Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; 2 Ti-mô-thê 3:16), được Chúa soi dẫn để truyền đạt lẽ thật cho nhân loại. Nhưng Kinh Thánh được chép lại như một tác phẩm văn học, với nhiều sách khác nhau viết theo nhiều phong cách và thể loại văn chương khác nhau. Quá trình viết trải dài hơn 1500 năm với hơn 40 tác giả con người. Những điều này đặt ra một số thử thách cho việc đọc Kinh Thánh, như sao để ta nhận biết Chúa đang có ý nói điều gì. Liệu chúng ta nên đọc như thể Chúa phán cho chính ta (như nhiều người Hồi Giáo xem kinh Ko-ran)? Hay ta nhận biết sự đóng gói bởi con người mà qua đó “lời sấm truyền của Đức Chúa Trời” được bày tỏ (1 Phi-e-rơ 4:11), rồi học ngữ cảnh và bối cảnh đằng sau để hiểu rõ hơn?
Câu trả lời, mà hầu như tất cả các học giả và giáo viên Kinh Thánh đều đồng ý, là lựa chọn thứ hai. Đó là lý do tại sao chỉ mở Kinh Thánh ra cách ngẫu nhiên rồi đọc không được công nhận là cách đúng để tìm kiếm chỉ dẫn từ Chúa. Nó là một trong số những lỗi tôi đã phạm phải khi học cách đọc Kinh Thánh theo cách Chúa muốn ta làm. Vậy hãy xem 10 lỗi mà tôi đã phạm phải trong việc đọc Kinh Thánh:
1. Sai Lầm Chỉ Đọc Câu Trích Dẫn (Mà Không Biết Ngữ Cảnh)
Một số câu Kinh Thánh hay được trích dẫn trên bìa Kinh Thánh, nhãn dán, thanh dấu trang, và nam châm dính tủ lạnh. Câu phổ biến nhất hiện nay có vẻ là Giê-rê-mi 29:11, “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.”
Ta có thể cảm thấy cảm hứng tích cực dâng trào khi đọc nó phải không? Sau đó ta có thể trích câu “Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Rô-ma 8:31) cùng với câu “amen” để đáp lại. Nhưng đây chính là vấn đề. Ta không thể lấy một điều mà Chúa đã nói cho một nhóm người cụ thể tại một thời điểm lịch sử cụ thể mà áp dụng nó như một lời dành cho hoàn cảnh của mình – ngay cả nó là lời được Đức Chúa Trời soi dẫn.
Vấn đề của tôi là đã trở nên quá quen thuộc với câu Kinh Thánh này từ lâu trước khi đọc nó trong sách Giê-rê-mi. Vậy nên tôi đọc nó ngoài ngữ cảnh. Giê-rê-mi ban đầu đang nói với một nhóm dân bị đánh bại, bị sỉ nhục, bị lưu đày ra khỏi quê hương mình khoảng 1400 km. Họ đang sống dưới sự cai trị ngoại quốc hà khốc. Việc Giê-rê-mi tuyên bố rằng Đức Chúa Trời vẫn có những kế hoạch cho họ, nói rằng Ngài vẫn sẽ giúp họ thịnh vượng – mặc dù họ đang ở dưới sự phán xét của Chúa – là khích lệ vô cùng.
Bạn có thấy ngữ cảnh quan trọng thế nào không? Chúng ta không thể chỉ cắt câu này và dán nó vào hoàn cảnh rất khác của mình, áp dụng nó vào đời sống mình cách không suy nghĩ.
2. Lẫn Lộn Giữa Quy Tắc Khôn Ngoan Và Quy Luật Chắc Chắn
Những câu nói khôn ngoan không được thiết kế để diễn đạt những quy luật chắc chắn. Ví dụ, Châm Ngôn 6:10-11 nói “Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm nghỉ một chút, thì sự nghèo khổ sẽ đến với ngươi như kẻ trộm cắp, cảnh túng thiếu sẽ tấn công ngươi như kẻ cướp có vũ trang.” Tất nhiên, nói chung đúng là nếu ta lười, ta có thể trở nên nghèo đói. Nhưng cũng có nhiều người trong lịch sử ngủ rất nhiều nhưng không trở nên nghèo vì được thừa hưởng một khối tài sản khổng lồ.
