Home Giáo Lý Tin Lành Bài 34: Sự Xưng Công Nghĩa

Bài 34: Sự Xưng Công Nghĩa

by Ban Biên Tập
30 đọc

I. Ý NGHĨA CỦA SƯ XƯNG CÔNG BÌNH:

1-Không có nghĩa là làm cho ai trở nên công bình.

Theo Rôma 3:10,19,23: Mọi người đều đã phạm tội, không trừ một người nào. Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng được xưng công bình là được Đức Chúa Trời tuyên bố rằng: “Đây là người công bình, trắng án, vô tội, vì đã được tha thứ qua Huyết báu của Chúa Giêxu”. Hơn nữa, chúng ta được tiếp nhận vào địa vị của Chúa Giêxu, là địa vị Công bình, nên Đức Chúa Trời kể chúng ta là Công bình. Sự chết của Chúa Giêxu làm cho sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời được thoả mãn, tức là trọn vẹn luật pháp, nhân đó ân điển được biểu dương, tội nhân được xưng Công bình. Đây là một cuộc hoán vị, Chúa Công bình đứng vào địa vị tội nhân của chúng ta, còn chúng ta là tội nhân đứng vào địa vị Công bình của Chúa.

Rôma 3:24,26: “Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giêxu Christ”. Nói cách khác, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giêxu mà Đức Chúa Trời kể kẻ tin Chúa Giêxu là Công bình. Câu 26: “Trong buổi Ngài nhịn nhục; tức là Ngài đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus”.

2-Xưng công bình khác hơn tha tội.

Được tha tội theo phương diện tiêu cực, còn được xưng công bình là theo phương diện tích cực. Tha tội là bôi xóa, là rửa sạch, là phiếu trắng như tuyết, hơn tuyết nữa và kể chưa từng phạm tội. Tha tội là phiếu trắng đời sống như tờ giấy trắng, còn xưng công bình là ghi tên những công đức. Trước đây chúng ta ô uế như giấy dơ, được tha tội thì nó trắng như tờ giấy sạch. Nhưng tờ giấy trắng sạch chỉ mới là phương diện tiêu cực, mà tích cực là ghi lên đó những công đức, là công đức của Chúa Giêxu. Nói một cách khác, khi chưa tin Chúa thì Đức Chúa Trời ghi chúng ta: “Gian dâm, ôuế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, và nhiều tội khác nữa không kể xiết. Khi tin Chúa được tha thứ thì chúng ta trắng như tờ giấy trắng, không một vế nhơ. Xưng công bình là được ghi lên:YÊU THƯƠNG, VUI MỪNG, BÌNH AN, NHỊN NHỤC, NHÂN TỪ, HIỀN LÀNH, TRUNG TÍN, MỀM MẠI, TIẾT ĐỘ. Khi được xưng công bình thì Đức Chúa Trời kể chúng ta là những nhân vật Thánh khiết của vũ trụ.

Êsai 64:6: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp, chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi”. Đời sống từ khi sanh ra cho đến ngày tin Chúa giống như đang mặc một chiếc áo dơ, nên không ai đứng nổi trước mặt Đức Chúa Trời Chí Thánh. Mọi cố gắng của chúng ta được hình dung bằng một chiếc áo lá vả. Buổi sáng nó còn kín đáo, buổi chiều nó héo khô, sự lỏa lồ hiện ra, xấu hổ lắm. Đó là chiếc áo mà Ađam và Êva đã cố gắng tạo nên. Nhưng khi Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho Ađam và Êva mặc thì đẹp đẽ, bền bĩ kín đáo. Mọi sự công bình của chúng ta được hình dung như chiếc áo dơ, chiếc áo bằng lá vả, còn sự công bình của Chúa Giêxu ban như chiếc áp bằng da.

Êsai 61:10: “Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giêhôva, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta, vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta ; khoác áo choàng công bình cho ta, như chàng rễ mới diện mão hoa trên đầu mình, như cô dâu mới giồi mình bằng châu báu”. Đức Chúa Trời mặc cho chúng ta chiếc áo cứu rỗi, chiếc áo công bình, chiếc áo dài của chàng rễ, chiếc áo đẹp của cô dâu. Mượn hình ảnh ngày cưới của chàng rễ, của cô dâu là ngày vinh hiển nhất của đời họ để mô tả đời sống của một người được tha tội, được xưng công bình bởi đức tin trong Chúa Giêxu.

