Người ta hay nói “thấy rồi mới tin”, như cách sứ đồ Thô-ma Hoài Nghi nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin”. Tám ngày sau, Chúa Giê-xu hiện ra giữa các sứ đồ và bảo: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!”. Việc này đã hoàn toàn thuyết phục Thô-ma, ông nói “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!”. Rồi Chúa Giê-xu nói: “Có phải vì thấy Ta nên con tin chăng? Phước cho những người không thấy mà tin!” (Giăng 20:25-29)
Nhiều người vô thần nói “không thấy mà tin” là thật thiếu logic và dễ dụ. Nhưng nói vậy là sai định nghĩa chữ “tin”, đã “thấy” rồi thì còn gì phải “tin” nữa? Sau đây là định nghĩa và đặc điểm của chữ tin, vì sao nói thấy rồi mới tin là sai, thậm chí có khi là quá muộn, và tại sao Chúa lại đòi hỏi phải tin nhận trước khi thấy.
I. Tin Là Gì?

Theo Tri Thức Học (Epistemology), tin là thái độ chủ quan của một người về một vấn đề là đúng hay sai, thật hay không [1]. Trong tiếng Hoa, chữ tin là tín (信), ghép từ chữ người (亻) và nói (言), chỉ điều ai đó nói. Trong tiếng Anh, tin là believe, gốc từ chữ cổ galaub, ghép từ ga (rất) và leubh (quan tâm, yêu quý) [2]; còn có từ khác là faith, từ gốc Latin là fides (tin tưởng). Vậy tin là những điều ta chưa thấy, chỉ mới nghe nói hay nghĩ đến, nhưng lại rất quan tâm, yêu thích, tin tưởng. Nói như Kinh Thánh là: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1) – Tin là điều ta chưa thấy nhưng trông mong và biết chắc vững vàng rằng mình sẽ đạt được. Khi một em bé nói “Ba cháu sẽ đến đón cháu”, đó là niềm tin thể hiện sự tin tưởng, quan tâm, yêu quý, trông mong, biết chắc vững vàng của em, và là bằng chứng cho điều mà em chưa thấy.
“Thấy” là những điều đã rõ ràng trong thực tế mà ta chứng kiến. Khi em bé trên “thấy” ba, thì em chẳng còn tin gì nữa, vì đó đã là thực tế rõ ràng.
Tại sao lại cần có sự tin? Sao ta không chỉ tập trung vào những điều mình thấy? Đó là vì thế giới này đầy những chuyện ta chưa biết, chuyện sẽ xảy ra, hay chuyện có thể xảy ra nếu ta hành động. Tin giúp ta ước lượng, tính toán, và hành động để đạt được tương lai mình mong muốn. Khi em bé trên chưa “thấy” ba mình, niềm tin giúp em bình tĩnh vui chơi với bạn bè khi chờ đợi.
II. Vì Sao Nói Thấy Rồi Mới Tin Là Sai, Và Có Khi Là Quá Muộn?
Khi nói “thấy rồi tin”, người ta hay nghĩ đến việc thực nghiệm, như thực nghiệm dùng lăng kính của Isaac Newton để chứng minh ánh sáng trắng mặt trời là tổng hợp của các màu cầu vồng [3]. Đây là tư duy thực nghiệm, tức dùng thực nghiệm để chứng minh điều mình tin và bác bỏ những niềm tin đối nghịch. Và khi thấy thực nghiệm ra khác điều mình tin thì ta phải thay đổi nó.

Nhưng hãy để ý, tại sai Newton lại làm thực nghiệm này? Vì ông tin rằng ánh sáng mặt trời là tổng hợp của các màu cầu vồng và tìm cách chứng minh nó, không phải vì ông đã thấy. Việc thực nghiệm chỉ là để xác nhận điều mình đã tin và chứng minh những điều đối nghịch là sai. Có nghĩa là ông “tin, thực nghiệm, rồi thấy”, chứ không phải “thấy rồi tin”.
