Lời Chứng Anh Nguyễn Thế Trung – Ma túy đã biến tôi thành một con sói trong giang hồ. Mọi người biết đến tôi chỉ là một người nghiện, một thằng bảo kê, trộm cắp, lừa đảo, với biết bao lần dùng vũ lực đòi nợ thuê …”
Đó là những lời bộc bạch của Nguyễn Thế Trung khi hồi tưởng lại chuỗi ngày chìm ngập trong ma túy, nghiện ngập. Giờ đây anh đã thoát khỏi ma túy hơn mười năm, và thành lập hai trung tâm cai nghiện tại thị xã Sơn Tây và Xuân Mai (Hà Nội) để giúp giải cứu những người cùng cảnh ngộ như mình. Mười năm nay, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, Thế Trung đã giúp đỡ hơn 100 người nghiện ma túy trở về với cuộc sống bình thường. Hầu hết trong số họ tìm được ý nghĩa thật cho cuộc đời mình, và không ít người sau khi thoát nghiện đã tình nguyện ở lại trung tâm để cùng anh giúp đỡ những người nghiện khác.
Lạc Đường Vào Ma Túy
Nguyễn Thế Trung sinh ngày 10/09/1976, là đứa con duy nhất trong một gia đình bố mẹ làm viên chức nhà nước, được chăm nom học hành và có điều kiện hơn nhiều so với đồng bạn cùng trang lứa. Mẹ anh nguyên là cán bộ của Viện khoa học công nghệ Việt Nam. Ba của anh hiện là viện phó đương nhiệm Viện nghiên cứu trường Đảng Cao Cấp Nguyễn Ái Quốc. Thời niên thiếu, Trung cũng ngày ngày cắp sách đến trường trong niềm hy vọng lớn của cha mẹ mong cho con cái thành đạt, nhưng cuộc đời vốn có nghững chuyện thật khó ngờ…
Mọi chuyện bắt đầu từ những ngày học cấp 3, khi xã hội thay đổi nhiều mặt, bố mẹ cũng bận rộn công việc mà khó sát sao hơn, đất Hà Thành dường như có quá nhiều cạm bẫy khó lường phía sau những cám dỗ cho một thiếu nhiên trẻ. Trung bắt đầu theo một số bạn bè xấu, thỉnh thoảng bỏ học và thử chơi hê-rô-in. Suốt một quãng thời gian dài ban đầu, chưa bao giờ Trung nghĩ mình bị nghiện. Lúc nào bạn bè rủ rê, hoặc hứng thú hay chán chường Trung mới tìm đến ma túy, còn lại bình thường, vài ngày Trung không chơi cũng không vấn đề gì. Bác Bùi Thị Chiêm, Mẹ Trung tâm sự: “Tôi không hề biết gì cả. Nó hoàn toàn bình thường, học hành như mọi khi, cũng không ai phản ánh điều gì xấu cả. Đến khi phát hiện Trung bị nghiện thì nó đã chơi quá lâu rồi”…
Nhiều người mẹ đem con đến trung tâm cai nghiện của Trung nhờ giúp đỡ cũng tâm sự như vậy. Hoặc không thể tin vào những lời đồn đại của bạn bè, hàng xóm, hoặc quá bàng hoàng khi con mình bị bắt vì đang sử dụng ma túy, hoặc dù thế nào vẫn chưa thể nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng, nhưng đúng là con của họ đã nghiện ngập quá lâu. Để rồi sau đó chỉ hoàn toàn bất lực nhìn con sống trong sự hành hạ của ma túy.
Một người nghiện và gia đình có người thân bị nghiện sẽ hiểu thấu sự tàn phá kinh khiếp của ma túy. Trung kể: “trường hợp của tôi, mỗi khi lên cơn nghiện, người tôi vã mồ hôi, toàn thân tôi bủn rủn, cảm giác mà dân nghiện gọi là “giòi bò trong xương”, tôi không thở được, miệng thì há hốc, có khi thì nôn oẹ, có lúc đến mức hộc cả máu mồm ra…” Để thỏa mãn cơn nghiện, Trung phải làm biết bao nhiêu trò lừa lọc, mánh khóe để kiếm tiền dùng thuốc, không từ việc đâm thuê chém mướn, trộm cắp, ẩn sau đó là biết bao những giọt nước mắt lăn dài. Trung kể, ngày ấy anh thường cùng với các con nghiện khác làm một trò bịp gọi là “ghi lô, ghi đề: “ Ví dụ như tôi đánh con 50 nhưng hôm nay đề lại ra 80, thế là tôi dùng thuốc tẩy để bôi và sửa con số lại thành 80, sau đó đến nhà người ta dùng vũ lực để đòi tiền, biết bao nhiêu lần như vậy và mỗi lần đều đẫm máu…”
Bác Nguyễn Thị Điểm, bạn thân của gia đình kể: “Tôi còn nhớ lúc đó là vào những năm 1992, tôi và anh Lực, bố của Trung đã nhiều đêm lạnh lẽo đạp xe đạp từ các nhà nghỉ đến các ga tàu để đi tìm con nhưng không tìm được, hoặc có tìm được thì chỉ có thể giữ chúng nó được một hai ngày…” Còn Thế Trung thì nhớ lại: “Tôi lúc đó như là một món nợ của gia đình, bao nhiêu tài sản, xe cộ… tôi đều đem cầm cố hết, kinh tế gia đình rơi vào khánh kiệt và thân thể tôi thì ngày càng héo mòn…” Mẹ Trung tâm sự: “Chúng tôi lúc đó đã nghĩ rằng trước sau con mình rồi sẽ chết, nếu không chết vì sốc thuốc thì cũng chết vì tù tội hoặc vì những ân oán, chém giết giang hồ… Đối với tôi lúc ấy, con tôi sống cũng như đã chết rồi, và tôi chỉ có tuyệt vọng và tuyệt vọng”.
