Bạn có cảm nhận được rằng chúng ta đang sống trong những ngày sau rốt? Các nhà khoa học gần đây báo cáo rằng nhiệt độ trái đất đang tăng lên, nhiệt độ trung bình cao nhất được ghi nhận cho tới hiện tại. Đây có phải là sự khởi đầu cho sự kết thúc? Một số người tin rằng biến đổi khí hậu sẽ là ngày tận thế của chúng ta, hoặc thế giới có thể kết thúc bằng một đại dịch toàn cầu như Covid-19, một thảm họa thiên nhiên toàn cầu như bão mặt trời, hoặc chiến tranh hạt nhân hay những cuộc nội chiến. Với những gì đang xảy ra trên thế giới, mọi người bắt đầu nói nhiều hơn về thuyết mạt thế—nghiên cứu thần học về “ngày tận thế” hay “thời kỳ cuối cùng”.
Những gì chúng ta tin về thời kỳ sau rốt sẽ quyết định cách chúng ta sống ở thời điểm hiện tại. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta tin những gì Kinh Thánh nói về số phận cuối cùng của nhân loại. Chúa Giê-xu, Phao-lô, Giăng và Phi-e-rơ đều nói về ngày tận thế như thể ngày đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Phi-e-rơ viết:
Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy … (1 Phi-e-rơ 4:7)
Từ “vậy” là từ chuyển tiếp mà Phi-e-rơ sử dụng để chuyển từ những dự đoán đáng sợ sang các việc làm thực tiễn khi ông tiết lộ năm chiến lược để con cái Chúa có thể sống trong những ngày sau rốt.
1. Chuyên tâm cầu nguyện
“Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy tỉnh táo và tiết độ để cầu nguyện.” (1 Phi-e-rơ 4:7)
Một trong những điều tốt nhất của Cơ Đốc nhân là chúng ta có thể cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi. Nếu bạn định cầu nguyện không thôi như Kinh Thánh nói (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17), bạn sẽ phải cầu nguyện khi nhắm mắt cũng như khi mở mắt, có thể chắp tay trước ngực hay giơ tay lên cao, và bạn cũng có thể cầu nguyện khi đang rửa bát trong nhà bếp.
Trong số tất cả những lời cầu nguyện được ghi lại trong Kinh Thánh, có một lời cầu nguyện bao hàm tất cả những lời cầu nguyện khác, hoàn toàn phù hợp cho mọi vấn đề mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng sẽ gặp phải. Đây là một lời cầu nguyện không bao giờ thất bại, một điều ước mà Đức Chúa Trời luôn ban cho chúng ta, và đó có thể là lời cầu nguyện khó khăn nhất mà bạn từng thốt ra. Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu. Ngài đã nói với chúng ta những lời này chỉ vài ngày trước khi chịu đóng đinh. Ngài đã chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra với mình khi Ngài nói,
“Cha ơi, xin hãy tôn vinh danh Cha!” (Giăng 12:28)
Đây không phải là một lời cầu nguyện chóng vánh; đó là một lời cầu nguyện giúp chúng ta vượt qua nỗi đau. Khi thế giới trước mắt bạn sụp đổ và bạn cảm thấy như thể mọi thứ đã kết thúc kết – thúc của một giấc mơ, hoài bảo – lời cầu nguyện tha thiết và có tính kỷ luật sẽ mang sự hiện diện, bình an và quyền năng của Chúa vào trong cơn bão của cuộc đời bạn.
2. Yêu thương hết lòng
“Hãy hết lòng yêu nhau vì tình yêu khỏa lấp vô số tội lỗi.” (1 Phi-e-rơ 4:8, BPT)
Khi Phi-e-rơ nói về tình yêu thương, ông không nói về tình yêu bình thường của con người chúng ta; đây là tình yêu sâu đậm, không hư mất và nhiệt thành. Từ gốc để diễn tả tình yêu tha thiết ở đây là ekteinō (ek-ti-no), có nghĩa là duỗi ra hoặc dang rộng ra, như Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi đã dang tay ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Chúa Giê-xu yêu thương chúng ta đến nỗi dang tay ra chịu đóng đinh trên thập tự giá.
