Home Dưỡng Linh Sống Không Hối tiếc – Tấm Gương Cuộc Đời William Borden

Sống Không Hối tiếc – Tấm Gương Cuộc Đời William Borden

by Ban Biên Tập
30 đọc

“Đấng Christ là sự giải thích duy nhất cho một cuộc đời như thế”; Đây là lời nhận xét của giáo sư Charles Erdman của đại học Princeton Mỹ về William Borden, và ông đã không hề lầm. Người ta nói rằng có rất nhiều Cơ Đốc Nhân không hay biết gì về câu chuyện đáng kinh ngạc của người trai trẻ này, người mà cuộc đời ngắn ngủi và cái chết đột ngột của mình đã gây ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới thể hệ của anh. Và anh đã để lại một một lời chứng về một cuộc đời dâng trọn cho Đấng Chirst, lời chứng ấy sẽ còn mãi qua mọi thế hệ.

Tất nhiên những đứa con khác cũng được mẹ dẫn dắt bước đi theo Chúa. Nhưng dường như duy chỉ có William là trọn lòng đi theo đức tin của mẹ. Chỉ trong một thời gian ngắn cậu đã tiếp nhận Chúa và không bao giờ quay đầu lại. Cậu bé tỏ ra trưởng thành thuộc linh rất sớm. Cậu đọc Kinh thánh và cầu nguyện cùng mẹ trước khi đi học. Qua suốt những năm thời niên thiếu của mình cậu không hề có những hành vi nổi loạn thường thấy ở những đứa trẻ khác. Cậu gần như là một đứa con lý tưởng, học giỏi, ngoan ngoãn, hiếu kính với cha mẹ và thích chơi thể thao.


William Borden

Sự kêu Gọi

Khi anh tốt nghiệp cấp 3, cha mẹ thưởng cho anh một chuyến du lịch vòng quanh thế giới và thuê cho anh một người thanh niên trẻ cũng là Cơ Đốc Nhân sốt sắng để làm bạn cũng như bảo vệ anh. Trong chuyến đi này William đã gặp rất nhiều giáo sĩ Cơ Đốc. Nhiều người trong số họ còn trẻ, sống có lý tưởng, với khát khao cháy bỏng chinh phục các nước cho Đấng Christ, và họ đã để lại trong anh một ấn tượng sâu sắc. Anh viết thư cho mẹ, “Khi con nhìn về tương lai một vài năm tới, con thấy mình dường như chỉ phải làm duy có một điều đó là chuẩn bị cho cánh đồng truyền giáo ở nước ngoài…”  Người thừa kế gia tài của nhà Borden đang bắt đầu nói giống như một nhà truyền đạo hơn là một công tử nhà giàu.

Đầy Tớ Của Đấng Christ

Khi quay trở về, theo nguyện vọng của cha anh theo học trường Đại học Yale. Năm đầu tiên, anh thấy nhiều bạn bè mình không hề được chia sẻ gì về Chúa. Nên William bắt đầu gặp một người bạn rồi cùng nhau đọc Kinh Thánh và cầu nguyện vào buổi sáng, chẳng bao lâu sau có một người bạn nữa tham dựcùng họ, rồi cứ như thế ngày càng có thêm nhiều người khác. Và hết khóa học từ một nhóm nhỏ hai người ấy đã trở thành một phong trào lớn toàn trường. Một số tài liệu cho biết hết năm nhất đã có 150 sinh viên nhóm lại trong buổi nhóm cầu nguyện. Và con số ấy lên tới 1000 khi ông học năm cuối!

Cũng vào những năm học đại học, William thấy rằng Hội Truyền Giáo Hy Vọng Yale đang nỗ lực phục hồi người nghiện rượu và những người nghèo khác ở gần cảng tàu New Haven. Bằng tài sản của gia đình, anh đã ủng hộ để xây các tòa nhà và các nhu cầu khác của hội truyền giáo, nhưng đầu tư của anh không chỉ đơn thuần là tài chính. Người ta thường thấy anh ở gần các cảng tàu, cho một người nghèo đồ ăn và chia sẻ Tin Lành của Chúa Jê-sus cho họ. Thời gian trôi, đoàn truyền giáo ở New Haven đã thay đổi hàng trăm con người.

Hội nghị Phong Trào Sinh Viên Tình Nguyện diễn ra tại Nashville, Tennessee là một mốc đánh dấu quan trọng nữa trong những năm học đại học của William. Tại hội nghị này, được nghe tiến sĩ Samuel Zwemer nói về công tác của ông với nhóm người Hồi giáo ở miền Tây Trung Quốc, William đã xác quyết hơn về sứ mạng của mình. Thần của Chúa khuấy động anh và anh thấy gánh nặng với những con người này nhiều đến mức anh đã quyết định đạt được bằng thạc sĩ của trường Thần Học Princeton rồi vượt đại dương sang Trung Quốc cùng tiến sĩ Zwemer.

