Home Dưỡng Linh Cô Đơn Làm Bạn

Cô Đơn Làm Bạn

by Desiringgod.org
30 đọc

Trong khi phần lớn nhiều người sẽ nhớ đến năm nay vì một loại vi-rút, những người khác thì nhớ đến đại dịch cùng cảm xúc của việc cách ly và giãn cách xã hội. Hiệu ứng này trong tấm lòng con người là một loại cảm xúc mà chúng ta gọi là cô đơn. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 44% số người được hỏi cho biết họ đang cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Khắp nơi đều đóng cửa, dẹp bỏ, và lệnh phải ở nhà, không lạ gì khi họ cảm thấy như vậy.

Chín năm ­­­về trước, khi tôi ở tầm 40 tuổi và vẫn độc thân. Là mục sư quản nhiệm tại một Hội-thánh lớn, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh những con người này. Và về lại căn nhà yên tĩnh vào mỗi đêm. Tôi không chỉ cô đơn trong đám đông, mà còn cả trong chức vụ chăn bầy. Vào thời điểm đó, tôi đã viết một bài báo nói về những ngày tháng cô đơn không mong muốn đó đã dạy tôi những gì về Đức Chúa Trời. Tôi đã nghe từ nhiều độc giả rằng họ cũng có cùng trải nghiệm này giống như tôi. Có độc giả là một phụ nữ độc thân ở thành phố Kansas. Chúng tôi có những người bạn chung, họ đã gởi cho cô ấy bài viết đó. Một năm sau, chúng tôi kết hôn.

Cả thập kỷ vừa qua đã cho phép tôi suy nghĩ về sự cô đơn nhiều hơn qua tình trạng độc thân trong một thời gian dài của mình, còn bây giờ là qua nhiều năm kết hôn và việc nuôi dạy con cái. Tôi có còn cô đơn không? Vâng, và tôi vui vì mình vẫn như vậy.

Vui mừng khi  cô đơn

Bạn có vui khi bạn cảm thấy cô đơn? Vâng. Thật nhẹ nhõm khi biết rằng tôi được tạo dựng cho những điều còn to lớn hơn là một người vợ và những đứa con. Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng Chúa Giê-xu cũng thường đảo ngược quan điểm của những con người bình thường như chúng ta khi Ngài giảng dạy. Tăng trưởng trong đức tin là một nghệ thuật của việc đổi mới và tái định hình đời sống, các giá trị và những trải nghiệm mà Chúa đã định cho.

Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến một đại dịch khác của nhân loại, đại dịch của sự cô đơn. Hiển nhiên,  cô đơn là hậu quả của tội lỗi. A-đam và Ê-va được tao dựng cho sự hòa hợp trọn vẹn với Đức Chúa Trời và với nhau. Tội lỗi đem đến sự xa cách từ hai phía. Khi Chúa hỏi A-đam, “Ngươi ở đâu?” (Sáng-thế ký 3:9), điều mà A-đam cảm nhận được từ bên trong là một khoảng cách và phản ứng lại cách đau thương: “Chúa ơi, Ngài ở đâu?” Giống như A-đam, chúng ta thường không biết quý trọng những gì chúng ta có cho tới lúc bị mất đi tất cả. A-đam đã cảm nhận được nỗi đau đớn dâng trào của sự trống rỗng đến cùng cực; sự hòa hợp với Đức Chúa Trời đã không còn nữa. Trò chơi đổ lỗi cho hôn nhân của A-đam và Ê-va đã nhanh chóng cho thấy sự hòa hợp với nhau cũng đã không còn (Sáng-thế ký 3:12-13).

Tội lỗi hình thành sự cô đơn, nhưng chúng ta phải biết rằng bản chất của cô đơn không phải là tội lỗi. Trên thực tế, sự cô đơn có thể được coi là một ân điển lớn lao. Khi được hiểu một cách đúng đắn, nó có thể là bạn hay người hướng dẫn của chúng ta.

Trũng cô đơn

Sự khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn ngược lại về sự cô đơn và phản ứng với nó cách đúng đắn. Trong vài thập kỷ, tôi sống một mình, nỗi cô đơn của tôi dường như không giống một người bạn, mà giống như một kẻ thù. Nó nhắc tôi nhớ về quá khứ thất bại trong những mối quan hệ — những mối quan hệ mà tôi ngỡ rằng sẽ mang cảm giác đau buồn này đi. Trong sự cô đơn đó có mối nguy hiểm rình rập: nếu cô đơn không thể là bạn, thì nó sẽ là kẻ hủy diệt đời sống chúng ta. Chúng ta đều biết những người tự cô lập mình chính là đang tự đối phó với tình trạng trống vắng hoặc đau buồn (Châm-ngôn 18:1). Đối với họ, sự cô đơn trở thành một hẻm núi để sống lại đó thay vì một thung lũng để đi qua.

