Home Chuyên Đề Lịch Sử Truyền Giáo: Giáo Sĩ Helen Roseveare

Lịch Sử Truyền Giáo: Giáo Sĩ Helen Roseveare

by thetravelingteam.org
30 đọc

“Nếu Đấng Christ là Đức Chúa Trời và Ngài chết thay cho tôi, thì không có của lễ nào đủ lớn để xứng đáng cho Ngài”. Điều này trở thành khẩu hiệu truyền giáo của bà. Năm 1953, Helen vượt biển đến Congo với hi vọng hầu việc Đấng Christ với vai trò một nhà truyền giáo qua chuyên ngành y tế cùng tổ chức WEC (Worldwide Evangelization Crusade). Trong nhiều năm bà đã mơ ước trở thành một nhà truyền giáo. Khi còn rất trẻ, bà đã nghe những câu chuyện mà dì và chú của bà trải nghiệm được trên cánh đồng truyền giáo, giờ đây, bà nóng lòng muốn có những câu chuyện cho riêng mình.

Năm 1925, Helen Roseveare chào đời tại nước Anh. Vì giáo dục là ưu tiên số một của cha, Helen đã được gửi đến một trường nữ sinh có uy tín khi bà vừa lên 12. Sau đó, bà đã đến Cambridge. Trong khoảng thời gian học đại học, bà đã trở thành một Cơ đốc nhân, thật sự hiểu ý nghĩa của Phúc Âm lần đầu tiên. Bà rời bỏ nền tảng của giáo hội Công Giáo Anh và trở thành một người truyền bá Phúc Âm. Trọng tâm của bà là hoàn tất chương trình y khoa và chuẩn bị bước vào cánh đồng truyền giáo.

Sau khi trở thành bác sĩ, Helen đến Congo để bước vào chức vụ. Bà rất thông minh và có tài năng, nhưng trong vai trò là một người phụ nữ, những tranh chấp đã xảy ra với những người đồng công và đồng văn hóa. Trong khoảng thời gian đó, những người độc thân được xem là “công dân hạng hai” trong lĩnh vực truyền giáo. Ở Congo, nhu cầu y tế rất lớn. Bà không thể chỉ khoanh tay đứng nhìn nhiều người đang đau đớn xung quanh mình. Bà quyết tâm làm nên sự khác biệt. Bà mong ước mở ra một trung tâm huấn luyện, nơi các ý tá được dạy Kinh Thánh và y học cơ bản, và được gửi trở lại những ngôi làng của họ để xử lý các trường hợp đơn giản, đào tạo y học dự phòng, và phục vụ như những nhà truyền giáo khác. Bà đã không nhận được sự chấp thuận từ phía những người đồng công, họ tin rằng đào tạo ngành nghề y tế cho người dân không phải là cách sử dụng thời gian hợp lý, truyền giáo và môn đồ hóa quan trọng hơn.

