Home Khoa học -Khảo cổ Khảo Cổ Học: Đưa Lịch Sử Kinh Thánh Vào Cuộc Sống

Khảo Cổ Học: Đưa Lịch Sử Kinh Thánh Vào Cuộc Sống

30 đọc

Khảo cổ học có thể đưa lịch sử Kinh Thánh vào cuộc sống hay không?

Theo nhà sử học kiêm Thứ trưởng Michael Oren (Kulanu), câu trả lời tùy thuộc vào người mà bạn hỏi.

Phát biểu tại một sự kiện ngày 10 tháng 6 năm 2018 tại Jerusalem nhằm chào mừng khai mạc triển lãm “Seals of Isaiah and King Hezekiah Discovered” (tạm dịch: “Những con dấu của Ê-sai và vua Ê-xê-chia được tìm thấy”) tại Tổ chức Văn hóa Quốc tế Armstrong ở Oklahoma và đánh dấu 50 năm cộng tác trong ngành khảo cổ học giữa Tổ chức Armstrong và Israel, ông Oren nói rằng, tại Jerusalem, khảo cổ học đóng vai trò như một công cụ để chứng minh nguồn gốc của người Do Thái nơi vùng đất này.

“Bằng cách khai quật khu vực đất thánh và tìm câu trả lời cho chúng tôi trong đó, chúng tôi đã chứng minh nguồn gốc của chúng tôi ở nơi đây và cho thấy rằng… chúng tôi không phải là những người xâm lấn hoặc dân di cư, chúng tôi cũng không phải là những người sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái mà châu Âu đã vứt bỏ tại đây như lời tuyên bố của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vừa mới cách đây một tháng. Chúng tôi là dân bản địa.”

Ông Oren phát biểu, khảo cổ học là chìa khóa cho “tính pháp lý, hợp pháp và an ninh của chúng tôi… Khảo cổ học không chỉ tiết lộ quá khứ. Nó giúp chúng tôi có được hiện tại và đảm bảo tương lai của chúng tôi.”

Ông Oren cho biết khái niệm này đặc biệt đúng khi có những phát hiện gần đây nhất của nhà khảo cổ học Eilat Mazar thuộc trường Đại học Hebrew: Những con dấu của vua Ê-xê-chia và nhà tiên tri Ê-sai.

Trong một bài phát biểu công khai hiếm hoi, bà Mazar giải thích tầm quan trọng của con dấu hoàng gia 2.700 tuổi của vua Ê-xê-chia và con dấu dường như của vị tiên tri người Do Thái Ê-sai, cả hai mẫu vật quan trọng này đều được trưng bày tại cuộc triển lãm Oklahoma. Vào năm 2009, hai con dấu này được tìm thấy nằm cách nhau 3m trong cùng một lớp đất và cùng đều có niên đại từ thế kỷ thứ tám.

Con dấu Ê-xê-chia – với dòng chữ “Thuộc về Ê-xê-chia [con của] A-cha, vua Giu-đa” được khắc ở trên – là con dấu duy nhất thuộc về một vị vua Israel hoặc Giu-đa từng được tìm thấy trong một cuộc khai quật khoa học có kiểm soát.

Mazar mất vài năm để hoàn thành nghiên cứu của bà về những phát hiện này. Con dấu của Ê-sai chỉ được báo cáo trong năm nay vì Mazar và nhóm của bà gặp khó khăn trong việc giải thích nó.

Sẽ tiếp tục có những tranh luận về việc con dấu này có thực sự thuộc về tiên tri Ê-sai hay không. Tuy nhiên, người sáng lập Tổ chức Armstrong, ông Gerald Flurry, lại không nghi ngờ gì về điều này. Ông nói, con dấu trên có niên đại chính xác thời điểm mà nhà tiên tri đang sống tại Jerusalem. Nó được tìm thấy gần khu vực Hoàng cung Ophel, nơi tiên tri Ê-sai từng làm việc. Vua Ê-xê-chia và Ê-sai được đề cập cùng nhau trong cùng một câu Kinh Thánh những 16 lần.

Flurry nói: “Hãy để những con dấu bằng đá của vua Ê-xê-chia và Ê-sai lên tiếng. Chúng có tiếng nói mạnh mẽ của sự hy vọng.”

Sự kiện ngày 10 tháng 6 là lần đầu tiên các con dấu được giới thiệu công khai cho giới truyền thông. Chúng được trưng bày qua video trực tiếp từ Thính phòng Armstrong ở Edmond, Oklahoma.

Mối quan hệ hợp tác giữa Tổ chức Armstrong và Mazar bắt nguồn từ 50 năm trước, do người ông nổi tiếng của bà Mazar khởi xướng. Ông là nhà khảo cổ học Benjamin Mazar, người mà đất nước Israel đã ủy nhiệm vào năm 1968 để điều hành công trình khai quật khảo cổ có quy mô lớn của Đại học Hebrew gần Núi Đền (Temple Mount).

Khi đó, Herbert Armstrong – một đại sứ của Giáo hội Thiên Chúa Toàn cầu (Worldwide Church of God‎) – và ông Mazar đã tiếp xúc với nhau. Theo Brad Macdonald, người phụ trách cuộc triển lãm “Seals of Isaiah and King Hezekiah Discovered” (tạm dịch: “Những con dấu của Ê-sai và vua Ê-xê-chia được tìm thấy”), ông Armstrong và ông Benjamin Mazar làm quen với nhau và ông Armstrong bắt đầu gửi sinh viên đến làm tình nguyện viên trong cuộc khai quật. Sau cùng, có hàng trăm người đã tình nguyện tham gia, và ông Armstrong hỗ trợ về mặt tài chính cho các cuộc khai quật trong gần 10 năm.

