Home Chuyên Đề Những Bức Tranh Về Sự Thương Khó Và Phục Sinh

Những Bức Tranh Về Sự Thương Khó Và Phục Sinh

by Độc Giả
30 đọc

Dù quan niệm này có vẻ xa lạ với chúng ta ngày nay nhưng nghệ thuật trước kia là cột trụ của sự thờ phượng. Hội Thánh thời xưa bảo trợ cho các họa sĩ để họ sáng tác và đóng góp những tác phẩm của họ cho những nơi thờ phượng. Trong khi những họa sĩ rèn luyện tay nghề của họ, những bức tranh đưa quần chúng đến sự suy gẫm và thờ phượng, điều này không thể nào xảy ra được nếu những họa sĩ không kinh nghiệm trước điều đó.

Sau đây là năm tác phẩm nghệ thuật ở cuối thế kỷ 16 và thế kỷ 17, mô tả sự chết và Phục Sinh của Chúa Giê-xu. Trong phần bình luận, bạn sẽ khám phá ra mối liên hệ của người họa sĩ với sự đóng đinh của Chúa và hy vọng bạn sẽ suy gẫm về mối liên hệ của bạn với điều này. Hãy để những suy gẫm này khuấy động lòng bạn khi bạn chuẩn bị kỷ niệm sự Thương Khó và sự Phục Sinh của Cứu Chúa của chúng ta vào dịp lễ Phục Sinh năm nay.

Lu-ca 22:41-44 Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi! Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”.

Chúa Giê-xu nói không ai có quyền cất sự sống của Ngài, Ngài tự phó sự sống mình và có quyền lấy lại. (Giăng 10:18)

Chúng ta thấy điều này thật đúng trong vườn Ghết-sê-ma-nê.

Trong đêm Chúa bị phản bội, Ngài đến vườn Ghết-sê-ma-nê vì 2 lý do: để cầu nguyện và chờ đợi. Chúa Giê-xu biết điều gì sẽ xảy ra. Ngài biết đây là đêm mà Ngài sẽ bị bắt. Ngài chọn nơi này để chờ đợi bởi vì đây là nơi mà các môn đồ thường tụ họp (Lu-ca 22:39). Nói một cách khác, đây là nơi mà Giu-đa biết để đến tìm Chúa.

Bức tranh : “Sự đau đớn của Chúa ờ vườn Ghết-sê-ma-nê” của El Greco.

Bức tranh của El Greco: “Sự đau đớn của Chúa ờ vườn Ghết-sê-ma-nê” bày tỏ được điểm chính trong sự Thương Khó của Đấng Christ – những giây phút cuối trước khi Ngài bị bắt. Đây là một trong những mục tiêu chính của bức tranh: khiến mắt người xem dừng lại ở nhiều chỗ khi xem bức họa. Hãy để ý mắt bạn dừng lại ở chỗ nào khi bạn ngắm xem bức tranh này.

Trước tiên bạn thấy Chúa Giê-xu, đang chăm chú nhìn vào thiên sứ. Thiên sứ cầm trong tay chén mà Đấng Christ cầu nguyện xin cất khỏi Ngài, nếu có thể được (Ma-thi-ơ  26:39). Đó là chén của sự đau đớn. Phía dưới thiên sứ là những bạn thân nhất của Ngài – Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã không cưỡng khỏi sự buồn ngủ. Mặc dù Chúa Giê-xu đã bảo họ thức canh, họ không làm được điều đó. Rồi chúng ta thấy Giu-đa ở phía xa xa, dẫn đầu một toán người đi đến để bắt Chúa Giê-xu.

Không ai cất sự sống của Chúa khỏi Ngài. Điều xảy ra ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê là điều xảy ra giữa Ngài và Cha Thiên Thượng hơn là giữa Ngài và những kẻ buộc tội Ngài. Chúa Giê-xu đến vườn Ghết-sê-ma-nê để bắt đầu sự đau đớn và sự bắt bớ Ngài, là điều cuối cùng sẽ khiến chúng ta được chữa lành và tự do. Ngài ở đó, chờ đợi để bị bắt, để chúng ta được tự do.

Lu-ca 22:60-62:Nhưng Phi-e-rơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đang lúc Phi-e-rơ còn nói, thì gà liền gáy; Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình rằng: Hôm nay trước khi gà chưa gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần;  rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.”


Bức tranh “sự chối Chúa của Phi-e-rơ” của Rembrandt.

Trong  bức tranh “sự chối Chúa của Phi-e-rơ,” Rembrandt nêu lên được một chi tiết quan trọng trong Kinh Thánh: vào đúng lúc gà gáy, Chúa Giê-xu quay lại và nhìn Phi-e-rơ (Lu-ca 22:61).

