Home Chuyên Đề Miền Đất Hứa Xa Vời – Quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Nguồn gốc sự sống – Phần 5 và hết

Miền Đất Hứa Xa Vời – Quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Nguồn gốc sự sống – Phần 5 và hết

by Viethungpham.com
30 đọc

13/ Paul Davies, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh

Trong cuốn “The Fifth Miracle: The Search for the Origin and Meaning of Life” (Phép mầu thứ năm: Cuộc tìm kiếm Nguồn gốc và Ý nghĩa sự Sống) do Simon & Schuster xuất bản tại New York năm 2000, trang 17-18, Paul Davies viết:

“Nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy không yên tâm khi tuyên bố trước công chúng rằng nguồn gốc sự sống là một bí ẩn, mặc dù đằng sau cánh cửa đóng kín họ thoải mái thừa nhận họ đang gặp khó khăn. Dường như có hai lý do làm cho họ không yên tâm. Trước hết, họ cảm thấy điều đó sẽ mở cửa cho những người theo tôn giáo chính thống… Thứ hai, họ lo lắng rằng một sự thừa nhận thẳng thắn về sự thiếu hiểu biết sẽ làm giảm các quỹ tài trợ, đặc biệt là tài trợ cho việc tìm kiếm sự sống trong không gian”.

BÌNH LUẬN:

Cám ơn ông Paul Davies vì ông đã bóc trần sự giả dối của các chuyên gia về nguồn gốc sự sống. Theo ông, các chuyên gia này phải che đậy sự thật vì 2 lý do chủ yếu:

Một, khó khăn và thất bại của thuyết phi tạo sinh sẽ ủng hộ đức tin vào Đấng Sáng tạo.

Hai, chương trình nghiên cứu của thuyết phi tạo sinh sẽ bị cắt nguồn tài trợ, và các nhà tiến hoá sẽ gặp khó khăn về đời sống,

14/ Addy Pross, Giáo sư hoá học Đại học Ben-Gurion, Israel

Trong cuốn “What Is Life? How Chemistry Becomes Biology” (Sự sống là gì? Làm thế nào hoá học biến thành sinh học), do Oxford University Press xuất bản tại New York, 2012, trang ix-x:

“Mặc dù có những tiến bộ sâu sắc trong sinh học phân tử trong nửa thế kỷ trước, chúng ta vẫn không hiểu sự sống là gì, nó liên quan đến thế giới vô sinh như thế nào và nó xuất hiện ra sao. Thật vậy, trong nửa thế kỷ qua, nỗ lực đáng kể đã được hướng vào việc cố gắng giải quyết các vấn đề cơ bản này, nhưng cánh cổng đến Miền Đất Hứa dường như xa vời hơn bao giờ hết. Giống như một ảo vọng trên sa mạc, đúng vào lúc những cây cọ lung linh trên đường chân trời báo hiệu ốc đảo dường như thành hiện thực, chúng lại biến mất một lần nữa, làm cho cơn khát hiểu biết của chúng ta không dừng lại, mong muốn nhận thức thấu đáo của chúng ta không được thoả mãn”.

BÌNH LUẬN:

Cơn khát hiểu biết mà Addy Pross mô tả là nguồn động lực thôi thúc loài người tìm đến Miền Đất Hứa, nơi chân lý được sáng tỏ. Nhưng đường đến Miền Đất Hứa không chỉ có một, mà có nhiều. Khoa học chỉ là một trong số những con đường đó. Mỗi con đường chỉ đưa ta tới một vùng của Miền Đất Hứa. Không có con đường nào đưa ta đến tất cả các vùng. Con người chỉ có thể đi trên một vài con đường, và có thể đến một vài vùng, không bao giờ đến được tất cả các vùng, bởi vì thế giới chân lý quá rộng so với khả năng nhận thức của con người. Đó là một trong những hệ quả triết học quan trọng nhất của Định lý Gödel, tức Định lý Bất toàn của Gödel .