Và thực tế đầy những việc ta phải quyết định tin hay không tin trước khi thấy. “Tin, thực nghiệm, rồi thấy”, còn không làm sẽ không thấy, hoặc đến khi thấy thì đã quá muộn. Nếu Isaac Newton chỉ tin mà không làm gì thì ông sẽ không bao giờ thấy. Hay giả sử ta chơi chứng khoán và nghe tin cổ phiếu Apple sắp lên giá. Ta tin thì mua, không tin thì bỏ qua. Sau này, nếu cổ phiếu Apple lên giá thật, ai tin mua thì có lời, ai đợi thấy mới tin thì đã quá muộn. Thậm chí có khi không tin về sau sẽ bị nguy hiểm. Như giả sử ta đi khám, bác sĩ nói bị ung thư, chữa sớm sẽ khỏi. Ta tin và chữa thì có thể khỏi. Không tin, không chữa, bệnh ra di căn sẽ chẳng thể cứu chữa.
Tất nhiên không phải điều gì ai tin cũng thành sự thật. Khi điều ta tin mà không thành sự thật thì nó là niềm tin vô ích, và mọi thời gian tiền bạc đổ vào nó sẽ ra vô ích. Như mua cổ phiếu Enron rồi nó phá sản, hay cố chữa bệnh ung thư khi nó đã di căn… là phí tiền vô ích.
Vậy nên nói phải thấy rồi mới tin là sai logic và sai định nghĩa. Niềm tin là những gì ta chưa thấy nhưng quan tâm, yêu thích, tin tưởng… Nó mang tính cá nhân nên mọi người tin đủ thứ khác nhau: có người tin theo bác sĩ này người theo bác sĩ kia, người mua mã chứng khoán này người mua mã khác, và có người tin thần này người tin thần khác, cũng có người tin vô thần.
Dù mỗi người tin mỗi kiểu như vậy, ta vẫn phải nghiêm túc chọn lựa điều mình tin. Vì phải tin, phải làm, ta mới gặt hái kết quả tốt khi niềm tin đó đúng. Không tin, không làm gì, đến lúc thấy có khi đã quá muộn, thậm chí còn gặp nguy hiểm. Nhưng tin điều vô ích thì sẽ phí thời gian tiền bạc vô ích. Vậy nên trong đời sống thường ngày, kinh doanh, chứng khoán, hay cả trong số phận đời sau, biết chọn đúng điều để tin là điều kiện để thành công, còn chọn sai là phí công vô ích.
Để chọn niềm tin đúng, nhiều khi ta phải biết gạt bỏ cái tôi của mình, mở rộng những điều mình quan tâm, và đánh giá lại những điều mình yêu thích hay tin tưởng. Cố chấp tin điều sai lạc chỉ hao tốn thời gian tiền bạc cách vô ích, và có khi còn gặp tai họa. Biết mở lòng thay đổi điều mình tin trước những thông tin mới về thực tế hay khi gặp điều tốt hơn là linh hoạt và khôn ngoan.
II. Vì Sao Chúa Lại Yêu Cầu Phải Tin Trước Khi Thấy
Chúa Giê-xu nói “Phước cho những người không thấy mà tin!” (Giăng 20:29) Người vô thần nói như vậy thật vô lý dễ dụ, nhưng theo định nghĩa sự tin rồi, ta thấy Chúa nói hoàn toàn logic.
Rồi tất cả thế gian sẽ thấy Chúa. Khải Huyền 19:11-20:6 nói đến ngày Chúa Giê-xu quay lại, Ngài sẽ hiện ra giữa các tầng trời và tiêu diệt liên quân các vua trên đất hợp lại để chống lại cuộc xâm lược của “người ngoài hành tinh” này. Rồi Chúa sẽ cai trị thế giới 1000 năm – nước nào không vâng phục sẽ không có mưa (Xa-cha-ri 14:17). Những ai tin nhận Chúa sẽ được phục sinh, được ban cho thân thể mới đẹp đẽ bất diệt như thiên sứ (Khải Huyền 19:10, 22:8-9), và được đồng cai trị thế gian với Ngài (Khải Huyền 20:4). Thật là phước hạnh tuyệt vời.

