Home Giáo Lý Tin Lành Bài 12: Chúa Giê-Xu Là Đức Chúa Trời

Bài 12: Chúa Giê-Xu Là Đức Chúa Trời

by Ban Biên Tập
30 đọc

Chúa Giêxu là ngôi thứ hai trong ba ngôi, đã giáng thế, tức là thượng đế hoá thân làm người. Dầu Ngài mang thân xác con người thì Ngài vẫn là Đức Chúa Trời và hành động như Đức Chúa Trời. Đó là lẽ đạo căn bản của Cơ Đốc Giáo. Nếu chối lẽ đạo nầy là chối sự cứu rỗi, và không có đường lối nào khác để được cứu rỗi.

Từ xưa, dân Dothái đã nói một cách hàm hồ rằng Giêxu cũng như Giêrêmi, cũng như Êli, cũng như Giăng Báptít, tức là họ liệt Ngài vào hàng các Tiên tri. Đó là lý do họ từ chối Ngài và gặt lấy cái hậu quả không thể nào tưởng tượng được. Trải qua gần hai ngàn năm, nhân loại cũng nói như thế. Giêxu bất quá cũng như Khổng Phu Tử bên Trung Hoa, hay Thích Ca bên Ấn độ, hay một vĩ nhân nào đó trên thế giới. Từ chối Ngài là từ chối sự cứu rỗi linh hồn, mà tội nhân đành bị hư mất trong hoả ngục mà thôi.

Kinh thánh dạy thế nào về Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời? Có nhiều lẽ chứng minh cho chân lý trọng đại và đời đời nầy:

I. CHÚA GIÊXU LÀ CON VÀ LÀ CON ĐỘC SANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI :

Luca 22:70: “Ai nấy đều hỏi rằng :Vậy ngươi là Đức Chúa Trời sao? Ngài đáp rằng: Chính các ngươi nói Ta là con Ngài”. Chúa Giêxu xác nhận Ngài là con Đức Chúa Trời.

Giăng 1:14: “Ngôi lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật ; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của con một đến từ nơi cha”. Con một hay là Con độc sanh cũng vậy.

Giăng 1:18: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời ; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết”.

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu thế nầy : Khi chúng ta nói cha và con, thì cha lớn hơn con, cha sanh con, có một bậc cao thấp khác nhau giữa cha và con. Nhưng khi Chúa Giêxu gọi Đức Chúa Trời là Cha, Ngài là Con, thì không phải như thế, mà có nghĩa là Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời về mọi phương diện, vì Ngài cũng là Đức Chúa Trời, ngôi thứ Hai trong ba ngôi.

Giăng 5:18: “Bởi cớ đó, dân Giuđa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày sabát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời”.

Giăng 10:33: “Người Giuđa trả lời rằng :Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn : ngươi là người mà tự xưng là Đức Chúa Trời” . Khi Chúa Giêxu tự xưng mình là Con hay là Con độc sanh của Đức Chúa Trời thì người Dothái hiểu rằng Ngài tự xưng là Đức Chúa Trời. Dầu người Dothái tin hay không tin, Ngài vẫn là Đức Chúa Trời.

2-Chúa Giêxu là Anpha và Ômêga.

Khải huyền 21:6 và 22:13: “Ngài lại phán cùng tôi rằng :Xong rồi, Ta là Anpha và Ômêga, nghĩa là đầu tiên và cuối cùng. Kẻ nào khát Ta sẽ lấy nước suối sự sống mà ban cho nhưng không”. Anpha và Ômêga là hai chữ đầu tiên và cuối cùng trong chữ Hylạp. Tân ước được chép bằng chữ Hylạp. Anpha và Ômêga cũng như chữ A và chữ Y của mẫu tự Việt Nam, tức là đầu tiên và cuối cùng, trước nhất và sau rốt. Chúa Giêxu là Đấng có từ trước vô cùng và còn mãi cho đến sau vô tận. Ngài là Đấng tự hữu và Hằng hữu. Trước mặt Ngài không có quá khứ, mà chỉ có hiện tại. Cựu ước gọi Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên và cuối cùng.

