Home Tôi Viết Tùy bút: CHO ĐẾN MỘT CHIỀU THU – Phần 1: Tưởng Nhớ Ông Mục Sư Nguyễn Văn Chờ

Tùy bút: CHO ĐẾN MỘT CHIỀU THU – Phần 1: Tưởng Nhớ Ông Mục Sư Nguyễn Văn Chờ

by Hồ Galilê
30 đọc

(Bài viết hưởng ứng lời kêu gọi gửi lời chứng đến Hoithanh.com. Bài viết cũng là những dòng suy tưởng và những cảm xúc chân thật về ông bà cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ – Quản nhiệm HTTL Trường An – Đại Lộc – Quảng Nam từ năm 1994 đến 2002 – từ tác giả Hồ Xuân Được.)

…Một buổi chiều trôi đi thật chậm chạp, bầu trời đầy mây đen xám xịt với những cơn mưa không lớn nhưng cũng đủ làm ướt áo kẻ qua đường. Ở cái dải đất miền trung eo hẹp nầy thời tiết thật khắc nghiệt, mùa khô hạn thì nắng rát da, nóng hầm hập ngột ngạt vô cùng, còn mùa mưa thì bão lũ tai ương…
Thời khắc nầy đã vào thu, ở đây không có không khí man mác của cái dáng thu buồn trong thơ văn miêu tả, không bâng khuâng luyến nhớ như bao chiều xa vắng, và thật cũng ít có cảm giác hoài niệm miên man…Thế nhưng nơi đây vẫn ắp đầy những chiếc lá vàng rơi rụng, những cành hoa giấy đủ màu tươi thắm, những tiếng ve sầu của mùa hạ cuối vẫn còn râm ran đây đó, những cánh đồng còn trơ lại gốc rạ với những con diều no gió bay cao vời vợi, làn khói lam chiều bay ra từ những mái nhà thơ mộng của cái làng quê êm ả. Những cơn mưa rào đổ xuống ầm ầm như thác lũ, nước mênh mông đầy ắp cả sân đường, lũ trẻ con trần truồng chạy đây đó rong chơi đuổi bắt với những chiếc thuyền giấy mong manh dập dềnh trên dòng nước chảy, rồi cũng có những cơn mưa trầm tịch rã rích suốt đêm, tiếng quốc ai oán vọng về theo nhịp thở của non sông…
Xuân Được ngồi một mình … anh hồi tưởng 19 năm về trước…
Cũng vào lúc bước vào mùa thu khi mà hoa sữa cuối mùa vẫn ngọt ngào tỏa lan đây đó… nắng vàng dịu ươm màu cỏ úa ngả dài theo những tán lá bàng trước sân nhà thờ Trường An năm ấy… Thầy cô Truyền đạo Nguyễn Văn Chờ về nhận nhiệm sở, với chức vụ đầu tiên còn biết bao ngỡ ngàng, xa lạ và lo lắng…
Việc đầu tiên của tôi tớ Chúa là ổn định lại tất cả các sinh hoạt của Hội Thánh, và rồi Chúa đã thương xót những năm tháng trong chức vụ vô cùng gian lao thử thách nhưng với lòng nhiệt huyết của thầy cô nên Hội thánh Chúa phát triển không ngừng ngoài sự cầu xin và suy tưởng…