Trong khi sự cô đơn của những người sống ẩn dật trong xã hội thường rất dễ thấy, thì tình trạng chung của hầu hết chúng ta là đều sống trong những mối quan hệ bất ổn, hy vọng ai đó đến để mang nỗi cô đơn của chúng ta đi. Theo Henry David Thoreau, hầu hết con người ta sống cuộc đời tuyệt vọng lặng lẽ. Trong đại dịch này, sự tuyệt vọng thầm lặng trong hầu hết các gia đình thậm chí còn cô độc hơn nữa.

Làm sao để tiếp nhận sự cô đơn

Cô đơn là một phần của kiến trúc bên trong những tạo vật mang hình ảnh như chúng ta. Nó hoạt động giống như những bộ cảm biến trong xe hơi để báo cho chúng ta biết khi thiếu thứ gì đó – dầu trong động cơ hoặc khí trong bánh xe. Chúng ta được tạo dựng cho Đức Chúa Trời và cho nhau.

Trong tạo vật sa ngã này, không có mối quan hệ nào của con người có thể thỏa mãn mong muốn của chúng ta một cách trọn vẹn. Dựa vào khả năng của chúng ta để được thỏa mãn trong Chúa hoàn toàn cũng là bất khả thi. Vì tội lỗi ẩn giấu bên trong, nên sự cứu chuộc của chúng ta không được trọn vẹn vì chúng ta phải chờ để nhận được thân thể vinh hiển và niềm vui đầy trọn trong sự hiện diện của Chúa (Thi-thiên 16:11; 21:1). Cho đến chừng đó, bất kể tình trạng hôn nhân, mối quan hệ bạn bè, sự gần gũi với con cháu có tốt đẹp như thế nào đi nữa, thì chúng ta vẫn luôn cảm thấy cô đơn theo cách nào đó. Khi còn là một người độc thân hay đã kết hôn được một thời gian, lúc chưa có con cũng như khi đã có, với một cộng đồng hội thánh lành mạnh và những người bạn thân yêu, lời khuyên của tôi là hãy xem sự cô đơn của đời này như một món quà từ Chúa.

Giống như khi đói phải ăn, khi khát phải uống, sự cô đơn thôi thúc chúng ta tiến tới một mối quan hệ sâu sắc và chân thực hơn với Chúa và với người khác. Nó kéo chúng ta ra khỏi lực hấp dẫn của việc chỉ sống cho bản thân và hướng chúng ta tới việc quên đi chính mình và xả thân vì người khác. Thay vì chán ghét sự cô đơn, nếu chúng ta xem nó như một sự khích lệ được Chúa đặt để cho sự phát triển của con người, thì nó sẽ là một phước lành cho chúng ta (Công-vụ 20:35).

Nếu tôi có thể nói với bản thân mình lúc còn độc thân, rất bức bối khi phải ở nhà một mình trong ngày lễ, tôi sẽ nói thế này, “anh đang đặt quá nhiều hy vọng vào những gì mà một người vợ và gia đình có thể đem lại rồi đấy.” Tôi hạnh phúc khi kết hôn. Tôi thích việc làm bố. Nhưng nếu chúng ta nghĩ những mong đợi của mình sẽ được đáp ứng chỉ khi chúng ta có được người này hoặc mối quan hệ kia, chúng ta sẽ phản ứng lại với cảm giác cô đơn bằng sự cô lập tai hại và tuyệt vọng.

Hãy để nỗi đau trở thành động cơ thúc đẩy bạn

Sự cô đơn gây tổn thương. Chúa khắc ghi những lời nhắc nhở gây cảm giác đau nhói như kim châm để nhắc chúng ta nhớ rằng sự hòa hợp với Ngài và với mọi người thật tuyệt vời dường bao. Nỗi đau là thước đo của sự mất mát. Không phải mọi nỗi đau đều xấu. Khi tôi tập thể dục, cơn đau cho tôi biết tôi đang làm điều gì đó tốt cho tôi. Nên nó là cơn đau có lợi. Sự cô đơn cũng có thể là một nỗi đau mang lại lợi ích nếu chúng ta nhìn nhận đúng về nó. Điều đó giống với cái gì?

