Home Dưỡng Linh Trong Tay Chúa, Nỗi Đau Của Chúng Ta Không Bao Giờ Vô Ích

Trong Tay Chúa, Nỗi Đau Của Chúng Ta Không Bao Giờ Vô Ích

by Sưu Tầm
30 đọc

Tôi đã bị một người bạn làm tổn thương bằng lời bình luận vô tình. Phản ứng đầu tiên của tôi là buồn bực, sau đó trong đầu tôi bắt đầu liệt kê cả một danh sách bất bình, nhớ lại tất cả những lần tôi đã bị cô ấy làm tổn thương.

Tình bạn của chúng tôi có thể đã kết thúc ở đó, nhưng khi bắt gặp đoạn này trong cuốn sách của A.W. Tozer, tôi bắt đầu nghĩ khác:

“Khi hiểu rằng mọi thứ xảy ra với tôi đều nhằm giúp tôi trở nên giống Chúa hơn, tôi sẽ bớt lo lắng đi rất nhiều”.

Mọi điều đang xảy ra với tôi đều có mục đích giúp tôi trở nên giống Đấng Christ hơn. Không loại trừ điều nào cả. Niềm vui và nỗi buồn. Bình an và sóng gió. Viên mãn và thiếu thốn. Khó khăn và dễ dàng. Những người yêu thương, chăm sóc tôi và cả những người làm tổn thương, bỏ rơi tôi.

Chúa có thẩm quyền trên từng chi tiết nhỏ

Nhận thức được rằng Chúa đang sử dụng mọi thứ để khiến tôi trở nên giống Ngài hơn, tôi bớt lo lắng đi rất nhiều. Trong Đấng Christ, những khó khăn tôi đương đầu không phải là sự đoán phạt của Chúa (Rô-ma 8:1). Chúa ban cho tôi mọi sự (Rô-ma 8:32). Ngài sắp đặt mọi hoàn cảnh để làm ích lợi cho sự sống đời đời của tôi (Rô-ma 8:28). Mọi thứ trong cuộc sống đều hướng tôi đến với Đấng Christ. Đó là sự thật.

Đột nhiên, tôi ngừng băn khoăn về bình luận của bạn mình, mà thay vào đó suy nghĩ tại sao Chúa lại mang tình huống này đến với cuộc sống tôi. Đó là một câu hỏi đơn giản, nhưng câu trả lời tiết lộ về tấm lòng tôi nhiều hơn là về cô ấy. Hành động của bạn tôi là cách để Chúa phơi bày những tội lỗi tôi hằng né tránh. Khi biết rằng cách phản ứng của mình là tội, tôi đã xưng nhận với Chúa và ăn năn.

Bất cứ khi nào tôi cảm thấy phiền toái, thất vọng hoặc tức giận, có lẽ Chúa đang mời tôi tra xét lại tấm lòng mình thay vì tập trung chú ý bên ngoài. Có lẽ Chúa dùng sự cáu kỉnh của tôi như một lời kêu gọi để thân thiết hơn với Ngài. So với những gì đang xảy ra với tôi, Chúa đang làm điều quan trọng hơn và lâu dài hơn rất nhiều cho tâm linh tôi.

Vì Chúa cai quản mọi thứ trên con đường tôi, nên sẽ không có trải nghiệm nào là vô ích. Tất cả đều được sử dụng để khiến tôi trở nên giống Đấng Christ càng hơn, vì Ngài làm mọi việc lành. Hoàn cảnh khó khăn sẽ khiến tôi biết nương cậy nơi Chúa, dạy tôi cầu nguyện thành tâm hơn, cho tôi cơ hội phát triển chức vụ. Còn thành công sẽ khiến tôi ca ngợi, cảm tạ Chúa, dâng vinh quang cho Ngài; nhận ra mình kiêu ngạo và xưng tội ấy, học cách khiêm tốn dù đang ngồi ở hàng ghế cuối cùng hay đứng giữa ánh đèn sân khấu. Mọi việc xảy ra đều là một bước đệm để nên thánh.

Đằng sau nỗi đau, ơn phước đang chờ bạn

Bị một người bạn vô ý làm tổn thương không là gì so với việc bị bạn đời phản bội hoặc mắc bệnh nan y; nhưng mục đích của Chúa trên những thử thách ấy hoàn toàn giống nhau. Từng trải qua cả ba nỗi đau này, tôi có thể làm chứng rằng Chúa đã sử dụng mỗi thử thách tràn ngập nước mắt ấy để kéo tôi lại gần Ngài hơn. Và khi đến càng gần hơn, tôi được Chúa của tôi ôm vào lòng, và trở nên giống Con Ngài hơn nữa.