Sau đây là một vài kết quả khiêm tốn mà tôi là Thư ký có được trong những ngày tháng ấy như sau:
Trường Chúa nhật có 8 lớp:
1- Lớp các ông các bà
2- Lớp Trung tráng niên
3- Lớp Thanh niên
4- Lớp Thiếu niên
5-Lớp Thiếu nhi 1
6- Lớp Thiếu nhi 2
7- Lớp Nhi đồng
8- Lớp Ấu nhi
…mỗi lớp có chừng 15 đến 30 học viên, mỗi năm tổ chức 2 cuộc thi, tổng kết và phát thưởng vào dịp Lễ Giáng sinh, mỗi lần chấm thi số giáo viên ít nhất từ 4 đến 6 người vì lúc ấy tôi còn làm Trưởng ban Trường Chúa nhật nên nắm khá rõ. Trong dịp lễ Giáng sinh, ngoài việc phát phần thưởng thi Trường Chúa nhật 6 tháng cuối năm, phát thưởng cho lớp giáo lý Báp-têm ra, còn có lễ phát thưởng cho con em học văn hóa từ khá giỏi trở lên mà phải có giấy hoặc bằng khen của nhà trường, và có hàng trăm xuất quà như vậy. Truyền giảng mỗi tháng hai lần vào những đêm trăng sáng, trừ mùa mưa lũ ra, mỗi lần truyền giảng lúc nào cũng có thân hữu tham dự và luôn có người tin Chúa, vậy là mỗi năm có chừng 50 người đến cả trăm. Thậm chí có năm trên cả 100 linh hồn về với Chúa, thế mới có con số 735 linh hồn hơn 7 năm trong chức vụ khi cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ còn sống…
Với hơn 20 đến 50 người chịu lễ Báp-têm được cử hành cho tân tín hữu tại hố Bà Thai, ấp 5 Song Bình hoặc sông Ái Nghĩa, mỗi năm tổ chức được hai lần lễ Báp-têm như vậy.
Ngày ấy, Hội Thánh còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, hơn nữa cơ chế nhà nước lúc bấy giờ có những nghị định gây khó khăn cho việc xin tái thiết trùng tu nhà thờ tư thất, ấy vậy cho nên tôi tớ Chúa phải tận dụng để cơi nới phòng ốc, gian chái để đủ chỗ sinh hoạt ban ngành, thậm chí tận dụng bóng mát dưới tàng cây vú sữa để sinh hoạt cho ấu nhi. Đúng như câu thành ngữ “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”… được áp dụng với những người khôn ngoan biết ăn ở theo lúc theo thời…
Có ai đó đã nói một câu khá hay đó là: “Phía sau sự thành công của đàn ông là bóng dáng của phụ nữ”, mà quả đúng như vậy…Thầy đã thành công trong chức vụ bao nhiêu là công khó của Cô bấy nhiêu… người đàn bà ấy có một tấm lòng nhân hậu vì chịu thương chịu khó vô bờ bến nhất là giai đoạn năm 1996 tức là sau hai năm ông nhận làm Quản nhiệm. Một nữ sinh cấp ba vừa tốt nghiệp phổ thông trung học loại ưu tú nhưng bị ma quỷ ức hiếp, Thầy cô cùng cả Hội Thánh cầu nguyện không mệt mỏi, trong hơn một tháng thầy cô đã nhường phòng ngủ để cho người bệnh trú ngụ. Ôi! giai đoạn đó vô cùng vất vả cho Thầy cô, nhất là Cô chịu khổ cực thức đêm canh giữ, săn sóc, cho ăn uống và cầu nguyện không ngừng, nhưng Cô là người bị bệnh nhân đánh trả nhiều nhất, với những cú đạp vô cùng khủng khiếp, những cái tát tai rõ mạnh, những vòi nước bọt phun vào mặt người, mà Cô vẫn cứ nhẫn nhục yêu thương dìu dắt…
Những đầu gối đã quỳ xuống đau buốt tê cứng, những dòng nước mắt đã đổ ra, nhiều người tình nguyện kiêng ăn một đến hai bữa trong ngày, suốt một tháng ròng rã với sự cầu thay của các tôi tớ, con cái Chúa ngoài Hội Thánh cùng sự hợp tác cầu nguyện của các đầy tớ Chúa có ân tứ… nên Đức Chúa Trời đã giải cứu cô. Năm đó thật vô cùng vui vẻ. Trong lễ Giáng sinh 1996 số người trở lại với Chúa rất là đông, cảm tạ ơn Chúa cô ta đã mạnh khỏe và tiếp tục đi học trở lại, năm sau cô thi vào trường Cao đẳng Y tế thành phố Đà Nẵng, cô học khoa điều dưỡng, ba năm sau cô tốt nghiệp ra trường với mảnh bằng xuất sắc, cô được Ban giám hiệu nhà trường giới thiệu trực tiếp về công tác tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, và được bố trí làm khoa hồi sức nhi cho đến ngày cô theo chồng sang định cư tại Hoa Kỳ đầu năm 2013…

(Còn tiếp)

Tác giả: Hồ Galilê

Bình Luận:

You may also like