Home Dưỡng Linh Ra Mắt Nhà Vua

Ra Mắt Nhà Vua

by truthforlife.org
30 đọc

Vua [Hê-rốt] triệu tập các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại để hỏi họ: “Đấng Christ được sinh tại đâu?” Họ tâu rằng: “Tại thành Bết-lê-hem miền Giu-đê…”(Ma-thi-ơ 2:4–5)

Khi Chúa Giê-xu giáng sinh, bảy thế kỷ sau khi Mi-chê nói tiên tri về nơi Ngài sẽ được sinh ra, sự xuất hiện của Ngài đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều—và những phản ứng đó cho đến nay vẫn không khác gì thời đó: thù địch, thờ ơ hoặc đầy đức tin.

Vua Hê-rốt là hiện thân của sự thù địch đối với Chúa Giê-xu. Ông đại diện cho tất cả những ai tự nhủ rằng, “Tôi không phiền khi một người sùng đạo ngồi im lặng ở ghế sau, nhưng tôi không muốn bất kỳ ai cầm lái chuyến xe cuộc đời mình.” Một nhà lãnh đạo tôn giáo giữ im lặng thì được chấp nhận; một người công bố lẽ thật và không đồng tình với những điều sai trật nhưng mang lại lợi ích cho nhiều gười trong thế gian thì không. Hê-rốt đã làm mọi cách có thể để đảm bảo rằng sẽ không có vị vua nào có thể cạnh tranh với ông (Ma-thi-ơ 2:16-18). Và nhiều người vẫn làm như vậy cho đến ngày nay.

Những người sùng đạo tại Giê-ru-sa-lem đã phản ứng với sự đến của Chúa Giê-xu bằng sự thờ ơ. Khi Hê-rốt hỏi họ về nơi sinh của Đấng Christ, họ đã có thể trả lời những câu hỏi của ông một cách rất cụ thể. Họ biết Mi-chê đã tiên tri rằng Ngài sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem; nhưng họ chỉ đơn giản là không quan tâm. Họ thậm chí không dành thời gian để thực hiện một cuộc hành trình dài sáu dặm để gặp gỡ và thờ phượng Vua của dân Do Thái, Đấng đã được mong đợi từ lâu. Họ hoàn toàn không quan tâm đến Ngài. Họ quá bận rộn với tôn giáo của mình đến mức không có thời gian để bận tâm đến vị Vua trong lời hứa.

Rồi đến những nhà thông thái, một nhóm các nhà chiêm tinh ngoại quốc đã nhìn thấy một ngôi sao trên bầu trời, tính toán xem ngôi sao đó báo hiệu điều gì, họ khăn gói lên đường với hành trang là đức tin về Đấng Cứu Thế. Điều gì đã khiến những con người khôn ngoan lỗi lạc này sấp mình trước một con trẻ mới sinh? Chỉ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Và chính những người ngoại quốc này đã “mừng rỡ quá bội”, chứ không phải Hê-rốt hay các thầy tế lễ (Ma-thi-ơ 2:10).

Chỉ có một ranh giới phân chia thực sự giữa con người. Ranh giới đó không liên quan gì đến màu da, trí tuệ hay địa vị xã hội. Đó là ranh giới phân chia giữa sự vô tín (cho dù sự vô tín đó biểu hiện dưới dạng thù địch hay thờ ơ)—và đức tin. Thế gian ngày càng thù địch với một Đức Chúa Trời tể trị—Đấng có toàn quyền trên các tạo vật của Ngài, nhưng chúng ta cũng nên lưu ý rằng những người “theo tôn giáo” cũng có nguy cơ trở nên vô tín: sự thờ ơ cũng là vô tín.

Nhiều người trong chúng ta đã nghe câu chuyện Giáng Sinh vô số lần, những người thuộc làu Kinh Thánh và những người luôn đến nhà thờ vào mỗi ngày Chúa Nhật không miễn nhiễm với sự thờ ơ. Học có thể không còn hào hứng khi nói về Chúa nữa; hoặc họ cũng không đáp lại lời Ngài khi lời đó kêu gọi họ thực hiện những thay đổi. Và bất kể chúng ta là ai, nếu chúng ta không có Chúa Giê-xu làm Vua của đời sống mình, chúng ta sẽ không thuộc về vương quốc của Ngài dù là ở phía bên này thế giới hay phía bên kia cõi đời đời.

Nếu bạn muốn Chúa Giê-xu để cho bạn yên, dù là trong sự thù địch hay sùng đạo, Ngài sẽ để bạn yên—mãi mãi. Phản ứng của bạn với Chúa Giê-xu bây giờ có ý nghĩa trong cõi đời đời. Hãy nhìn lên Ngài, Đấng đã đến để chết vì những tội nhân thù địch và thờ ơ, và để tình yêu vĩ đại của Ngài làm mềm lòng bạn để bạn đáp lại Ngài bằng đức tin thực sự, vui mừng và vâng phục, ngay hôm nay và mỗi một ngày trong đời sống bạn.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: truthforlife.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like