Một số người thắc mắc rằng Định lý Gödel là một định lý toán học, thậm chí chỉ đề cập tới những hệ logic hình thức, vậy cớ gì đem ra ứng dụng tuỳ tiện, bừa bãi. Ai nghĩ như thế thì xem ra người ấy hiểu biết quá ít về định lý này. Điều đặc biệt thú vị của định lý này chính là ở chỗ ý nghĩa của nó vượt ra khỏi phạm vi toán học, và tác động bao trùm lên tất cả mọi địa hạt của nhận thức. Chính vì thế Định lý Gödel mới được đánh giá là khám phá toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20, sánh ngang với Thuyết Tương đối của Einstein và Nguyên lý Bất định của Heisenberg. Một dịp khác chúng ta sẽ thảo luận thêm về Định lý Gödel, nhưng hôm nay hãy áp dụng nó vào sinh học, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời đối với bài toán nguồn gốc sự sống.

Theo Định lý Gödel, không có hệ logic nào có thể tự chứng minh hệ tiên đề của nó. Nói cách khác, không có hệ thống nhận thức duy lý nào có thể tự chứng minh nguyên nhân ban đầu của mình. Muốn chứng minh nguyên nhân ban đầu, phải đi ra ngoài hệ. Giáo sự Tạ Quang Bửu lúc sinh thời từng nói: “Cái đúng của toán học phải tìm ngoài toán học”.

“Cái đúng của toán học” là cái gì? Đó là hệ tiên đề của toán học, vì toàn bộ toán học sẽ đúng hoặc sai tuỳ thuộc vào hệ tiên đề. Nếu hệ tiên đề đúng, với một hệ thống suy diễn logic chặt chẽ và chính xác, các định lý toán học sẽ đúng. Ngược lại, nếu hệ tiên đề sai, với một hệ thống suy diễn logic chặt chẽ và chính xác, các định lý toán học sẽ sai. Vậy cái đúng của toán học dựa trên cái đúng của hệ tiên đề. Nhưng làm thế nào để biết hệ tiên đề của toán học là đúng hay sai? Không có cách nào cả, từ thế kỷ 17 thần đồng toán học Blaise Pascal đã nhấn mạnh rằng chỉ có TRỰC GIÁC mới có thể nhận biết cái đúng của các tiên đề. Nhưng trực giác không phải là toán học. Nó nằm ngoài toán học, đúng như GS Tạ Quang Bửu đã nói.

Trở lại với vấn đề NGUỒN GỐC SỰ SỐNG, có thể nói rằng thuyết phi tạo sinh thực chất là một tham vọng chứng minh nguyên nhân đầu tiên của sự sống bằng lý thuyết về sự sống. Tham vọng này trái với Định lý Gödel, và do đó nó ắt phải thất bại, và thực tế nó đã thất bại. Thất bại này lộ rõ ở hai thực tế không thể chối cãi sau đây:

Một, tất cả các thí nghiệm chế tạo sự sống dựa trên các phản ứng hoá học trong 150 năm qua đều thất bại, thậm chí ngày càng tồi tệ hơn. Tất cả những tuyên bố rằng đã có những thí nghiệm thành công đều là nói dối, như các nhà khoa học ở trên đã nói cho chúng ta biết.

Hai, câu hỏi “nguồn mã DNA là gì?” đã và đang dồn thuyết phi tạo sinh tới chỗ bế tắc. Bài toán tìm nguồn gốc sự sống hiện nay quy về việc trả lời câu hỏi đó. Định lý Gödel là một gợi ý triết học giúp chúng ta khẳng định rằng sẽ không bao giờ có câu trả lời khoa học cho câu hỏi đó.

Chỉ có câu trả lời triết học, tức là câu trả lời nằm bên ngoài các lý thuyết về sự sống. Chẳng hạn:

  • Câu trả lời của Francis Collins: Mã DNA là ngôn ngữ của Chúa!
  • Câu trả lời của Anthony Flew: Mã DNA là bằng chứng cho thấy ắt phải có Trí tuệ Siêu Thông minh – Nhà Thiết kế Sự Sống.

PVHg, Sydney 27/02/2019


[1] The belief that life on earth arose spontaneously from nonliving matter, is simply a matter of faith in strict reductionism and is based entirely on ideology (Hubert Yockey) https://www.azquotes.com/quote/736476(

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like