Cô đơn hình thành năng lượng nội tại. Tôi có thể sử dụng năng lượng đó để nghiền ngẫm hoặc không bằng lòng vì sự cô đơn của mình. Hoặc tôi có thể tận dụng năng lượng đó để vươn ra bên ngoài. Điều này đòi hỏi sự kỷ luật và tiết độ vì xác thịt thúc giục tôi phản ứng lại bằng cách tự hủy hoại chính mình. Cơ-đốc nhân được ban phước, bởi sự hiệp nhất với Đấng Christ và quyền năng từ bên trong của Đức Thánh Linh, để chống cự ham muốn của xác thịt muốn biến sự cô đơn thành vũ khí (Rô-ma 6:4; Ga-la-ti 5:16-17).

Chúng ta thực sự có thể biến sự cô đơn thành vũ khí phục vụ cho sự thay đổi tích cực trong đời sống của mình.

Biến cô đơn thành mong đợi

Trãi qua nhiều năm độc thân, tôi thường tự cho rằng nỗi đau từ bên trong mà tôi luôn cảm thấy là bởi vì tôi chỉ có một mình. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng có một sự khác biệt lớn giữa việc ở một mình và cảm thấy cô đơn.

Một mình là bài toán thực tế giống như một cộng không. Khi bạn ở một mình và cảm thấy cô đơn, bạn dễ dàng tin rằng người phối ngẫu, gia đình hay Hội-thánh sẽ mang nỗi cô đơn này đi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân tôi thì dội lại một lẽ thật rằng 1 + 1 không đồng nghĩa với việc không có cảm giác cô đơn. Ân điển chung của hôn nhân, gia đình, tình dục và con cái thì rất hữu ích cho chúng ta để đối diện với những tranh chiến hàng ngày. Nhưng ngay cả những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của hôn nhân và việc nuôi dạy con cái cũng như  tình bằng hữu tốt đẹp thì vẫn luôn thiếu một thứ gì đó; khoảnh khắc hòa hợp trôi qua nhanh chóng. Cảm giác ấm áp của sự quan tâm cũng sớm vụt qua. Mối quan hệ con người khi lên khi xuống. Ngay cả khi họ thể hiện yêu thương bằng hết sức mình, chúng ta cũng cảm thấy thiếu vắng một thứ gì đó.

Vì lý do này, chúng ta nên vui mừng. Chúng ta nên mừng rỡ khi nhận ra rằng điều tốt nhất trên đời sẽ khiến chúng ta mong muốn một điều gì đó nhiều hơn, lâu dài hơn và tốt đẹp hơn. Những tặng phẩm trên đất dù có tuyệt vời đến đâu, thực tế là chúng không thỏa mãn lời hứa của Đức Chúa Trời và thỏa mãn chúng ta mãi mãi. Niềm vui của chúng ta trong Chúa và với mọi người sẽ tuyệt hơn, sâu sắc hơn và hiển nhiên là hạnh phúc hơn (Phi-líp 1:23). Mỗi cảm giác cô đơn trên đất là sự xác nhận từ bên trong rằng niềm vui lớn đang ở trước mắt. Vì không có được ở đây nên khiến cho tấm lòng phải mong ngóng.

Điều này không làm giảm đi nỗi đau của sự cô đơn, nhưng nó đảm bảo với chúng ta rằng nỗi đau này chỉ là một phần của thế gian tạm bợ và sớm qua đi (I Phi-e-rơ 1:24-25). Tương lai chúng ta hoàn toàn không có sự cô đơn và được dẫy đầy trong mối quan hệ trọn vẹn vượt trên những gì chúng ta có thể suy tưởng. Lần sau nếu như sự cô đơn lại xuất hiện, hãy cảm tạ Chúa vì cảm giác cô đơn nhắc nhở ta cách mạnh mẽ về những sự vinh hiển đang ở phía trước cùng với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sống trong thế giới sa ngã, chúng con phải chấp nhận cách vui vẻ những khiếm khuyết trong đó có sự cô đơn. Xin nhắc nhở chúng con rằng Chúa là niềm an ủi qua mọi thế hệ, để dù trong hoàn cảnh nào chúng con cũng hướng về Ngài với lòng biết ơn và nói rằng “có Giê-xu phần tôi thỏa rồi”. Amen!

Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like