Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 7: Đối Phó Với Sự Cám Dỗ

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 7: Đối Phó Với Sự Cám Dỗ

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 4:1-11

1Bấy giờ, Đức Thánh-Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng-vắng, đặng chịu ma-quỉ cám-dỗ. 2Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. 3Quỉ cám-dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. 4Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.
5Ma-quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền-thờ, 6và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng:
Chúa sẽ truyền các thiên-sứ gìn-giữ ngươi, thì:
Các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay,
Kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng.
7Đức Chúa Jêsus phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.
8Ma-quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy; 9mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy. 10Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ-phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi. 11Ma-quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên-sứ đến gần mà hầu việc Ngài.

Lời ngỏ: Khi được tạo dựng nên từ lúc ban đầu, con người đã được Đức Chúa Trời ban cho một đặc quyền là sự tự do. Con người có quyền để chọn lựa giữa việc làm điều tốt và làm điều xấu. Từ những trang đầu của Kinh Thánh cho ta thấy con người (tức A-đam và Ê-va) luôn mang trong mình ước muốn làm chủ, tự ý định đoạt điều mình muốn. Và khi lòng ham muốn bị con rắn kích thích, xúi giục, con người đã phạm tội. Như vậy, sự xấu và sự cám dỗ bắt nguồn từ cả bên trong lẫn bên ngoài con người. Đôi khi nó xuất phát do nhu cầu tự nhiên, do tình cờ, do bị xúi giục, nhưng đôi khi cũng do con người tự tìm lấy. Sự nguy hiểm là ở chỗ con người rất dễ bị lôi cuốn bởi những lời lẽ đường mật ngon ngọt từ sự dụ dỗ của ma quỷ khiến cho con người tưởng tượng, thêu dệt thêm nhiều lợi ích giả tạo. 

Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời thần linh mặc lấy xác thịt con người, và Ngài cũng là con người hoàn toàn. Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa được miễn trừ khỏi sự cám dỗ.  Thật ra Chúa còn chịu nhiều cám dỗ kinh khủng hơn cả chúng ta trong mọi phương diện của đời sống. Trong Ngài cũng có sự giằng co giữa việc nên làm điều tốt hay điều xấu, nhưng chưa ai tìm thấy được Đức Chúa Giê-xu đã phạm một lỗi lầm nào hay đã mắc phải một cám dỗ nào khi Ngài ở trên đất.
Nghĩa nguyên gốc của từ “cám dỗ” là “để đưa vào thử nghiệm.” Đức Chúa Trời có một mục đích để cho phép Chúa Giê-xu và hết thảy con người chúng ta chịu sự thử nghiệm. Trong vai trò là Chúa Cứu Thế của cả nhân loại, Chúa Giê-xu phải chịu cám dỗ giống như con người chúng ta nhưng Ngài không hề mắc vào sự cám dỗ đó thì mới có thể cứu những kẻ bị cám dỗ như lời của thư tín Hê-bơ-rơ đã chép. Vì thế, sau khi chịu báp-têm, Ngài đã kiêng ăn trong suốt 40 ngày đêm, sau đó “Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Giê-xu đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ” (4:1) Vì vậy, khi chúng ta được đưa vào thử nghiệm và chịu nhiều thử thách trong những hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giê-xu thấu hiểu và đồng cảm như một người đã trải qua những thử nghiệm tương tự và có thể đắc thắng.
Chúa Giê-xu chịu cám dỗ chẳng những để hoàn thành sứ mạng cứu rỗi nhưng cũng để làm gương cho chúng ta và giúp chúng ta vượt qua cám dỗ vì Đức Chúa Trời đảm bảo cho chúng ta rằng thầy tế lễ thượng phẩm Giê-xu có thể cảm thông với chúng ta trong chính mọi sự yếu kém và yếu đuối của chúng ta (Hêbơrơ 4:15)  “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta,song chẳng phạm tội.” Điểm quan trọng hơn hết là bất chấp những cám dỗ khác nhau, Đức Chúa Giê-xu đã không phạm tội.  Chúng ta cùng xem ba cám dỗ trong đồng vắng của Chúa Giê-xu là những vấn đế gì trong nỗ lực của Sa-tan nhằm cám dỗ lòng trung thành của Ngài với Đức Chúa Trời.
1) Sự mê tham của xác thịt “hóa đá thành bánh”, trong đó bao gồm mọi cách thức của những ham muốn vật chất. Chúa của chúng ta đang đói, và ma quỷ cám dỗ Ngài để hóa đá thành bánh, nhưng Ngài trả lời bằng cách trích dẫn Phục Truyền 8:3 “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” Trong cám dỗ này Chúa muốn khẳng định rằng Ngài cần vâng phục Đức Chúa Trời hơn là cần thức ăn. Vâng phục Đức Chúa Trời là cách để đáp trả với sự cám dỗ này.
(2) Sự kiêu ngạo của đời “nhảy từ nóc đền thờ xuống”: ở đây ma quỷ cố gắng sử dụng một đoạn Kinh Thánh trong Thi Thiên 91:11-12 để thách thức Chúa sử dụng uy quyền của Đức Chúa Trời tự bảo hộ chính Ngài khi nhảy từ nóc đền thờ xuống, nhưng Chúa đã đáp lại bằng Kinh Thánh đối ngược trong Phục Truyền 6:16 “Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” thật sai lầm nếu Ngài lạm dụng quyền hạn của chính Ngài để đáp trả với sự thách thức này mặc dù Chúa biết Đức Chúa Trời sẽ luôn chăm sóc và gìn giữ Ngày. Tin cậy Đức Chúa Trời là vấn đề của sự cám dỗ này.
(3) Sự mê tham của mắt “được các nước thế gian”:  ma quỷ đưa ra một phương cách để nhanh chóng trở thành Vị Cứu Tinh bằng việc bỏ qua sự khổ nạn và sự đóng đinh theo chương trình đã định của Đức Chúa Trời. Ma quỉ đang kiểm soát trên các nước của thế gian và nó hứa dâng tất cả mọi thứ cho Đấng Christ để đổi lấy sự trung thành của Ngài với Đức Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-xu đã trả lời mạnh mẽ, “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Phục Truyền 6:13) Thỏa mãn tham vọng cá nhân chính là vấn đề của sự cảm dỗ này.