Trong phần diễn giải Ma-thi-ơ 5:3-4 của Eugene Peterson, ông viết: “Đằng sau nỗi đau, ơn phước đang chờ bạn. Bạn càng mất mát, Chúa và thẩm quyền Ngài càng vĩ đại hơn. Bạn thật may mắn khi cảm thấy bị tước mất những gì thân thương nhất. Chỉ khi ấy, bạn mới sẵn sàng được Đấng yêu thương bạn nhất ôm vào lòng”.

“Đằng sau nỗi đau, ơn phước đang chờ bạn. Thật may mắn khi bạn cảm thấy bị mất đi những gì thân thương nhất”. Điều đó nghe thật điên rồ và trái ngược với định nghĩa về ơn phước của thế gian. Với thế gian, được phước là có mọi thứ bạn muốn và hơn thế nữa. Mọi giấc mơ đều thành sự thật. Không phải trải qua đau khổ và không mất đi những điều thân yêu.

Nhưng trong Chúa, ơn phước mang một ý nghĩa mới. Chúng ta được phước khi mất hết tất cả. Khi không còn gì của riêng mình để dựa dẫm, không có bất kỳ ai để trông cậy. Khi không còn gì tốt đẹp cũng là lúc Chúa và thẩm quyền Ngài trở nên sống động hơn bao giờ hết trong đời sống chúng ta. Chúng ta càng nhỏ bé, Chúa càng vĩ đại. Khi mất đi những gì thân thương nhất trên thế gian, chúng ta càng coi trọng Cha Thiên Thượng trên trời. Vòng tay Ngài trở nên thân thương, quý giá, tuyệt vời hơn bất cứ điều gì.

Nhìn xem bàn tay yêu thương của Ngài

Madame Guyon, nhà văn Công giáo người Pháp từ những năm 1600 sống một cuộc đời đầy bệnh tật, bị bỏ bê và sỉ nhục. Năm 16 tuổi, cha bà lừa bà kết hôn với một người đàn ông 22 tuổi mắc bệnh gút. Bà trở thành y tá của ông và chăm sóc ông không mệt mỏi, sống trong nhà mẹ chồng, thậm chí kể cả khi bà ta đồn thổi những điều dối trá xấu xa về con dâu.

Lời cầu nguyện của Guyon đã phản ánh đức tin sâu sắc bà dành cho Chúa: “Lạy Chúa, khi con muốn trở thành nữ tu, cha đã lừa dối con, để rồi con có cơ hội chạy đến với Ngài và nhận lãnh tình yêu Ngài. Ngài cũng cho phép mẹ chồng lan truyền những lời dối trá về con, để con có thể hướng về Ngài trong khiêm nhường và thấy rằng Ngài yêu con đến nhường nào”.

Thay vì trở nên cay đắng trước nỗi đau mình phải chịu hay nghi ngờ về lòng tốt của Chúa, bà đã chọn nhìn xem bàn tay yêu thương Ngài. Bà thấy cuộc sống của mình nằm trọn trong bàn tay gìn giữ ấy, và mọi hoàn cảnh đau lòng đều là cơ hội để đến gần Ngài hơn. Bà sẵn sàng tin cậy Chúa hoàn toàn và phó thác mọi thứ cho Ngài.

Mọi vật đều hầu việc Chúa

Thi-thiên 119:90-91 chép: “Sự thành tín Chúa còn đời nầy đến đời kia. Chúa đã lập trái đất, đất còn vững bền. Tùy theo mạng lịnh Chúa, các điều đó còn vững đến ngày nay. Vì muôn vật đều hầu việc Chúa”. Muôn vật đều được Chúa sử dụng để thực hiện mục đích tốt đẹp Ngài cho niềm vui và vinh quang đời đời của con dân Ngài.

Mọi thứ mà chúng ta phải đối mặt sẽ giúp chúng ta ngày càng nên thánh. Những nỗi đau sẽ phơi bày tội lỗi chúng ta. Những người làm tổn thương ta cho ta cơ hội để tha thứ. Bệnh tật thể xác dạy chúng ta nương dựa vào Chúa. Con cái hoang đàng thúc đẩy chúng ta cầu nguyện không thôi. Mọi điều dường như sai trái và khó khăn trong cuộc sống, thảy đều là lời kêu gọi thiêng liêng để chúng ta hướng về Chúa.

Để hoàn toàn sống đúng quan điểm này, chúng ta phải sẵn sàng trong từng khoảnh khắc để chủ động tìm kiếm và cầu hỏi Chúa điều Ngài muốn dạy chúng ta. Phải nhận thức rằng Chúa luôn hành động trong cuộc sống chúng ta, và tin rằng mọi hoàn cảnh đều có thể kéo chúng ta đến gần Ngài hơn.

Vì mọi điều xảy ra đều hiệp lại để giúp chúng ta trở nên giống Đấng Christ càng hơn.

Dịch: Nhạn Võ

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like