Ngày nay, người ta tin đủ thứ, từ thuyết tiến hóa vô thần, các tôn giáo khác nhau, các kiểu tu tập năng lượng khí pháp… Nhưng để tin điều gì, ta cần kiểm tra các bằng chứng cùng những nghi ngờ mà đánh giá độ chắc chắn. Niềm tin Cơ Đốc nói đến những chuyện siêu nhiên như Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới, A-đam và Ê-va, trận lụt Nô-ê… hay sự phán xét linh hồn sau khi chết, thiên đàng địa ngục, trời mới đất mới… Vậy đâu là bằng chứng để tin? Chúng có bác bỏ được những nghi ngờ không? Bài này sẽ diễn giải về các loại bằng chứng, mức độ chắc chắn của niềm tin, và vì sao sự phục sinh của Chúa Giê-xu là bằng chứng vượt mọi nghi ngờ hợp lý cho niềm tin Cơ Đốc, kể cả những chuyện siêu nhiên trên.
1. Các loại bằng chứng và độ chắc chắn để tin
Làm sao ta có thể tin một chuyện. như liệu có phải anh X đã giết người? Để chắc chắn, một niềm tin cần có các bằng chứng là cơ sở để kiểm tra, chứng minh, và bác bỏ nghi ngờ. Thế những gì có thể làm bằng chứng trước tòa? Nhân chứng và vật chứng. Trong vụ án anh X, các điều tra viên sẽ thu thập những vật chứng cùng lời khai của các nhân chứng rồi đưa ra xem xét. Tòa án Mỹ có những mức độ chắc chắn tùy theo vào sức mạnh của bằng chứng như sau [1]:
- Có chút bằng chứng (some evidences – lưu ý rằng có bằng chứng chưa hẳn đã là chắc chắn, còn phải xem chúng rõ ràng, đáng tin, thuyết phục thế nào).
- Có lý để nghi ngờ (reasonable suspicion).
- Có lý để tin (reasonable to believe).
- Có nguyên nhân khả dĩ (probable cause).
- Có bằng chứng đáng tin cậy (some credible evidences).
- Có bằng chứng vượt trội (Preponderance of evidence).
- Có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục (clear & convincing evidence).
- Vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý (beyond reasonable doubt – nó không có nghĩa là hoàn toàn chắc chắn, nhưng không có nghi ngờ nào là hợp lý).
2. Đâu là bằng chứng cho những chuyện siêu nhiên theo Kinh Thánh?
Quay lại những chuyện siêu nhiên thời xa xưa mà Kinh Thánh kể: Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới, A-đam và Ê-va, trận lụt Nô-ê, v.v.. đâu là nhân chứng vật chứng làm cơ sở để ta tin?
Về vật chứng, ta không có gì. Trận lụt Nô-ê nước đã dâng quá ngọn núi cao nhất và quét sạch tất cả (Sáng Thế Ký 7:19), còn con tàu chắc đã bị rã ra làm gỗ xây dựng sau trận lụt. Vì chuyện đã quá xa xưa nên chẳng thể còn lại món gì từ thời đó để làm vật chứng. Những gì ta biết có lẽ là lời kể truyền miệng từ A-đam tới Nô-ê, A-bra-ham, Môi-sê, rồi ghi vào Kinh Thánh.
Nhưng về nhân chứng, ta có Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu làm chứng cho các chuyện kiện siêu nhiên thời xa xưa của Kinh Thánh qua lời Ngài như: Đức Chúa Trời sáng thế và tạo ra A-đam và Ê-va (Mác 10:6), Ca-in và A-bên (Lu-ca 11:51), Nô-ê (Ma-thi-ơ 24:37), Áp-ra-ham (Giăng 8:58), Lót (Lu-ca 17:32), Môi-sê (Lu-ca 24:27), v.v… Chúa cũng tuyên bố về sự phán xét linh hồn sau khi chết, thiên đường địa ngục, và sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 25:35-46).
Giả sử Chúa đúng là người từ trời xuống (Giăng Giăng 3:31), là Ngôi Lời tạo dựng thế giới (Giăng 1:1), là Con Trai Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 26:64-66)… thì ta có một nhân chứng đã sống từ thời xa xưa ấy, chứng kiến các sự kiện ấy, và luôn nói sự thật. Khi đó, độ chắc chắn để tin sẽ là ở mức nào theo chuẩn tòa án Mỹ? Hẳn phải là mức vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý, vì Đức Chúa Trời không thể nói dối (Hê-bơ-rơ 6:18) nên nghi ngờ Ngài đâu có hợp lý!
3. Đâu là bằng chứng rằng Chúa Giê-xu là Con Trai Đức Chúa Trời?
