Do Thái Giáo là gì, và một người Do Thái là ai hay là gì? Do Thái Giáo đơn giản chỉ là một tôn giáo? Nó là một bản sắc văn hóa hay chỉ là một nhóm sắc tộc? Người Do Thái là một tộc người hay họ là một quốc gia? Người Do Thái tin gì, và tất cả họ đều tin những điều giống nhau?
Từ điển định nghĩa về một “người Do Thái” bao gồm là “một thành viên của chi phái/bộ tộc Giu-đa”, “một người Do Thái / Y-sơ-ra-ên”, “một thành viên của một dân tộc tồn tại ở Palestine từ thế kỷ thứ 6 Trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên”, “một người thuộc về hậu duệ được tiếp nối hoặc được cải đạo của người Do Thái cổ đại”, và “người có tôn giáo là Do Thái Giáo”.
Theo các thầy dạy luật (rabbi) của Do Thái Giáo, một người Do Thái là một người có mẹ là người Do Thái hay một người cải đạo qua Do Thái Giáo. Lê-vi-ký 24:10 thường được trích dẫn để đem lại tín nhiệm cho niềm tin này, mặc dù kinh Torah không tuyên bố điều gì cụ thể để hỗ trợ cho truyền thống này. Một vài rabbi nói rằng việc này không có liên quan gì đến những gì một cá nhân thật sự tin. Những thầy rabbi này cho chúng tôi biết rằng một người Do Thái không cần phải là một người tuân giữ các luật và phong tục Do Thái để được xem là người Do Thái. Quả thật, một người Do Thái có thể không hề tin gì vào Đức Chúa Trời và vẫn là người Do Thái dựa trên giải thích của thầy dạy luật Do Thái ở trên.
Các rabbi khác nói rõ rằng trừ khi người đó theo các giới luật của kinh Torah và chấp nhận “Mười Ba Nguyên Tắc Đức Tin” của Maimonides (thầy Rabbi Moshe ben Maimon, một trong những học giải Do Thái vĩ đại thời trung cổ), thì anh ta không thể là một người Do Thái. Mặc dầu người này có thể là một người Do Thái “sinh học”, anh ta không có mối quan hệ thật sự nào với Do Thái Giáo.
Trong kinh Torah – năm sách đầu tiên của Kinh Thánh— Sáng Thế Ký 14:13 dạy rằng Áp-ra-ham, thường được công nhận là người Do Thái đầu tiên, đã được mô tả là một “người Hê-bơ-rơ”. Tên “Jew” (người Do Thái) đến từ tên Judah (Giu-đa), một trong mười hai con trai của Gia-cốp và là một trong mười hai chi phái của Y-sơ-ra-ên. Có vẻ là tên “Jew” (Do Thái) ban đầu chỉ về những người là thành viên của chi phái Giu-đa, nhưng khi vương quốc Giu-đa bị chia tách sau triều đại vua Sa-lô-môn (1 Các Vua 12), từ này chỉ về bất cứ người nào trong vương quốc Giu-đa, bao gồm các chi phái Giu-đa, Bên-gia-min, và Lê-vi. Ngày nay, nhiều người tin rằng một người Do Thái là bất cứ ai là con cháu sinh học của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, bất kể người đó thuộc chi phái nào trong mười hai chi phái ban đầu.
Vậy thì, những điều người Do Thái tin là gì, và những giới luật căn bản của Do Thái Giáo là gì? Có năm hình thức hay giáo phái chính của Do Thái Giáo trong thế giới ngày nay. Chúng là Chính Thống, Bảo Thủ, Cải Chánh, Tái Thiết, và Nhân Văn. Những niềm tin và những đòi hỏi trong mỗi nhóm khác nhau một cách kịch tính; tuy vậy, một danh sách ngắn các niềm tin truyền thống của Do Thái Giáo bao gồm những điều sau đây:
Đức Chúa Trời là đấng tạo hóa của tất cả những gì hiện hữu; Ngài là một (duy nhất), vô hình vô thể (không có một thân thể), và chỉ một mình Ngài phải được thờ phượng như đấng cầm quyền tuyệt đối của vũ trụ.
Năm sách đầu tiên của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ (Do Thái cổ) đã được Đức Chúa Trời mặc khải cho Môi-se. Chúng sẽ không được thay đổi hay thêm bớt gì trong tương lai.
Đức Chúa Trời giao tiếp với người Do Thái qua các tiên tri.
Đức Chúa Trời giám sát các hoạt động của con người; Ngài thưởng cho những ai làm điều lành và phạt những người làm điều dữ.
Mặc dầu các Cơ Đốc Nhân dựa phần lớn đức tin của họ trên cùng Kinh Thánh Hê-bơ-rơ như những người Do Thái, có những khác biệt chính trong niềm tin: người Do Thái thường xem các hành động và hành vi là quan trọng chính yếu; niềm tin đến từ hành động. Điều này mâu thuẫn với các Cơ Đốc Nhân bảo thủ vì niềm tin của họ là quan trọng chính yếu và hành động là kết quả của niềm tin đó.
Niềm tin của người Do Thái không chấp nhận các ý niệm Cơ Đốc về nguyên tội (niềm tin rằng tất cả mọi người đều thừa hưởng tội lỗi của A-đam và Ê-va khi họ không vâng lời những chỉ thị của Đức Chúa Trời trong Vườn Ê-đen).
Do Thái Giáo xác nhận sự tốt lành vốn có của thế giới và những con người của nó như là những tạo vật của Đức Chúa Trời.
Các tín đồ Do Thái có khả năng thánh hóa đời sống họ và đến gần hơn với Đức Chúa Trời bằng cách thực hiện mitzvoth (các mạng lịnh thánh).
613 điều răn được tìm thấy trong Lê-vi-ký và các sách khác điều chỉnh tất cả các phương diện của đời sống Do Thái. Mười Điều Răn, như được phác họa trong Xuất-Ê-díp-tô-ký 20:1-17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21, hình thành một bảng tóm tắt của Luật Pháp.
Đấng Mê-si (đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời) sẽ đến trong tương lai và nhóm người Do Thái lại một lần nữa trong xứ Y-sơ-ra-ên. Sẽ có sự sống lại nói chung của những người chết ở thời điểm đó. Đền thờ Giê-ru-sa-lem, bị phá hủy năm 70 sau Công Nguyên bởi người La Mã, sẽ được xây dựng lại.
Những niềm tin về Chúa Giê-xu biến đổi một cách đáng kể. Một số người xem Ngài là thầy dạy đạo đức vĩ đại. Những người khác xem Ngài là một tiên tri giả hay là một hình tượng/thần tượng của Cơ Đốc Giáo. Một số giáo phái của Do Thái Giáo sẽ thậm chí không nhắc đến tên Ngài do sự ngăn cấm nói đến tên một hình tượng/thần tượng.
Những người Do Thái thường được nhắc đến như dân tộc được chọn của Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa là họ trong bất cứ phương diện nào nên được coi là siêu đẳng hơn các nhóm người khác. Các câu Kinh Thánh như Xuất 19:5 chỈ đơn giản nói rằng Đức Chúa Trời chọn dân Y-sơ-ra-ên để nhận và học kinh Torah, để thờ phượng duy Đức Chúa Trời mà thôi, để nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát, và để ăn mừng các ngày lễ hội. Người Do Thái không được chọn để là tốt hơn những người khác; họ đã đơn giản được chọn để là một ánh sáng cho dân ngoại và là một ơn phước cho tất cả các dân tộc.
Nguồn: Yeudothai.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com