Phi-e-rơ đứng bên ngọn lửa để sưởi ấm và để tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra cho bạn của ông và Chúa của ông, mới vừa bị bắt. Phi-e-rơ muốn có mặt ở đó nhưng không muốn bị liên lụy. Dù vậy, khi Chúa Giê-xu phải đối diện với những lời buộc tội của các thầy tế lễ, Phi-e-rơ thấy mình cũng bị xét xử. Những người buộc tội ông là những người đứng quanh ngọn lửa. Một người xa lạ, một đứa tớ gái thề là đã thấy Phi-e-rơ ở cùng Chúa Giê-xu. Phi-e-rơ thề là điều này sai. Ông nói là ông và Chúa không hề biết nhau.

Mới chỉ vài giờ trước đây, Phi-e-rơ và Chúa Giê-xu đã dùng bữa ăn chung. Trong bữa ăn này, Chúa Giê-xu đã nói trước là Phi-e-rơ sẽ chối Ngài trước khi gà gáy vào buổi sáng. Phi-e-rơ không tin được điều này. Ông qủa quyết là điều này không bao giờ xảy ra được.

Nhưng điều này đã xảy ra – đúng như điều Chúa Giê-xu đã phán.

Rembrandt vẽ cánh này để diễn tả giây phút đó. Trong khi Chúa Giê-xu bị giải đi, Ngài nhìn qua vai mình, thấy Phi-e-rơ đang làm việc mà ông thề không bao giờ có thể làm.

Giăng 12:32-33Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.  Ngài phán vậy để chỉ mình phải chết cách nào”.


Bức tranh “Sự dựng cây thập tự lên” của Rembrandt.

Bức tranh của Rembrandt “Sự dựng cây thập tự lên” là một bức vẽ chân dung của chính mình. Họa sĩ chính là người đội nón beret xanh và mặc áo dài đứng gần chân Chúa Giê-xu. Ông đang gắng sức với viên đội trưởng để dựng cây thập tự lên, khiến ông trở nên người hiện diện ở đó và đồng lõa với sự đóng đinh Chúa.

Rembrandt vẽ chân dung mình trong nhiều tác phẩm của ông. Ông là người con trai hoang đàng, say sưa và không biết rằng hoàn cảnh của mình sẽ trở nên khốn cùng. Ông là người môn đồ ngồi trong thuyền trong cơn bão trên biển Ga-li-lê, vẫn mặc cái áo quen thuộc đó và đội chiếc mũ beret đó. Trong hai thí dụ kể trên, người họa sĩ nhìn thẳng từ bức tranh vào mắt người xem, khiến người xem bị lôi cuốn vào trong cảnh đó. Trong bức tranh “Sự dựng cây thập tự lên”, Rembrandt không nhìn thẳng vào mắt người  xem. Ở đây, ông có ánh mắt của một người đang đắm chìm vào một sự suy nghĩ sâu xa.

Trong bức tranh “Sự dựng cây thập tự lên”, Rembrandt không những khiến mình là người chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu, ông cũng khiến mình là một trong hai nhân vật chính trong bức tranh. Rembrandt được nhiều người biết đến vì kỹ thuật vẽ tranh của ông, việc sử dụng một sự đối kháng mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối để gây chú ý. Trong bức tranh này, ánh sáng hắt trên hai nhân vật chính, Đấng Christ bị lột hết áo sống, và Rembrandt ăn mặc một cách xa hoa.

Có một cách để Cơ đốc nhân mừng lễ Phục Sinh là suy gẫm về sự chúng ta chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-xu. Rembrandt đi xa hơn nữa trong việc mô tả mình là một người đồng lõa trong sự chết của Chúa.  Ông kể như mình có hiện diện ở đó để nhận những lời phán của Chúa từ thập tự giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì “ Lu-ca 23:34.

Chúng ta cần sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu xảy ra nếu chúng ta muốn có hy vọng được làm hòa với Đấng Tạo Hoá của mình. Và điều này đã xảy ra, Đấng Christ được treo lên khỏi đất, và điều này đã kéo mọi người đến với Ngài – những người đã thấy chính mình trong câu chuyện này, những người đã nhận ra vai trò của họ trong sự chết của Ngài bởi vì tội lỗi của họ, và những người đã tìm được sự sống trong danh Ngài bởi sự sống lại của Ngài.

Lu-ca 23:39-43”Vả, một tên trộm cướp bị đóng đinh cũng mắng nhiếc Ngài rằng: Ngươi không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa! Nhưng tên kia trách nó rằng: Ngươi cũng chịu một hình phạt ấy, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Về phần chúng ta, chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác. Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi”.