Nhưng cái gì là bằng chứng khách quan, thực tế, không thể chối cãi được rằng Chúa Giê-xu là Con Trai Đức Chúa Trời?

Sự phục sinh chứng tỏ quyền năng siêu nhiên và thần tính của Chúa Giê-xu
Để tin ai đó là thần (hay được thần ở cùng), người đó cần chứng minh khả năng làm phép lạ, tức các việc siêu nhiên, trái quy luật thông thường, mà chỉ thần với quyền năng siêu nhiên mới có thể làm. Nhiều người nói nếu Chúa muốn họ tin thì hãy làm một phép lạ siêu nhiên trên trời. Đây chính xác là điều những lãnh đạo người Do Thái thời đó đã thách thức Chúa Giê-xu:
“Những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến với Đức Chúa Jêsus, và thử Ngài bằng cách xin Ngài cho họ xem một dấu lạ từ trời…” (Ma-thi-ơ 16:1)
Thực sự thì Chúa Giê-xu đã làm vô số phép lạ như chữa bệnh và đuổi quỷ (Ma-thi-ơ 4:23), hóa bánh cho 5000 người ăn (Giăng 6:5-14), phục sinh người chết (Giăng 11:38-44), v.v.. nhưng họ không chịu tin. Vậy nên bằng chứng cuối cùng sẽ là sự chết trên thập tự giá và phục sinh sau 3 ngày của Ngài:
“Thế hệ gian ác dâm loạn nầy tìm kiếm một dấu lạ; nhưng sẽ không có một dấu lạ nào được ban cho họ ngoài dấu lạ của Giô-na…Vì như Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng vậy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm.” (Ma-thi-ơ 16:14, 12:40)
Và bằng chứng này thuyết phục đến nỗi giới lãnh đạo Do Thái chỉ biết cấm đoán chứ không thể chối cãi (Công Vụ 4:18):
3.1 Bằng chứng Chúa thật sự đã chết và được chôn:
Chuyện Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập giá, bị chết, và chôn xảy ra ngay lễ lớn nhất của Do Thái giáo là lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 27:62), khi người Y-sơ-ra-ên đổ về Giê-ru-sa-lem dự lễ rất đông và tung hô Chúa Giê-xu là vua của Y-sơ-ra-ên (Giăng 12:12-13). Và tất cả đều đã chứng kiến sự kiện này, không ai không biết (Lu-ca 24:18-19):
1. Sự đóng đinh và sự chết của Chúa Giê-xu là công khai ở đồi sọ. Một đám đông lớn, những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê thù nghịch Ngài, cùng quân lính La Mã đều chứng kiến điều này (Ma-thi-ơ 27). Quân lính đã lấy giáo đâm vào hông và xác nhận Ngài thật đã chết (Giăng 19:34)
2. Ngôi mộ của Chúa ở ngay ngoài thành Giê-ru-sa-lem, và tất cả mọi người đều biết. Cả những người Pha-ri-sê cũng biết Chúa đã nói trước mình sẽ sống lại, và họ cho lính đến canh tảng đá lấp cửa mộ để đảm bảo xác Ngài không bị lấy cắp (Ma-thi-ơ 27:57-65).
3.2 Bằng chứng Chúa thật sự phục sinh:

Ngôi mộ trống là bằng chứng mà người Pha-ri-sê không thể chối cãi
1. Ngôi mộ của Chúa trở nên trống rỗng, xác Chúa biết mất (Mác 16:1-8), bất chấp việc có lính canh và một tảng đá nặng 1-2 tấn chắn cửa [2].
2. Các môn đồ cùng hơn 500 người làm chứng nói rằng Chúa Giê-xu hiện ra với họ (Giăng 20:19-29, Lu-ca 24:36-46, 1 Cô-rinh-tô 15:6). Sau này, cả Sau-lơ là người Pha-ri-sê đang điên cuồng bắt bớ người tin Chúa cũng thấy Ngài và tin theo (Công Vụ 9:1-19).
3. Người Pha-ri-sê không cãi được gì về chuyện ngôi mộ đã bị trống (vì ai cũng thấy). Họ cho quân lính số tiền lớn để nói rằng các môn đồ đến trộm xác lúc chúng đang ngủ, và thuyết phục tướng La Mã không phạt chúng, vì lính phạm tội ngủ quên khi canh gác sẽ bị tử hình (Ma-thi-ơ 28:11-15). Họ cũng bắt bớ cấm đoán các môn đồ giảng về Chúa Giê-xu (Công Vụ 4:18).
