Sách Khải Huyền là quyển sách đọc thú vị nhất hoặc là quyển sách chán nhất trong Kinh Thánh. Thú vị khi bạn nhìn vào những lời tiên tri đã được ứng nghiệm hoặc chán nản khi bạn bối rối về nghĩa đen là gì, tính biểu tượng là gì, tương lai là gì và quá khứ là gì. Nó có thể cũng là quyển sách gây chia rẽ nhất trong Kinh Thánh bởi các quan điểm khác nhau về cách diễn giải.
Nhưng Giăng, tác giả của sách Khải Huyền của Chúa Giê-xu Christ, nói rằng, “Phước cho người đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy và vâng giữ những điều đã ghi chép trong đó, vì thì giờ đã gần rồi.” (Khải Huyền 1:3)
Làm thế nào để bạn có thể được phước hoặc vui mừng khi đọc sách Khải Huyền? Đó là khi bạn tránh được những sai lầm phổ biến hầu hết mọi người hay gặp phải khi đọc nó – những sai lầm có thể dẫn đến hiểu lầm, sợ hãi, những lời tiên tri sai trật, vỡ mộng, hoang tưởng, hoặc thổi phòng về ngày tận thế. Dưới đây là 10 sai lầm phổ biến mọi người hay mắc phải khi đọc sách Khải Huyền.
1. Không Bắt Đầu từ Phần Đầu
Khi bạn đọc một câu chuyện, bạn có bắt đầu với chương cuối cùng của câu chuyện không? Nhưng đây là những gì mà nhiều người hay làm khi đọc sách Khải Huyền. Họ bắt đầu với phần cuối của quyển sách, thay vì bắt đầu từ phần đầu. Kinh Thánh là một quyển sách gồm 66 sách nhỏ hơn và phần đầu tiên của quyển sách (Cựu Ước) đặt ra giai đoạn, giới thiệu các nhân vật, đưa ra Luật lệ và đưa ra lý do đằng sau sự phát xét của Đức Chúa Trời – và sự giải cứu của Ngài – ở phần cuối cùng của quyển sách. Thông thường, người đọc sách Khải Huyền bỏ qua các phần tham khảo chéo và không nhìn vào bối cảnh đoạn văn Cựu Ước được trích dẫn trong suốt sách Khải Huyền. Chẳng phải tự nhiên mà sách Khải Huyền đầy các chú thích cuối trang dẫn bạn đến với phần đầu sách – các phân đoạn trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, Phục Truyền Luật Lệ ký, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên, và Đa-ni-ên, đây chỉ là một vài cái tên.
Khi bạn đọc sách Khải Huyền, hãy hỏi chính mình rằng “Tại sao Giăng lại trích dẫn Phục Truyền 32:43 trong Khải Huyền 6:10 và 19:2 khi ông nói về huyết của các đầy tớ Ngài? Tại sao Giê-rê-mi 3:1 được trích dẫn khi Giăng nói về Kỹ Nữ hoặc Gái Mại Dâm trong Khải Huyền 17:5-6? Bằng cách quay lại phần đầu của quyển sách và nhìn xem các đoạn văn được trích từ Cựu Ước bạn có thể có được các câu trả lời theo Kinh Thánh, thay vì phỏng đoán, khi nói đến câu hỏi như “Ai là Kỹ Nữ?” và nhiều điểm kích động tranh cãi khác nữa.
2. Quên đi Độc Giả Đầu Tiên
Chúng ta có xu hướng đọc sách Khải Huyền như thể nó được viết cho các Cơ đốc nhân ở thế kỷ 21, để biết tương lai của chúng ta sẽ ra sao. Nhưng sách Khải Huyền của Chúa Giê-xu Christ là một bức thư được viết “gửi cho bảy hội thánh tại A-si-a” (Khải Huyền 1:4) để họ được yên ủi trong sự bách hại mà họ đang chịu đựng và để thêm năng lực cho họ, cũng như cho họ có sự hy vọng vào những gì sắp xảy đến.
Vì thế, mỗi lần bạn thấy từ “anh em” trong một bài ký thuật, bạn phải nhận biết rằng “anh em” đó không có nghĩa đen là bạn. Bức thư này được viết từ nhà tù cho các Cơ đốc nhân bị bách hại trong Thế kỷ Đầu tiên và được gửi đi qua Hệ thống Bưu chính La Mã đôi khi đã sử dụng ngôn ngữ được mã hóa (Khải Huyền 13:18), những người trực tiếp nhận bức thư hoàn toàn có thể hiểu được. Vì vậy, hãy là một người say mê lịch sử. Nắm bắt những gì đang xảy ra trong Thế kỷ Đầu tiên và tại sao những lời này sẽ là lời an ủi đối với họ và tại sao một số mật mã nào đó có ý nghĩa với họ và bỏ đi việc cố gắng đặt chính mình vào bức tranh đó. Bạn có thể áp dụng Lời Chúa sau khi bạn nhìn vào những gì đoạn văn nói bởi tác giả ban đầu gửi đến độc giả đầu tiên. Mô hình cơ bản của Thánh Kinh chú giải học là lần thứ nhất hỏi Đoạn văn này nói gì? Thứ hai, hỏi Điều này có ý nghĩa gì, trong quan niệm của những người nhận được nó và thời điểm mà nó được viết? Câu hỏi thứ ba và cuối cùng là Điều này có ý nghĩa gì với tôi và làm thế nào để tôi áp dụng nó? Sự áp dụng rất quan trọng, nhưng hãy giữ những điều đầu tiên trước nhất. Hãy nhớ đến những người nhận được nó và đọc nó qua con mắt của một Cơ đốc nhân bị bách hại vào Thế kỷ Đầu tiên.