Những câu châm ngôn nói về những quy luật chung, không phải những việc cụ thể. Ta thường có thể tìm thấy những ngoại lệ của quy luật này. Nhưng với lòng nhiệt thành đi theo Lời Chúa, tôi đã xem chúng như những lẽ thật tuyệt đối mà không chú ý đến thể loại văn của chúng.
3. Bỏ Qua Bức Tranh Lớn Toàn Cảnh

Y-sác là hình bóng của Chúa Giê-xu
Lần đầu tiên khi đọc câu chuyện Áp-ra-ham được yêu cầu dâng tế Y-sác (Sáng Thế Ký 22:1-2), tôi đã rất bối rối. Làm sao tôi có thể dung hòa những gì mình biết về Chúa với mạng lệnh dâng tế con người này? Tôi tưởng tượng ai đó nói với mục sư của họ: “Chúa đang yêu cầu tôi dâng tế con trai tôi cho Ngài, liệu mục sư có thể xác nhận tôi đang nhận lãnh đúng chỉ dẫn từ Chúa?” Câu trả lời khá rõ ràng sẽ là “Không, anh nghe không đúng!” Nhưng Áp-ra-ham đã nghe đúng.
Sai lầm của tôi là ở chỗ Đức Chúa Trời đang chọn một người đặc biệt, Y-sác, đứa con của lời hứa, để cho chúng ta hiểu một việc xa, xa trong tương lai. Khi ta đọc câu chuyện, ta nhận ra rằng Chúa không có ý định cho Áp-ra-ham dâng tế Y-sác, vì Ngài đã có một con chiên đực sẵn sàng (Sáng Thế Ký 22:13). Nhưng trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ thực sự hy sinh Con Trai của Ngài, Chúa Giê-xu. Và Áp-ra-ham đã được chỉ dẫn để báo trước thông điệp phúc âm đáng kinh ngạc này cho chúng ta – ngay cả khi ông không biết đến lúc đó. Chúa không có đang tạo ra một tiền lệ. Không, Chúa đang cho chúng ta thấy phúc âm đã được hoạch định từ rất lâu trước khi nó xảy ra.
4. Không Thấy Ý Nghĩa Quan Trọng Của Các Trích Dẫn
Khi tôi đọc các thư tín Tân Ước, tôi thường phạm sai lầm trong việc xem các trích dẫn Cựu Ước như những lời trích ngẫu nhiên, không dành nhiều thời gian suy ngẫm về chúng. Nhưng tôi đang bỏ lỡ ý nghĩa quan trọng của chúng, rất nhiều.
Ví dụ, trong 2 Ti-mô-thê 2:17-18, Phao-lô viết về cách Hy-mê-nê và Phi-lê-tô “lệch khỏi lẽ thật.” Nhưng rồi ông trích từ sách Dân Số Ký 16:5, “Chúa biết những kẻ thuộc về Ngài” (2 Ti-mô-thê 2:19). Câu này được trích từ chuyện về cuộc nổi loạn của Cô-rê, khi Đức Chúa Trời phán xét Cô-rê vì đã nổi loạn chống lại Môi-sê. Điều này cung cấp cho ta rất nhiều ngữ cảnh về điều mà Phao-lô cố gắng truyền tải cho Ti-mô-thê về những cựu thành viên rắc rối, kiêu ngạo trong hội thánh của ông.
5. Hiểu Lầm Những Đoạn “Bắt Giò”
Bạn chắc đã đi qua các blog của những người vô thần hung hăng, nơi liệt kê những đoạn khó hiểu trong Kinh Thánh, để thúc đẩy kết luận rằng Đức Chúa Trời tàn bạo cách nào đó. Một trong những đoạn kinh điển để trích là Thi Thiên 137:9 “Phước cho người bắt con nhỏ ngươi, và đập nát chúng trên đá!”. Sau đó họ sẽ lập luận kiểu này: Làm sao Đức Chúa Trời có thể cho phép lời chúc phước cho những người giết trẻ em cách tàn bạo này là một phần trong lời soi dẫn của Ngài? Tôi bị từng bối rối vì đoạn này và những đoạn “bắt giò” khác giống vậy. Vậy nên tôi đã dành thời gian để đọc chúng trong ngữ cảnh (xem điều 1 ở trên).