Bất chấp những mâu thuẫn với họ, chỉ sau 2 năm khi đến với Congo, bà đã xây dựng được một bệnh viện kết hợp với trung tâm đào tạo tại Ibambi, và 4 sinh viên đầu tiên của bà đã qua được kỳ kiểm tra y tế của chính phủ. Những đồng nghiệp không thấy vui mừng về sự tiến bộ của bà. Họ cảm thấy rằng bà đang lãng phí thời gian, vì vậy họ quyết định rằng tốt hơn nên để bà phục vụ tại Nebobongo, một trại cho những người mắc bệnh phong trong một khu rừng, bà đã tái định cư ở đó. Helen lập luận rằng bà phải ở lại để tiếp tục đào tạo y tá điều dưỡng tại Ibambi, nhưng họ khăng khăng rằng bà phải chuyển đi. Đó thật sự là một bước lùi rất lớn, nhưng bà đã đi. Bắt đầu lại từ con số không, bà đã xây dựng được một bệnh viện khác tại đó và tiếp tục đào tạo y tá. Mặc dù vậy, nghị lực kiên cường của bà dường như là mối đe dọa với những đồng nghiệp nam. Năm 1957, họ đã quyết định chuyển công tác của John Harris, một bác sĩ trẻ người Anh, và vợ của ông đến Nebobongo để làm cấp trên của Helen. Bác sĩ Harris thậm chí còn chịu trách nhiệm hướng dẫn các lớp học Kinh Thánh mà bà đã dạy. Bà đã bị vùi dập. Bà đã quen với công việc lãnh đạo sau một thời gian dài, dù bà đã cố gắng buông bỏ nhưng không thể làm được. Tất cả những gì từng là của bà giờ đã ở dưới quyền của bác sĩ Harris. Việc xảy ra tình trạng căng thẳng giữa họ là điều hiển nhiên. Tính độc lập của Helen là sức mạnh lớn ở trong bà, nhưng cũng là điểm yếu. Bà không biết cách vâng phục người lãnh đạo không hoàn hảo. Năm 1958, sau hơn một năm vật lộn với người đang nắm quyền kiểm soát ở Nebobongo, bà đã trở về nước Anh để nghỉ phép. Giấc mộng với công việc truyền giáo tan vỡ, bà cảm thấy mình sẽ không còn cơ hội quay trở lại Congo.

Trở lại nước Anh, bà đã thực sự tranh chiến với câu hỏi tại sao tất cả những chuyện này xảy đến với bà và những người lãnh đạo nam ở Congo. Bà bắt đầu thuyết phục bản thân rằng vấn đề nằm ở sự đơn độc. Điều bà cần là một người chồng cũng làm bác sĩ để cùng làm việc và đứng về phía bà trong sự tranh chấp quyền lực! Bà không thấy rằng điều đó là quá nhiều để đòi hỏi. Vậy là bà xin Chúa đưa đến cho bà một người chồng và bà nói với Chúa rằng bà sẽ không trở lại làm giáo sỹ cho đến khi đã kết hôn. Bà đã gặp một bác sĩ trẻ và quyết định anh sẽ là chồng của mình. (Bà đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi thời điểm trọn vẹn của Chúa.) Bà đã chỉnh đốn lại cách ăn diện, làm tóc, và từ bỏ sứ mạng, tất cả chỉ để chiếm được tình yêu của người phối ngẫu. Người đó có quan tâm đến bà, nhưng không đủ để cưới bà. Helen rất đau lòng, chủ yếu là vì bà đã lãng phí quá nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng đưa kế hoạch của mình thành hiện thực – nhưng không có Chúa.

Vẫn độc thân, Helen tiếp tục sứ mạng truyền giáo và chuyển đến Congo năm 1960. Giai đoạn này đất nước đang ở trong tình trạng căng thẳng. Họ đã đấu tranh giành độc lập trong khoảng thời gian dài, và một cuộc nội chiến lớn chuẩn bị xảy ra. Nhiều giáo sỹ đã rời khỏi đó vì rủi ro rất cao. Helen không có kế hoạch trở về. Bà tin rằng Chúa thực sự đã kêu gọi bà trở lại Congo và Ngài sẽ bảo vệ bà nếu bà ở lại. Bà đã tham gia cùng vài người phụ nữ độc thân khác, những người khó kiếm được chồng, họ không muốn trông như những người yếu đuối. Bà được tiếp quản cơ sở y tế Nebobongo vì bác sĩ John Harris vợ ông đã rời đi. Bà đã có nhiều cơ hội phục vụ giữa thời điểm hỗn loạn. Bà tin chắc rằng Chúa có quyền cho bà gặp được người phối ngẫu ngay tại nơi Chúa muốn bà đến. Bà tiếp tục tìm kiếm Chúa trong từng chi tiết nhỏ trong đời sống, và tin cậy Ngài hoàn toàn. Bà đã đến gần hơn với đức tin trọn vẹn trong Chúa sau tất cả mọi chuyện, giữa những cơn trầm cảm, đã nhiều lúc bà cảm thấy mình không phải là Cơ đốc nhân thực sự vì bà không thể chế ngự cơn giận và sự cay đắng cùng những tội lỗi khác. “Tôi đã không thể đạt được tiêu chuẩn mà bản thân tôi đề ra, chứ đừng nói đến tiêu chuẩn của Chúa. Sau nhiều nỗ lực, tôi chỉ thấy mình đáng thất vọng”. Bà đã nhận ra rằng sự ghét tội lỗi cũng là một món quà đến từ Đức Thánh Linh.