Chúng ta hãy trở lại với câu chuyện về sự chết của Đấng Christ và sự sống lại của Ngài. Có nhiều điều xảy ra trong bức tranh “Đấng Christ trên thập tư giá giữa hai tên cướp” của Peter Paul Ruben. Hai tên cướp bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-xu tranh luận Ngài thật sự là ai. Một người lính đâm giáo vào hông của Đấng Christ đã chết. Ni-cô-đem và Giô-sép đứng nhìn từ phiá sau trong khi Ma-ri Ma-đơ-len van xin người lính hãy dừng tay. Mary, mẹ của Chúa Giê-xu quay mặt đi trong sự đau buồn, chắc hẳn bà nhớ lại những lời của tiên tri Si-mê-ôn khi Chúa Giê-xu còn là con trẻ – có một thanh gươm sẽ đâm thấu linh hồn bà và tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ (Lu-ca 2:35). Đằng sau lưng họ, bóng tối bao trùm cảnh vật.


Bức tranh “Đấng Christ trên thập tư giá giữa hai tên cướp” của Peter Paul Ruben.

Bức tranh lớn này của Ruben được trang trí ở bàn thờ của một nhà thờ ở Antwerp. Bức tranh được vẽ để nhiều người thấy trong lúc thờ phượng. Giống như một người đi nhà thờ ngày hôm nay sẽ nhớ rõ một cánh cửa sổ bẳng kiếng màu trong nhà thờ, những người đi thờ phượng ở Antwerp sẽ nhớ kỹ nội dung của bức tranh này vì tuần này qua tuần kia họ đối diện với nó. Những nhân vật trong bức tranh cũng sẽ trở nên quen thuộc với họ.

Biết Chúa Giê-xu là gặp gỡ Ngài và quen thuộc với Ngài. Khi chúng ta xem lại Kinh Thánh để kỷ niệm lễ Phục Sinh – khi chúng ta đọc về hai tên cướp, một người tin và một người không tin, hay một viên đội trưởng cuối cùng tin Chúa Giê-xu là Đấng Christ, hay về cách bức màn trong đền thờ bị xé ra – chúng ta quen thuộc  với Chúa Giê-xu với điều Ngài đã làm để chúng ta được hòa thuận với  Đấng Tạo Hóa.

Hãy đặt chính mình vào trong câu chuyện này nhiều lần. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta giấu điều đó trong lòng mình.

Giăng 20: 26-28 Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đang đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!”


Bức tranh “Sự nghi ngờ của Thô-ma “ của Caravaggio.

Bức tranh “Sự nghi ngờ của Thô-ma “ của Caravaggio là một bức tranh lạ lùng, có thể đó là lý do tại sao bức tranh này được in lại nhiều nhất. Người ta biết có đến 22 bản sao của bức tranh này.

Đây là Đấng Christ, là Đức Chúa Trời hoàn toàn và là con người hoàn toàn. Việc Chúa không có hào quang ở quanh đầu Ngài nhấn mạnh đến nhân tính của Ngài. Bàn tay có dấu đinh và vết giáo đâm ở bên sườn nhấn mạnh quyền năng Thiên Thượng của Ngài trên sự chết. Bức tranh này vừa diệu kỳ vừa ghê gớm. Với mục đích để khiến chúng ta xúc động khi xem bức tranh, hoạ sĩ cho chúng ta bằng chứng về sự chết tàn bạo của Chúa và sự sống lại siêu nhiên của Ngài. Chúa Giê-xu đặt bàn tay của Thô-ma vào chỗ vết thương của Ngài, cũng như khiến tấm lòng của Thô-ma đi từ sự nghi ngờ đến đức tin.

Caravaggio vẽ cho chúng ta một bức tranh không những chỉ mô tả giây phút người môn đồ đặt ngón tay mình vào vết thương của Đấng Christ, ông cũng khiến người xem có một kinh nghiệm sâu xa, giống như là chúng ta cũng đứng ở đó với hai môn đồ kia, nhìn qua vai Thô-ma.

Không phải là một điều nhỏ khi tin vào Đấng Christ, bởi vì tin vào Ngài là tin vào sự sống lại. Trong một thế giới mà tất cả mọi người đều chết, thật là một điều nghịch lý là sự sống lại của một người khiến tất cả mọi người đều sẽ sống lại. Lễ Phục Sinh nhắc chúng ta nhớ rằng trong khi có thể là điều khó để tin vào sự Phục Sinh, đó là một thực sự mạnh mẽ, hơn cả sự chết.

Sừ đồ Giăng nói là ông viết sách Tin Lành Giăng để chúng ta có thể tin là Chúa Giê-xu là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và bởi đức tin chúng ta có được sự sống trong danh Ngài (Giăng 20:31). Thật là một mục đích vinh hiển. Hơn thế nữa, Đấng Christ Phục Sinh mang trên thân thể phục sinh của Ngài những vết thương mà chúng ta đã được chữa lành (I Phi-e-rơ 2: 24).

Còn bạn, bạn tin vào điều gì?

Chuyển ngữ: Thúy Anh_TNPA

Nguồn: “The visions of Christ” By Russ Ramsey trích trong in touch March, 2019

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like