Một trong những giai đoạn khó khăn nhất mà chúng ta từng trải qua đó là khi chúng ta cảm thấy Đức Chúa Trời im lặng, đặc biệt khi chúng ta ở trong những tình huống đầy thử thách. Khi mọi thứ dường như đang sụp đổ và Đấng Giúp Đỡ thì không thấy đâu. Chúng ta cảm thấy mình bị bỏ quên, bị khước từ, thấy thất vọng khi phải cô đơn một mình nơi hầm vực sâu còn Chúa thì cứ yên lặng như thể Ngài không ở đó.
Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh này thì bạn cần tin rằng bạn không cô đơn. Tác giả của Thi-thiên 88 đã kinh nghiệm những hoàn cảnh đau đớn và chép lại những điều đó thành bài thánh ca. Thi Thiên 88 dường như là một trong những chương đau buồn và sầu thảm nhất trong Kinh Thánh. Nếu đã đọc chương này, tôi tin rằng bạn sẽ đồng ý với điều đó.
Tác giả thi-thiên đã gục ngã, bị dứt bỏ, bị lãng quên, chịu đau khổ, sợ hãi và thất vọng. Hơn hết, ông gào khóc với Chúa và tự hỏi rằng Đức Chúa Trời đang ở đâu trong mọi nỗi đau của mình. Phần cuối tác giả thi-thiên đã phải thốt lên rằng “Bóng tối tăm trở thành bạn hữu thân cận.” (Thi Thiên 88:18 BDM)
Tuy nhiên, niềm hy vọng mà phân đoạn Kinh Thánh này mang lại không nằm ở câu kết thúc mà nằm ở câu mở đầu. “Kính lạy Chúa, Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Rỗi tôi; Suốt ngày đêm, tôi cầu khẩn trước mặt Ngài. “(Thi Thiên 88:1 BDM) Trước khi thở than về những bất công đang xảy ra với mình, chính tác giả Thi thiên đã nhận biết được niềm hy vọng của sự cứu rỗi trong Chúa, ngay cả khi Đức Chúa Trời im lặng.
Chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời im lặng không có nghĩa là Ngài vắng mặt, và càng không có nghĩa là Ngài không hành động phía sau tấm màn thay cho chúng ta. Đừng bị lừa dối bởi bóng tối trong cuộc sống của bạn, nó không bao giờ lớn hơn Đấng mang đến sự giúp đỡ cho bạn.
Ngay cả khi bạn cảm thấy mình đang ở trong hố sâu, như tác giả thi-thiên mô tả, thì Chúa vẫn ở đó với bạn. Bốn lần tác giả kêu cầu Chúa, và lời cầu khẩn này nhắc nhở tôi về Chúa Giê-xu trên thập tự giá, Ngài đã kêu cầu Chúa Cha trong giây phút tối tăm của Ngài.
‘Khoảng ba giờ chiều Đức Giê-su kêu lên lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, la-ma-sa-bách-tha-ni,” nghĩa là: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”’ (Ma-thi-ơ 27:46 – BDM)
Lúc đó Đức Chúa Trời có ngừng yêu Chúa Giê-xu vì Ngài ở trên cây thập tự không? Phải chăng việc Ðức Chúa Giê-xu chịu khổ nạn là một dấu hiệu chứng minh rằng Đức Chúa Trời đã chối bỏ Con Ngài?
Tuyệt đối không!
Nếu Đức Chúa Trời không ngừng yêu mến Chúa Giê-xu trên thập tự giá thì dù bạn có ở trong bất kỳ thời khắc tăm tối nào Ngài cũng không và sẽ không bao giờ ngừng yêu bạn. Và nếu như Ngài đã hứa sẽ không bao giờ rời bỏ bạn (Phục truyền luật lệ Ký 31: 6) thì hãy tin cậy Ngài đang ở đó với bạn. Ngài đi cùng bạn qua trũng bóng chết (Thi thiên 23: 4). Chúng ta có thể không phải lúc nào cũng cảm thấy hay nghe thấy Đức Chúa Trời nhưng chúng ta luôn có thể tin rằng lời hứa của Ngài lớn hơn bóng tối của chúng ta.
Giai đoạn tối tăm đó đã khiến tác giả thi-thiên gần Chúa hơn. Ông không kêu cầu bất cứ ai hay bất cứ vật gì để có sự giúp đỡ. Ông kêu cầu Đấng mà ông biết chắc có thể cứu ông. Phân đoạn Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta rằng những giai đoạn tối tăm trong cuộc đời không phải để chúng ta thấy Chúa vắng mặt, nhưng cho thấy chúng ta cần sự hiện diện của Ngài đến nhường nào.
Tác giả thi-thiên cảm thấy mình sắp chết, nên ông kêu cầu với Đấng khiến kẻ chết sống lại. Ông không tìm kiếm sự cứu rỗi từ con người hoặc một điều nào khác. Vì vậy, trong thời khắc tưởng chừng bạn sẽ chết mất, hoặc không thể trụ nổi nữa, hãy kêu cầu Chúa – Đấng đã chiến thắng thế gian và sự chết, giải cứu bạn.
Sứ đồ Phao-lô đã chia sẻ một tình huống tương tự trong 2 Cô-rinh-tô 1 khi ông viết cho các tín hữu ở Cô-rinh-tô:
” Vì, thưa anh chị em, chúng tôi muốn anh chị em biết rằng hoạn nạn đã xảy ra cho chúng tôi tại tỉnh Tiểu-Á thật nặng nề quá sức chịu đựng, đến nỗi chúng tôi không còn chút hy vọng sống sót nào nữa. Thật vậy, chúng tôi cảm thấy mình phải mang án tử hình để không còn cậy nơi chính mình, nhưng nương cậy Đức Chúa Trời là Đấng làm cho kẻ chết sống lại. “– (2 Cô-rinh-tô 1: 8-9 BDM)
Phao-lô, giống như tác giả của Thi-thiên 88, bị nhấn chìm xuống đáy sâu khiến ông cảm thấy ông sắp chết. Tuy nhiên, Phao-lô chia sẻ với chúng ta rằng ngay cả giai đoạn đó cũng vì có mục đích. Mục đích đó là để ông không còn cậy chính mình nữa, nhưng nương cậy nhiều hơn vào Đức Chúa Trời.
Thực sự có mục đích đằng sau những nỗi đau, và luôn có hy vọng trong những thời kỳ tăm tối nhất, thúc đẩy bạn đến với ánh sáng. Tôi khích lệ bạn làm giống như tác giả của Thi thiên 88. Hãy kêu cầu Chúa và chờ đợi Ngài bày tỏ chính mình, là Đấng vĩ đại vượt trên mọi dông tố, bão táp và sự tăm tối trong cuộc đời bạn.
Bản thân tôi đã học được rằng đôi khi Đức Chúa Trời dọn trống lòng chúng ta để Ngài có thể đổ đầy lại. Đôi khi Ngài im lặng để chúng ta có thể học cách lắng nghe. Đôi khi Ngài cho phép bóng tối để chúng ta có thể thấy rằng Ngài là ánh sáng đích thực trong cuộc đời chúng ta.
Dịch: Vân Anh
Nguồn: belovedwomen.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com