Phiến quân đã dấy lên mạnh mẽ, và đã có nhiều báo cáo về những giáo sỹ bị tấn công. Bà đã trải qua một vụ mất trộm và bị đầu độc, nhưng trong tâm trí bà luôn nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ được cải thiện. Bà cảm thấy mình cần tiếp tục ở lại, vì còn quá nhiều nhu cầu và rất nhiều người phụ thuộc vào bà. Ngày 15-08-1960, phiến quân đã chiếm đóng Nebobongo và Helen bị bắt giam trong 5 tháng tiếp theo. Trong đêm 29-10, Helen bị bọn phiến quân da đen đàn áp trong căn nhà gỗ của bà. Bà đã cố trốn thoát, nhưng họ đã tìm thấy bà và nắm chân bà kéo ngược về, chúng đánh vào vào đầu và vai bà, ném bà xuống đất, đá và đánh bà hết lần này đến lần khác. Bà bị đưa trở lại nhà và bị hãm hiếp tàn nhẫn không thương tiếc. Helen đã phải chịu đựng nhiều sự tra tấn về tình dục rất nhiều trước khi được thả ra. Chúa đã sử dụng điều này để bà phục vụ nhiều nữ giáo sỹ độc thân khác, những người đã lo sợ rằng mình không còn thánh khiết vì bị hãm hiếp nên mất đi sự cứu rỗi. Helen biết rằng mối quan hệ của mình với Chúa không bị tổn hại. Bằng mọi cách bà quyết không rời bỏ Chúa dù đã bị hãm hiếp nhiều lần. Cuối cùng, ngày 31-12-1964, bà đã được giải cứu. Helen đã có chút cảm giác vui mừng và nhẹ nhõm, nhưng cũng có cảm giác đau buồn sâu sắc khi nghe tin nhiều người bạn của mình đã qua đời bởi chiến tranh.

Helen trở lại Châu Phi lần thứ ba vào tháng 03-1966. Bà đã phục vụ thêm 7 năm, nhưng đầy hỗn loạn và thất vọng. Congo đã thay đổi nhiều sau chiến tranh. Nền độc lập và chủ nghĩa mới được áp dụng. Họ không còn tôn trọng những người bác sĩ đã hi sinh quá nhiều cho họ. Helen rời Châu Phi vào năm 1973 với một tấm lòng tan vỡ. Hơn 20 năm phục vụ ở Châu Phi của bà đã kết thúc trong thất bại và chán nản.

Khi về đến nhà, bà đã trải qua một giai đoạn rất cô đơn trong cuộc đời. Bà đến với Chúa. Ngài là tất cả những gì bà có. Thay vì cay đắng, bà đã nhận được một tâm thần khiêm nhường và tôn cao những gì Chúa Giê-xu đã làm trên thập tự giá. Chúa đã nhào nặn bà cho chức vụ tiếp theo. Bà đã trở thành một phát ngôn viên quốc tế cho những sứ mạng truyền giáo. Sự ngay thẳng của bà được người trong giới nhìn nhận là một trong những siêu thánh đồ. Helen vận động mọi người bằng cách cho họ thấy rằng Chúa đã sử dụng những người không hoàn hảo với những tranh chiến thực sự để trở thành sứ giả của Ngài cho phần thế giới chưa được chạm đến.

Dịch: NCMV

Nguồn: Thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like