Theo Mathiơ 22:1-14: “Có một vua kia tổ chức tiệc cưới cho Hoàng tử, vua sai người đi mời hết thảy nhân dân trong nước , vô luận dữ lành đều được dành một chỗ trong buổi tiệc. Khi mọi người vào tiệc, vua liếc mắt xem các thực khách, thì thấy có một người không mặc áo lễ. Vua hỏi rằng: Bạn ơi, sao bạn vào đây mà không mặc áo lễ? Người đó làm thinh. Vua truyền quăng người đó vào chỗ tối tăm, có khóc lóc và nghiến răng”.

Tại cổng của nhà tiệc, vua có dành cho mỗi người một chiếc áo lễ. Với chiếc áo lễ đồng phục đó, ai nấy đều đủ tư cách vào dự tiệc. Nhưng có người không mặc áo lễ, vì anh đã từ chối áo lễ của vua, cho rằng: “Áo của tôi cũng tốt bằng áo của vua, lại còn tốt hơn nữa”. Câu chuyện đó Chúa muốn nói về chiếc áo cứu rỗi, chiếc áo công bình qua dòng Huyết Chúa Giêxu đã đổ ra trên Thập tự giá. Than ôi ! Có những kiêu căng, tự phụ bảo rằng: Tôi không cần Chúa Giêxu. Tôi không cần đạo đức của ai, đạo đức của tôi còn tốt hơn bất cứ điều gì của Thượng đế ban. Kết qủa hàng triệu người rơi vào hồ lửa đời đời, được hình dung bằng nơi khóc lóc và nghiến răng, vì cớ từ chối chiếc áo công bình, áo cứu rỗi của Chúa dành cho.

Con trai hoang đàng trở về cùng cha gồm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là từ đàng xa, cha đã thấy, vội vàng chạy ra, ôm lấy con mình mà hôn đáo hôn để. Đó là cha đã tha thứ, không kể tội lỗi của con. Nhưng chưa đủ, vì anh đang đội cái nón rách, mặc chiếc áo dơ và chắc chắn là hôi heo lắm. Giai đoạn thứ hai là cha bảo lấy cái áo tốt nhất mặc cho anh, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân, bắt bò con mập làm thịt để ăn mừng. Giai đoạn thứ nhất là sự tha tội, giai đoạn thứ hai là sự xưng công bình.

Qua dòng Huyết của Chúa Giêxu, chúng ta được phiếu trắng như tuyết. Nhưng chưa đủ, Ngài còn mặc cho chúng ta chiếc áo công bình, chiếc áo cứu rỗi, là chiếc áo lễ của Thiên đàng ban xuống, để chúng ta có đủ tư cách ngồi với Cha mình như con trai hoang đàng ngồi chung bàn với cha anh sau khi trở về.

su xung cong nghia

II. PHƯỚC HẠNH CỦA SỰ CÔNG BÌNH:

Khi được Đức Chúa Trời tuyên bố chúng ta là công bình, được tiếp vào mối tương giao mật thiết với Ngài như con với cha, chúng ta được phước hạnh.

1-Hoà lại với Đức Chúa Trời.

Rôma 5:1,10: “Vậy, chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta …Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu vào dường nào”. Đây có hai từ “THÙ NGHỊCH” , “HOÀ THUẬN”. Khi chúng ta chưa tin Chúa, còn là một tội nhân thì đương nhiên bị kể là kẻ thù của Đức Chúa Trời, vì Ngài Chí Thánh không chịu được tội lỗi. Nhưng khi chúng ta tin Chúa, được tha thứ phiếu trắng như tuyết, thì được hoà lại với Đức Chúa Trời, vì không còn tội lỗi nữa, không còn thù nghịch nữa. Đó là ơn phước kỳ diệu. Vì người mà thù nghịch với Đấng Tạo Hoá mình khốn nạn biết bao. Nhưng được hòa lại với Ngài thì vui vẻ biết bao. Người thù nghịch với người còn khốn nạn thay, phương chi người thù ngịch với Thượng Đế. Nếu anh em hòa lại, vợ chồng hòa lại, bạn bè hòa lại, đồng bào hòa lại còn phước hạnh thay, phương chi người hòa lại với Thượng Đế.