Phi-e-rơ đang mời gọi chúng ta đến với loại tình yêu cho đi một điều gì đó quý giá. Loại tình yêu này là vô điều kiện, không ngừng nghỉ, không lay chuyển và không suy giảm. Tình yêu cho đi không cần nhận lại. Đó là tình yêu không dễ dàng, nó khiến trái tim bạn tan vỡ khi tâm hồn bạn yêu cách trọn vẹn. Loại tình yêu này sẽ khiến bạn phải trả giá.
Bạn không thể tìm thấy tình yêu của Đấng Christ trong thế gian—tự bản thân chúng ta, những con người xác thịt cũng không tự mình sản sinh ra tình yêu đó. Tình yêu này đến từ Đức Thánh Linh, Ngài biến đổi trái tim bạn từ lãnh đạm, thiếu kiên nhẫn, thô lỗ và cáu kỉnh thành nóng cháy, rộng lượng, nhân từ và tràn đầy hy vọng. Chúa không mong đợi chúng ta tạo ra một chút tình yêu thương giống như vậy. Ngài không ban cho chúng ta một mệnh lệnh bất khả thi là “hãy yêu thương mọi người” rồi bỏ mặc chúng ta mà không chuẩn bị gì. Tình yêu mà Ngài ban cho chúng ta, Ngài cũng sẽ đổ đầy chúng ta để chúng ta có thể yêu thương người khác như Ngài yêu!
3. Ban ra với lòng rộng rãi vui mừng
“Hãy mở rộng cửa nhà đón tiếp nhau, đừng phàn nàn.” (1 Phi-e-rơ 4:9, BPT)
Tình trạng cô đơn, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn lo âu, trầm cảm, tức giận, mất ngủ và tự tử đang gia tăng và dự kiến sẽ còn tăng nữa bởi những bất ổn về kinh tế, không đủ việc làm, bất hòa xã hội và biến động chính trị. Đối với những mùa đáng sợ như thế này, lời khuyên của Phi-e-rơ là chúng ta phải thể hiện lòng hiếu khách với nhau, và bí quyết của ông là lòng rộng rãi vui mừng khi ban ra, một phẩm chất mà không phải Cơ Đốc nhân nào cũng có được.
Hãy đối mặt với sự thật, không phải lúc nào cũng dễ dàng bày tỏ lòng hiếu khách. Ban ra với lòng rộng rãi vui mừng có nghĩa là không càu nhàu hay phàn nàn và không làm cho cả gia đình phải khốn khổ. Điều đó không có nghĩa là bạn phải tiếp đãi khách với dịch vụ của một khách sạn năm sao.
Lòng hiếu khách liên quan nhiều đến việc chia sẻ cuộc sống của bạn hơn là gây ấn tượng với hàng xóm. Lòng hiếu khách có thể được thể hiện trên vỉa hè hoặc trước hiên nhà, khi bạn chia sẻ những chiếc bánh mì, những bữa ăn vội với những người cần sự giúp đỡ. Ban ra với lòng rộng rãi vui mừng là kế hoạch của Chúa để rao giảng Phúc Âm cho thế giới, từng người một.
4. Ân cần phục vụ
“Mỗi người hãy dùng ân tứ mình đã nhận mà phục vụ nhau, như người quản lý trung tín khéo sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời nhiều cách khác nhau. Nếu có ai giảng luận thì hãy giảng như rao truyền lời của Đức Chúa Trời; nếu có ai phục vụ thì hãy phục vụ bằng sức mạnh của Đức Chúa Trời ban cho…” (1 Phi-e-rơ 4:10-11)
Sử dụng những ân tứ thuộc linh của chúng ta để phục vụ lẫn nhau là bí quyết sống sót trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu và những tai ương trong đời sống. Ân tứ thuộc linh là một khả năng siêu nhiên được Đức Thánh Linh ban cho mỗi tín hữu nhằm mục đích thực hiện những mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Khi Chúa Giê-xu dạy chúng ta hãy yêu thương người lân cận, chăm sóc các góa phụ, giúp đỡ người nghèo, tiếp đón khách lạ và thăm viếng người bệnh, Ngài sẽ không để chúng ta đi tay không. Ngài đặt công cụ vào tay chúng ta. Một trong những cách mà Chúa trang bị cho chúng ta để yêu thương và phục vụ tốt là thông qua những ân tứ thuộc linh. Kinh Thánh ghi lại danh sách các ân tứ thuộc linh trong Rô-ma 12:6-8, 1 Cô-rinh-tô 12:1-11 và Ê-phê-sô 4:11-12.