Khi tôi đã nhìn vào ngữ cảnh, mọi chuyện trở nên rõ hơn nhiều. Ví dụ, câu trên thật ra là trích những câu nói mà người Ê-đôm nói với người Y-sơ-ra-ên khi Đế Quốc Ba-by-lôn đang cướp phá thành Giê-ru-sa-lem. Ngữ cảnh hiện giờ là họ đang bị lưu đày, nhớ đến sự gian ác này, và xin Chúa phán xét công bằng với dân Ê-đôm vì những điều tồi tệ họ đã nói. Đức Chúa Trời không tán thành thái độ này chút nào. Nhưng nó được ghi lại trong Lời Ngài để cho thấy nỗi đau mà dân sự Ngài đã trải qua. Nó thậm chí có làm mẫu cho ta cách xử lý nỗi đau của mình: đó là than khóc lên với Chúa. Không còn “bắt giò” nữa, bạn có nghĩ vậy không?
6. Hiểu Lầm Do Góc Nhìn Lệch Thời Đại

Lỗi lệch thời đại
Chúng ta bị chìm đắm trong văn hóa thế kỷ 21 đến nỗi ta đọc qua lăng kính văn hóa của mình những đoạn văn ở hàng ngàn năm trước.
Ví dụ, những người tiếp xúc với góc nhìn phương Tây qua toàn cầu hóa thường vui mừng với những phân đoạn nói đến tình yêu thương của Chúa cho loài người. Nhưng rồi họ gãi đầu trước những phân đoạn nói đến sự phán xét công bình của Ngài. Bây giờ, lấy những đoạn đó vào văn hóa Hồi Giáo ở Bắc Phi, và điều ngược lại xảy ra. Trong khung cảnh văn hóa này, việc Chúa trừng phạt cách quyết đoán kẻ xấu thấy rất tự nhiên. Nó được đồng cảm. Nhưng các phân đoạn về tình yêu thương của Chúa thấy không phù hợp. Không cái nào là ít đúng hơn; chúng ta cần thừa nhận là mình đến từ những văn hóa khác nhau, đọc ở những thời điểm khác nhau.
7. Quên Mất Sự Đồng Tác Giả Của Kinh Thánh
Trong khi các sách trong Kinh Thánh có những tác giả con người khác nhau – và đôi khi còn có cả người biên tập và tổng hợp – Kinh Thánh cũng được Đức Thánh Linh soi dẫn. Và chúng ta cần nhớ điều này. Vậy nên ta đừng thấy kỳ lạ khi thấy nhiều tầng nghĩa và lớp phức tạp khác nhau khi đọc. Tôi không có ý nói bạn đi quá xa và tìm kiếm các mật mã ở đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng thấy ngạc nhiên trước sự phong phú của các hình tượng báo trước Đấng Christ (xem điều 3 ở trên). Cũng vậy, chúng ta đừng thấy kinh ngạc khi biết rằng phần lớn sách Khải Huyền có nguồn gốc từ Cựu Ước.
Khi đọc các sách trong Kinh Thánh trong bối cảnh của chúng, chúng ta không được quên rằng Đức Chúa Trời soi dẫn mọi từ. Ngài là biên tập viên tối cao của cả bộ sách. Nó nghĩa là chúng ta cần kỳ vọng chiều sâu và kết nối nhiều hơn giữa các sách trong Kinh Thánh so với những gì có thể mong đợi khi chúng chỉ được viết bởi con người.