IICôrinhtô 5:18-20: “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian hòa lại với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi. Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời”. Thiết tưởng Phaolô vừa khóc vừa viết mấy câu nầy, Đức Chúa Trời muốn hòa lại với chúng ta, Ngài đưa tay để bắt tay chúng ta, Ngài đã sai Con Độc sanh của Ngài Giáng thế chịu Chết đền tội, để giải quyết vấn đề trở ngại giữa chúng ta với Ngài, hầu cho chúng ta được hòa lại với Ngài. Và khi đã hòa lại với Chúa, thì chúng ta trở thành người giảng hòa, tức là đem cho người khác hòa lại với Ngài. Mượn lời đó, tôi tha thiết mời gọi mọi người còn thù nghịch thì hãy mau mau hòa lại với Đức Chúa Trời ngay trong giờ nầy. Qua dòng Huyết của Chúa Giêxu, chúng ta được tha tội lỗi, được bắt tay với Đức Chúa Trời mà hòa lại với Ngài. Mọi nan đề được giải quyết và chúng ta sẽ thấy đời mình nhẹ nhàng, khoan khoái.

2-Thoát khỏi cơn giận của Đức Chúa Trời.

Rôma 5:9: “Huống chi nay chúng ta đã nhờ Huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào”. Khi chúng ta còn là một tội nhân, thì cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời luôn luôn đổ xuống trên chúng ta, vì vậy, hết khó khăn nầy đến khó khăn khác hết hoạn nạn nầy đến hoạn nạn kia. Bây giờ, bởi đức tin đến Chúa Giêxu, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được xưng là Công bình, được đứng trong địa vị của Chúa Giêxu, chúng ta không còn sợ một sự đoán phạt nào dành cho chúng ta nữa, vì hết thảy đoán phạt Chúa Giêxu đã gánh thay cho chúng ta rồi (Rôma 8:1). Đức Chúa Trời xem chúng ta là hoàn toàn như những nhân vật quí nhất vũ trụ. Cả vũ trụ bao la nầy chỉ là vật vô tri, không có thể sánh với một người giữa vòng chúng ta.

3-Không còn ai có quyền kiện cáo.

Rôma 8:33: “Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng Công bình những kẻ ấy”. Đấy là một lời thách đố. Chúa Giêxu đã chịu chết, làm xong lễ chuộc tội. Đức Chúa Trời đã áp dụng mà tha thứ và xưng chúng ta là công bình, thì không còn ai có thể tìm một chỗ đứng để kiện cáo chúng ta, kể cả kẻ thù là ma quỷ cũng phải ngậm miệng, bó tay, cúi đầu mà thôi (Hê 2:14-15). Hạnh phước kỳ diệu Chúa đã dành cho chúng ta một cách không ngờ và quá sức tưởng tượng, hơn điều chúng ta ao ước. Đó là lý do mọi người nên đem cả đời sống của mình cứ nói đi nói lại cho tội nhân ơn cứu rỗi của Chúa.

4-Hi vọng được vinh hiển.

Rôma 5:2: “Là Đấng đã làm cho chúng ta tin cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững, và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời”. Trong đời nầy không ai có hi vọng bằng chúng ta. Tất cả hi vọng của loài người nay còn mai mất, nay đổi mai dời, trở thành thất vọng.

Rôma 8:30: “Còn những kẻ Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng công bình, và những kẻ Ngài đã xưng công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển”. Có lẽ ai nấy sẽ hỏi:”Tôi theo Chúa gặp khó khăn, bắt bớ, chớ thấy gì là vinh hiển đâu? “. Chúng ta không thấy, nhưng không phải là không có. Có lần tôi phải khóc mà thưa với Chúa rằng: “Một kẻ khốn nạn như con không đáng được ngồi trong chỗ Thánh khiết nầy, trước sự hiện diện Thánh khiết của Ngài, không đáng được tôn thờ Ngài, cảm tạ Ngài, ca ngợi Ngài. Qua dòng Huyết của Chúa, Ngài đã tha thứ, tiếp chúng ta vào đại gia đình của Ngài. Ôi không có gia đình nào lớn bằng Gia đình Hội Thánh, bao gồm muôn dân, muôn nước trong Thế giới, mà chúng ta là một phần tử trong Đại Gia đình đó.

III. NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI CÔNG BÌNH:

Chúng ta đã được tha thứ, được kể là Công bình, được kể là nhân vật Thánh khiết nhất vũ trụ, thì chúng ta phải ăn năn thể nào cho xứng hiệp. Khi một thầy giáo trách học sinh thì nói rằng: “Anh là học sinh mà nói như vậy không được”, hoặc “ăn ở như vậy không được”. Tại sao? – Vì học sinh phải ăn nói và làm cho xứng đáng là một học sinh, phương chi chúng ta là những người được xưng công bình, thì phải ăn ở cho xứng đáng với địa vị của mình.

