Kinh thánh: Ma-thi-ơ 9:14-17
14Khi ấy, các môn-đồ của Giăng đến tìm Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn-đồ thầy không kiêng ăn? 15Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn-rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn. 16Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn. 17Cũng không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề.
Lời ngỏ:
Thực tế cuộc sống cho thấy tại Việt Nam từ xưa đến nay rất phát triển những dịch vụ sửa chữa, hiệu chỉnh, thay linh kiện từ máy móc, trang thiết bị điện tử, điện khí đến nhiều dụng cụ sinh hoạt trong cuộc sống. Nhiều người Việt Nam khi ra nước ngoài được kể là có tài, thông minh và khéo léo trong những khâu chỉnh sửa và lắp ghép này.
Thế nhưng, trong đời sống tâm linh liên quan đến con người thì người ta đã bị sa ngã và phạm tội từ trong bản chất; nên việc sửa chữa qua những chương trình cải tạo, phục hồi nhân phẩm trong xã hội, hay tu nhân tích đức của tôn giáo chỉ phần nào giúp ích cho việc răn bảo, cảnh cáo con người đừng phạm tội nghiêm trọng thêm; hay kêu gọi ăn ở hiền lành để hạn chế gia tăng tội ác. Nhưng đó chưa phải là phương pháp tối ưu cần có để giải cứu con người.
Chương trình của Đức Chúa Trời vượt hơn sự chỉnh sửa hay cải tạo nhân phẩm con người, Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài đã tạo dựng con người và có đủ năng quyền để tái tạo và làm mới từ trong bản chất của con người đã sa ngã của chúng ta.
1. Sứ mệnh của Giăng Báp-tít & của Chúa Giê-xu
Theo lời tiên tri đã báo, trước khi Đấng Christ giáng sinh và thi hành chức vụ thì có một người sẽ ra đời trước: “Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu 1:16-17). Người này giữ vai trò như một nhà tiên tri và mang sứ mạng của người tiền khu. Vai trò và chức vụ đó đã được giao cho Giăng con của Xa-cha-ri là thầy tế lễ.
Biệt danh của Giăng khi thi hành chức vụ tiền khu là Giăng Báp-tít, tức là chủ trương kêu gọi kiêng ăn, cầu nguyện và ăn năn tội lỗi mình. Ông kêu gọi mọi người hãy hạ lòng mình xuống, công khai xưng nhận tội lỗi bằng cách chịu phép báp-têm dìm mình trong nước nơi dòng sông Giô-đanh. Vì thế, Giăng Báp-tít và những môn đồ theo ông đã hết lòng sống đời sống tin kính Chúa nhưng với phương pháp khắc khổ, thường xuyên kiêng ăn, cầu nguyện xưng tội, chịu phép Báp-têm dìm mình. Họ quyết định từ bỏ cuộc sống xa hoa, không ăn sơn hào hải vị, không mặc quần nhung áo gấm; nhưng ăn châu chấu và mật ong rừng, mặc áo bằng da lạc đà… Mọi người xem đó là kết quả của đời sống tin kính Đức Chúa Trời, là bông trái của đời sống thích đáng với sự ăn năn.
Khi Đức Chúa Giê-xu đến và thi hành chức vụ thì Ngài vẫn tôn trọng công tác của Giăng Báp-tít và đã bảo ông làm báp-têm cho Ngài theo đúng trình tự và luật pháp yêu cầu, cho dù Giăng từ chối vì biết Ngài là Đấng vô tội. Chúa Giê-xu cũng không làm việc giẫm chân trên công tác của Giăng là việc làm báp-têm bằng nước, và một số môn đồ theo Ngài từng là môn đồ của Giăng khi được Giăng giới thiệu đến với Chúa Giê-xu.
Sứ mạng và chức vụ của Chúa Giê-xu là làm ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai đã từng rao ra rằng: “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do; và để đồn ra năm lành của Chúa.” (Lu 4:18-19; Ê-sai 61:1). Ngài là Đấng Cứu thế. Đó là tin lành, là tin vui mừng cho người đón nhận và kinh nghiệm.
2. Thay mới khác chỉnh sửa
Giăng Báp-tít từng xưng nhận Chúa Giê-xu là Đấng Christ, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, và Ngài cũng là Con của Đức Chúa Trời chí cao (Giăng 1:29-34). Ông cũng từng so sánh Chúa Giê-xu thật là Chàng rể và mình chỉ là bạn của chàng rể, cho nên người được dấy lên và được ca ngợi phải là Chàng rể (Giăng 3:29-30).
