Home Quốc Tế Một Giáo Sư Đại Học MIT Gặp Đấng Tạo Ra Mọi Kiến Thức

Một Giáo Sư Đại Học MIT Gặp Đấng Tạo Ra Mọi Kiến Thức

by ChristianToday
30 đọc

Khi còn nhỏ, giáo sư Rosalind Picard ở Đại Học MIT từng nghĩ người tin đạo là lũ ngu dốt. Nhưng những Cơ đốc nhân uyên bác tài giỏi đã thuyết phục cô đọc Kinh Thánh và đến với Hội Thánh. Sau những chống đối vì không muốn từ bỏ quyền làm chủ đời mình cho Chúa, cuối cùng cô quyết định thử nghiệm theo lập luận của Blaise Pascal, một thử nghiệm mà cô có thể mất rất ít nhưng lại được rất nhiều: “Thưa Chúa Giê-xu Christ, con xin Ngài hãy là Chủ của cuộc đời con”. Từ đó, cô nhận thấy thế giới mình thay đổi cách mạnh mẽ, từ phẳng hẹp trắng đen sang cao rộng đầy màu sắc, với cảm nhận cao hơn về niềm vui, sự tự do, thử thách và trách nhiệm.

……

Tôi đã từng nghĩ rằng người tin đạo là lũ ngu dốt. Rồi tôi trở nên thông minh hơn và nắm lấy cơ hội với Đức Chúa Trời.

Ngay từ thời tiểu học, khi tôi là một cô bé đọc sách ngấu nghiến và là một học sinh toàn điểm A. Tôi được xem là thông minh, và tôi tin rằng người thông minh không cần đến tôn giáo. Vậy nên tôi tuyên bố mình là người vô thần và gạt bỏ người tin vào Đức Chúa Trời là thiếu học thức.

Năm cấp 3, tôi dẫn đầu nhóm hùng biện cho thuyết tiến hóa không có Đức Chúa Trời trong lớp, và tự tin là phe mình sẽ thắng vì “đó là khoa học”. Khi cả lớp biểu quyết và trao phần thưởng chiến thắng cho phe theo thuyết sáng tạo (bởi Đức Chúa Trời), tôi đã chết lặng. Hầu hết cả lớp không hiểu khoa học, tôi suy đoán, hoặc vậy, hoặc họ bị lung lay quá mức bởi con bé được yêu thích nhất lớp. Cô ta có hồ bơi ở sau nhà và hay mở các bữa tiệc vui.

Lúc đó, tôi trông em bé để kiếm tiền. Một trong những gia đình tôi yêu mến là một cặp vợ chồng trẻ; cả anh chồng (một bác sĩ) và chị vợ đều rất sắc sảo. Một đêm, sau khi trả tiền cho tôi, họ mời tôi đến Hội Thánh. Tôi đã kinh ngạc – những người thông minh đến cỡ này mà cũng đi Hội Thánh? Khi ngày Chủ Nhật đến, tôi nói họ là tôi bị đau bụng. Họ lại mời tôi lần nữa vào tuần kế tiếp, nhưng một lần nữa tôi lại nằm nhà với một cơn đau bụng ảo. Họ càng kiên trì, tôi càng cố gắng nghĩ ra một lý do thuyết phục hơn. (Bạn thử giả bệnh trước một bác sĩ sẽ biết.)

Chỉ Là Một Giai Đoạn?

Cuối cùng, cặp đôi đó thử một hướng khác. “Em biết đấy”, họ nói, “đi đến Hội Thánh không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng là em tin. Em có từng đọc Kinh Thánh”? Tôi nghĩ rằng nếu tôi muốn là một người học thức, tôi cần phải đọc quyển sách bán chạy nhất mọi thời đại. Anh bác sĩ khuyên tôi nên bắt đầu với quyển Châm Ngôn, đọc một chương mỗi ngày trong một tháng. Khi tôi mở quyển Kinh Thánh ra lần đầu, đó là bản dịch King James cổ xưa, tôi nghĩ nó đầy những phép màu không thật, các sinh vật tưởng tượng, và một tập hợp các thứ vô nghĩa. Nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy rằng sách Châm Ngôn đầy những lời khôn ngoan. Tôi phải ngừng để đọc và suy nghĩ.

