Phao-lô đã để Tít, một người con thật của Phao-lô trong đức tin chung, ở Cơ-rết. Điều này là để Tít có thể chỉnh đốn những việc còn dang dở, bằng cách bổ nhiệm các trưởng lão (những giám mục), những người sẽ chăm nom Hội Thánh tại Cơ-rết.
Tít 1:1-9
1 Phao-lô, đầy tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, có nhiệm vụ đưa người được Đức Chúa Trời chọn lựa đến đức tin và sự hiểu biết chân lý, là điều phù hợp với lòng tin kính, 2 trong niềm hi vọng về sự sống đời đời là sự sống mà Đức Chúa Trời, Đấng không bao giờ nói dối, đã hứa từ muôn đời trước, 3 và vào đúng thời điểm, Ngài đã bày tỏ lời của Ngài qua việc rao giảng mà ta đã được ủy thác theo lệnh của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta. 4 Mến gửi Tít, con thật của ta trong đức tin chung: Cầu xin Đức Chúa Trời là Cha và Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, ban ân điển và bình an cho con!
5 Ta đã để con ở lại Cơ-rết là để con chỉnh đốn những việc còn dang dở, và bổ nhiệm các trưởng lão trong mỗi thành như ta đã hướng dẫn con. 6 Trưởng lão phải là người không có gì đáng trách; một chồng một vợ; con cái phải tin Chúa, không bị tố cáo là phóng đãng hay vô kỷ luật. 7 Vì là người quản lý nhà Đức Chúa Trời, giám mục phải không chê trách được; người ấy phải không kiêu căng, không nóng tính, không nghiện rượu, không hung bạo và không tham lợi bất chính; 8 trái lại, phải hiếu khách, yêu mến việc thiện, lịch thiệp, chính trực, thánh khiết, tự chủ, 9 giữ vững lời đáng tin cậy đã được dạy dỗ, để có thể dùng giáo lý chân chính mà khuyên nhủ cũng như phản bác những kẻ chống đối.
Suy ngẫm và hiểu
Một sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ là người thực hiện nhiệm vụ duy nhất mà Đức Chúa Jêsus giao cho người đó. Sứ mạng này đang giới thiệu ân điển của thập tự giá Đức Chúa Jêsus đã mang và khích lệ những người khác bước theo con đường của Đức Chúa Jêsus (c.1-4). Nhưng Phao-lô nói rằng không chỉ các sứ đồ phải thực hiện nhiệm vụ này, mà cả Tít, các trưởng lão và cả “những người được chọn của Đức Chúa Trời”. Cho nên, các trưởng lão của Hội Thánh phải làm gương trong đời sống gia đình của họ, đời sống riêng và trong nhân cách của họ nữa. Nhiệm vụ của họ không thể thực hiện được mà không có đức tin, và đức tin không thể tách rời khỏi sự tin kính được (c.5-9).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.1 Đức Chúa Trời sẽ không chỉ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi mà còn nuôi dưỡng và huấn luyện họ trưởng thành trong đức tin và tri thức. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời bởi ân điển đã chọn những đầy tớ trung tín để tiếp tục công việc của Ngài để gia tăng đức tin, tri thức và hy vọng của chúng ta.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.7-9 Các lãnh đạo của Hội Thánh phải tôn trọng cộng đồng của mình, chứ không phải chỉ quan tâm đến ý tưởng và quyết định của riêng họ. Ngoài ra, họ phải nhớ rằng những lời nói và hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến hội chúng, và họ phải làm gương trong việc chiến thắng những ham muốn xác thịt. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng các lãnh đạo của chúng ta sẽ trở thành và vẫn là những người trung tín, những người được tôn trọng vì lối sống gương mẫu của họ.
Tham khảo
1:1 phù hợp với lòng tin kính. Phúc Âm thật luôn sinh ra “lòng tin kính” trong các thành viên của nó, “lòng tin kính” là dấu hiệu của Phúc Âm thật. Điều này bắt đầu một nan đề chủ yếu với các giáo sư giả mà Phao-lô sẽ đề cập trong thư.
1:9 mà khuyên nhủ. Điều phổ biến trong thời cổ đại là nhấn mạnh một mục trong một danh sách bằng cách đặt nó ở đầu hoặc cuối và khiến nó được chú ý hơn những mục khác. Khả năng dạy dỗ là dấu hiệu phân biệt của một mục sư hoặc trưởng lão. Điều này bao gồm cả việc dạy dỗ điều đúng đắn và phản bác lại sự sai trật. Lý do cho sự nhấn mạnh này rõ ràng là từ những điều theo sau (c.10-16).
Cầu nguyện: Đức Chúa Trời ôi, xin hãy giúp chúng con theo ý Ngài, và thực hiện nhiệm vụ mà Ngài đã giao phó cho chúng con.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Giăng 1-3