Chúa cũng sẽ chu cấp những nhu cầu của bạn thông qua những ân tứ mà Ngài ban cho người khác. Những ân tứ thuộc linh là để cho đi và nhận lại. Phi-e-rơ viết rằng chúng ta nên phục vụ “bằng sức Chúa ban,” và Chúa biết, đôi khi chúng ta chỉ còn lại một chút sức lực. Khi hy vọng và ước mơ của bạn sắp lụi tàn, hãy tìm kiếm những người có những ân tứ mà bạn cần. Cho phép họ phục vụ bạn trong cơn khủng hoảng sẽ giúp họ nhận được phước lành, sự thỏa lòng và niềm vui sướng khi sử dụng những ân tứ của mình để làm vinh hiển Chúa.
5. Ngợi khen Chúa không thôi
“…để trong mọi sự Đức Chúa Trời được tôn vinh qua Đức Chúa Giê-xu Christ. Nguyện vinh quang và quyền năng thuộc về Ngài đời đời vô cùng. A-men.” (1 Phi-e-rơ 4:11)
Chiến lược cuối cùng của Phi-e-rơ để sống sót trong những ngày sau rốt là ngợi khen Chúa. Phi-e-rơ học được điều này từ Chúa Giê-xu.
“Sau khi hát thánh ca, Đức Chúa Giê-xu và các môn đồ ra đi, lên núi Ô-liu.” (Ma-thi-ơ 26:30)
Bạn có thích nghe Chúa Giê-xu hát không? Dù không biết giai điệu nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng những bài thánh ca đó lấy từ Thi-thiên 113-118. Nhóm Thi-thiên này được gọi là Hallel (haw-lail), có nghĩa là ngợi khen. Đó là gốc của từ hallelujah, có nghĩa là “ngợi khen Chúa”. Bài Hallel cuối cùng, Thi-thiên 118, theo truyền thống được hát khi bữa ăn Lễ Vượt Qua kết thúc.
Điều này có nghĩa là vào ngày Chúa Giê-xu bị phản bội, chối bỏ, buộc tội, chế giễu, đánh đập, bỏ rơi, khước từ, khinh miệt, ngay trước khi Ngài bị tra tấn, đóng đinh và chịu chôn, rất có thể Ngài đã hát những lời trong Thi-thiên 118 , trong đó có câu này:
“Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên; Chúng con sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy.” (Thi-thiên 118 :24)
Vào ngày chịu khổ hình, Chúa Giê-xu đã ngợi khen Đức Chúa Trời. Ngài ngợi khen cách vui mừng. Chúa Giê-xu biết rằng khi chúng ta tan nát cõi lòng và gục ngã, là lúc chúng ta ở gần Cha nhất. Ngài là thành tín và chân thật, sẵn sàng ban ân điển và lòng thương xót. Ngài xứng đáng được chúng ta khen ngợi nhất khi Ngài cùng chúng ta bước qua những ngày đen tối nhất, những thử thách khó khăn nhất, những khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, rung chuyển trái đất, những khoảnh khắc mà chúng ta bất lực không biết phải làm gì.
Giờ đây bạn có một bộ công cụ với năm chiến lược cụ thể mà bạn có thể sử dụng khi đối mặt với những ngày khó khăn sắp tới. Khi ước mơ và hy vọng sụp đổ. Chúng ta không có quyền quyết định khí hậu, hành vi của người khác, nhà cầm quyền, mốc thời gian, áp lực tài chính, đại dịch toàn cầu, v.v.—nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách mình phản ứng với những biến cố trong cuộc sống. Chúng ta không cần phải sợ “ngày tận thế”. Chúa Giê-xu là khởi đầu, và kết thúc của câu chuyện chúng ta. Ngày tận thế như chúng ta biết chỉ là một sự khởi đầu khác.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com