Tôi lặng lẽ mua một bản dịch hiện đại gọi là “The Way” (Con Đường) và đọc qua toàn bộ Kinh Thánh. Mặc dù tôi chẳng bao giờ thực sự nghe tiếng lạ trong đầu hay cái gì để gọi bác sĩ thần kinh, tôi cảm thấy một cảm giác lạ kỳ đang được ai đó nói chuyện với mình. Đây là một cảm giác đáng ngại nhưng cũng thú vị cách kỳ lạ. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu thực sự có Đức Chúa Trời.

Tôi quyết định đọc qua quyển Kinh Thánh một lần nữa, nghĩ rằng có lẽ trải nghiệm của tôi là thường thấy ở những người đọc lần đầu. Lần này, tôi sẽ chậm lại và đọc nó kỹ hơn, chắc sẽ thấy những điểm sai sót được rõ hơn. Tôi cũng quyết chí sẽ học nhiều hơn về nguồn gốc Kinh Thánh và học về những tôn giáo khác. Có thể, tôi nghĩ, văn hóa của tôi – nơi mà hầu hết mọi người đều là người Cơ đốc hay người Do Thái – đã tạo điều kiện khiến tôi thấy Cơ đốc giáo hấp dẫn.

Một thầy giáo người Do Thái ở trường cấp 3 của tôi dạy một chương trình “năng khiếu” mà cho phép tôi dùng một môn mỗi học kỳ để học bất kỳ điều gì tôi thích. Tôi đã học về Phật Giáo, Ấn Giáo, và vài tôn giáo khác. Tôi đã đến thăm đền thờ, thánh đường Do Thái giáo, thánh đường Hồi Giáo, và những nơi linh thiêng khác.

Hơn bất cứ điều gì, tôi muốn qua khỏi gian đoạn “tôn giáo” này, vì tôi biết tôi không muốn một tôn giáo. Nhưng mặc dù tôi ao ước vậy, một trận chiến vẫn bùng nổ bên trong tôi. Một phần trong tôi càng lúc càng mong muốn dành nhiều thời gian hơn với Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, nhưng một giọng nói bực bội trong tôi vẫn khăng khăng rằng tôi sẽ vui vẻ trở lại nếu bỏ qua việc này.

Có hai đoạn trong Kinh Thánh khiến tôi thấy đặc biệt hoang mang:

Ma-thi-ơ 10:33 (“còn ai chối bỏ Ta trước mặt thiên hạ, Ta cũng sẽ chối bỏ họ trước mặt Cha Ta ở trên trời”.) và Ma-thi-ơ 12:30 (“Ai không ở với Ta là chống lại Ta; ai không liên kết với Ta thì tan tác”.) Tôi bực bội vì điều này nghe như một tối hậu thư khó chịu. Tôi không muốn tin ở Chúa, nhưng tôi vẫn cảm thấy một tình yêu thương kỳ lạ và một sự hiện diện tôi không thể bỏ qua.

Khi tôi đang là sinh viên năm nhất trường đại học, tôi kết nối lại với một bạn tôi gặp trong một chương trình hè cho học sinh giỏi. Anh ta là học sinh toàn điểm A và là một ngôi sao ở sân bóng rổ và bóng đá – tôi chưa từng thấy ai thật thông minh và giỏi thể thao như vậy. Anh ấy giúp tôi với những bài tập vật lý khó khăn, và rồi anh ấy mời tôi đến với Hội Thánh của mình. Lần này, tôi thấy thoải mái.

Bài giảng đặt ra nhiều câu hỏi. Tôi bắt đầu giơ tay lên khi mục sư nói trước khi nhận ra rằng tất cả mọi người đang ngồi cách im lặng. Tôi khều bạn mình “Chúng ta có thể hỏi được không”? Anh ấy bảo tôi im lặng. Làm sao chúng ta có thể học nếu chúng ta không thể hỏi? Sau bài giảng tôi đã cố gắng để hỏi, nhưng mọi người hầu hết chỉ muốn xã giao. Tôi bắt đầu đến lớp trường Chủ Nhật vì các thầy giáo cho tôi hỏi các câu hỏi. Tôi cũng tiếp tục đọc.