Êsai 41:4: “Ai đã làm thành tựu việc nầy? Ai đã gọi các dòng dõi từ ban đầu? Ấy chính Ta, là Đức Giêhôva, là đầu tiên mà cũng sẽ ở với cuối cùng” . Đức Chúa Trời là Đấng đầu tiên và cuối cùng. Chúa Giêxu cũng là Đấng đó, vì Ngài là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1-2;17:5,24).

3-Chúa Giêxu được tôn là Đức Chúa Trời.

Êsai 9:5: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng lạlùng, Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha đời đời, là Chúa Bình an”. Con trẻ sanh cho chúng ta đó là Chúa Giêxu. Câu nầy tiên báo sự Giáng sanh của Chúa với năm danh xưng, trong đó có “Đức Chúa Trời Quyền năng”

Hêbêrơ 1:8: “Nhưng nói về con thì lại phán rằng : hỡi Đức Chúa Trời ngôi Chúa còn mãi đời nầy qua đời kia”. Chính Đức Chúa Trời gọi con là Đức Chúa Trời; Cha là Đức Chúa Trời, Con cũng là Đức Chúa Trời. Kẻ hay nghi ngờ hơn hết là Thôma đã phải phủ phục dưới chân Chúa mà thưa rằng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” .

Mat1:23: “Chúa Giêxu Giáng thế được mệnh danh là Emanuên, có nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”.

4-Chúa Giêxu được tôn là Chúa rất nhiều lần :

Trong Cựu ước, từ “Chúa” chỉ dành cho Đức Chúa Trời mà thôi.

Thi thiên 110:1: “Đức Giêhôva phán cùng Chúa tôi rằng :Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng Ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi”. Đức Giêhôva phán cùng Chúa tôi là Đức Giêhôva phán cùng Đức Giêhôva. Như vậy, Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời, là Đức Giêhôva, là Chúa.

Khi Chúa Giêxu Giáng sanh, Thiên sứ hiện ra báo tin cho các mục đồng : “Hôm nay tại thành Đavít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa”. Giêxu là Đấng Cứu Thế, được tôn làm Chúa. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Phierơ đã giảng và kêu gọi dân Ysơraên : “Vậy, cả nhà Ysơraên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giêxu nầy, mà các ông đã đóng đinh trên Thập tự giá, làm Chúa và Đấng Cứu Thế” Khi Phaolô gặp Chúa trên đường Đamách, thì Ngài sai A nania đến đặt tay cầu nguyện cho ông. Anania nói: “Hỡi anh Saulơ, Chúa là Giêxu nầy, đã hiện ra cùng anh trên con đường anh tới đây, đã sai tôi đến hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy Đức Thánh Linh”. Chúa là Giêxu hay Giêxu mà anh gặp là Chúa, là Đức Chúa Trời.

Philíp 2:11: “Vả mọi lưỡi thảy đều xưng Giêxu Christ là Chúa”. Muôn vàn Thánh đồ ở trên trời, Thiên binh, Thiên sứ và cả vũ trụ, hễ nghe đến danh Chúa Giêxu mọi gối phải quỳ xuống, mọi đầu phải cúi, mọi miệng phải xưng Giêxu là Chúa. Halêlugia!

5-Chúa Giêxu là Đức Giêhôva của Cựu ước.

Êsai 40:3-5: “Có tiếng kêu rằng :Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giêhôva, hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta. Mọi nơi sũng thấp sẽ được cao lên, mọi núi, mọi gò sẽ bị hạ xuống, các nơi gập ghềnh sẽ làm cho bằng, các nơi dốc hãm sẽ làm thành đồng – Bấy giờ sự vinh hiển của Đức Giêhôva sẽ hiện ra và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy, vì miệng Đức Giêhôva đã phán vậy” . Trong Cựu ước có một danh đặc biệt là Đức Giêhôva. Tại sao để nguyên chữ đó? – Vì không có tiếng nào đủ nghĩa để dịch. Giêhôva là Đấng tự hữu, hằng hữu, Đấng cứu chuộc, Đấng giữ giao ước …Nhưng khi tân ước trưng dẫn thì Giêhôva của Cựu ước là Giêxu của Tân ước (Mat5:3).