8. Xem Các Nhân Vật Trong Kinh Thánh Như Các Nhân Vật Hoạt Hình
Khi lần đầu tiên làm quen với những câu chuyện Kinh Thánh khi còn nhỏ, tôi cho rằng những nhân vật trong Kinh Thánh có thể phân ra làm người tốt và kẻ xấu. Vậy nên chúng ta phải học theo người tốt và lên án kẻ xấu. Nhưng góc nhìn hai mặt như hoạt hình này về các nhân vật trong Kinh Thánh này sẽ bỏ qua rất nhiều chuyện lắt léo và các sắc thái phức tạp, những điều rất hữu ích cho chúng ta khi đọc Kinh Thánh.
Chúng ta thấy rằng con người ai cũng có khiếm khuyết và đôi khi đáp lại theo đức tin. Đức Chúa Trời luôn nhẫn nhịn và thể hiện sự thành tín với những người anh hùng đức tin dù họ không làm đúng mọi thứ. Nó cũng cho thấy dù những người “tốt” cũng đi lại với kỹ nữ (như Sam-sôn hay Giu-đa), và sống theo những tập tục văn hóa thông thường như đa thê (như Áp-ra-ham hay Gia-cốp), Đức Chúa Trời không phải là chấp nhận những tập tục này – đặc biệt là khi chúng nghịch lại với những lời dạy khác trong Kinh Thánh.
9. Thiếu Đồng Cảm (Không Hiểu Cảm Xúc Của Người Trong Truyện)

Giô-na, nhà tiên tri không muốn người Ni-ni-ve được tha tội
Khi đọc sách Giô-na lần đầu, tôi đánh giá Giô-na là người có khá ít đức tin, vô cảm, và kỳ thị tôn giáo – tôi chỉ đang bày tỏ suy nghĩ mình, đừng phán xét tôi. Vì Giô-na có vẻ vui mừng khi được Chúa cứu, nhưng ông trở nên nổi giận khi Chúa cứu những người khác. Chỉ là, về sau tôi nhận ra chính mình mới là người đang vô cảm.
Khi tôi cuối cùng cố gắng đặt mình vào vai Giô-na – một thành phần quan trọng của việc đồng cảm – tôi nhìn thế giới theo góc nhìn của Giô-na hơn chút. Theo các ghi chép lịch sử, người A-si-ri rất tàn bạo với những người họ chinh phạt. Vậy nên dân Y-sơ-ra-ên phải chịu rất nhiều đau khổ dưới tay họ. Nếu tôi đã hiểu rằng sứ vụ của Giô-na giống như một người Do Thái thập niên 1930 bị nói đi kêu gọi người Đức Quốc Xã ở Berlin ăn năn, tôi sẽ đồng cảm hơn rất nhiều với những cảm xúc và cách phản ứng của ông ta.
10. Quên Mất Vai Trò Của Những Người Biên Tập
Các sách trong Kinh Thánh được biên soạn từ những bản thảo rời rạc và đôi khi người biên tập sắp xếp chúng theo cách không giống với ưu tiên của chúng ta ở những thế kỷ sau. Cách tập hợp khác biệt này giải thích tại sao đôi khi ta thấy khó khăn trong việc hòa hợp các sách Phúc Âm, hay việc hiểu tại sao các sự kiện lại hiện ra theo thứ tự khác nhau – thứ tự thời gian là một đặc tính của sách tiểu sử hiện đại nhưng không quan trọng ở thế kỷ thứ nhất.
Ví dụ, bạn sẽ thấy khi đọc các sách Phúc Âm, những chuyện dụ ngôn được đặt cạnh nhau vì chúng có cùng chung chủ đề, không phải vì Chúa Giê-xu thực sự dạy chúng theo thứ tự đó. Chúng ta cũng thấy vai trò của các biên tập viên trong sách Các Vua và Sử Ký, khi những sự kiện giống nhau được trình bày ở những góc nhìn biên tập hơi khác nhau.
Tổng Kết
Hy vọng là bạn có thể thấy rằng việc học cách đọc Kinh Thánh tốt cũng đòi hỏi kỹ năng. Nó cần thời gian. Nhưng nó xứng đáng để ta dành tất cả những nỗ lực đó. Ta sẽ có trải nghiệm đọc phong phú hơn nhiều nếu ta học cách tránh những lỗi thông thường này như tôi đang làm.
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: TheGospelCoaliton
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com