Home Dưỡng Linh Thánh Thi 5:1-3: Tìm Cầu Chúa

Thánh Thi 5:1-3: Tìm Cầu Chúa

by Ân Điển
30 đọc

Chúa ôi, xin lắng nghe những lời con cầu xin;
Xin đoái đến những lời con than thở kêu cầu.
Ôi Vua của con và Ðức Chúa Trời của con, xin nghe tiếng con kêu cầu,
Vì con cầu nguyện với Ngài.

Chúa ôi, sáng sớm xin Ngài nghe tiếng con;
Hừng sáng con trình duyên cớ của con lên Ngài, rồi trông đợi. (
Thánh Thi 5:1-3)

Chỉ trong 3 câu Kinh Thánh đầu của Thánh Thi 5, chúng ta có đến 6 cách nói khác nhau để chỉ sự cầu nguyện: Cầu nguyện được diễn tả là những lời cầu xin, lời than thở trong lúc kêu cầu, tiếng con kêu cầu, con cầu nguyện với Ngài, tiếng của con, duyên cớ của con. Qua những cách nói nầy, chúng ta biết được đời sống cầu nguyện rất phong phú của tác giả Đa-vít.

Xin Chúa lắng nghe những lời con cầu xin, người cầu nguyện là người đến với Chúa để dâng lên những nhu cầu của mình. Chúa là đối tượng lắng nghe điều mình đang nói. Lời nói chúng ta là phương tiện để chuyển tải nhu cần của mình cho Đấng Chí Cao. Cầu nguyện là mệnh lệnh kèm theo phước hạnh và sự trả lời:

Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho. Ta sẽ tỏ cho con những việc lớn và khó, là những việc con chưa từng biết (Giê-rê-mi 33:3).

Hãy xin, sẽ được. Hãy tìm, sẽ gặp. Hãy gõ cửa, sẽ mở cho (Ma-thi-ơ 7:7).

Xin đoái đến những lời con than thở kêu cầu, lời cầu nguyện của chúng ta có khi vì gánh nặng mà trở thành những lời than thở. Có ai có thể hiểu thấu những thở than không nói ra được của chúng ta cho bằng Đức Thánh Linh. Nhờ Đức Thánh Linh, chúng ta cầu nguyện không những chỉ bằng lời nói mà còn bằng tâm thần. Chúa biết hết tất cả những tư tưởng của con người, Chúa đang đọc những lời cầu nguyện trong lòng của bạn, của tôi, của hết thảy những ai mang tấm lòng nặng trĩu đến với Ngài. Có người cầu nguyện kêu khóc lớn tiếng. Có người cầu nguyện trong thầm thì với giọt lệ tuôn rơi. Có người chẳng thể nói được lên điều mình muốn nói. Hãy tin rằng Chúa yêu bạn và Ngài đang đoái thương. Ôi, thật mầu nhiệm và kỳ diệu vì chúng ta đến với Chúa trong sự tin cậy rằng Ngài đoái đến chúng ta. Con là ai mà được Chúa đoái đến? Chúng ta là gì mà được Chúa rủ lòng thương… đến cả những tư tưởng thầm kín đang kêu xin, than thở trong lòng.

Ôi Vua của con và Ðức Chúa Trời của con, xin nghe tiếng con kêu cầu, vì con cầu nguyện với Ngài. Lời kêu cầu và sự cầu nguyện của Đa-vít là lời thỉnh cầu của một thần dân đến với vua của mình. Vua là người cai trị cao nhất trong một đất nước. Đa-vít cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên, nhưng Đa-vít cầu nguyện với Vua muôn vua, Đấng cai trị toàn nhân loại và cả vũ trụ bằng uy quyền của Đấng sáng tạo. Khi gặp sự bất công, gặp những điều oan trái, chúng ta có đến với Vua của mình để bày tỏ tất cả chăng? Đấng cai trị cả nhân loại bằng sự công chính và tình yêu vĩ đại của Ngài sẽ bênh vực bạn. Thưa anh em yêu dấu, đừng tự tay mình báo thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có lời Chúa phán: “Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng” (Rô-ma 12:19). Có sự báo trả nào hoàn chỉnh cho bằng sự báo trả của một vị Vua công minh và là Đức Chúa Trời đang tể trị trên toàn thể vũ trụ, Đấng xứng đáng để chúng ta thờ lạy và tôn cao.