5-Chúa Giêxu toàn năng như Đức Chúa Trời.

Sáng thế ký1:1: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Cả vũ trụ đều do một Đấng Tạo hóa là Đức Chúa Trời, hay là Đức Giêhôva.

Giăng 1:1,5: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời là Đức Chúa Trời, muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”.

Sáng thếký 1:1: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Giăng 1:1: “Ban đầu có Ngôi Lời” và, câu nói : “Muôn vật bởi Ngài (Giêxu) làm nên”. Như vậy, Đức Chúa Trời của Cựu ước là Chúa Giêxu của Tân ước.

Bốn sách Tin lành đã cho thấy Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời Toàn năng. Ngài qua biển giữa lúc bão tố nổi lên, thuyền gần chìm. Các môn đồ sợ hãi la lên. Chúa quở một lời thì biển lặng, sóng êm như tờ. Sau đó, Ngài đi bộ trên mặt biển trong đêm. Cõi thiên nhiên ở dưới quyền điều khiển của Ngài, vì Ngài đã tạo nên nó. Chúa đã đặt tay chữa lành mọi thứ tật nguyền, bệnh hoạn. Chúng ta thường nói phép lạ, nhưng không giống như khi Chúa còn tại thế đâu. Phép lạ mà Chúa làm chỉ trong nháy mắt. Một người đau 30 năm nằm trên giường, Chúa bảo : “Hãy đứng dậy vác giường ngươi mà đi” . Tức thì người ấy được lành, vác giường mình mà đi. Một người cùi được Chúa đặt tay lên mà phán rằng : “Hãy sạch đi” , tức thì người cùi được lành hẳn. Một người câm, Ngài rờ đến miệng thì nói được ngay. Một người điếc, Ngài rờ đến tai, tức thì được nghe. Người đui Ngài rờ đến mắt liền thấy đựơc. Laxarơ đã chết và chôn bốn ngày trong thạch mộ, có mùi thối rồi, Chúa bảo lăn hòn đá lấp cửa ra, và Ngài kêu : “Hỡi Laxarơ, hãy ra” . Người chết liền ra khỏi mộ. Những việc như vậy chứng minh Đức Chúa Trời Toàn năng, không việc gì Ngài không làm được.

jesus la duc chua troi

7-Chúa Giêxu toàn tri như Đức Chúa Trời.

Bằng cớ chứng minh Chúa Giêxu toàn tri như Đức Chúa Trời:

a/ Ngày nọ, Chúa đi ngang qua Samari, là một địa phận nằm trong xứ Dothái. Một người đàn bà trong thành Sikha đi ra múc nước. Chúa bảo : “Hãy cho Ta uống” . Người nầy ngạc nhiên hỏi : “Ông là người Dothái mà lại xin nước uống nơi tôi là người Samari sao?”. Vì hai dân tộc không giao thiệp nhau. Chúa mượn cơ hội đó để giải thích cho bà rằng Ngài có một thứ nước mà bất cứ ai uống không hề khát nữa. Bà nầy thích quá, thưa: “Chúa ơi, xin cho tôi nước đó” ,Chúa bảo:” Hãy đi kêu chồng ngươi, rồi trở lại đây” . Bà nói : “Tôi không có chồng” . Chúa bảo :”Ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có không phải là chồng ngươi”. Người đàn bà hoảng sợ, vì Chúa biết rõ đời tư của bà. Chúa biết hết dĩ vãng của chúng ta, ngay từ trong lòng mẹ cho đến bây giờ.