3.3 Độ tin cậy của các bằng chứng nhìn từ ngày nay:

So sánh độ tin cậy của thủ bản (bản thảo chép tay còn lại) Tân Ước và các sách cổ đại khác [9]
Có người nghĩ đó là chuyện 2000 năm trước, không thể là bằng chứng cho ngày nay, nhưng:
1. Vật chứng là ngôi mộ trống ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem đến nay vẫn hiện hữu [3].
2. Nhân chứng là các lời ghi chép lại của sử sách, đóng vai trò nhân chứng lịch sử. Làm sao ta tin Julius Caesar từng tồn tại và bị ám sát? Qua các sử sách viết về ông. Phương pháp nghiên cứu lịch sử nói rằng chuyện gì càng được ghi chép gần thời điểm xảy ra, càng có nhiều sách kể, càng ít mâu thuẫn lợi ích thì càng đáng tin cậy. So với các tư liệu lịch sử cổ đại như về Caesar, lượng sử sách viết về Chúa Giê-xu nhiều hơn 500 lần, gần sát thời điểm xảy ra, ghi chép chính xác hơn, và những người chứng sẵn sàng chịu bắt bớ đến tản lạc và tử đạo, cho thấy sự đáng tin hơn nhiều lần [4] [9].
3. Cả các sử gia không tin cũng viết về Chúa Giê-xu, dù họ nói Ngài là kẻ làm trò phù thủy, lôi kéo dụ dỗ dân chúng, bị tử hình, rồi được những người tin theo nói đã sống lại [5]. (Đó là cách họ nói về việc Chúa làm phép lạ, được nhiều người theo, chết trên thập tự giá, rồi phục sinh.)
3.4 Có nghi ngờ nào là hợp lý?
Để một niềm tin được tính là vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý, các bằng chứng phải cho thấy rằng mọi nghi ngờ đều không hợp lý [1]. Ta hãy xem qua các nghi ngờ coi chúng hợp lý hay không:
1. Không thể có sự phục sinh vì nó trái với khoa học: không hợp lý vì để chứng tỏ mình là thần, Chúa Giê-xu phải làm các phép lạ siêu nhiên trái với khoa học (là những hiểu biết về các quy luật tự nhiên bình thường). Nếu Chúa làm chuyện thuận với khoa học thì đâu thể chứng minh mình là thần có quyền năng siêu nhiên.
2. Ngôi mộ trống đó không phải là mộ chôn xác Chúa: không hợp lý vì nó ở ngay ngoài thành Giê-ru-sa-lem, và chuyện Chúa bị đóng đinh và chôn ai cũng biết, nên không thể lầm.
3. Các môn đồ hay ai đó nhân lúc lính canh ngủ quên lấy trộm xác Chúa: đây là điều các lãnh đạo và thầy tế lễ Do Thái thời đó nói (Ma-thi-ơ 28:11-15), hay như Kinh Talmut nói một người làm vườn đã trộm xác Chúa đi chôn giấu ở suối [5]. Nhưng nó không hợp lý vì làm sao cả đội lính canh có thể cùng ngủ, đó là tội tử hình. Và làm sao kẻ trộm có thể lăn cửa mộ nặng 1-2 tấn [2] mà trộm xác Chúa? Và họ liều mạng như vậy để làm gì, khi việc tin Chúa với họ là bị đuổi khỏi cộng đồng và bị bắt bớ phải trốn chạy khắp nơi (Công Vụ 26:11).
4. Chúa Giê-xu chỉ bất tỉnh trên thập giá, ở trong mộ Chúa tỉnh dậy và trốn ra: không hợp lý vì lính tử hình đã đâm thử rồi xác nhận Chúa đã chết (Giăng 19:34), các môn đồ cũng đã tắm rửa tẩm liệm rồi chôn Ngài (Giăng 19:38-42), và người bị thương gần chết không thể lăn nổi tảng đá 1-2 tấn chắn cửa mộ [2] rồi trốn qua lính canh.
5. Các môn đồ bị ảo giác khi thấy mình gặp Chúa: không hợp lý vì không thể có chuyện hàng chục, hàng trăm người cùng bị ảo giác ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau.
6. Chuyện Chúa Giê-xu là do các môn đồ tưởng tượng ra hay có thật nhưng bị thêu dệt thêm, rồi dần dần người ta tin theo: không hợp lý vì những người tin đầu tiên là người Do Thái, Hy Lạp, La Mã, là những người nổi tiếng tri thức, sẵn sàng tìm hiểu ngọn ngành. Sách Lu-ca là của bác sĩ Lu-ca người Hy Lạp đi tra cứu tìm hiểu và viết cho nhà quý tộc Thê-ô-phi-lơ để ông có thể chắc chắn chuyện đúng là như vậy.