Như vậy, công tác và chức vụ của Giăng Báp-tít là phụ rể chuẩn bị sẵn những người có lòng ăn năn để đón tiếp Chúa là Chàng Rể. Vai trò của ông chỉ là kêu gọi ăn năn và hiệu chỉnh để không phạm tội thêm, không dùi mài trong bóng tối tội ác nữa. Ông chỉ giúp đỡ như người vá lại chiếc áo đã rách tả tơi, khâu lại chiếc quần đã thủng lỗ để chờ ngày Chúa Giê-xu ban cho chiếc áo mới, trang phục mới.
Chính Chúa Giê-xu đã lấy thân và huyết của Ngài để đền giá tội lỗi của nhân loại. Và Ngài sẽ mặc chiếc áo công bình được phiếu trắng bằng huyết Ngài để mặc cho những ai tin và theo Ngài. Con người chúng ta khi tin nhận Chúa thì được mặc chiếc áo công bình bởi đức tin. Chúng ta không chỉ tạm thời được sửa chữa những sai lầm mà thôi, nhưng được thay mới hoàn toàn. Chúng ta trở nên tạo vật mới, là con cái mới của Chúa từ trong bản chất và đổi mới trong địa vị ấy. Đó là niềm vui rất lớn của chúng ta. Và vì thế chúng ta mạnh dạn rao báo tin mừng ấy cho bạn hữu, người thân, xóm giềng để mọi người ăn năn và tin nhận Chúa hầu họ cũng được thay đổi thành con người mới. Những người trở lại cùng Chúa Giê-xu trở nên những người được tạo dựng nên mới, được gọi là Hội thánh. Chúng ta thông công với nhau trong niềm hân hoan của sự cứu rỗi và đổi mới trong tâm linh.
Kết luận:
Đức Chúa Giê-xu phán: “không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra,và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề.” (câu 17) Ngài hoàn toàn không có ý dạy chúng ta về phương cách uống rượu hay phương pháp lưu trữ rượu ngon cho được lâu ngày. Nhưng đây là câu ngạn ngữ nói đến việc khi tiếp nhận Chúa Giê-xu thì cần phải thay đổi từ trong ra ngoài, từ trên chí dưới.
Tâm linh, linh hồn của chúng ta được Chúa giải cứu khỏi tội lỗi và thay đổi hoàn toàn mới, Ngài khiến chúng ta được hoà thuận với Cha thiên thượng. Và chúng ta được trực tiếp tương giao mật thiết với Cha trong sự thờ phượng, ngợi khen, cầu nguyện với Ngài. Và vì thế, thân thể chúng ta cũng được thay đổi vì Chúa kể thân thể chúngta là Đền thờ Thánh Linh ngự trị và Đấng Christ tể trị. Tức là khi chúng ta tin Chúa Giê-xu và đón tiếp Ngài thì chúng ta sẽ được thay đổi từ tư duy, suy nghĩ, nhận thức bên trong đến những nếp sống bên ngoài cho thích ứng với sự cứu rỗi của Chúa. Chúng ta không còn giằng co giữa thói quen, nếp sống cũ và nếp sống mới nữa; vì thế cũng không nên vá víu cái mới vào cái cũ hay ngược lại. Nhưng chúng ta dần có nếp sống vui mừng và thích ứng theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, là Đấng giúp chúng ta làm trọn vẹn điều Đức Chúa Giê-xu phán dạy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Có những lúc chúng con cũng bị giằng co, ưu tư giữa lối sống cũ với nếp sống mới và tìm cách làm hoà hợp chúng với nhau; nhưng càng làm càng thấy đời sống mình tệ hại hơn và càng ưu tư, càng thấy buồn lòng như thể mình vô tích sự.
Cảm tạ Chúa vì Lời Chúa khiến chúng con mạnh dạn dứt bỏ gánh nặng lo phiền bấy lâu; để sốt sắng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và sống cuộc đời mới theo sự đổi mới từ bên trong tâm linh đến đổi mới trong tâm hồn, và bày tỏ ra ngoài với những nếp sống, thói quen trong thể chất. Chúng con cầu nguyện nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com