Sau buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp thần học của Borden, báo chí Chicago rầm rộ đưa những tin bầy tỏ sự kinh ngạc về một công tử triệu phú sắp “đâm đầu” đi làm một giáo sĩ thấp hèn ở cái xứ “khỉ ho cò gáy”, và họ tuyên bố không ai có thể giải thích được điều này. Với vẻ đẹp trai ngời ngời, tiền bạc, tính cách lôi cuốn, một bộ óc sắc xảo và những phẩm chất lãnh đạo trời phú của mình, William có thể cưới bất cứ một ai mà anh muốn, thành công ở bất cứ lĩnh vực gì mà anh nỗ lực và sở hữu bất cứ cái gì mà anh ước ao. Với những người đã không nắm được Tình Yêu của Đấng Christ, thì anh thực sự đang hủy hoại cuộc đời mình.


Một tờ báo đưa tin về việc William lựa chọn con đường của một giáo sỹ

William đã không đi tầu sang thẳng Trung Quốc mà anh đến Ai Cập để học tiếng Ả-rập trước vì phần lớn nhóm người Hồi giáo Trung Quốc nói tiếng này. Ở đây anh cũng có những hoạt động thực tế để học hỏi làm sao có thể tiếp cận với người Hồi giáo hiệu quả. Đồng Thời anh cùng với những sinh viên ở trường thần học còn đến từng gia đình, xuống từng góc phố để nói về Chúa Jêsus cho họ biết.


William trong một đội bóng chày ở Ai Cập

Chỉ sau ba tháng học tập và truyền giáo tại Ai Cập, William đã về với Chúa vì một căn bệnh hiểm nghèo. Anh đã không bao giờ đến được đất nước Trung Quốc yêu dấu của mình, dầu vậy anh vẫn luôn giữ vai trò là một “giáo sĩ” trong nhiều năm liền. Đầu tiên là ở Yale, kế đến là Princeton và cuối cùng là thời gian ngắn ngủi của anh tại Ai Cập. Sự ra đi của William đã gây sốc toàn thế giới. Cuộc đời ngắn ngủi của anh, tình yêu anh dành cho Chúa Jêsus và công tác truyền giáo, lòng sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ cho Tin lành của anh đã trở thành một minh họa sống động mạnh mẽ cho mọi bài giảng về truyền giáo. Cuộc đời và cái chết của anh đã truyền cảm hứng cho không biết bao nhiêu Cơ Đốc Nhân hiến thân cho hoạt động truyền giáo và hết lòng vì cớ Chúa.

Dầu Đổ Ra

Ai đó có thể nói anh đã phí phạm đời mình, nhẽ ra anh đã có một cuộc sống sung túc, an nhàn nếu anh đừng nghĩ tới cái chuyện ngu ngốc chinh phục những con người cho Đấng Christ! Nhưng phần lớn Cơ Đốc Nhân ôm ấp tình cảm với anh như một giáo sĩ khác đã viết về Borden:  “Tôi hoàn toàn không bao giờ nghĩ đó là một cuộc đời bị cắt ngắn, cắt ngắn nghĩa là không hoàn thành, đứt đoạn giữa chừng, và chúng ta biết rằng Cha của chúng ta không bao giờ làm giữa chừng…”

Khi tìm trong cuốn Kinh Thánh của William, người ta đã thấy ba cụm từ quyền năng được viết ở những thời điểm khác như như thế này: Cụm từ thứ nhất “No reserves” tạm dịch là “Không giữ lại” anh viết khi còn học phổ thông và quyết định sẽ từ bỏ cuộc sống giàu sang sung túc ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trường Yale, với rất nhiều lời mời cho những vị trí quan trọng đến với anh, anh đã viết, “No retreats” Tạm dịch là “Không thoái lui.” Và bên dưới hai cụm từ này là một cụm từ anh viết ngay trước khi anh ra đi, một cụm từ đáng kinh ngạc, “No regrets” tạm dịch “Không hối tiếc”..

William đã để cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về một cuộc đời dâng trọn cho Chúa. Cũng như người đàn bà góa đã dâng trọn những gì quý giá nhất của mình cho Chúa, bà còn được nhắc tới chừng nào Tin lành còn được rao giảng thì William cũng sống mãi trong lòng mỗi Cơ Đốc Nhân. Cuộc đời của anh không hề bị bỏ phí vì đã được dùng để cho đi.

Theo Loisusong
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like