1-Dâng đời mình làm dụng cụ công bình.

Rôma 6:13: “Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình”.

Rôma 6:18-19: “Vậy anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi. Tôi nói theo cách loài người, vì xác thịt của anh em là yếu đuối. Vậy anh em từng đặt chi thể mình làm tôi của sự ô uế gian ác đặng phạm tội ác thể nào, thì bây giờ, hãy đặt chi thể mình làm sự công bình đặng làm nên thánh cũng thể ấy”. Đây phân tích hai giai đoạn trong đời sống hai chúng ta. Giai đoạn thứ nhất là khi chúng ta chưa tin Chúa, đã dâng đời mình hay là thân thể mình làm công cụ của sự gian ác, để phạm bất cứ tội lỗi nào. Giai đoạn thứ hai là Chúa đã cứu chúng ta khỏi tay của ma quỷ để chúng ta thuộc về Ngài, phải dâng chi thể mình hay nói chung là đời mình cho Ngài, được sử dụng và công việc công bình.

Đối với tội lỗi, chúng ta phải dứt khoát một lần đủ cả, không đặt mình vào tay của ma quỷ để phạm những việc gian ác, mà phải đào một hố sâu, xây một tường cao ngăn cách với nó. Bây giờ, Chúa đã đổ Huyết để mua chuộc tội thuộc về Ngài, tôi phải dâng đời tôi làm công cụ của sự công bình. Hai giai đoạn nầy đưa đến hai kết quả khác nhau. Khi tôi dâng mình cho ma quỷ và tội ác thì kết quả là hổ thẹn và đau đớn, nếu không kịp thời ăn năn sẽ bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Dâng đời mình cho Chúa và được Ngài sử dụng, tôi có một đời sống Thánh Khiết, một đời sống Thiên đàng tại trần gian.

Thí dụ:Con dao bén rất là lợi cũng rất là hại. Lợi là khi nó ở trong tay người lương thiện, hại là khi nó ở trong tay của một tên du đảng, một kẻ cướp. Đời của chúng ta là con dao bén đó. Lợi hay hại tuỳ theo chúng ta đặt trong tay ai. Than ôi ! Người ta đặt mình không đúng chỗ nên đã phí đời mình trong tay của ma quỷ. Chúng ta hãy đặt mình trong tay của Chúa để Ngài sử dụng trong công việc tốt đẹp nhất.

2-Sống bởi đức tin.

aĐược sống bởi đức tin và sống bởi đức tin.

Rôma 1:17:”Người công bình sẽ sống bởi đức tin” Chúng ta đã nhờ đức tin mà được xưng công bình, thì phải nhờ đức tin mà sống. Nhờ đức tin là nhờ vào Lời Chúa. Khi chúng ta tin như vậy, thì chúng ta có thể sống cuộc đời đạo đức một cách dễ dàng, vì chính Chúa đã cứu chúng ta (Thi 37:3-5).

Dân Ysơraên sống 40 năm trong sa mạc bởi đức tin. Chúa bảo sáng sớm hãy ra ngoài trại, sẽ có Mana rơi xuống, cứ như vậy mỗi ngày suốt 40 năm không hề thiếu. Nếu 400 năm hay 4000 năm cũng vậy.

bPhải cứ tiếp tục sống hàng ngày bởi đức tin.

Hêbêrơ 10:38-39: “Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống. Nhưng nếu lui đi thì linh hồn ta chẳng thấy lấy làm đẹp chút nào. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi”. Ôi, nếu chúng ta phải mất gì thì sẵn sàng để cho mất, miễn là không mất đức tin, vì nếu chúng ta còn đức tin thì chúng ta còn sống được, vì Đức Chúa Trời lo hết mọi sự cho chúng ta. Nhưng nếu đủ mọi sự mà không có đức tin thì mọi sự sẽ mất.

Cảm tạ Chúa, Ngài đã ban cho thì Ngài sẽ còn ban nữa. Nhu cầu của chúng ta dầu lớn đến đâu, so với quyền năng của Chúa nó chỉ là nhỏ quá. Cả vũ trụ trong tay Đức Chúa Trời, thì nhu cầu của chúng ta là nghĩa lý gì.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Bình Luận:

You may also like