Ánh Sáng Giữa Tuyệt Vọng
Nhưng chắc chắn cuộc đời không có ngõ cụt nào là hoàn toàn bế tắc, luôn có ánh sáng cho chỗ tối tăm, có hy vọng cho người tuyệt vọng. Sau hơn mười năm thất bại với những vật lộn, tranh chiến, quyết tâm, hứa hẹn; hai lần đi trại cải tạo bắt buộc, hàng trăm lần khóa cửa, xích chân, dùng thuốc cai nghiện và muôn phương ngàn kế tìm cách thoát nghiện; thì một ngày ánh sáng đã đến. Mẹ Trung nghe đến một trung tâm giải cứu người nghiện của Hội thánh Tin Lành tên là Ân Điển ở thị xã Tiền Hải, Thái Bình. Lòng người mẹ bắt đầu le lói hy vọng, những ước mơ về tương lai lại được thắp lên.
Năm 2003, Nguyễn Thế Trung đến Thái Bình với niềm hy vọng sống. Tại đó, anh được đón nhận tình yêu thương của những người hướng dẫn tại Trung tâm, gặp những con người cùng cảnh ngộ như mình đã được giải phóng khỏi ma túy… Trung kể: “Ngày trước tôi đã một số lần thử cai, nhưng không bao giờ tự cai “tay bo” được (cách cai nghiện mà không cần dùng đến thuốc), nếu phải vào tù thì mới cai “tay bo” như thế nhưng hễ cứ ra tù là tôi lại tái nghiện ngay… Thế nhưng, khi tôi đến trung tâm này, tất cả dường như một phép lạ, ý chí và tình yêu thương ở nơi đây đã giúp tôi thoát nghiện mà không cần đến thuốc và đã giữ mình khỏi ma túy.”
Phép màu cuộc sống đã diễn ra, Nguyễn Thế Trung đã cùng nhiều cảnh đời nghiện nghập khác sống một đời sống hoàn toàn khác biệt, đời sống mà thậm chí trước khi lâm nghiện anh cũng chưa từng biết đến hoặc nghe qua. Suốt từ ngày đầu tiên ấy bước vào trung tâm Ân Điển, rồi quá trình học tập, huấn luyện và được trở về sau hai năm ở tại trung tâm, đến nay đã hơn mười năm, chưa một lần nào anh tìm lại thứ đã đày đọa hơn mười năm cuộc đời anh. Anh và những con người đã được giải cứu không bao giờ quay trở lại đời sống xưa nữa.
Điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy khi tiếp xúc với những cảnh đời như Trung, đó là không phải họ không thể nào cắt cơn khỏi ma túy, điều đó trại giam hoặc những trung tâm cai nghiện có thể làm được, nhưng cái họ thiếu là ý chí và một động lực để họ hoàn toàn thoát khỏi cái chết trắng… May mắn sau bao nhiêu năm tháng vùi dập cuộc đời, bằng tình thương của mọi người và những ý chí phi thường, Nguyễn Thế Trung đã làm lại cuộc đời.
Trở về lại đời thường, Trung bắt tay vào công tác giúp đỡ những người nghiện. Anh hiện đang điều hành tại hai trung tâm cai nghiện mới thành lập tại Sơn Tây và Hà Nội trong vòng hai năm qua. Cả đời anh ước mong đem ý nghĩa cuộc sống đến với mọi người, đặc biệt là những người đồng cảnh ngộ như anh. Vì hơn ai hết, anh thấu hiểu sự tù túng, trôi nổi, vô định của những cuộc đời không mục đích, của những ai đang lang thang đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi ‘tôi đang sống để làm gì’? Nguyễn Thế Trung cho biết, anh và những người bạn tại hai trung tâm này rất sẵn lòng giúp đỡ những ai đang trong hoàn cảnh giống họ trước kia. Một cách nhiệt thành, anh cho luôn số điện thoại di động của anh là 0984-4646-44 để những ai đang trong cảnh đời nghiện ngập có thể liên lạc để được giúp đỡ.
Thế Trung cũng đã lập gia đình gần hai năm và có một công chúa tròn bảy tháng tuổi. Nụ cười của anh hôm nay sau bao nhiêu nước mắt nhọc nhằn của bản thân và gia đình với chừng ấy năm dài để chúng ta còn tin rằng, quả thật, đâu đó trong cuộc sống, vẫn còn có những phép màu để những ai từng một lần lầm lỗi vẫn có thể… trở về.
Nguyễn Thế Trung
Tạp chí HTV – Đài truyền hình TP.HCM, kỳ 1 tháng 10/2010