Khi ông Armstrong qua đời vào năm 1986, những người thừa kế đã từ bỏ di sản của ông. Mãi đến năm 1989, Gerald Flurry, một người tốt nghiệp đóng vai trò là Đại sứ và nhà truyền giáo của Giáo hội Thiên Chúa Toàn cầu, đã mở Giáo hội Thiên Chúa Philadelphia để tiếp tục di sản của Armstrong. Năm 1996, ông thành lập Tổ chức Văn hóa Quốc tế Đại sứ Armstrong và sau đó là trường Đại học Herbert Armstrong.

Năm 2005, ông Flurry liên lạc với bà Mazar sau khi bà bắt đầu khai quật tại Thành phố Đa-vít. Năm 2006, ông Flurry gửi hai sinh viên đại học đến đây. Macdonald cho biết, kể từ đó, hơn 50 sinh viên đã được trường Đại học Armstrong gửi đến Jerusalem để làm việc cho các cuộc khai quật của bà Mazar. Hầu hết những người lao động trong cuộc khai quật mới nhất của bà Mazar là sinh viên của trường này và họ được tổ chức của ông tài trợ hoàn toàn.

Bà Mazar đã cùng với các sinh viên khai quật các vết tích về cung điện của vua Đa-vít, khu hoàng gia của vua Sô-lô-môn, bức tường của tổng trấn Nê-hê-mi, con dấu của hai hoàng tử xứ Giu-đa được đề cập trong Giê-rê-mi 37 và gần đây nhất là tấm bích chương có hình chân đèn bảy ngọn bằng vàng và những đồng tiền bằng đồng.

Mazar cho biết bà vẫn nhớ quãng thời gian khi các sinh viên hỗ trợ công việc của ông mình.

Bà nói: “Lúc đó tôi được 10 hay 11 tuổi. Tôi thường đi vào khu vực khai quật và nói chuyện với họ, điều này đã giúp tôi học tiếng Anh. Họ rất nhiệt tình, thực sự tuyệt vời, giống như những sinh viên hiện nay tham gia vào những cuộc khai quật của tôi. Không có gì thay đổi cả.”

Bà Mazar gọi các sinh viên của trường Armstrong là những cộng tác viên khảo cổ học tuyệt vời nhất của Israel, dù họ không phải là những người nổi tiếng.

Macdonald cho biết, vì những sinh viên trường Đại học Herbert Armstrong đã giúp bà Mazar phát hiện cả con dấu của vua Ê-xê-chia và Ê-sai nên tổ chức này vinh dự được đứng ra tổ chức buổi ra mắt các hiện vật lần đầu tiên trên thế giới. Cuộc triển lãm sẽ mở cửa tại Oklahoma cho đến ngày 19 tháng 8 và sau đó các hiện vật sẽ được đưa trở về Israel.

Flurry cho biết cuộc triển lãm là “câu chuyện về sự ăn năn, cứu chuộc và bảo vệ quốc gia. Đó là câu chuyện về cách Đức Chúa Trời, thông qua một mối liên kết đặc biệt giữa nhà vua và nhà tiên tri, đã cứu một thành phố và những người dân trong đó khỏi sự khủng bố, chiến tranh và xâm chiếm. Đó là câu chuyện quan trọng nhất về niềm hy vọng. ”

Macdonald cho biết cuộc triển lãm khảo cổ học sẽ làm sáng tỏ cách Jerusalem tránh khỏi việc bị hủy diệt trong tay quân đội Assyria vào cuối thế kỷ thứ 8 trước Chúa như thế nào. Ông nói ông hy vọng cuộc triển lãm sẽ “đem lịch sử Kinh Thánh đến với cuộc sống và kết nối con người với nguồn gốc của họ, cho phép quá khứ trao quyền cho tương lai.”

Ông nói rằng đối với ông những phát hiện này trong vô số các hiện vật được tìm thấy có liên quan trực tiếp đến Kinh Thánh và chứng minh cho ông tính hợp lệ của nó.

“Trong khảo cổ học, có đầy đủ tất cả các loại bằng chứng cho thấy Kinh Thánh là sự thật”, Macdonald nói.

Mazar cho biết bà không vội đưa ra kết luận. Bà nói rằng, mặc dù một người có thể xem Kinh Thánh là nguồn gốc lịch sử, nhưng là một nhà khảo cổ bắt đầu đào bới, “bạn phải gạt sang một bên những gì bạn nghĩ mình biết bởi vì khi những hiện vật được tìm thấy, chúng sẽ dạy bạn những gì bạn cần biết. Bạn không thể áp đặt những ý tưởng của mình lên chúng. ”

Dù vậy, bà cho biết, nhóm của bà đã tìm thấy con dấu của vua Ê-xê-chia – “bạn không thể tranh cãi với điều đó.”

Bà Mazar kết luận: “Kết quả của công việc của tôi là một phần lớn Kinh Thánh được chứng minh là đã miêu tả một cách chính xác. Quyền lực của khảo cổ học là cho bạn bằng chứng hữu hình.

Dịch: Agnes Le

Nguồn: Breakingisraelnews.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like