Bài học áp dụng: Chúng ta học được gì từ phản ứng và cách Chúa đối phó với những cám dỗ để chúng ta có thể áp dung? Bí quyết để Chúa đánh bại những cám dỗ của Sa-tan đó là Ngài dùng Lời Đức Chúa Trời. Những thế lực của cái ác đến với chúng ta với vô số cám dỗ, nhưng tất cả chúng đều có chung ba điểm cốt lõi: mê tham của mắt, mê tham của xác thịt, và sự kiêu ngạo của đời (1 Giăng 2:16). Chúng ta chỉ có thể nhận biết và chống lại những cám dỗ bằng cách bão hòa tấm lòng và tâm trí của chúng ta với lẽ thật. Áo giáp của một người lính Cơ Đốc trong cuộc chiến tâm linh chỉ có một thứ vũ khí tấn công, tức là cầm gươm của Thánh Linh là Lời của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:17). Sự hiểu biết Kinh Thánh cách sâu nhiệm chính là thanh kiếm ở trong tay của chúng ta và cho phép chúng ta chiến thắng được mọi cám dỗ.  Có rất nhiều cám dỗ mà chúng ta rơi vào bởi vì bản chất xác thịt của chúng ta là yếu đuối, nhưng chúng ta có một Đức Chúa Trời sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức những gì chúng ta có thể chịu đựng; Ngài sẽ mở ra cho một lối thoát như lời Kinh Thánh trong 1 Cô-rinh-tô 10:13. Do đó chúng ta có thể chiến thắng và cảm tạ Chúa vì giải thoát chúng ta khỏi sự cám dỗ. 

Cầu nguyện: 
Lạy Thiên Phụ từ ái của chúng con!
Cảm tạ ơn Chúa qua sự chịu cám dỗ Chúa Giêxu trong đồng vắng giúp chúng con nhìn thấy được những vấn đề cốt lõi mà ma quỷ thường hay đến cám dỗ chúng con, Ngài cũng đã để lại cho chúng con về gương mẫu đắc thắng cám dỗ của Ngài.
Xin Chúa ban thêm ơn cho con có sự yêu mến Lời Chúa qua việc đọc, học, và suy ngẫm Lời Kinh Thánh mỗi ngày để sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng sự cám dỗ của ma quỷ đang rình mò xung quanh chúng con. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like