Home Chuyên Đề Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 37: Giữ Vai Trò Là Một Đại Sứ Của Thay Đổi Và Chữa Lành

Tận Hiến Cho Hôn Nhân – Bài 37: Giữ Vai Trò Là Một Đại Sứ Của Thay Đổi Và Chữa Lành

by AdrianChua
30 đọc

Trong năm 1998, tôi đã đi với người hướng dẫn thuộc linh đến Tây Tạng để tham dự chương trình cầu nguyện tuần hành. Thật không may, tôi cảm thấy rất mệt và đổ bệnh vì độ cao ở nơi này. Bởi vì quá thiếu oxy, tôi bị đau nửa đầu dữ dội và nôn ra mọi thứ.

Và thật đáng tiếc, đây là một chuyến đi dài 7 ngày, bắt đầu từ Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, đến một trong những ngôi đền cao nhất trên trái đất nằm ở chân núi Everest.

Lúc chúng tôi bắt đầu đi xuống Nepal sau khi vượt qua điểm cầu nguyện cuối cùng, tôi bắt đầu cảm thấy tốt hơn và dần dần hồi phục khi độ cao giảm xuống. Đương khi đọc Kinh Thánh và nghỉ ngơi trong phòng khách sạn, nhìn ra ngọn núi phủ đầy tuyết yên tĩnh, tôi đã nghĩ đến một câu Kinh Thánh rất xúc động trong Cô-lô-sê 1:24Nay tôi lấy làm vui vẻ về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì thân thể Đấng Christ, là Hội thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài.”

Lúc đầu, tôi đã rất bối rối và cảm thấy khó hiểu về cách Phao-lô, bằng nỗi đau của mình, có thể “đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Đấng Christ.” Chẳng phải Đấng Christ chịu khổ trên thập giá là để chúng ta được tha tội, được cứu rỗi và được chữa lành sao?

Khi tôi tiếp tục suy ngẫm, sự hiểu biết bắt đầu rõ dần. Đúng vậy, những khổ nạn mà Đấng Christ đã chịu là trọn vẹn và đủ để mang đến sự công bình và tha thứ cho mọi người tin Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đang ở ngay bên cánh tay phải của Đức Chúa Cha, Ngài không thể để mình tiếp tục chịu đựng khổ đau để phúc âm được loan truyền ra mọi quốc gia. Thay vào đó, Chúa muốn con người có thể giống như Phao-lô, sẵn sàng chịu đau khổ vì lợi ích của phúc âm, và “đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Đấng Christ”

Nhưng trước khi nghĩ đến mức độ đau khổ vĩ mô của đại mạng lệnh, chúng ta cần nghĩ đến mức độ vi mô của việc trở thành tác nhân thay đổi và chữa lành cho người phối ngẫu. Nếu không học cách yêu một người, làm sao chúng ta có thể yêu thương nhiều người? Nếu chúng ta không thể đặt quyền lợi của bản thân xuống để “đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Đấng Christ” cho người mà chúng ta đã thề nguyện trước mặt Chúa rằng sẽ yêu thương và trân trọng trọn cuộc đời, làm sao chúng ta có thể dốc mạng sống cho những người vẫn còn xa lạ với chúng ta?

Tất cả chúng ta đều kết hôn với một người không hoàn hảo, với người từng là nạn nhân của quá khứ, bị đau khổ, bằng cách này hay cách khác, bị thiếu hụt tình cảm ở một mức độ nhất định hoặc bị cha mẹ bỏ bê về cảm xúc. Và Chúa Giê-xu muốn chúng ta trở thành sứ giả của sự thay đổi và chữa lành cho người phối ngẫu của chúng ta.

II Cô-rinh-tô 5:18-20Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. … Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.”

Chúng ta được ban cho sứ mệnh hòa giải và giữ trách nhiệm làm sứ giả cho Đấng Christ để giảng hòa thế giới này với Đức Chúa Trời. Trước hết, chúng ta có sẵn lòng trở thành một nguồn mạch hòa giải với người phối ngẫu, hiểu rõ rằng người ấy là một nạn nhân của quá khứ và sẵn sàng trở thành một bình đựng tuôn đổ sự chữa lành cho người đó? Quá khứ của mỗi người đều có ảnh hưởng đến hiện tại, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai nếu nó không được giải quyết. Nếu chúng ta không sẵn lòng đặt quyền lợi của chúng ta xuống để trở thành một bình đựng tuôn đổ sự chữa lành và làm sứ giả của sự thay đổi cho người phối ngẫu, thì làm sao chúng ta có thể trở thành một cái bình giúp chữa lành và hòa giải cả thế giới đau buồn này với Đức Chúa Trời?

Trong Sáng thế Ký 28:10-17, Gia-cốp đã có một giấc mơ. Ông mơ thấy một cái thang dẫn lên trời và các thiên thần đi lên và xuống trên đó. Trong câu 17, ông đã có một nhận xét đáng kinh ngạc: “Nơi đây thật đáng sợ thay! Quả thật đây là nhà Ðức Chúa Trời, chứ chẳng còn nơi nào khác. Ðây chính là cửa thiên đàng.”

Gia-cốp xem “đền thờ của Thiên Chúa” không khác gì với “cửa thiên đàng”. Trong I Cô-rinh-tô 6:19, Phao-lô nói rằng chúng ta là đền thờ của Chúa: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” Vì vậy, khi được cứu rỗi, theo mặc định chúng ta trở thành “đền thờ của Chúa “- nên cần phải tự hỏi bản thân liệu chúng ta đã thực sự trở thành cửa thiên đàng chăng?

Cửa là một thứ chúng ta bước vào để đi đến một nơi nào đó. Vì thế khi cuộc sống của chúng ta đóng vai trò là một cánh cửa, có nghĩa là thông qua chúng ta, người khác sẽ được bước vào hoặc chạm đến nước thiên đàng – được biết đến tình yêu, ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời và tất cả thuộc tính khác của Ngài. Chúng ta hết thảy đều được mời gọi trở thành những cửa thiên đàng để bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với thế gian không biết đến Ngài.

Điều đáng suy ngẫm

Trong mối quan hệ hôn nhân, chúng ta đã đóng vai trò là cửa thiên đàng để có thể biến đổi và chữa lành cho người phối ngẫu của chúng ta chưa?

Chúng ta có sẵn lòng tăng trưởng và trở thành người mà chúng ta cần phải trở thành để rồi người phối ngẫu của chúng ta có thể tăng trưởng và trở thành người mà Chúa muốn họ trở thành chăng?

(Còn tiếp)

Sophie Nguyễn Thu Vịnh dịch

Tác giả: Adrian Chua

Ảnh: eligiblemagazine.com

Bài vở cộng tác và góp xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like