“Thưa ngài Thê-ô-phi-lơ khả kính, có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta… Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu, tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn.” (Lu-ca 1:1, 3-4)
“Những người Do Thái ở đây có tinh thần cởi mở hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca; họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.” (Công vụ 17:11)
Hơn nữa, giáo hội Do Thái và nhà nước La Mã ra sức chống đối và bắt bớ những ai tin Chúa Giê-xu. Chẳng ai từ bỏ giáo hội và cộng đồng mình đang có rồi chịu bắt bớ để tin theo chuyện nhóm nhỏ nào đó kể nếu không có bằng chứng thuyết phục. Và việc tin theo người bị tử hình trên thập tự giá là điên rồ: “Trong lúc người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, người Hi Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng Đấng Christ bị đóng đinh vào thập tự giá, điều mà người Do Thái cho là sai lầm, còn dân ngoại cho là điên rồ.” (I Cô-rinh-tô 1:22-23)
7. Kinh Thánh nói trái với những gì khoa học nói: không hợp lý vì “khoa học” tiến hóa thật ra chỉ là những suy đoán tri thức (educated guess), không phải là khoa học thực nghiệm như thử thả viên bi thấy nó rơi xuống đất. Chúng suy diễn cách tri thức chuyện hàng ngàn hàng tỷ năm trước, vậy nên lúc nói thế này lúc thế khác, và có khi ra là sai. Như tuổi vũ trụ thay đổi liên tục [6], xương cho là của tổ tiên hải cẩu 40 triệu năm trước giống hệt xương rái cá ngày nay [7], đá mới hình thành từ vụ phun trào núi lửa Saint Helen 10 năm trước nói ra 300 ngàn – 3 triệu năm [8]. Suy đoán chuyện 10 năm có khi đã sai rồi, nói chi hàng tỷ năm.

Đá núi lửa St. Helen phun trào mới 10 năm được định ra 300 ngàn – 3 triệu năm tuổi [8]
8. Tôi muốn một bằng chứng khác rõ ràng hơn, như Chúa phải hiện ra và làm phép lạ theo ý tôi: không hợp lý tòa án phải suy xét với những bằng chứng họ có được, không phải cái họ muốn. Cũng vậy, ta phải suy xét với các bằng chứng mình có được, không thể đòi hỏi cái mình muốn. “Thế hệ gian ác dâm loạn nầy tìm kiếm một dấu lạ; nhưng sẽ không có một dấu lạ nào được ban cho họ ngoài dấu lạ của Giô-na” (Ma-thi-ơ 16:14). Với những người không muốn tin, Chúa không ban cho họ dấu lạ nào khác trừ sự chết và phục sinh của Ngài. Đây là sự kiện đủ vật chứng nhân chứng lịch sử vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý mà những người không muốn tin sẽ không thể chối cãi được trong Ngày Phán Xét.
Tổng Kết
Con người có thể tin nhiều thứ khác nhau. Nhưng để một niềm tin được chắc chắn, nó cần có các bằng chứng làm cơ sở để kiểm tra, chứng minh, và bác bỏ nghi ngờ. Dựa trên những nhân chứng vật chứng thu thập được, tòa án sẽ đánh giá độ chắc chắn để tin từ “có chút bằng chứng” tới “vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý” [1].
Niềm tin Cơ Đốc nói đến nhiều chuyện siêu nhiên, từ Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới, A-đam và Ê-va, trận lụt Nô-ê… đến sự phán xét linh hồn sau khi chết, thiên đường địa ngục, trời mới đất mới. Nếu Chúa Giê-xu đúng là Con Trai Đức Chúa Trời giáng sinh xuống trần, thì Ngài là nhân chứng đáng tin “vượt mọi nghi ngờ hợp lý” cho mọi điều trên, vì Ngài đã trực tiếp chứng kiến tất cả mọi chuyện quá khứ, và sẽ làm những chuyện tương lai. Đức Chúa Trời không thể nói dối, và Đấng Tạo Hóa toàn năng có quyền lực siêu nhiên để làm những điều Ngài tuyên bố.
