“Tất cả tín hữu đều hiệp lại với nhau và lấy mọi vật làm của chung.”(Công-vụ 2:44)
Một trong những điểm thu hút lớn nhất của Hội Thánh sơ khai trong mắt người ngoại là lối sống cộng đồng của họ. Điều gì đã gắn kết những con người từ mọi tầng lớp này lại với nhau—người Hy Lạp hay người Do Thái, người nhận cắt bì hay không nhận cắt bì, người dã man, người Sy-the, người nô lệ hay tự do (Cô-lô-se 3:11)? Câu trả lời là Chúa Giê-xu Christ. Không có lời giải thích nào tốt hơn cho sự chung sống hòa bình của những Cơ Đốc Nhân này ngoài Ngài.
Từ những ngày đó cho đến nay, Hội Thánh luôn được gắn kết trong một mối tương giao độc đáo với nhiều điểm chung. Đầu tiên là đức tin chung. Hội Thánh sơ khai không nhóm lại trên cơ sở dân tộc, trình độ học vấn, sở thích hay bất kỳ điều gì khác; thay vào đó, họ có chung một đức tin nơi Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa của họ. Ngày nay, Tiệc Thánh vẫn là một biểu hiện hùng hồn của sự hiệp nhất này; có một ổ bánh bẻ ra và một chén để chúng ta cùng chia sẻ như một thân thể. Chúa Giê-xu là Bánh sự sống, là Đấng nuôi dưỡng và gắn kết chúng ta.
Thứ hai, chúng ta có một gia đình chung. Khi chúng ta tin Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của mình, chúng ta được chào đón vào gia đình của Ngài cùng với những tín hữu khác, có cùng một Cha trên trời. Mối quan hệ gia đình này vượt qua cả mối quan hệ gia đình trên đất, vì gia đình đức tin tồn tại đời đời. Vì vậy, chúng ta nên chăm lo cho lợi ích của anh chị em thuộc linh của mình. Đối với chúng ta là những tín hữu, việc không yêu thương nhau không chỉ đáng buồn mà còn mâu thuẫn với đức tin mà chúng ta tuyên xưng vì: “Ai yêu thương Đức Chúa Trời thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1 Giăng 4:21).
Thứ ba, nhờ ân điển Chúa, Hội Thánh chân chính cũng trải nghiệm cùng một cảm xúc. Chúng ta thấy một phiên bản nhỏ hơn của điều này tại các sự kiện thể thao: mỗi người hâm mộ đều khác nhau, nhưng họ cùng nhau chia sẻ một cảm xúc, niềm tin và mục tiêu chung. Đôi khi họ cùng vui về một thành quả nào đó và đôi khi họ cùng buồn về một thất bại nào đó. Tương tự như vậy, là thành viên của một gia đình, chúng ta chia sẻ niềm vui, sự bình an, cũng như những cay đắng ngọt bùi của nhau. Như Phao-lô đã nói, “Nếu một chi thể nào bị đau thì tất cả đều cùng đau; nếu một chi thể nào được tôn trọng thì tất cả đều cùng vui mừng” (1 Cô-rinh-tô 12:26). Phao-lô nói về Hội Thánh như một thân thể: là những người tin Chúa, chúng ta khác nhau, và chúng ta có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, vì vậy chúng ta tạo nên một thân thể hoạt động tốt hơn khi làm việc cùng nhau thay vì tách biệt. Những hạn chế và nhược điểm của tôi được bổ sung bởi những thế mạnh của bạn, và ngược lại.
Gia đình nào mà không có lúc bất đồng ý kiến và xảy ra tranh cãi, hơn nữa vì chúng ta đều là tội nhân; thật dễ để quên mất đặc ân được làm dân sự của Chúa. Lần cuối cùng bạn cảm ơn Cha vì gia đình hội thánh của mình là khi nào? Lần cuối cùng bạn ngắm nhìn những người anh chị em của mình nhóm nhau lại vào ngày Chúa Nhật và cho phép bản thân được nâng đỡ khi biết rằng đây chính là gia đình của bạn, là nơi bạn thuộc về?
Thế giới của chúng ta, cũng giống như thời các sứ đồ, đầy rẫy sự chia rẽ và cô đơn. Con người bị tan vỡ, sợ hãi và lạc lối. Nhưng chúng ta, thân thể hiệp nhất của Đấng Christ, có thể mang đến cho thế giới này một mối thông công sâu sắc và một tương lai vĩnh cửu, tràn đầy hy vọng. Bạn có cơ hội trở thành chính đôi tay và đôi chân của Cha trên trời, vươn tới mọi người và thay đổi đời sống của họ khi bạn mời họ vào gia đình của Ngài. Bạn sẽ nắm bắt cơ hội đó chứ?
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: truthforlife.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com