b/ Ngày nọ, Chúa đang đứng giảng, thì từ trên mái nhà người ta dòng một người bại nằm trên giường xuống trước mặt Ngài. Thấy vậy, Chúa bảo người bệnh : “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha”. Những người đang chứng kiến ngạc nhiên, tự hỏi rằng : “Giêxu nầy là ai mà có quyền tha tội?”. Dầu chưa nói ra một lời, nhưng Chúa đã biết. Chúa thi hành phép lạ cho họ thấy rằng Ngài không những có quyền tha tội mà cũng có quyền chữa lành. Chúa bảo : “Hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà”. Kẻ bại tức thì đứng dậy vác giường đi ra.

c/ Ngài biết hết mọi người sẽ làm gì, dầu Ngài không ngăn trở họ, vì mỗi người có quyền tự do và trách nhiệm về công việc của mình là thiện hay ác. Chúa đã nhiều lần nói về Giuđa Íchcariốt rằng : “Trong vòng các ngươi có một kẻ sẽ phản Ta”. Chúa ám chỉ về Giuđa để kêu gọi, thức tỉnh hầu cho ông ăn năn đừng làm công việc đại ác đó. Chúa biết hết những gì người ta sẽ làm cũng như đã làm. Chúa biết rõ chúng ta sẽ đi đâu, sẽ làm gì.

d/ Ngài cũng biết mọi người từ xa. Ngày nọ, Nathanaên được bạn dẫn đến với Chúa. Khi vừa gặp Chúa, Ngài đã phán : “Nầy là một người Ysơraên thật”. Nathanaên ngạc nhiên hỏi : “Bởi đâu thầy biết tôi?”. Chúa bảo : “Trước khi Philíp gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả”(Giăng 1:48). Từ chỗ hai người đang nói chuyện đây đến chỗ cây vả xa lắm, không mắt nào thấy được. Nhưng Chúa đã thấy Nathanaên lúc ông đứng đó.

e/ Ngày nọ, Chúa bảo các môn đồ tìm một phòng để dự Lễ Vượt qua: “Các ngươi hãy vào thành, sẽ gặp một người mang vò nước, nói với người đó :Thầy bảo: Cái phòng Ta sẽ dùng ăn Lễ Vượt qua với các môn đồ Ta ở đâu?”. Các môn đồ vâng lời đi, không biết người đó là ai. Quả thật, khi vào làng gặp mọi sự như Chúa đã bảo trước (Mác 14:12-16).

f/ Sau khi Chúa sống lại, trong một bữa ăn, Chúa hỏi ông Phierơ : “Ngươi yêu Ta chăng? Ngươi yêu Ta chăng? Ngươi yêu Ta chăng? “. Ba lần Phierơ không trả lời : “Chúa biết ! Chúa biết! Chúa biết hết mọi việc ! Chúa biết rằng tôi yêu Chúa” . Không phải vì Chúa không biết mà hỏi, nhưng Chúa hỏi để Phierơ tuyên bố lập trường của ông. Phierơ đã ba lần chối Chúa, nên ông phải ba lần xác nhận ông yêu Ngài, để Chúa tái lập ông trong chức vụ sứ đồ. Chúng ta thấy rõ rằng Chúa quả thật là Đức Chúa Trời Toàn tri. Qua các hành động của Ngài mà Kinh thánh còn ghi lại, chứng minh Ngài như thế.

8-Chúa Giêxu Vô sở bất tại.

Đức Chúa Trời Vô sở bất tại, Vô sở bất năng, Vô sở bất tri, mà Chúa Giêxu cũng vậy.

Mathiơ 18:20: “Vì nơi nào có hai ba người nhơn Danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ”. Trong cả thế giới bất cứ ở đâu hai ba người nhóm lại, có Ngài ở giữa. Một mình Đức Chúa Trời có thể cùng một lúc ở khắp mọi nơi như vậy.

Ngài ở trong mỗi Tín đồ.