Bằng chứng cho việc Chúa Giê-xu là Con Trai Đức Chúa Trời giáng sinh là sự chết và phục sinh của Ngài. Vật chứng là ngôi mộ Chúa ở ngay ngoài thành Giê-ru-sa-lem, ai cũng có thể tới xem. Nhân chứng là các môn đồ cùng hơn 500 người làm chứng nói rằng Chúa Giê-xu hiện ra với họ, và sau này, cả Sau-lơ là người Pha-ri-sê đang điên cuồng bắt bớ người tin Chúa cũng thấy Ngài và đầu phục. Đây là một sự kiện lịch sử đáng tin cậy nhất theo phương pháp nghiên cứu lịch sử. So với các danh nhân cổ đại như Julius Caesar, lượng tư liệu lịch sử viết về Chúa Giê-xu nhiều hơn 500 lần, gần hơn về thời điểm xảy ra, ghi chép chính xác hơn, và những người chứng sẵn sàng chịu bắt bớ đến tử đạo… cho thấy sự đáng tin gấp nhiều lần [4] [9].
Như ta đã xem xét ở trên, mọi nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa Giê-xu đều không hợp lý trước các bằng chứng ta có. Lời giải thích hợp lý duy nhất cho việc ngôi mộ trống và những gì được chứng kiến và ghi chép lại là thiên sứ thực sự đã xuất hiện và mở cửa mộ bất chấp lính canh, và Chúa Giê-xu thực sự đã sống lại và hiện ra với những ai thuận theo ý Ngài. Đây là điều chắn chắn vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý, mức chắc chắn cao nhất của tòa án Mỹ. Điều này được xác nhận bởi những luật gia nổi tiếng ngày nay như Simon Greenleaf, nhà sáng lập trường luật Harvard [10], hay Warner Wallace, chuyên viên điều tra án mạng [11]. Nó có nghĩa là Chúa Giê-xu thực sự là Con Trai Đức Chúa Trời giáng thế. Và Ngài là nhân chứng đáng tin tuyệt đối cho niềm tin Cơ Đốc, từ chuyện Chúa tạo dựng thế giới, A-đam và Ê-va, trận lụt Nô-ê… đến sự phán xét sau khi chết, thiên đàng địa ngục, trời mới đất mới.
Vậy nên khác với các niềm tin khác chỉ là những suy diễn chuyện hàng triệu hàng tỷ năm trước, hay các lời hay hay nhưng cũng nhiều nghi ngờ, niềm tin Cơ Đốc có một bằng chứng vượt mọi nghi ngờ hợp lý là sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Do đó, ta hãy tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, “vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời…Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy” (Giăng 3:16,36). Đến Ngày Phán Xét, khi tất cả mọi người đã chết đều được phục sinh trước ngai lớn và trắng của Đấng Christ mà chịu phán xét về mọi công việc mình từng làm (Khải Huyền 20:11-15), ai chẳng tin sẽ không thể chối cãi gì trước bằng chứng mà Chúa Giê-xu đã cho, và sẽ phải chịu sự trừng phạt công chính của Ngài.
Richard Huynh (bachkhoa.name.vn)
Đọc thêm chuyên đề: Bằng Chứng Của Niềm Tin Cơ Đốc
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Bài Tham Khảo
[1] Burden of proof (law)
https://en.m.wikipedia.org/wiki/Burden_of_proof_(law)
[2] The Size of the Stone Covering Jesus’ Tomb
https://thinkingtobelieve.com/2011/03/24/the-size-of-the-stone-covering-jesus%E2%80%99-tomb-2
[3] Nhà thờ mộ thánh
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_th%E1%BB%9D_M%E1%BB%99_Th%C3%A1nh
[4] Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử Khiến Tôi Tin Về Cái Chết Của Caesar Và Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu
https://bachkhoa.name.vn/2024/03/24/phuong-phap-nghien-cuu-lich-su-khien-toi-tin-ve-cai-chet-cua-julius-caesar-va-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu/
[5] Is There Any Evidence for Jesus Outside the Bible?
https://coldcasechristianity.com/writings/is-there-any-evidence-for-jesus-outside-the-bible/
[6] Thuyết Big Bang gặp rắc rối? Không vấn đề gì, chỉ cần nhân đôi tuổi vũ trụ!
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/31/thuyet-big-bang-gap-rac-roi-khong-van-de-gi-chi-can-nhan-doi-tuoi-vu-tru/
[7] Hóa Thạch Tưởng Là Tổ Tiên Tiến Hóa Thất Lạc Của Hải Cẩu Chỉ Là Xương Rái Cá Ngày Nay
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/04/hoa-thach-tuong-la-to-tien-tien-hoa-that-lac-cua-hai-cau-chi-la-xuong-rai-ca-ngay-nay/
[8] Núi St Helens vạch ra sai lầm của phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/15/nui-st-helens-vach-ra-sai-lam-cua-phuong-phap-dinh-tuoi-bang-dong-vi-phong-xa/
[9] Chúng ta có thể tin cậy các sách Tân Ước không?
https://www.thebeehive.live/blog/can-we-trust-the-new-testament-documents-part-3