Vào một Chủ nhật, mục sư nói về sự khác biệt giữa việc tin rằng có một Đức Chúa Trời và việc đi theo Đức Chúa Trời. Tôi biết Chúa Giê-xu nhận mình là “con đường” đến với Đức Chúa Trời, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng tránh bất cứ cái gì liên quan đến Giê-xu, tôi không thể không nghe tên Ngài mà không có chữ “quái” kèm theo. Nhưng ông mục sư đã khiến tôi chú ý khi ông hỏi “Ai là Chủ của cuộc đời bạn”?, rồi ông miêu tả điều gì sẽ xảy ra “Bạn, một người trần xác thịt, tự đặt mình vào ngai vị đó”.

Nó làm tôi phải suy nghĩ: tôi là người chủ của con thuyền mình, nhưng phải chăng Chúa thực sẵn sàng dẫn dắt tôi? Từ đó, tôi hiểu sâu hơn về thế nào là có sự tương giao với Đức Chúa Trời qua đức tin vào Chúa Giê-xu. Nghe có vẻ khờ khạo khi cầu nguyện về điều này – sau cùng, tôi vẫn còn nghi ngờ về sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Nhưng theo tinh thần bài toán đặt cược của Pascal [A], tôi quyết định làm cuộc thử nghiệm, tin rằng tôi có thể được rất nhiều thứ dù chỉ mất rất ít.

Sau khi cầu nguyện “Thưa Chúa Giê-xu Christ, con xin Ngài hãy là Chủ của cuộc đời con”, thế giới của tôi thay đổi cách mạnh mẽ, như thể một cuộc đời phẳng hẹp với hai màu trắng đen đột nhiên trở nên cao rộng đầy màu sắc. Thực sự, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn để hỏi cả những câu hỏi khó hơn như thế giới hoạt động thế nào. Tôi cảm thấy niềm vui và sự tự do – nhưng cũng cảm thấy một trách nhiệm và thử thách cao hơn.

Học Hỏi Và Khám Phá

Bạn có bao giờ thử cố gắng lắp ráp vật gì đó, và nó chỉ tạm hoạt động? Có thể cái bánh xe xoay được, nhưng không êm xuôi lắm. Rồi bạn nhận ra rằng bạn đang thiếu một món. Khi cuối cùng bạn lắp nó cách chính xác, và nó hoạt động rất tốt. Đó là cách tôi cảm thấy khi tôi trao cuộc sống mình cho Đức Chúa Trời: trước đó tôi nghĩ rằng cuộc sống đó đã tốt, nhưng sau khi nó được “sửa”, nó hoạt động tốt hơn nhiều bậc. Chẳng phải là không có gì xấu xảy ra với tôi – ngược lại là đằng khác. Nhưng trong mọi việc, tốt hay xấu, tôi đều có thể dựa vào sự dẫn dắt, an ủi và bảo vệ của Đức Chúa Trời.

Bây giờ, tôi là giáo sư ở một trường đại học hàng đầu (Massachusetts Institute of Technology – MIT) trong lĩnh vực của mình. Tôi có những đồng nghiệp tuyệt vời giúp biến những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của tôi thành những sản phẩm làm thay đổi đời sống – gồm một đồng hồ thông minh giúp nhân viên điều dưỡng cứu sống nhiều người bị động kinh. Tôi làm việc chặt chẽ với những người có cuộc sống đầy những khó khăn về mặt y tế, những người có con nhỏ ốm yếu. Tôi không có câu trả lời thõa mãn để giải thích tất cả những đau khổ của họ. Nhưng tôi biết có một Đức Chúa Trời vĩ đại và yêu thương đến mức không tưởng tượng được và Ngài sẵn sàng bước vào mối tương giao với tất cả những ai xưng nhận tội lỗi của mình và kêu cầu đến danh Ngài.

