Home Chuyên Đề Những Người Lính Canh Của Đức Chúa Trời – Phần 4: Những công việc của người lính canh

Những Người Lính Canh Của Đức Chúa Trời – Phần 4: Những công việc của người lính canh

by Sưu Tầm
30 đọc

Trong việc nghiên cứu những người đứng trên các tường thành cổ xưa của Y-sơ-ra-ên, chúng ta học hỏi được nhiều điều có thể áp dụng cho những người đã cam kết trở thành người lính canh cầu nguyện trong thời đại chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến một vài điều. Chúng bao gồm:

Trước tiên, người lính canh phải canh phòng!

Tất nhiên, rõ ràng rằng một người lính canh thì phải canh phòng. Điều đó có nghĩa là người ấy phải tỉnh táo để nhận biết điều gì là tiêu điểm trong lời cầu nguyện của một người. Trong thời kỳ cổ xưa, nhiệm vụ chính của một người lính canh là nhìn ra khu vực rộng lớn xung quanh tường thành để xem có gì nguy hiểm có thể đe dọa đến an ninh của thành phố hay không. Trong thời đại chúng ta, những người lính canh chuyển những mối nguy hiểm nầy thành những tiêu điểm cho lời cầu nguyện của họ. Hãy lưu ý những gì Kinh Thánh nói về việc canh phòng:

“Chớ để ai vào trong đền của Đức Giê-hô-va ngoại trừ những thầy tế lễ và các người Lê-vi phục sự: Họ sẽ vào, bởi vì họ thánh sạch; cả dân sự sẽ giữ mạng lịnh của Đức Giê-hô-va.” (II Sử ký 23:6)

“Người ta đặt bàn tiệc, cắt kẻ canh giữ; người ta ăn và uống. Hỡi các quan trưởng, hãy chờ dậy! Hãy thoa dầu cho cái thuẫn! Vì Chúa phán cùng tôi như vầy: Hãy đi, sắp đặt vọng canh, thấy việc gì thì báo” (Ê-sai 21:5-6)

“Ta sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chân nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì, và ta trả lời thế nào về sự đối nại của ta.” (Ha-ba-cúc 2:1)

“Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:6)

Thứ hai, người lính canh phải chờ đợi!

Rõ ràng đây là một tiêu điểm then chốt cho những người đứng trên các tường thành của những thành phố cổ xưa của Y-sơ-ra-ên như là một thành phần của phương tiện bảo vệ thành phố. Những người lính canh cần phải sẵn sàng chờ đợi hàng giờ ngay cả khi dường như không có chuyện gì xảy ra. Điều đó cũng đúng cho những người lính canh ngày hôm nay. Có thể họ không luôn luôn cảm biết được điều gì đó đang xảy ra trong khi họ cầu nguyện và có thể phải mất một khoảng thời gian dài chỉ để yên lặng chờ đợi. Về vấn đề này Kinh Thánh đã chép:

“Linh hồn tôi trông đợi (chờ đợi) Chúa hơn người lính canh trông đợi sáng,” (Thi Thiên 130:6)

“Đức Giê-hô-va ban sự nhân từ cho những kẻ trông đợi Ngài, cho linh hồn tìm cầu Ngài.” (Ca Thương 3:25)

“Vì những kẻ làm ác sẽ bị diệt; Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp.” (Thi Thiên 37:9)

“Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” (Ê-sai 40:31)

Thứ ba, người canh phải chiến đấu!

Rõ ràng rằng toàn bộ đời sống Cơ Đốc nhân là một cuộc sống của chiến trận thuộc linh. Chúng ta đang chiến trận với kẻ thù Đấng Christ. Điều này chắc chắn đúng với những người trở nên người lính canh trên một tường thành cầu nguyện. Chúng ta đang chiến trận cho sự cứu rỗi những linh hồn trong khu vực mà Chúa kêu gọi chúng ta canh giữ. Hãy lưu ý những gì Kinh Thánh nói về khía cạnh này của công tác của người lính canh.

“Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay, là hòn đá tôi! Ngài dạy tay tôi đánh giặc, Tập ngón tay tôi tranh đấu.” (Thi Thiên 144:1)

“Sự ngợi khen Đức Chúa Trời ở trong miệng họ,
Thanh gươm hai lưỡi bén ở trong tay họ, Đặng báo thù các nước, Hành phạt các dân;Đặng trói các vua chúng nó bằng xiềng, Và đóng trăng các tước vị chúng nó;Để thi hành cho chúng nó sự án đã chép. Các thánh Ngài được vinh hiển ấy.
Ha-lê-lu-gia!” (Thi Thiên 149:6-9)

“Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 6:17)

“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12)

Thứ tư, người lính canh phải cảnh báo!

Trong thời cổ đại, những người đứng canh gác trên các tường thành phải cảnh báo người dân sống trong thành phố về các cuộc tấn công sắp xảy đến có thể hủy diệt mạng sống của họ. Áp dụng ý tưởng này cho người lính canh cầu nguyện ngày nay, những người cầu thay trên tường thành phải cảnh báo cho người khác về những gì họ cảm nhận được khi cầu nguyện. Nhận định của họ có thể giúp người khác cầu nguyện hiệu quả hơn về các vấn đề chính yếu mà Chúa Thánh Linh mặc khải trong khi cầu nguyện. Kinh Thánh truyền tải ý tưởng này khi tiên tri Ê-xê-chi-ên nói đến vai trò tiên tri của một người lính canh trong thời của mình. Ông viết:

“Hỡi con người, ta đã lập ngươi lên đặng canh giữ nhà Y-sơ-ra-ên; khá nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo (cảnh báo) chúng nó.” (Ê-xêchi-ên 3:17)

“Hỡi con người, hãy nói cùng con cái dân ngươi mà rằng: khi ta sai gươm đến trên một đất nào, và dân đất ấy chọn một người trong chúng nó để đặt làm kẻ canh giữ, nếu người nầy thấy gươm đến trong đất, thì thổi kèn để rao bảo dân sự. Bấy giờ, hễ ai nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, và nếu gươm đến bắt lấy nó, thì máu của người ấy sẽ đổ lại trên đầu nó; vì nó có nghe tiếng kèn mà không chịu răn bảo, vậy máu nó sẽ đổ lại trên nó; nhưng nếu nó chịu răn bảo thì cứu được mạng sống mình. Nhưng nếu kẻ canh giữ thấy gươm đến mà không thổi kèn, đến nỗi dân sự chẳng được răn bảo, và gươm đến mà cất sự sống của người nầy hoặc người kia đi, thì người đó sẽ chết trong sự gian ác mình; song ta sẽ đòi lại máu nó nơi người canh giữ. Nầy, hỡi con người, ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Y-sơ-ra-ên; nên hãy nghe lời từ miệng ta, và thay ta răn bảo trước cho chúng nó.” (Ê-xê-chi-ên 33:2-7).

Thứ năm, người lính canh phải vật lộn!

Tất cả chúng ta đều hiểu khái niệm về một trận đấu vật. Trong lá thư viết cho các tín hữu tại Ê-phê-sô, Phao-lô đã ví sánh toàn bộ cuộc đời Cơ Đốc nhân giống như một trận đấu. Chính trong Ê-phê-sô chương 6, Phao-lô nói đến việc mang lấy “mọi khí giới của Đức Chúa Trời”. Ông gợi ý rằng có một cuộc đấu đang chờ phía trước cho những người tham dự cuộc xung đột với kẻ thù. Hãy đặc biệt lưu ý những điều ông nói trong câu 12:

“Vì chúng ta đánh trận (vật lộn), chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” (Ê-phê-sô 6:12)

Khi chúng ta nghĩ đến việc vật lộn trong sự cầu nguyện chúng ta đặc biệt nghĩ đến cuộc chạm trán của tổ phụ Gia-cốp ngày xưa và ông đã vật lộn với Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cùng xem lại phân đoạn Kinh Thánh mô tả cuộc chạm trán này (Trong Sáng thế ký 32 và Ô-sê 12), nó đã làm thay đổi chính tên tuổi của ông từ Gia-cốp thành Y-sơ-ra-ên và đã tạo nên số phận tuyệt vời nhất của tuyển dân Chúa:

“Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình đến rạng đông. Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặc trong khi vật-lộn.” (Sáng thế ký 32:24-25)

“Đức Giê-hô-va cũng có sự kiện cáo với Giu-đa, và Ngài sẽ phạt Gia-cốp theo đường lối nó; Ngài sẽ báo trả nó theo việc nó làm. Vừa lúc ở trong lòng mẹ, Gia-cốp nắm gót chân anh mình; và đến tuổi trưởng thành, có quyền nơi Đức Chúa Trời. Người có quyền hơn thiên sứ, và được thắng; khóc lóc và khẩn cầu người. Ngài đã gặp người tại Bê-tên, và ấy đó là nơi Ngài phán cùng chúng ta,” (Ô-sê 12:3-5).

Thứ sáu, người lính canh phải kêu khóc!

Chúng ta nhớ lại thể nào tác giả Thi Thiên đã nói về người gieo hạt giống của sự tan vỡ (đổ nước mắt) và nhờ đó gặt hái một mùa gặt vinh hiển. Chúng ta đọc được:

“Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng.
Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.” (Thi Thiên 126:5-6)

Những phân đoạn Kinh Thánh khác cũng nói về chủ đề sự tan vỡ này trong sự cậu nguyện của chúng ta:

“Lòng dân ngươi kêu van đến Chúa. Hỡi tường thành con gái Si-ôn, hãy cho nước mắt ngươi ngày đêm chảy như sông!
Đừng cho nghỉ ngơi; con ngươi mắt ngươi chẳng thôi. Hãy chỗi dậy kêu van lúc ban đêm, vừa đầu các phiên canh; Đổ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa. Hãy giơ tay hướng về Chúa vì sự sống con nhỏ ngươi, chúng nó ngất đi vì đói nơi góc phố. (Ca thương 2:18-19)

“Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao? Ngày nào tôi kêu cầu, các kẻ thù nghịch tôi sẽ thối lại sau; Tôi biết điều đó, vì Đức Chúa Trời binh vực tôi.” (Thi Thiên 56:8-9)

“Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể! Hãy nhóm dân sự, biệt riêng hội chúng nên thánh; hãy mời các trưởng lão đến đó! Hãy họp lại các con trẻ, và những đứa đương bú vú! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động phòng! Các thầy tế lễ, là những kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va, khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ, và nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy tiếc dân Ngài, và chớ để cơ nghiệp Ngài bị sỉ nhục, và bị các nước cai trị! Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?” (Giô-ên 2:15-17)

Thứ bảy, người lính canh phải thờ phượng!

Một trong những bí quyết lớn để thành công trong việc trở nên một thành phần của tường thành người lính canh là nhận biết được ý nghĩa của sự thờ phượng trong sự cầu nguyện của chúng ta. Thật vậy, có những lúc mà nếu tất cả chúng ta đều đặt sự thờ phượng Chúa vượt trên những nhu cần của chúng ta trong giờ của chúng ta trên tường thành, thì chúng ta có thể thấy rõ những kết quả lớn lao hơn so với bất cứ phương pháp cầu nguyện nào khác. Thờ phượng tự nó có thể là sự chiến đấu. Hãy lưu ý những gì Kinh Thánh nói về chủ đề này:

“Tiếng những kẻ canh của ngươi! Họ cất tiếng, cùng nhau hát xướng; vì họ sẽ thấy mắt đối mắt khi Đức Giê-hô-va trở về Si-ôn.” (Ê-sai 52:8)

“Khi người đã bàn nghị với dân sự, bèn lập những người ca xướng cho Đức Giê-hô-va mặc áo lễ thánh mà đi ra trước cơ binh ngợi khen Chúa rằng: Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì sự thương xót Ngài hằng có đời đời. Đương lúc chúng khởi ca hát và ngợi khen, thì Đức Giê-hô-va đặt phục binh xông vào dân Am-môn, dân Mô-áp và những kẻ ở núi Sê-i-rơ đã đến hãm đánh Giu đa; và các dân ấy đều bị bại.” (II Sử ký 20:21-22)

