 Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.”).

Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like