Giăng 14:20: “Một ngày đó các ngươi đã nhận biết rằng Ta ở trong Cha Ta, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi”. Chúa Giêxu ở trong mỗi con cái Ngài, mặc dầu cả thế giới có hàng tỷ Tín đồ. Vì Chúa là Đấng vô sở bất tại, nên Ngài ở với mỗi người và ở trong mỗi người cùng một lúc. Ngài ở với người bệnh hoạn, Ngài ở với người bị tù. Ngài ở với người học tập, Ngài ở với người cô đơn (Mat 28:20b).

9-Chúa Giêxu có quyền tha tội như Đức Chúa Trời.

Cả Kinh thánh Cựu ước nói rằng Đức Chúa Trời có quyền tha tội, chỉ một mình Ngài, vì người ta có tội là có tội với Đức Chúa Trời. Nhưng khi Chúa Giêxu ở trần gian, Ngài đã nhiều lần tuyên bố tha tội cho mọi người. Mỗi chúng ta có thể lấy kinh nghiệm bản thân của mình để chứng minh điều nầy. Nhờ Ngài tha thứ, chúng ta được tương giao với Ngài như con với cha. Tất cả mọi ơn phước mà chúng ta được nằm trong chân lý là Chúa Giêxu đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

10- Chúa Giêxu được mọi người thờ lạy.

Kinh thánh dạy rằng người ta phải thờ lạy một mình Đức Chúa Trời, không phép thờ lạy ai, mà cũng không ai có phép nhận sự thờ lạy của ai, kể cả thiên sứ cũng vậy.

Chúa Giêxu đã nhận tất cả sự thờ lạy của Thiên sứ, của mọi người.

Mathiơ 28:17: “Khi môn đồ thấy Ngài thì thờ lạy Ngài” .

Luca 24:52: “Môn đồ thờ lạy Ngài rồi trở về Giêrusalem, mừng rỡ lắm”. Mathiơ 2:11: “Khi vào nhà thấy con trẻ cùng Mari, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài”. Dầu các bác sĩ tuổi cao, học thức, giàu có, đạo đức, nhưng sấp mình xuống thờ lạy một con trẻ mới sanh, vì biết rằng đây không phải như bao nhiêu con trẻ khác, bèn là Thượng đế thành người . Dầu có Mari ở đó, có Giôsép ở đó, nhưng họ chỉ sấp mình xuống thờ lạy một mình Chúa Giêxu mà thôi, và dâng cho Ngài lễ vật vàng, nhủ hương, mộc dược.

11-Danh Giêxu được đặt ngang hàng với danh Đức Chúa Trời.

IICôrinhtô 13:13: “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Trời Giêxu Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy”.

Mathiơ 28:19: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báptêm cho họ”.

Chúa Giêxu bảo : “Ta với Cha là một” , “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha” (Giăng 10:30;14:9).

12-Giêxu sống lại là bằng cớ hiển nhiên Ngài là Đức Chúa Trời.

Rôma 1:4: “Theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta”.

Người Dothái đòi hỏi Ngài làm phép lạ. Chúa bảo: “Xưa Giôna đã ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm”. Đó là phép lạ lớn hơn hết. Thật không thể nào chối cải cái thực sự Giêxu là Đức Chúa Trời. Nếu không tin là tại chúng ta bướng bỉnh, mê tín, cố chấp, muốn làm người không tin, chớ không phải tại không đủ bằng cớ chứng minh.

Chúng ta kết thúc như thế nầy : Không tin Chúa Giêxu là không tin Đức Chúa Trời ; xúc phạm Chúa Giêxu là xúc phạm Đức Chúa Trời ; đóng dinh Chúa Giêxu là đóng đinh Đức Chúa Trời. Ngược lại tôn thờ Chúa Giêxu là tôn thờ Đức Chúa Trời, phục vụ Chúa Giêxu là phục vụ Đức Chúa Trời. Cảm tạ Chúa, chúng ta biết Ngài, yêu Ngài, phục vụ Ngài, tận hiến đời mình cho Ngài.

Mục sư Đoàn Văn Miêng – tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like