Chúa Giê-xu không bao giờ thúc ép ai phải tin Ngài
Nếu bạn để ý, bạn sẽ nhận thấy Chúa Giê-xu không bao giờ ép buộc bất kỳ ai phải tin Ngài. Ngài có đối đáp với các nhà lãnh đạo Do Thái khi họ tấn công lẽ thật của Đức Chúa Trời, Luật-pháp của Ngài hoặc các môn đồ Ngài, nhưng ngoài ra, Ngài không bao giờ tranh luận để cố thuyết phục bất kỳ ai vào Vương-quốc. Thay vào đó, Ngài chỉ nhắc lại những gì người Do Thái nên biết, rằng chính Ngài là Đấng Mê-si đã được tiên tri từ lâu. Khi họ liên kết các phép lạ của Chúa Giê-xu với công việc của Sa-tan, thì Ngài đã cảnh báo họ về việc vượt qua ranh giới đó là phạm thượng với Đức Thánh Linh, là tội không thể tha thứ.
Họ đã chứng kiến những phép lạ của Ngài, họ biết Ngài xuất thân từ dòng vua Đa-vít, họ hiểu Ngài thuộc chi phái Giu-đa nhưng họ vẫn cứng lòng trước lẽ thật Ngài chính là Đấng Mê-si của họ, do đó họ không có lý do gì để bào chữa. Giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa đã ghen tị với địa vị của Môi-se và A-rôn, Chúa Giê-xu biết “bởi lòng đố kỵ nên họ đã nộp Ngài” (Ma-thi-ơ 27:18).
Sự ngu dại của việc tranh luận vô bổ
Chúa Giê-xu cảnh báo những môn đồ Ngài phải cẩn thận với những người mà họ truyền đạt lẽ thật vì ‘những kẻ thù của thập tự giá’ không thực sự muốn tranh luận để các Cơ Đốc nhân chứng minh Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế hoặc Đức Chúa Trời có thật. Họ chỉ tìm kiếm một cuộc tranh luận vì mục đích gây rối loạn, do đó Chúa Giê-xu phán “Đừng cho chó những vật thánh, cũng đừng ném ngọc trai cho heo, e chúng chà đạp dưới chân, và quay sang cắn xé các con chăng” (Ma-thi-ơ 7:6).
Nếu ai đó yêu cầu bạn chứng minh sự tồn tại của Đức Chúa Trời, bạn không cần phải làm theo lời thách thức của họ. Họ chỉ muốn tranh luận để tự nâng mình lên và hạ người khác xuống, mặc dù con người không thể chứng minh Đức Chúa Trời không tồn tại, vì vậy Sa-lô-môn đề xuất “Đừng đáp lời kẻ ngu dại như sự ngu dại của nó, kẻo chính con cũng giống nó chăng” (Châm-ngôn 26:4).
Nếu bạn bắt đầu tranh luận với những người vô tín và tấm lòng của họ vốn đã cứng cỏi, họ sẽ quay sang chống lại bạn, bất kể lý luận của bạn mạnh mẽ đến mức nào. Đừng hạ mình xuống ngang hàng với họ và “Đừng nói vào tai kẻ ngu dại, vì nó sẽ coi khinh lời lẽ khôn ngoan của con” (Châm-ngôn 23:9), ngay cả khi bạn có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời; nên “Hãy tránh xa kẻ ngu dại, vì con chẳng học được tri thức nơi môi miệng nó” (Châm-ngôn 14:7).
Không có lời bào chữa nào cho những người vô tín
Nếu chúng ta hiểu rằng những người vô thần thực sự không muốn được chứng minh Chúa tồn tại để họ có thể có thêm sự hiểu biết về Chúa nhưng “dùng sự gian ác mà áp chế chân lý” (Rô-ma 1:18b) “Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được” (Rô-ma 1:19-20). Mặc dù “đã biết Đức Chúa Trời, họ vẫn không chịu tôn cao Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài, nhưng cứ suy luận viển vông; lòng dạ ngu muội của họ trở nên tăm tối” (Rô-ma 1:21).
Vậy nên, thật vô nghĩa khi tranh luận với một người thực sự biết Chúa tồn tại nhưng lòng họ không muốn chấp nhận điều đó.
Tránh việc cải lẫy và tranh luận
Tân Ước cũng chứa đầy những lời khuyên không nên tranh luận với những người vô tín, “Nếu có ai muốn tranh luận thì đó không phải là thói quen của chúng tôi; các Hội Thánh của Đức Chúa Trời cũng không có thói quen ấy nữa” (1 Cô-rinh-tô 11:16).
Các Cơ Đốc nhân phải “tránh những lời nhảm nhí phàm tục; vì những kẻ ăn nói như thế sẽ càng ngày càng tiến sâu vào con đường không tin kính, và lời nói của họ như chứng hoại thư lây lan… họ đi chệch khỏi chân lý khi nói rằng sự sống lại đã qua rồi. Họ làm đảo lộn đức tin của một số người” (2 Ti-mô-thê 2:16-18) và vì vậy “Đầy tớ của Chúa không được ham tranh cãi, nhưng phải thân thiện với mọi người” (2 Ti-mô-thê 2:24).
Tất cả những gì chúng ta có thể làm là cầu nguyện “Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý, và tỉnh ngộ để thoát khỏi cạm bẫy của ma quỷ, vì họ đã bị ma quỷ bắt giữ để làm theo ý nó” (2 Ti-mô-thê 2:25-26). Chúng ta chỉ cần “nhắc nhở họ những điều nầy; trước mặt Đức Chúa Trời, hãy khuyến cáo họ phải tránh sự tranh cãi về chữ nghĩa, đó là điều vô bổ, chỉ làm tổn hại cho người nghe mà thôi” (2 Ti-mô-thê 2:14) để “tránh những cuộc tranh cãi dại dột, những vấn đề gia phả, những sự bất hòa và những tranh luận về luật pháp; vì những điều nầy đều vô ích và chẳng có giá trị gì” (Tít 3:9).
Sứ-đồ Phao-lô đã dành nhiều thời gian để giao lưu với những người không tin Chúa, như người Hy Lạp, và ông đặt câu hỏi, “Người khôn ngoan ở đâu? Các thầy thông giáo ở đâu? Những người biện luận của đời nầy ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ sao?” (1 Cô-rinh-tô 1:20). Mặc dù điều này không liên quan đến sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, nhưng nguyên tắc vẫn như vậy, đó là chúng ta phải “tránh những lời nhảm nhí phàm tục và các cuộc tranh cãi về những điều nhầm tưởng là ‘tri thức’, vì muốn có thứ tri thức đó mà có người đã đánh mất đức tin” (1 Ti-mô-thê 6:20-21).
Đừng tranh luận với những người vô tín, vô thần vì chưa từng có ai nhờ tranh luận thắng mà đưa được người ta lên thiên đàng. Đó không phải là cách Đức Chúa Trời cứu rỗi con người. Chúng ta có thể thắng một cuộc tranh luận nhưng lại mất cơ hội làm chứng. Tôi thà thua một cuộc tranh luận và thắng một linh hồn còn hơn thắng một cuộc tranh luận và vuột mất linh hồn đó.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: whatchristianswanttoknow.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com