Chúa ôi, sáng sớm xin Ngài nghe tiếng con, tác giả Đa-vít đến với Chúa vào lúc sáng sớm để cầu nguyện. Chúa Giê-xu yêu quí của chúng ta thức dậy khi trời còn tờ mờ và ra nơi vắng vẻ để cầu nguyện (Mác 1:35).

Thói quen cầu nguyện là thói quen của các thánh nhân. Martin Luther, nhà cải chính Cơ đốc nhân vào thế kỷ 15 ở Đức nói: “Nếu mỗi sáng tôi không cầu nguyện 2 giờ, thì ma quỉ chiến thắng cả ngày. Tôi bận rộn nhiều cho đến nỗi nếu không bỏ ra ba giờ mỗi ngày để cầu nguyện thì tôi không thể tiếp tục làm việc được.“ John Wesley, người sáng lập ra phong trào Giám Lý ở Anh Quốc vào thế kỷ 18 dành ra 2 giờ đồng hồ mỗi ngày để cầu nguyện. Ông bắt đầu cầu nguyện lúc 4 giờ sáng. Một người biết rất rõ về Wesley viết về ông như thế nầy: “Wesley nghĩ rằng cầu nguyện là công việc mình cần làm nhiều hơn bất kỳ một thứ gì khác, và tôi từng thấy Wesley ra khỏi nơi kín nhiệm với vẻ thanh tịnh gần như ngời sáng trên gương mặt.“[1] Và nhiều người hầu việc Chúa, con dân Chúa đến ra mắt Chúa vào buổi sáng. Vua Đa-vít, Chúa Giê-xu, Martin Luther, John Wesley… chắc hẳn có nhiều lý do để không cầu nguyện vì công việc bận rộn lôi kéo. Quý anh chị em và tôi có bận rộn nhiều đến nỗi không có sự cầu nguyện buổi sáng, hay có… nhưng chỉ qua loa? Xin Chúa cho chúng ta càng bận rộn thì càng dành nhiều thì giờ để cầu nguyện.

Hừng sáng con trình duyên cớ của con lên Ngài, rồi trông đợi. Có những người cầu nguyện rồi không trông đợi! Cầu nguyện là thái độ của lòng tin và chờ đợi Chúa trả lời và cũng là biểu hiện của lòng tin. Chúng ta thường không kiên nhẫn và muốn giải quyết ngay nan đề của mình bằng mọi cách. Đây là bi kịch của đời sống Cơ đốc nhân. Cách giải quyết của chúng ta có khi không phải là ý Chúa. Cách làm của Chúa không giống cách làm của con người. Tại sao cầu nguyện rồi nhưng không tin rằng Chúa sẽ tỏ cho mình những việc lớn và khó như trong Giê-rê-mi 33:3? Người kiên nhẫn trông đợi Chúa là người luôn được sự hân thưởng dồi dào từ Ngài. Đa-vít được lên làm vua của Y-sơ-ra-ên mà không cần phải giết chết Sau-lơ hay làm một hành động lật đổ Sau-lơ, dù có những cơ hội bày ra trước mắt. Sự trả lời của Chúa luôn tuyệt vời hơn tất cả những cách làm của con người. Và có khi, bạn ơi, nói không cũng là một cách trả lời của Ngài. Chúa nói không bởi vì Ngài thấy rõ tương lai nhiều hơn chính bạn. Xin Chúa cho chúng ta có thể nói như Gióp: “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài“ (Gióp 13:15, BTT).

Lời cầu nguyện cho hôm nay:

Lạy Chúa, Ngài là Vua của con và Đức Chúa Trời của con. Xin cho con tập có được thói quen đến với Chúa mỗi sáng sớm, dành riêng cho Chúa thì giờ tốt nhất trong ngày. Xin cho con có đời sống cầu nguyện phong phú như Đa-vít, như Chúa Giê-xu, như các thánh nhân. Xin cho con biết bày tỏ lòng tin cậy nơi Ngài qua sự cầu nguyện cũng như qua sự trông đợi. Amen

Ân Điển

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com


[1] Trích dẫn Năng Quyền Do Cầu Nguyện, bản dịch của Nguyễn Tín Nhân

Bình Luận:

You may also like