3. Sự Hiểu Lầm về Đĩnh Nghĩa “Những Ngày Cuối Cùng”
Các Cơ đốc nhân ngày này đọc về “những ngày cuối cùng” và họ rất hào hứng. Họ suy nghĩ trong từ của các tiểu thuyết Jenkins/LaHaye và các bộ phim Hollywood và ngay lập tức suy nghĩ đến “ngày tận thế.” Một lần nữa, nếu bạn bắt đầu từ trong Cựu Ước, bạn sẽ hiểu hầu hết các phần tham khảo về “những ngày cuối cùng” – cũng nói đến như “những ngày sau rốt”, và “những ngày hầu đến” – đều nói đến những ngày cuối cùng của Giao Ước Cũ, chứ không phải là ngày tận thế.
Ví dụ, trong Công vụ 2:14-40, Phi-e-rơ bắt đầu bài giảng đầy năng quyền của ông vào ngày ngày Hội thánh đầu tiên được thành lập bằng cách trích dẫn Giô-ên 2:28-32 ông nói “Trong những ngày sau cuối…” Đây có phải là bài giảng liên quan chính xác vào Ngày Bắt Đầu Hội Thánh Cơ Đốc Đầu Tiên, hay Phi-e-rơ đang nói về ngày tận thế khoảng hơn 2000 năm sau? Nhưng khi bạn nhận ra bài giảng đó đang nói đến những ngày cuối cùng của Giao Ước Cũ mà Chúa đã lập với dân Y-sơ-ra-ên, thì đột nhiên hiểu được rằng Phi-e-rơ đang cho Cơ đốc nhân đầu tiên hiểu về ngày đó, đúng vậy, sự kết thúc của Giao Ước Cũ cuối cùng đã xảy đến với họ và Giao Ước Mới đã được mở ra. Giao Ước Mới là Chúa Giê-xu – Đấng Mê-si-a được chờ đợi từ rất lâu – Đấng đã bị giết và sau đó sống lại từ cõi chết “Đức Chúa Jêsus nầy, Đấng mà anh em (hãy nhớ liên hệ đến độc giả) đã đóng đinh trên thập tự giá, đã được Đức Chúa Trời tôn làm Chúa và Đấng Christ.” Nhân tiện, thành ngữ Cựu Ước và Tân Ước là một cách nói khác của Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới. Hiểu biết về ý nghĩa của nhiều cách sử dụng khác nhau của “những ngày cuối cùng” xuyên suốt Kinh Thánh và bạn sẽ hiểu hơn về sách Khải Huyền.
4. So Sánh Kinh Thánh với Các Tiêu Đề Tin Tức, Mạng xã hội, hoặc Truyền Thống
Nếu bạn đọc sách Khải Huyền và so sánh nó với các dòng tiêu đề tin tức trên bản tin buổi tối hoặc truyền thông xã hội, thì bạn sẽ có một ý tưởng hoàn toàn lệch lạc về sách Khải Huyền. Tương tự như vậy, nếu bạn đọc nó với bộ phim khải huyền mới nhất trong tâm trí, hoặc hình ảnh trong đầu của bạn từ bộ tiểu thuyết Left Bihind (Bị Bỏ Lại), thì bạn sẽ đọc được những thứ không được nhắc đến.
Đừng so sánh Kinh Thánh với các dòng tiêu đề tin tức hoặc các bộ phim hoặc niềm tin lâu đời có được từ những gì bạn đã nghe trong Trường Chúa Nhật khi còn là một đứa trẻ. Hãy so sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh (Cả Kinh Thánh Cựu và Tân Ước) và bạn sẽ khám phá những gì thực sự là Kinh Thánh và những gì chỉ đơn giản là phỏng đoán, truyền thống, hoặc sự thổi phồng từ các sự kiện đương thời.
5. Hiểu Biểu Tượng theo Nghĩa Đen
Đúng, bạn tin Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen. Tôi cũng vậy. Nhưng một số phần của sách Khải Huyền (và Kinh Thánh, cũng vậy) có nghĩa mang tính biểu tượng, không phải theo nghĩa đen. Khi Giăng nói “Tôi thấy một ngôi sao từ trời rơi xuống đất; ngôi sao ấy được trao cho chìa khóa của vực sâu.” (Khải Huyền 9:1) ông chắc chắn không nói về một ngôi sao theo nghĩa đen đang rơi xuống từ trên trời và được trao cho một chìa khóa. Đây là một biểu tượng ám chỉ đến Sa-tan trong Ê-xê-chi-ên 28.
Cũng giống như vậy, khi Giăng nói trong Khải Huyền 9:16-17 rằng 200 triệu kỵ binh có đầu như sư tử, lửa và khói và lưu huỳnh ra từ miệng chúng sẽ xếp hàng trong Thung Lũng Ha-ma-ghê-đôn để giết một phần ba loài người, đây cũng là một biểu tượng của một trận chiến lớn nhưng rất có thể không phải là 200 triệu chiến binh giống như quỷ gắn trên ngựa giống như cỗ máy trong Terninator hoặc Transformers! (Kẻ Hủy Diệt hoặc Rô-bốt Đại Chiến) Biết được sự khác biệt giữa chuyện thuật lại, phần được đọc trong nghĩa đen, và các phần về ngôn ngữ tiên tri và khải thị, phần được đọc trong nghĩa mang tính biểu tượng.
(Còn tiếp)
Dịch: Nau Puih
Nguồn: Crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
10 Sai Lầm Phổ Biến Mọi Người Hay Mắc Phải Khi Đọc Sách Khải Huyền – Phần 2