Ảnh minh họa Chúa Giê-xu quay lại cai trị thế gian, và các thánh sẽ đồng cai trị với Ngài trong thân thể mới vinh hiển như thiên sứ (Khải Huyền 19:11-20:6)
Khi thấy những điều này, hẳn các tỷ phú như Bill Gate hay Jeff Bezos sẵn sàng bỏ hết tài sản của mình để được vào dân Chúa và hưởng những gì Chúa ban. Rõ ràng chúng đáng giá hơn hàng trăm tỷ USD, thậm chí hơn cả thế gian này – “Nếu người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26). Nhưng lúc đó đã quá trễ, đợi thấy rồi mới tin là đã quá muộn để tin nhận sự cứu chuộc của Ngài. Lúc đó ai chưa tin sẽ mãi là con người xác thịt, không được sống đời đời, và rồi phải chịu phán xét.
Việc phải tin trước khi được thấy là ý định khôn ngoan của Chúa. Kinh Thánh nói:
“Giờ sắp đến và đã đến rồi, khi những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm.” (Giăng 4:24)
“Đức Giê-hô-va từ trên trời nhìn xuống con cái loài người, Để xem có ai khôn ngoan, Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng.” (Thi Thiên 14:2)
Chúa tìm kiếm những người thờ phượng Ngài bằng tâm linh và chân lý, là những người tìm kiếm Ngài, chứ không muốn người ta đến với Ngài chỉ để hưởng phước. Và điều ta tin là những gì ta tin tưởng, quan tâm, yêu thích, dù mới nghe còn chưa thấy. Vậy nên Chúa yêu cầu chọn lựa qua niềm tin để tìm ra được những ai tin tưởng, quan tâm, yêu mến Ngài thật lòng, chứ không phải đến với Ngài chỉ để hưởng phước.
Tổng Kết
Bởi định nghĩa, “tin” là điều ta chưa thấy nhưng trông mong và biết chắc vững vàng rằng mình sẽ đạt được (Hê-bơ-rơ 11:1), điều ta rất quan tâm, yêu thích, tin tưởng. “Tin” khác với “thấy” là những điều đã rõ ràng trong thực tế mà ta chứng kiến. Vậy nên nói “phải thấy rồi mới tin” là sai logic và sai định nghĩa, đã “thấy” rồi thì còn gì để “tin” nữa. Thực tế thì ta phải “tin, làm, rồi mới thấy”, nhiều khi không tin, không làm, sẽ không thấy, và có khi đợi tới lúc thấy đã quá muộn. Cũng có những niềm tin vô ích, sai thực tế nên mọi công sức tiền bạc đổ vào nó đều vô ích.
Vì điều ta tin là điều ta chưa thấy, mang tính cá nhân, theo sự quan tâm, yêu thích, tin tưởng… nên mọi người tin đủ thứ khác nhau. Dẫu vậy, ta vẫn phải nghiêm túc chọn lựa điều mình tin vì phải tin điều đúng mới có thể gặt hái thành quả, còn tin điều sai là vô ích và có khi còn dẫn ta vào nguy hiểm. Ta phải biết gạt bỏ cái tôi, mở lòng, xem xét thực tế để chọn điều tốt nhất mà tin.
Vì niềm tin mang tính cá nhân, thể hiện sự quan tâm, yêu thích, tin tưởng, Đức Chúa Trời đòi hỏi con người nhận sự cứu chuộc của Ngài bởi đức tin để tìm kiếm những người tìm kiếm Ngài (Thi Thiên 14:2), yêu quý Ngài, và thờ phượng Ngài bằng tâm linh và lẽ thật (Giăng 4:24). Rồi tất cả sẽ thấy Chúa khi Ngài quay lại (Khải Huyền 19:11-20:6), hay sau khi chết linh hồn lên gặp Ngài (Truyền Đạo 12:7). Nhưng lúc đó đã quá muộn, không được tin nhận Ngài nữa, chỉ còn sự phán xét.
Nhưng giữa vô số điều để tin chưa thấy được, làm sao ta đánh giá để chọn tin được điều tốt nhất? Giữa vô số các niềm tin thần thánh hay vô thần, làm sao ta đánh giá chọn tin để gởi gắm số phận đời đời của mình? Hãy đón xem phần sau: Làm sao để chọn lựa điều để tin, và so sánh việc tin Đấng Christ với các niềm tin khác.

Richard Huynh
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Bài Tham Khảo
1. Belief – Epistemology
https://en.wikipedia.org/wiki/Belief
2. Belief – Etymology
https://www.etymonline.com/word/belief
3. Newton’s prism experiment
https://www.cabinet.ox.ac.uk/newtons-prism-experiment-0