Tôi đã từng nghĩ rằng mình quá thông minh để tin vào Đức Chúa Trời. Giờ tôi biết tôi là một kẻ khờ khạo tự cao mà dám lên mặt với tâm trí vĩ đại nhất trong vũ trụ – nhà sáng tạo của mọi lĩnh vực khoa học, toán học, nghệ thuật, và tất cả mọi điều sẽ biết tới. Bữa nay tôi bước đi cách khiêm tốn, sao khi được ân điển mà tôi không xứng đáng nhận. Tôi bước đi trong niềm vui, cùng với người bạn đường tuyệt vời nhất mà một người có thể được, đầu đầy những mong muốn để tiếp tục học hỏi và khám phá.

Rosalind Picard là nhà sáng lập và trưởng Nhóm Nghiên Cứu Khoa Học Máy Tính Và Thần Kinh của Học Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT).

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: ChristianityToday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Ghi chú:

Một Số Điều Rút Ra Từ Câu Chuyện

  • Con người thường hay phản kháng Tin Lành và không muốn tin nhận Đức Chúa Trời vì họ muốn sống đời mình theo ý mình và không muốn Chúa bước vào làm chủ nó. Suy nghĩ này là sai lầm vì khi Chúa làm chủ, Chúa sẽ cho họ một cuộc đời cao rộng đầy màu sắc, có thêm nhiều niềm vui, sự tự do, trách nhiệm và thử thách.
  • Khi bạn chia sẻ Tin Lành, mời ai đó đến Hội Thánh, hay kêu gọi họ đọc Kinh Thánh, bạn chắc chắn sẽ gặp sự phản kháng. Hãy kiên trì, nhưng cũng hãy tế nhị. Có thể bạn cần chọn cách tiếp cận khác phù hợp với tính cách suy nghĩ của họ hơn để họ thoải mái tìm hiểu.
  • Sự uyên bác, thông minh, và tài năng của Cơ đốc nhân cùng một đời sống tốt đẹp hay giúp đỡ người khác sẽ cho họ cơ hội làm chứng cho Chúa, mời họ đến với Hội Thánh và đọc Kinh Thánh.
  • Một bản dịch Kinh Thánh dễ đọc dễ hiểu sẽ giúp người mới biết Chúa hiểu và cảm nhận lời Ngài tốt hơn bản dịch cổ điển truyền thống.
  • Những người thông minh uyên bác thường khó bị thuyết phục bởi đơn thuần kêu gọi tin Chúa hay đi Hội Thánh, nhưng người uyên bác thật sự sẽ thích đọc sách. Hãy thử kêu gọi họ đọc Kinh Thánh, một bản dịch hiện đại dễ hiểu, và bắt đầu bằng quyển sách khôn ngoan như Châm Ngôn. Giáo sư Rosalind Picard đã đọc Kinh Thánh nhiều lần trước khi thực sự tin nhận Chúa và xin Ngài làm chủ đời mình.
  1. Nhiều nhà trí thức lớn như giáo sư Rosalind Picard, Simon Greenleaf (người sáng lập trường Luật Harvard), hay Francis Collins (viện trưởng Viện Nghiên Cứu Gene Con Người Quốc Gia) đã từng là theo chủ nghĩa vô thần, hay tìm hiểu nhiều tôn giáo, và cuối cùng đặt niềm tin ở Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Điều này đúng như Francis Bacon, người đặt ra Phương Pháp Khoa Học,  nói “Thật vậy, một ít khoa học khiến suy nghĩ con người nghiên về hướng vô thần; nhưng khoa học sâu sắc đem suy nghĩ con người đến với Đức Chúa Trời”.
  2. Hãy như giáo sư Rosalind Picard, hãy có nhiều câu hỏi, nhiều nghi vấn, và hãy đọc Kinh Thánh và đến trường Chủ nhật để tìm cho mình câu trả lời. Càng có nhiều câu hỏi và được nhiều câu trả lời, đức tin của ta sẽ càng sâu sắc, vững chắc và mạnh mẽ hơn.
Bình Luận:

You may also like