Home Dưỡng Linh Ngày 04 – Nguyên Tắc Của Sự Nhã Nhặn

Ngày 04 – Nguyên Tắc Của Sự Nhã Nhặn

by SU Việt Nam
30 đọc

Phao-lô bảo Tít nhắc nhở các Cơ Đốc nhân thuận phục cách khiêm nhường, vâng phục các lãnh đạo đời này và làm việc lành, cũng như bày tỏ lòng nhã nhặn với người khác.

Tít 3:1-7

1 Hãy nhắc nhở các tín hữu phải tuân phục các người lãnh đạo và chính quyền, phải vâng lời và sẵn sàng làm mọi việc lành, 2 không xúc phạm ai, tránh gây gổ, nhưng hãy dịu dàng và cư xử hết sức nhã nhặn với mọi người. 3 Vì chính chúng ta trước đây cũng ngu muội, không vâng phục, bị lừa dối, nô dịch cho đủ thứ dục vọng và lạc thú, sống trong sự gian ác, ghen tị, đáng ghét và coi thường nhau. 4 Nhưng khi lòng khoan dung và nhân ái của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, được bày tỏ thì Ngài cứu chúng ta, 5 không phải bởi việc công chính chúng ta đã làm, nhưng bởi lòng thương xót của Ngài, qua việc thanh tẩy của sự tái sinh và đổi mới của Đức Thánh Linh, 6 là Đấng mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, 7 để chúng ta nhờ ân điển Ngài mà được xưng công chính, trở nên người thừa kế niềm hi vọng về sự sống đời đời.

Suy ngẫm và hiểu

Phao-lô khuyên các Cơ Đốc nhân phục các lãnh đạo và các bậc cầm quyền. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải làm theo các lãnh đạo của nước mình một cách vô điều kiện. Trong khi các Cơ Đốc nhân phải tôn trọng các bậc cầm quyền, nếu dân tộc hoặc các bậc cầm quyền đó hành động bất công, các Cơ Đốc nhân phải làm “các việc lành” để những hành động bất chính này bị lộ ra. Nguyên tắc quan trọng để giữ trong khi làm điều này là “tính nhu mì”. Lý do chúng ta phải nhu mì là vì trước đây chúng ta cũng là những tội nhân bất chính, nhưng chúng ta được trở nên mới thông qua sự thương xót và tình yêu thương của Chúa (c.1-7).

Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?

C.3-7 Mặc dù trước đây chúng ta ở bên ngoài ân điển của Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta đến ân điển và ban cho chúng ta sự sống của những người kế tự nước Ngài. Nếu đó không phải là vì sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus, Đấng đã tỏ ra tình yêu thương và đã không bỏ chúng ta dù chúng ta thách thức và nổi loạn với Đức Chúa Trời (Giăng 13:1), thì sự cứu rỗi và sự biến đổi của chúng ta sẽ không thể thực hiện được.

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.2 Các Cơ Đốc nhân phải nhã nhặn và hành động bằng việc quan tâm đến người khác. Đây là cách sống làm gương với thế gian, cũng là lối sống Đức Chúa Trời đẹp lòng. Những lời nói có tính tranh cãi hoặc những thái độ hung hăng của chúng ta có khiến những người lân cận của chúng ta khó chịu, hay không? Chúng ta phải nhớ rằng sự chỉ trích đối với người khác dẫn đến tranh luận và những tranh luận dẫn đến những cuộc cãi vã.

Tham khảo   

3:5 Sự biến đổi được mô tả trong câu 3-7 (trước đây … nhưng bây giờ) không phải là dựa vào nỗ lực của con người. “Trước đây ……  chúng ta bị nô dịch” (c.3) nhưng Ngài đã cứu chúng ta. Đức Chúa Trời phải hành động trước khi sự cứu rỗi xảy ra. Sự cứu rỗi đến không phải bởi những việc làm mà bởi sự rửa về sự tái sinh và sự làm mới của Đức Thánh Linh.

Một số người đã hiểu điều này khi nói rằng phép báp-têm (“sự rửa”) sinh ra sự cứu rỗi. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, những việc làm của con người rõ ràng bị giảm nhẹ (“không phải bởi việc làm”) và sự nhấn mạnh là ở hành động và sự chủ động thiên thượng (“Ngài đã cứu chúng ta”). Sự “rửa” được miêu tả ở đây là việc tẩy rửa thuộc linh, điều tượng trưng bên ngoài trong phép báp-têm.

Cầu nguyện: Hỡi Đức Chúa Trời, chúng con cảm tạ Ngài vì cứu chúng con và chúng con hy vọng bày tỏ ân điển cứu rỗi của Ngài cho người khác.

Đọc Kinh Thánh trong năm: Giăng 10-13

Bình Luận:

You may also like