Xây Dựng Tường Thành: Một Nhiệm Vụ Theo Kinh Thánh

Nê-hê-mi được Chúa giao nhiệm vụ xây dựng một tường thành! (Xem Nê-hê-mi 2:1-8). Ông là quan tửu chánh của vua (Nê-hê-mi 1:1) và ông được vua tin cậy để đảm bảo sự an toàn và chất lượng thức ăn và đồ uống của vua. Điều này đặt ông vào vị trí độc nhất để cố vấn cho vua. Ông đã dùng địa vị này một cách độc đáo để cầu thay cho dân sự Chúa. Ông được vua ban cho thẩm quyền để đi đến một quốc gia.

Một số người tin rằng việc làm quan tửu chánh trong trường hợp của Nê-hê-mi là biểu tượng cho việc cầm cái chén mà Đấng Christ sẽ phải mang tại thập tự giá để cứu dân sự của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 26:40-42). Các tường thành bao quanh dân sự tại Giê-ra-sa-lem trong thời kỳ Nê-hê-mi đã bị đổ nát. Dân chúng không thể được cứu thoát khỏi sự tấn công của những kẻ thù gian ác khi không có những tường thành bảo vệ họ.

Nê-hê-mi giống như người xây dựng một tường thành người lính canh ngày nay, phải tuyển mộ các thành viên của dân sự Chúa mà ông không quen biết họ. Sự chống đối đã dấy lên nghịch cùng ông, vu khống ông và gây hiểu lầm; nhưng dân sự tại Giê-ra-sa-lem đã tập hợp lại theo tiếng kèn hiệu triệu của Chúa (Nê-hê-mi 4:20). Giống như một tường thành người lính canh ngày nay, người ta xây dựng tường thành gần nhà họ. Chính cái bay của những người cầu thay và gươm của Chúa Thánh Linh được lập nên để bảo vệ chống lại kẻ thù.

Họ cầu nguyện với những lời ngợi khen Chúa trong miệng mình và một thanh gươm hai lưỡi cầm trong tay (Thi Thiên 149:6). Những tường thành vẫn còn cần được xây dựng ngày nay!

Những người canh trên tường thành trong thời Kinh Thánh cung cấp sự bảo vệ khi dân chúng đang ngủ. Sự thất bại trong việc thi hành nhiệm vụ của họ có thể đưa đến cái chết của nhiều người. Điều này buộc những tường thành cầu nguyện phải hoạt động ngày đêm. Cũng vậy, chúng ta đọc thấy trong Khải Huyền 12:10 rằng “kẻ kiện cáo” chúng ta (Satan) kiện cáo dân sự Chúa “ngày và đêm”. Điều này cũng khiến chúng ta cần có những chiến binh giữ vị trí của mình trên tường thành cả ngày lẫn đêm.

Những người lính canh trong thời cổ đại cũng nhắc nhở Chúa về lời hứa giải cứu của Ngài dành cho dân sự Ngài, và họ chăm chỉ làm việc này ngày và đêm.

Chúa Ủy Thác Cho Người Lính Canh

“Hỡi Giê-ru-sa-lem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Đừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi khen trong cả đất!” (Êsai 62:6-7)

Trong thời điểm đau thương nhất của Chúa Jesus, dường như Ngài cũng tìm kiếm những người thức canh: “Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phi-e-rơ rằng: Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được!” (Ma-thi-ơ 26:40). Chúa Jesus bèn tiếp rằng: “Hãy thức canh và cầu nguyện,” (câu 41) Chúa chúng ta vẫn đang tìm kiếm những người lính canh sẵn lòng thức canh và cầu nguyện dầu chỉ trong một giờ đồng hồ! Bạn có vui lòng làm một người như vậy không?

(Còn tiếp)

Dịch và ành: Faithful

Nguồn: Phil Bennett và Dick Eastman

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like